Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Pháp Đăng
Giảng Sư: TT Pháp Đăng
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
KHÔNG PHẢI TẠI NỖ LỰC MÀ TẠI CỐ GẮNG KHÔNG ĐÚNG CHỖ
1. “Thưa ngài Nāgasena, khi đức Bồ Tát thực hiện hành động khó thực hành (khổ hạnh), không nơi nào khác đã có sự nỗ lực, sự cố gắng, sự chiến đấu với phiền não, sự làm tiêu tan đạo binh của Thần Chết, sự kiêng vật thực, các hành động khó thực hành như thế này. Ở sự gắng sức có hình thức như thế, đức Bồ Tát đã không đạt được bất cứ sự khoái lạc nào, đã bỏ rơi chính tâm ý ấy, và đã nói như vầy: ‘Tuy nhiên, với việc khổ hạnh dữ dội này Ta không chứng đắc các pháp thượng nhân, là pháp đặc biệt thuộc về trí tuệ và sự thấy biết xứng đáng bậc Thánh. Có thể có chăng đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ?’ Sau khi nhàm chán với việc ấy, bằng một đạo lộ khác Ngài đã đạt đến bản thể Toàn Tri, rồi cũng vẫn chỉ dạy, khuyến khích các đệ tử về đường lối thực hành ấy rằng:
‘Các ngươi hãy nỗ lực, hãy cố gắng, hãy gắn bó vào lời dạy của đức Phật. Các ngươi hãy dẹp bỏ đạo binh của Thần Chết, tợ như con voi phá bỏ căn chòi bằng lau sậy.’[3]
Thưa ngài Nāgasena, bởi vì lý do gì đức Thế Tôn lại chỉ dạy, khuyến khích các đệ tử về đường lối thực hành mà bản thân Ngài đã nhàm chán, có vẻ không còn quyến luyến về việc ấy?”
2. “Tâu đại vương, lúc ấy cũng như hiện nay việc ấy vẫn là đường lối thực hành. Sau khi thực hành chính đường lối thực hành ấy, đức Bồ Tát đã đạt đến bản thể Toàn Tri. Tâu đại vương, thêm nữa đức Bồ Tát trong khi thực hành tinh tấn tột độ đã ngưng lại vật thực không còn chút gì, do việc buộc ngưng lại vật thực của vị ấy mà sự yếu đuối của tâm đã sanh khởi. Do sự yếu đuối ấy, vị ấy đã không thể đạt được bản thể Toàn Tri. Trong khi sử dụng lại từng chút từng chút vật thực đã được vắt thành nắm, rồi với chính đường lối thực hành ấy không bao lâu sau, vị ấy đã đạt được bản thể Toàn Tri. Tâu đại vương, chính đường lối thực hành ấy đưa đến sự đạt được Trí Toàn Tri của tất cả các đức Như Lai.
Tâu đại vương, giống như vật thực là sự nâng đỡ cho tất cả chúng sanh, được nương tựa vào vật thực mà tất cả chúng sanh nhận được sự an lạc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế chính đường lối thực hành ấy đưa đến sự đạt được Trí Toàn Tri của tất cả các đức Như Lai. Tâu đại vương, sự sai trái khiến đức Như Lai, vào thời điểm ấy, đã không đạt được Trí Toàn Tri không phải ở sự nỗ lực, không phải ở sự cố gắng, không phải ở sự chiến đấu với phiền não; nhưng sự sai trái ấy chính là ở việc buộc ngưng lại vật thực. Chính đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng.
Tâu đại vương, giống như người nam có thể đi rất nhanh đoạn đường dài, vì thế người ấy có thể bị tổn thương một bên (hông), hoặc có sự đi khập khiểng không tự đi lại được ở trên bề mặt trái đất. Tâu đại vương, chẳng lẽ đại địa cầu cũng có sự sai trái khiến cho người nam ấy đã bị tổn thương một bên (hông)?”
“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, đại địa cầu luôn luôn được sẵn sàng. Do đâu mà nó có sự sai trái? Sự sai trái ấy chính là ở sự ra sức, vì nó mà người nam ấy đã tổn thương một bên (hông).”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự sai trái khiến đức Như Lai, vào thời điểm ấy, đã không đạt được Trí Toàn Tri không phải ở sự nỗ lực, không phải ở sự cố gắng, không phải ở sự chiến đấu với phiền não; nhưng sự sai trái ấy chính là ở việc buộc ngưng lại vật thực. Chính đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam quấn vào tấm vải choàng bị lấm lem, người ấy không cho giặt sạch nó; sự sai trái ấy không phải là của nước; nước luôn luôn được sẵn sàng. Sự sai trái ấy là của chính người ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự sai trái khiến đức Như Lai, vào thời điểm ấy, đã không đạt được Trí Toàn Tri không phải ở sự nỗ lực, không phải ở sự cố gắng, không phải ở sự chiến đấu với phiền não; nhưng sự sai trái ấy chính là ở việc buộc ngưng lại vật thực. Chính đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng. Vì thế, đức Như Lai chỉ dạy, khuyến khích các đệ tử về chính đường lối thực hành ấy. Tâu đại vương, như vậy đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng, không có tội lỗi.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Phải chăng chúng ta thường "không đủ tinh tấn" hơn là "siêng năng quá độ đến mức phải giảm bớt"? TT Tuệ Siêu
2: Phải chăng sự siêng năng tu tập không nhất thiết đến từ niềm hoan hỷ mãnh liệt? - ĐĐ Pháp Tín
3. Khổ hạnh mà Đức Phật dạy chúng ta không nên thực hành có giống sự tiết chế, tinh cần, thanh đạm của người Phật tử chăng? - TT Tuệ Siêu
4. Nhiều người quan niệm rằng'quan trọng là ở tấm lòng" nhưng phải chăng tinh tấn không đúng chỗ cũng là vấn đề? - TT Tuệ Siêu
5. Có đúng chăng người tinh tấn thường bỏ cuộc và người thong thả thì tốt cho đường dài? - ĐĐ Pháp Tìn
6. Một người tu tập tinh tấn có nhất thiết là căng thẳng hay lúc nào cũng khẩn trương chăng? - TT Pháp Đăng
7. TT Giác Đẳng tóm tắt bài học
No comments:
Post a Comment