1. “Thưa ngài Nāgasena, các vật sanh ra do nghiệp được thấy ở thế gian, sanh ra do nhân được thấy, sanh ra do mùa tiết được thấy. Ở thế gian vật gì không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết, xin ngài hãy nói về vật ấy cho trẫm.”
“Tâu đại vương, ở thế gian hai vật này không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết. Hai vật nào? Tâu đại vương, hư không không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết. Tâu đại vương, Niết Bàn không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết. Tâu đại vương, đây là hai vật không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết.”
“Thưa ngài Nāgasena, xin ngài chớ bôi nhọ lời dạy của đấng Chiến Thắng. Không biết thì xin ngài chớ trả lời câu hỏi.”
“Tâu đại vương, tôi nói điều gì mà đại vương lại nói với tôi như vầy: ‘Thưa ngài Nāgasena, xin đại vương chớ bôi nhọ lời dạy của đấng Chiến Thắng. Không biết thì xin đại vương chớ trả lời câu hỏi’?”
“Thưa ngài Nāgasena, cho đến điều này thì vẫn còn hợp lý để nói rằng: ‘Hư không không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết.’ Thưa ngài Nāgasena, trái lại đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn đã được đức Thế Tôn nói ra cho các đệ tử bằng hàng trăm cách thức. Vậy mà ngài lại nói như vầy: ‘Niết Bàn không sanh ra do nhân.’”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn đã được đức Thế Tôn nói ra cho các đệ tử bằng hàng trăm cách thức. Tuy nhiên, nhân làm sanh khởi Niết Bàn là không được nói đến.”
2. “Thưa ngài Nāgasena, ở đây chúng ta từ chỗ tối đi vào chỗ tối hơn, từ rừng đi vào rừng sâu hơn, từ bụi rậm đi vào bụi rậm hơn, chính là vì cái điều gọi là có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, nhưng nhân làm sanh khởi pháp ấy lại không có. Thưa ngài Nāgasena, nếu có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, như thế thì cũng nên mong mỏi về nhân làm sanh khởi Niết Bàn.
Thưa ngài Nāgasena, hoặc là giống như có người cha của đứa con trai, vì lý do ấy cũng nên mong mỏi về người cha của người cha. Giống như có người thầy của người học trò, vì lý do ấy cũng nên mong mỏi về người thầy của người thầy. Giống như có hạt giống của cái mầm non, vì lý do ấy cũng nên mong mỏi về hạt giống của hạt giống. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế nếu có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, như thế thì cũng nên mong mỏi về nhân làm sanh khởi Niết Bàn.
Giống như khi có ngọn của thân cây hoặc của dây leo, vì lý do ấy cũng có phần thân, cũng có phần rễ. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế nếu có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, như thế thì cũng nên mong mỏi về nhân làm sanh khởi Niết Bàn.”
“Tâu đại vương, Niết Bàn là không thể làm cho sanh được. Do đó, nhân làm sanh khởi Niết Bàn không được nói đến.”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì sau khi đã chỉ cho thấy lý do, ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ theo đó trẫm có thể biết được rằng: ‘Có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, còn nhân làm sanh khởi Niết Bàn là không có.’”
3. “Tâu đại vương, như thế thì đại vương hãy nghiêm chỉnh lắng tai, và hãy lắng nghe một cách cẩn thận, tôi sẽ nói lý do trong trường hợp này. Tâu đại vương, có phải người nam, với sức mạnh bình thường, từ nơi đây có thể đi đến núi chúa Hi-mã-lạp?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, vậy có phải người nam ấy, với sức mạnh bình thường, có thể mang núi chúa Hi-mã-lạp đến đây?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế có thể nói về đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, nhưng không thể chỉ cho thấy nhân làm sanh khởi Niết Bàn. Tâu đại vương, có phải người nam, với sức mạnh bình thường, có thể vượt qua đại dương bằng thuyền để đi đến bờ xa xa?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, vậy có phải người nam ấy, với sức mạnh bình thường, có thể mang bờ xa xa của đại dương đến đây?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế có thể nói về đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, nhưng không thể chỉ cho thấy nhân làm sanh khởi Niết Bàn. Vì lý do gì? Vì tính chất không bị tạo tác của pháp.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải Niết Bàn là không bị tạo tác?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Niết Bàn là không bị tạo tác, không bị tạo ra bởi bất cứ cái gì. Tâu đại vương, không nên nói Niết Bàn là ‘được sanh lên,’ hoặc là ‘không được sanh lên,’ hoặc là ‘sẽ được làm cho sanh lên,’ hoặc là ‘quá khứ,’ hoặc là ‘hiện tại,’ hoặc là ‘vị lai,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi mắt,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi tai,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi mũi,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi lưỡi,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi thân.’”
4. “Thưa ngài Nāgasena, nếu Niết Bàn không phải là được sanh lên, không phải là không được sanh lên, không phải là sẽ được làm cho sanh lên, không là quá khứ, không là hiện tại, không là vị lai, không được nhận thức bởi mắt, không được nhận thức bởi tai, không được nhận thức bởi mũi, không được nhận thức bởi lưỡi, không được nhận thức bởi thân. Thưa ngài Nāgasena, như thế thì ngài đã chỉ ra Niết Bàn là pháp không có, có phải là không có Niết Bàn?”
“Tâu đại vương, có Niết Bàn. Niết Bàn được nhận thức bởi ý. Vị đệ tử của bậc Thánh thực hành đúng đắn với tâm ý trong sạch, hướng thượng, ngay thẳng, không bị ngăn che, không liên hệ vật chất thì nhìn thấy Niết Bàn.”
“Thưa ngài, vậy Niết Bàn ấy giống cái gì? Cái ấy nên được làm sáng tỏ bằng các ví dụ. Xin ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng các lý lẽ theo đó pháp có thật là nên được làm sáng tỏ bằng các ví dụ.”
5. “Tâu đại vương, có phải có cái gọi là gió?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, vậy xin ngài hãy chỉ cho thấy gió qua màu sắc, hoặc qua vị trí, hoặc là vi tế, hay thô thiển, hoặc là dài, hay ngắn.”
“Thưa ngài Nāgasena, không thể chỉ cho thấy gió được. Gió ấy không đáp ứng việc nắm bắt bằng bàn tay hoặc sự đè nén. Tuy nhiên, gió ấy là có.”
“Tâu đại vương, nếu không thể chỉ cho thấy gió, như thế thì gió là không có.”
“Thưa ngài Nāgasena, trẫm biết rằng: ‘Gió là có.’ Nó đã đi vào trong tim của trẫm. Nhưng trẫm không có thể chỉ cho thấy gió được.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế Niết Bàn là có. Nhưng không thể chỉ cho thấy Niết Bàn qua màu sắc, hoặc qua vị trí.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Ví dụ đã khéo được phô bày. Lý lẽ đã khéo được giải thích. ‘Có Niết Bàn,’ trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
II. Thảo Luận: TT Pháp Đăng điều hợp.
1. Có trường hợp nào một người chứng Niết Bàn mà còn sanh tử không? Và nếu còn sanh tử thì sanh tử như thế nào? - ĐĐ Tuệ Nhẫn
2. Có trường hợp nào một người chứng Niết Bàn mà còn sanh tử không? Và nếu còn sanh tử thì sanh tử như thế nào? - TT Pháp Đăng
3. Niết Bàn là không sanh không diệt, vậy khi nói Niết Bàn là diệt tận khổ đau thì có đúng chăng? - TT Pháp Tân