Friday, November 22, 2013

Bài học, Thứ Sáu 22-11-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda

Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

BẬC A-LA-HÁN THÂN CÓ THỌ KHỔ, TÂM THÌ KHÔNG

1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Vị A-la-hán nhận biết một cảm thọ, thuộc thân không thuộc tâm.’ Thưa ngài Nāgasena, việc mà tâm của vị A-la-hán vận hành nương vào thân, vậy có phải vị A-la-hán không phải là chúa tể, không phải là người chủ, không có quyền hành ở nơi ấy?”
“Tâu đại vương, đúng vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, việc vị ấy không phải là chúa tể, không phải là người chủ, không có quyền hành đối với tâm của mình trong khi thân đang được vận hành là không đúng. Thậm chí con chim cho đến khi nào còn trú ở nơi tổ chim, thì nó là chúa tể, là người chủ, là có quyền hành ở nơi ấy. ”
2. “Tâu đại vương, mười pháp này đi theo thân, chạy theo, vận hành theo thân ở mỗi một kiếp sống. Mười pháp nào? Lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, dã dượi buồn ngủ, già, bệnh, chết. Tâu đại vương, đây là mười pháp đi theo thân, chạy theo, vận hành theo thân ở mỗi một kiếp sống. Vị A-la-hán không phải là chúa tể, không phải là người chủ, không có quyền hành ở nơi ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì mà đối với vị A-la-hán, mệnh lệnh hay là uy quyền không vận hành ở thân? Về việc này, xin ngài hãy nói cho trẫm lý do.”
“Tâu đại vương, giống như những chúng sanh nào đó là được nương tựa vào trái đất, tất cả bọn họ nương vào trái đất mà di chuyển, sinh sống, quyết định lối cư xử. Tâu đại vương, phải chăng mệnh lệnh hay là uy quyền của những người ấy vận hành ở trái đất?”
“Thưa ngài, tất nhiên không.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tâm của vị A-la-hán vận hành nương vào thân. Tuy nhiên, đối với vị A-la-hán mệnh lệnh hay là uy quyền không vận hành ở thân.”
3. “Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì mà phàm nhân nhận biết cảm thọ thuộc thân luôn cả thuộc tâm?”
“Tâu đại vương, vì tính chất không được tu tập của tâm khiến phàm nhân nhận biết cảm thọ thuộc thân luôn cả thuộc tâm. Tâu đại vương, giống như con bò đực bị đói, bị run rẩy, có thể được buộc lại bằng những cọng cỏ không chắc, yếu ớt, nhỏ nhắn, hoặc bằng sợi dây leo. Khi nào con bò đực ấy bị kích động, khi ấy nó ra đi cùng với sợi dây buộc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với tâm chưa được tu tập, cảm thọ sau khi sanh khởi thì làm cho tâm bị kích động. Tâm bị kích động, thì uốn cong thân, vặn vẹo, làm thân xoay chuyển. Và người ấy, với tâm chưa được tu tập, run rẩy, kêu lên, thét lên tiếng kêu ghê rợn. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy phàm nhân nhận biết cảm thọ thuộc thân luôn cả thuộc tâm.”
“Thưa ngài, vì lý do gì mà vị A-la-hán nhận biết một cảm thọ, thuộc thân không thuộc tâm?”
“Tâu đại vương, tâm của vị A-la-hán là đã được tu tập, đã khéo được tu tập, đã được rèn luyện, đã khéo được rèn luyện, biết nghe, có sự phục tùng. Vị ấy, trong khi bị tiếp xúc với cảm thọ khổ, nắm chắc ý nghĩ rằng: ‘là vô thường,’ rồi buộc tâm vào cột trụ của định. Được buộc chặt vào cột trụ của định, tâm ấy của vị ấy không rung chuyển, không dao động, được vững chãi, không bị tán loạn. Tuy nhiên, do sự lan rộng sức khuấy rối của cảm thọ, thân của vị ấy uốn cong, vặn vẹo, xoay chuyển. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy vị A-la-hán nhận biết một cảm thọ, thuộc thân không thuộc tâm.”
4. “Thưa ngài Nāgasena, về việc trong khi thân dao động mà tâm không dao động được gọi là điều kỳ diệu ở thế gian. Về việc này, xin ngài hãy nói cho trẫm lý do.”
“Tâu đại vương, giống như ở cội cây to lớn khổng lồ có đầy đủ thân, cành cây, và lá cây, khi bị vùi dập bởi sức mạnh của gió thì cành cây dao động, phải chăng thân của cây cũng dao động?”
“Thưa ngài, không đúng.”  
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị A-la-hán trong khi bị tiếp xúc với cảm thọ khổ, nắm chắc ý nghĩ rằng: ‘là vô thường,’ rồi buộc tâm vào cột trụ của định. Được buộc chặt vào cột trụ của định, tâm ấy của vị ấy không rung chuyển, không dao động, được vững chãi, không bị tán loạn. Do sự lan rộng sức khuấy rối của cảm thọ, thân của vị ấy uốn cong, vặn vẹo, xoay chuyển. Tuy nhiên, tâm của vị ây không rung chuyển, không dao động, tợ như thân của cội cây to lớn vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường! Ngọn đèn Giáo Pháp có hình thức như vầy vào mọi lúc là chưa từng được thấy trước đây bởi trẫm.”

II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng  điều hợp.
 1. Đối với người tu tập thì khổ thân và khổ tâm cái nào đáng quan ngại hơn? - ĐĐ Tuệ Nhẫn
 2. Thái độ vô tư lự có tạo nên sự an lạc chân thực theo quan điểm của người tu tập chăng? - TT Pháp Tân
3. Có cách nào để khi gặp phải một chuyện buồn phiền mà không "làm lớn chuyện" để phải phiền não thêm? - TT Pháp Đăng
 4. Nếu so sánh hai hạng hành gỉả một "nhạy cảm", một "dững dưng" thì ai dễ thay đổi bản thân hơn? - TT Tuệ Siêu
 5. Nguyên nhân gì khiến một người có cảm thọ vui buồn vô chừng? - TT Tuệ Quyền
 6. Hành giả tu tập có nên có thái độ "xem thường cảm thọ" chăng? - TT Tuệ Siêu

No comments:

Post a Comment