Saturday, November 2, 2013

Bài học, Chủ Nhật 3-11-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda

Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

XUẤT SẮC MỘT ĐIỀU KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ ĐỦ ĐỂ SÁNH VỚI PHẬT

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin, luôn có bàn tay đưa ra (bố thí), mang thân mạng cuối cùng, là vị y sĩ, vị phẫu thuật vô thượng.’ Và thêm nữa, đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử ít có bệnh tật của Ta, tức là Bakkula.’ Và bệnh tật được nhìn thấy đã nhiều lần sanh khởi ở cơ thể của đức Thế Tôn. 
Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai là vô thượng, như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử ít có bệnh tật của Ta, tức là Bakkula’ là sai trái. Nếu trưởng lão Bakkula là đứng đầu trong số các vị ít có bệnh tật, như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin, luôn có bàn tay đưa ra (bố thí), mang thân mạng cuối cùng, là vị y sĩ, vị phẫu thuật vô thượng’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
 2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin, luôn có bàn tay đưa ra (bố thí), mang thân mạng cuối cùng, là vị y sĩ, vị phẫu thuật vô thượng.’ Và Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử ít có bệnh tật của Ta, tức là Bakkula.’ Tuy nhiên, điều ấy được nói có liên quan đến tình trạng đang có ở bản thân đối với sự chứng đắc và việc học tập ở bên ngoài (của Tam Tạng).
 Tâu đại vương, hơn nữa có những vị đệ tử của đức Thế Tôn là các vị chuyên đứng và đi kinh hành. Các vị ấy trải qua ngày đêm với việc đứng và đi kinh hành. Tâu đại vương, trái lại đức Thế Tôn trải qua ngày và đêm với việc đứng, đi kinh hành, ngồi, và nằm. Tâu đại vương, những vị tỳ khưu nào chuyên đứng và đi kinh hành, những vị ấy là vượt trội về chi phần ấy.
Tâu đại vương, hơn nữa có những vị đệ tử của đức Thế Tôn là các vị thọ thực chỉ một chỗ ngồi. Các vị ấy, cho dù vì nguyên nhân mạng sống, cũng không thọ dụng hai bữa ăn. Tâu đại vương, trái lại đức Thế Tôn thọ dụng vật thực thậm chí đến lần thứ nhì luôn cả đến lần thứ ba. Tâu đại vương, những vị tỳ khưu nào chỉ thọ thực một chỗ ngồi, những vị ấy là vượt trội về chi phần ấy. 
Tâu đại vương, những việc làm ấy với nhiều hình thức được nói đến có liên quan đến việc này việc nọ của những vị này vị khác. Tâu đại vương, tuy nhiên đức Thế Tôn là vượt trội về giới, về định, về tuệ, về giải thoát, về trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát, về mười lực, về bốn pháp tự tín, về mười tám pháp của vị Phật, về sáu trí không phổ thông (đến các vị Thinh Văn). Và điều ấy đã được nói đến có liên quan đến toàn bộ cương vị của một bậc Giác Ngộ là: ‘Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn sẵn sàng đáp ứng sự cầu xin, luôn có bàn tay đưa ra (bố thí), mang thân mạng cuối cùng, là vị y sĩ, vị phẫu thuật vô thượng.’
 3. Tâu đại vương, nơi đây ở giữa loài người: một người là có dòng dõi, một người có tài sản, một người có kiến thức, một người có tài nghệ, một người là anh hùng, một người có sự cảnh giác, sau khi vượt trội tất cả những người này, chính đức vua là tối thượng trong số những người ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn là vị đứng đầu, cao cả, tối thượng trong số tất cả các chúng sanh. 
 Trái lại, về việc đại đức Bakkula đã là người ít có bệnh tật, việc ấy là do năng lực của sự ước nguyện. Tâu đại vương, bởi vì khi bệnh đau bụng bão của đức Thế Tôn Anomadassī đã sanh khởi, và khi bệnh hoa cỏ (dị ứng?) của đức Thế Tôn Vipassī và sáu mươi tám ngàn vị tỳ khưu đã sanh khởi, vị ấy, trong khi bản thân là đạo sĩ khổ hạnh, đã xua đi cơn bệnh ấy bằng vô số thuốc men khác loại nên đã đạt được trạng thái ít bệnh tật. Và điều đã được nói là: ‘Này các tỳ khưu, vị đứng đầu trong số các tỳ khưu đệ tử ít có bệnh tật của Ta, tức là Bakkula.’
 Tâu đại vương, trong khi căn bệnh của đức Thế Tôn đang sanh lên cũng như đang tiếp diễn, trong khi Ngài đang duy trì cũng như không duy trì pháp từ khước, không có bất cứ chúng sanh nào sánh bằng đức Thế Tôn. Điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở đoạn Varalañchaka (Dấu Ấn Cao Quý) thuộc Saṃyuttanikāya (Tương Ưng Bộ) rằng: ‘Này các tỳ khưu, cho đến các hàng chúng sanh không chân, hoặc hai chân, hoặc bốn chân, hoặc nhiều chân, hoặc hữu hình, hoặc vô hình, hoặc hữu tưởng, hoặc vô tưởng, hoặc phi tưởng phi phi tưởng, trong số các hạng ấy đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác được gọi là hạng nhất.’”
 “Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.

II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng  điều hợp.

1. Phải chăng theo Phật Pháp thì những tài năng lỗi lạc của chúng ta đa phần do phước và nguyện của quá khứ? - TT Pháp Đăng
 2. Phải chăng trên cả ba phương diện giới đức, phước báu và tuệ giác không có một vị đệ tử nào của Đức Phật có thể so sánh được với Ngài? - TT Tuệ Siêu
3. Phải chăng để nhận thức về tính cách siêu việt của Đức Phật không phải là chuyện đơn giản?  (Nhiều người nghĩ rằng đã là Phật thì cái gì cũng phi thường. Hiểu như vậy là đủ rồi.)  - TT Tuệ Siêu
4. Phải chăng ngay cả nói về nghiệp quả của mỗi chúng sanh cũng không đơn giản để nhận thức? - TT Pháp Đăng
 5. Do đâu một số chúng sanh phát nguyện trở thành những thành viên quan trọng trong đạo tràng của một vị chánh đẳng chánh giác? - TT Pháp Đăng
 6. Học Phật Pháp mà không tìm hiểu về Đức Phật có là một thiếu xót lớn chăng? - TT Pháp Đăng
 7 Tìm hiểu Đức Phật mà không lưu tâm Phật Pháp thì có thật sự hiểu được Đức Phật chăng? - TT Pháp Đăng
8. TT Giác Đẳng tóm tắt bài học






No comments:

Post a Comment