Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
HỮU DƯ Y NIẾT BÀN
1. “Thưa ngài Nāgasena, đức Thế Tôn đã đạt đến bản thể Toàn Tri sau khi thiêu đốt tất cả pháp bất thiện, hay là đã đạt đến bản thể Toàn Tri khi pháp bất thiện còn dư sót.”
“Tâu đại vương, đức Thế Tôn đã đạt đến bản thể Toàn Tri sau khi thiêu đốt tất cả pháp bất thiện. Không có pháp bất thiện còn dư sót ở đức Thế Tôn.”
“Thưa ngài, phải chăng các thọ khổ trước đây đã khởi lên ở cơ thể của đức Như Lai?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Ở Rājagaha, bàn chân của đức Thế Tôn đã bị cắt đứt bởi miểng đá, cơn bệnh xuất huyết đã phát khởi, khi cơ thể bị tiết ra chất dơ Jīvaka đã cho sử dụng liều thuốc xổ, khi cơn bệnh gió phát khởi vị trưởng lão thị giả đã tìm kiếm nước nóng.”
2. “Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai đã đạt đến bản thể Toàn Tri sau khi thiêu đốt tất cả pháp bất thiện, như thế thì lời nói rằng: ‘Bàn chân của đức Thế Tôn đã bị cắt đứt bởi miểng đá, cơn bệnh xuất huyết đã phát khởi’ là sai trái. Nếu bàn chân của đức Như Lai đã bị cắt đứt bởi miểng đá, cơn bệnh xuất huyết đã phát khởi, như thế thì lời nói: ‘Đức Như Lai đã đạt đến bản thể Toàn Tri sau khi thiêu đốt tất cả pháp bất thiện’ cũng là sai trái. Thưa ngài, không có cảm thọ tách rời khỏi nghiệp, tất cả cảm thọ ấy có gốc rễ ở nghiệp, được cảm nhận chỉ do nghiệp. Câu hỏi này có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
3. “Tâu đại vương, không hẳn tất cả cảm thọ ấy có gốc rễ ở nghiệp. Tâu đại vương, các cảm thọ sanh lên do tám lý do, do các lý do ấy chúng sanh phàm phu cảm nhận các thọ. Do tám lý do nào? Tâu đại vương, một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là gió; tâu đại vương —(như trên)— có nguồn sanh khởi là mật; tâu đại vương —(như trên)— có nguồn sanh khởi là đàm; tâu đại vương —(như trên)— có liên quan đến sự tụ hội (của gió, mật, đàm); tâu đại vương —(như trên)— do sự thay đổi của mùa tiết; tâu đại vương —(như trên)— do sự sinh hoạt không đều đặn; tâu đại vương —(như trên)— có liên quan đến việc ra sức; tâu đại vương một số cảm thọ sanh lên do quả thành tựu của nghiệp. Tâu đại vương, do tám lý do này chúng sanh phàm phu cảm nhận các thọ. Ở đây, những chúng sanh nào nói rằng: ‘Nghiệp đày đọa các chúng sanh,’ những người ấy phủ nhận lý do. Lời nói ấy của những người ấy là sai trái.
4. “Thưa ngài Nāgasena, việc có liên quan đến gió, việc có liên quan đến mật, việc có liên quan đến đàm, việc có liên quan đến sự tụ hội (của gió, mật, đàm), việc do sự thay đổi của mùa tiết, việc do sự sinh hoạt không đều đặn, việc có liên quan đến việc ra sức, tất cả các việc ấy có nguồn sanh khởi cũng ở nghiệp, tất cả các việc ấy tạo thành cũng do nghiệp.”
“Tâu đại vương, nếu tất cả các bệnh tật ấy có nguồn sanh khởi chỉ là nghiệp, thì chúng không có các đặc điểm để phân loại. Tâu đại vương, gió trong khi bị rối loạn thì bị rối loạn theo mười cách: do lạnh, do nóng, do đói, do khát, do ăn quá độ, đo đứng, do tinh tấn, do chạy, do việc ra sức, do quả thành tựu của nghiệp. Trong số đó, có chín cách sanh lên không ở quá khứ, không ở vị lai, mà ở bản thể hiện tại. Vì thế, không nên nói rằng: ‘Tất cả các thọ có sự tạo thành do nghiệp.’
Tâu đại vương, mật trong khi bị rối loạn thì bị rối loạn theo ba cách: do lạnh, do nóng, do vật thực không đều. Tâu đại vương, đàm trong khi bị rối loạn thì bị rối loạn theo ba cách: do lạnh, do nóng, do thức ăn thức uống. Tâu đại vương, cái nào là gió, cái nào là mật, cái nào là đàm, sau khi bị rối loạn do các sự rối loạn bởi chúng, sau khi có sự trộn lẫn thì kéo theo thọ của từng cái một. Tâu đại vương, thọ do sự thay đổi của mùa tiết sanh lên do sự thay đổi của mùa tiết, thọ do sự sinh hoạt không đều đặn sanh lên do sự sinh hoạt không đều đặn. Tâu đại vương, thọ có liên quan đến việc ra sức thì có cái do hành động, có cái do quả thành tựu của nghiệp. Thọ sanh lên do quả thành tựu của nghiệp sanh lên do nghiệp đã làm trước đây. Tâu đại vương, như thế do quả thành tựu của nghiệp thì ít, phần còn lại thì nhiều hơn. Ở đây, những kẻ ngu vượt quá (khi cho rằng): ‘Tất cả đều do quả thành tựu của nghiệp;’ thiếu đi trí tuệ của đức Phật không thể thực hiện việc xác định đối với nghiệp ấy.
Tâu đại vương, hơn nữa việc bàn chân của đức Thế Tôn đã bị cắt đứt bởi miểng đá, cảm thọ ấy không có nguồn sanh khởi là gió, không có nguồn sanh khởi là mật, không có nguồn sanh khởi là đàm, không có liên quan đến sự tụ hội (của gió, mật, đàm), không do sự thay đổi của mùa tiết, không do sự sinh hoạt không đều đặn, không do quả thành tựu của nghiệp, chỉ có liên quan đến việc ra sức. Tâu đại vương, bởi vì Devadatta đã buộc oan trái với đức Như Lai nhiều trăm ngàn kiếp sống. Do sự oan trái ấy, kẻ ấy đã cầm lấy hòn đá to nặng rồi buông ra (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ làm cho rơi ở đỉnh đầu.’ Khi ấy, có hai tảng đá khác đã tiến đến hứng chịu hòn đá ấy khi còn chưa chạm vào đức Như Lai. Do sự va chạm của chúng, có miểng đá bị bể đã rơi vào bàn chân của đức Thế Tôn và làm chảy máu. Tâu đại vương, thọ ấy nảy sanh đến đức Thế Tôn hoặc là do quả thành tựu của nghiệp hoặc là do hành động; không có thọ khác ở trên việc ấy.
Tâu đại vương, giống như hạt giống không nẩy mầm hoặc là do tính chất tồi tệ của thửa ruộng, hoặc là do tính chất tồi tệ của hạt giống. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ấy thọ ấy nảy sanh đến đức Thế Tôn hoặc là do quả thành tựu của nghiệp hoặc là do hành động; không có thọ khác ở trên việc ấy.
Tâu đại vương, hoặc là giống như vật thực trở nên lổn cổn hoặc là do tính chất tồi tệ của bao tử, hoặc là do tính chất tồi tệ của thức ăn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ấy thọ ấy nảy sanh đến đức Thế Tôn hoặc là do quả thành tựu của nghiệp hoặc là do hành động; không có thọ khác ở trên việc ấy.
Tâu đại vương, hơn nữa đối với đức Thế Tôn không có thọ do quả thành tựu của nghiệp, không có thọ do sự sinh hoạt không đều đặn. Đối với đức Thế Tôn, thọ sanh lên do các nguồn sanh khởi còn lại. Hơn nữa, không thể đoạt lấy mạng sống đức Thế Tôn bởi thọ ấy. Tâu đại vương, các thọ được ưa thích hay không được ưa thích, tốt hay xấu, rơi xuống ở thân tứ đại này. Tâu đại vương, ở đây cục đất được ném lên không trung thì rơi xuống đại địa cầu. Tâu đại vương, phải chăng cục đất ấy rơi xuống đại địa cầu do nghiệp đã làm trước đây?”
5. “Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, không có nhân ấy ở đại địa cầu, mà do nhân ấy đại địa cầu nhận chịu quả thành tựu thiện hay bất thiện. Thưa ngài, cục đất ấy rơi xuống đại địa cầu do nhân hiện tại không có liên quan đến nghiệp.”
“Tâu đại vương, đại địa cầu là như thế nào thì đức Như Lai nên được xem xét như vậy. Giống như cục đất rơi xuống đại địa cầu không do nghiệp đã làm trước đây, tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với đức Như Lai miểng đá ấy đã rơi xuống ở bàn chân không do nghiệp đã làm trước đây. Tâu đại vương, vả lại ở đây con người cắt xẻ và đào xới đại địa cầu, tâu đại vương, phải chăng con người cắt xẻ và đào xới đại địa cầu do nghiệp đã làm trước đây?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế ấy miểng đá nào đã rơi xuống ở bàn chân của đức Thế Tôn, miểng đá ấy đã rơi xuống ở bàn chân của đức Thế Tôn không do nghiệp đã làm trước đây. Tâu đại vương, còn cơn bệnh xuất huyết đã phát khởi đến đức Thế Tôn, cơn bệnh ấy đã phát khởi không do nghiệp đã làm trước đây, nó đã phát khởi có liên quan đến chính sự tụ hội (của gió, mật, đàm). Tâu đại vương, mọi cơn bệnh thuộc về thân đã phát khởi ở đức Thế Tôn, chúng đã không sanh ra do nghiệp, mà đã được sanh ra từ nguồn sanh khởi nào đó trong số sáu nguồn sanh khởi. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở lời giải thích cho Moliyasīvaka ở đoạn Varalañchaka (Dấu Ấn Cao Quý) thuộc Saṃyuttanikāya (Tương Ưng Bộ) rằng:
‘Này Sīvaka, ở đây, một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là mật. Này Sīvaka, tự bản thân nên biết về điều này là một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là mật. Này Sīvaka, ngay cả đối với thế gian điều này cũng được chấp nhận là sự thật rằng một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là mật. Này Sīvaka, về điều này những Sa-môn, Bà-la-môn nào có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Bất cứ điều gì mà người nam này cảm giác được, là lạc, hay là khổ, hay là không khổ không lạc, tất cả điều ấy có nhân là việc đã làm trong quá khứ,’ họ vượt quá điều đã được tự mình biết, họ vượt quá điều đã được chấp nhận là sự thật ở thế gian. Vì thế, Ta nói rằng: ‘Điều sai trái thuộc về các Sa-môn, Bà-la-môn ấy.’ Này Sīvaka, ở đây, một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là đàm. Này Sīvaka —(như trên)— có nguồn sanh khởi là gió. Này Sīvaka —(như trên)— có nguồn sanh khởi là sự tụ hội (của gió, mật, đàm). Này Sīvaka —(như trên)— do sự thay đổi của mùa tiết. Này Sīvaka —(như trên)— do sự sinh hoạt không đều đặn. Này Sīvaka —(như trên)— có liên quan đến việc ra sức. Này Sīvaka một số cảm thọ sanh lên do quả thành tựu của nghiệp. Này Sīvaka tự bản thân nên biết về điều này là một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là quả thành tựu của nghiệp. Này Sīvaka, ngay cả đối với thế gian điều này cũng được chấp nhận là sự thật rằng một số cảm thọ sanh lên có nguồn sanh khởi là quả thành tựu của nghiệp. Này Sīvaka, về điều này những Sa-môn, Bà-la-môn nào có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Bất cứ điều gì mà người nam này cảm giác được, là lạc, hay là khổ, hay là không khổ không lạc, tất cả điều ấy có nhân là việc đã làm trong quá khứ,’ họ vượt quá điều đã được tự mình biết, họ vượt quá điều đã được chấp nhận là sự thật ở thế gian. Vì thế, Ta nói rằng: ‘Điều sai trái thuộc về các Sa-môn, Bà-la-môn ấy.’
Tâu đại vương, như thế không hẳn tất cả các thọ sanh ra do quả thành tựu của nghiệp. Tâu đại vương, sau khi thiêu đốt tất cả pháp bất thiện, đức Thế Tôn đã đạt đến bản thể Toàn Tri, xin đại vương hãy ghi nhớ điều này như thế.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
No comments:
Post a Comment