Bài - 70 - TRONG VÒNG CƯƠNG TOẢ CỦA ÁC MA
(LXVIII) (Tik. II, 9) (It. 56)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, với ai tham chưa đoạn tận, sân chưa đoạn tận, si chưa đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, người ấy được gọi là người bị trói buộc với Ác ma, bị bẫy lưới của Ác ma bao trùm, bị làm theo ý Ác ma muốn. Này các Tỷ-kheo, với ai tham đã đoạn tận, sân đã đoạn tận, si đã đoạn tận, này các Tỷ-kheo, người ấy được gọi là người không trói buộc với Ác ma, được thoát khỏi bẫy lưới của Ác ma, không bị làm theo Ác ma muốn.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến
Với ai đã từ bỏ
Tham, sân và vô minh,
Vị ấy được gọi là
Ðã tu tập tự ngã,
Ðã trở thành Phạm Thiên
Bậc Như Lai, Phật-đà,
Bậc đã vượt qua được,
Hận thù và sợ hãi,
Bậc đoạn tận tất cả,
Ðược gọi danh như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
II. Thảo Luận: TTGiác Đẳng điều hợp.
1. Ma (mara) trong kinh điển Pali là một chúng sanh hay là cách nói ví von nhân cách hoá (hay hữu tình hoá)? - TT Pháp Tân
2. Xin cho định nghĩa về ngũ ma: thiên ma, phiền não ma, ngũ uẩn ma, pháp hành ma, tử thần ma ? - ĐĐ Pháp Tín
3. Phần đông tin rằng dù sống trong sự kiềm toả của ác ma vẫn an lạc. Cái nhìn đó phiến diện thế nào? - TT Pháp Đăng
4. Phải chăng một người tu tập đúng nghĩa là người vượt thắng cả ngũ ma? - TT Tuệ Siêu
5. Chúng ta thường làm "nội gian" cho ma chướng bằng cách nào? - TT Tuệ Quyền
6. "Sợ ma" thế nào thật sự tốt cho người tu tập? - TT Giác Đẳng
No comments:
Post a Comment