Saturday, November 9, 2013

Bài học, Chủ Nhật 10-11-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Pháp Đăng


Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda

Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch


CÂN NHẮC KHÔNG PHẢI LÀ THÁI ĐỘ TIÊU CỰC


1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, đức Như Lai đã làm cho trí Toàn Tri được chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng.’ Và thêm nữa: ‘Tâm của vị đạt đến phẩm vị Toàn Tri đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.’

Thưa ngài Nāgasena, giống như viên xạ thủ, hoặc các học trò của viên xạ thủ, sau khi học tập thuật bắn cung vì mục đích chiến trận trong nhiều ngày, đến khi cuộc chiến đấu lớn xảy ra thì có thể thối lui. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, đức Như Lai đã làm cho trí Toàn Tri được chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng, nhưng khi đã đạt đến phẩm vị Toàn Tri thì Ngài đã thối lui trong việc thuyết giảng Giáo Pháp.

Thưa ngài Nāgasena, hoặc là giống như người võ sĩ đấu vật, hoặc các học trò của người võ sĩ đấu vật, sau khi học tập thuật đấu vật trong nhiều ngày, đến khi trận đấu lớn xảy ra thì có thể thối lui. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, đức Như Lai đã làm cho trí Toàn Tri được chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng, nhưng khi đã đạt đến phẩm vị Toàn Tri thì Ngài đã thối lui trong việc thuyết giảng Giáo Pháp.

2. Thưa ngài Nāgasena, phải chăng đức Như Lai đã thối lui vì sợ hãi? Hay đã thối lui vì chưa được rành rẽ? Hay đã thối lui vì năng lực yếu kém? Hay đã thối lui vì chưa phải phẩm vị Toàn Tri? Ở đây, điều gì là lý do? Nào, xin ngài hãy nói cho trẫm lý do nhằm vượt qua nỗi nghi hoặc.

Thưa ngài Nāgasena, nếu trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, đức Như Lai đã làm cho trí Toàn Tri được chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng, như thế thì lời nói rằng: ‘Tâm của vị đạt đến phẩm vị Toàn Tri đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp’ là sai trái. Nếu tâm của vị đạt đến phẩm vị Toàn Tri đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp, như thế thì lời nói rằng: ‘Trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, đức Như Lai đã làm cho trí Toàn Tri được chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, thâm sâu, khó tháo gỡ, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

3. “Tâu đại vương, trong khoảng thời gian bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn kiếp, trí Toàn Tri đã được đức Như Lai làm cho chín muồi nhằm tế độ đám đông dân chúng. Và tâm của vị đạt đến trí Toàn Tri đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp. Vả lại, sau khi nhìn thấy tính chất thâm sâu, khôn khéo, khó thấy, khó giác ngộ, tinh vi, khó thấu triệt của Giáo Pháp, trạng thái ham thích tiềm ẩn của chúng sanh, và tính chất bám víu cứng nhắc vào quan điểm của chính mình, (thì nghĩ rằng): ‘(Thuyết giảng) về cái gì? Bằng cách nào?’ và tâm đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp. Điều này chính là sự suy nghĩ và tâm ý về việc giác ngộ của chúng sanh.

Tâu đại vương, giống như người thầy thuốc phẫu thuật, sau khi đi đến gặp người bị hành hạ bởi nhiều căn bệnh, thì suy nghĩ như vầy: ‘Bằng cách thức gì, hoặc với phương thuốc nào thì căn bệnh của người này có thể được lắng xuống?’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với đức Như Lai, sau khi nhìn thấy loài người bị hành hạ bởi mọi căn bệnh phiền não và tính chất thâm sâu, khôn khéo, khó thấy, khó giác ngộ, tinh vi, khó thấu triệt của Giáo Pháp, (thì nghĩ rằng): ‘(Thuyết giảng) về cái gì? Bằng cách nào?’ và tâm đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp. Điều này chính là sự suy nghĩ và tâm ý về việc giác ngộ của chúng sanh.

4. Tâu đại vương, giống như đối với đức vua dòng Sát-đế-lỵ đã được rưới nước thơm ở đầu (làm lễ phong vương), sau khi nhìn thấy những người giữ cổng, lính gác, quần thần, thị dân, nhân công, binh lính, quan đại thần, hoàng tộc, và thuộc hạ thì có thể khởi tâm như vầy: ‘Trẫm sẽ hậu đãi cái gì cho những người này? Bằng cách nào?’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với đức Như Lai, sau khi nhìn thấy tính chất thâm sâu, khôn khéo, khó thấy, khó giác ngộ, tinh vi, khó thấu triệt của Giáo Pháp, trạng thái ham thích tiềm ẩn của chúng sanh, và tính chất bám víu cứng nhắc vào quan điểm của chính mình, (thì nghĩ rằng): ‘(Thuyết giảng) về cái gì? Bằng cách nào?’ và tâm đã thiên về sự không nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp. Sự suy nghĩ và tâm ý về việc giác ngộ của chúng sanh chính là điều này.

5. Tâu đại vương, thêm nữa điều này là quy luật của các đức Như Lai, là việc các Ngài thuyết giảng Giáo Pháp khi được Phạm Thiên thỉnh cầu. Vậy trong trường hợp ấy, điều gì là lý do? Vào lúc bấy giờ, tất cả các vị đạo sĩ khổ hạnh, du sĩ, Sa-môn, Bà-la-môn là những người thờ phụng đấng Brahmā, kính trọng đấng Brahmā, nương tựa đấng Brahmā. Do đó, (nghĩ rằng): ‘Với sự hạ mình của vị (Brahmā) có năng lực, có danh vọng, được biết tiếng, được nổi tiếng, hơn hẳn, được vượt trội ấy, thì thế gian luôn cả chư Thiên sẽ hạ mình, sẽ tin tưởng, sẽ quy thuận (Ta).’ Tâu đại vương, và vì lý do này mà đức Như Lai thuyết giảng Giáo Pháp khi được Phạm Thiên thỉnh cầu.

Tâu đại vương, giống như vị vua nào đó, hoặc quan đại thần của vị vua, hạ mình, thể hiện sự cung kính đối với người nào, do sự hạ mình của vị ấy đối với người có năng lực trội hơn, mà số dân chúng còn lại hạ mình, thể hiện sự cung kính. Tâu đại vương, tương tợ y như thế khi Phạm Thiên hạ mình đối với các đức Như Lai thì thế gian luôn cả chư Thiên sẽ hạ mình. Tâu đại vương, thế gian tôn vinh bậc đã được tôn vinh. Do đó, vị Phạm Thiên ấy thỉnh cầu tất cả các đức Như Lai về việc thuyết giảng Giáo Pháp. Và vì lý do ấy, các đức Như Lai thuyết giảng Giáo Pháp khi được Phạm Thiên thỉnh cầu.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Câu hỏi đã khéo được tháo gỡ, việc giải thích thật là tuyệt hảo. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

II. Thảo Luận: ĐĐ Pháp Tín  điều hợp.

 1: Có một số người đến nghe Pháp với tâm ý thính Pháp, nhưng cũng có một số người đến chỉ để kiếm lỗi để bắt bẻ. Thì là một vị Giảng Sư có phải là ai cũng thuyết Pháp hay thuyết cho chỉ một số người có tâm thính pháp thôi? - TT Tuệ Quyền

2: câu "Y Pháp Bất Y Nhân" có áp dụng phổ thông trong moị trường hợp của Phật Giáo hay không, hay chỉ mang tính chất riêng nào thôi? - TT Tuệ Quyền

 3: Khi thỉnh Pháp Sư thuyết pháp đọc bài kệ thỉnh Pháp Sư, như vậy có lợi ích hơn không? - ĐĐ Pháp Tín


No comments:

Post a Comment