Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 4/7/2020
10. Kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta) (tiếp theo)
Sở dĩ gọi là Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta) vì là pháp thoại của Đức Phật có nội dung dạy tứ niệm xứ. Trong chánh tạng Pali bài kinh mang tên Mahāsatipaṭṭhānasuttaṃ dịch cho đầy đủ là Đại Kinh Niệm Xứ tuy nhiên trong Trường Bộ (Dìghanikàya) có bài kinh tương tự với một đoạn về niệm tứ đế mang nhiều chi tiết hơn có lẽ vì vậy trong Trung Bộ dịch là Kinh Niệm Xứ thay vì Đại Kinh Niệm Xứ. Đây là bài kinh “kinh điển” dạy về bốn niệm xứ: thân quán niệm xứ, thọ quán niệm xứ, tâm quán niệm xứ, và pháp quán niệm xứ. Lời kinh hết sức hàm xúc cô đọng. Ý nghĩa thường được giảng dạy rộng rãi mang nhiều dị biệt trên cả hai phương diện kinh viện và thực hành. Cho đến ngày nay các vị thiền sư và học giả vẫn có nhiều ý kiến tương phản hay khác biệt. Người học cần tìm hiểu với tâm rộng mở, cẩn trọng và khách quan đặc biệt là giảng giải trên phương diện ứng dụng.
Kuru là quốc độ nằm tại Bắc Ấn ngày nay chồng lấn với thủ đô Dehli. Hiện vẫn còn di tích với bia đá do vua Asoka dựng lên đánh dấu nơi Đức Phật dạy Kinh Niệm Xứ. Trong xã hội loài người có hiện tượng một vùng đất nào đó nổi bật về kỹ thuật, âm nhạc, nghệ thuật, ẩm thực... thời xưa người Kuru nổi tiếng về tu thiền tứ niệm xứ.
Chữ sati - dịch là niệm - nguyên nghĩa là ghi nhận và ghi nhớ. Sati được giải rộng với nhiều nghĩa tuỳ theo ngữ cảnh. Trong tứ niệm xứ có thể hiểu là: sự hướng tâm ghi nhận một cách tỉnh táo những gì vừa xẩy ra hoặc đang xẩy ra.
Từ kép satipatthàna được giải thích theo hai cách:
a. Sati + upaṭṭhāna. Upaṭṭhāna có nghĩa là cấu thành, nền tảng hay cơ sở (như câu “cơ sở lý luận)
b. Sati + paṭṭhāna. Paṭṭhāna có nghĩa là chỗ, nơi, phạm vi, phạm trù. HT Nhất Hạnh dịch là bốn lãnh vực quán niệm. Thiền sư Sìlananda dịch là Four Foundations of Mindfullness (Bốn nền tảng của chánh niệm)
Tứ niệm xứ không phải là bốn cách niệm mà là bốn cảnh giới của niệm.
Bài học ngày 4.7.2020
050. Quán thân - Quán
sát cơ phận của thân
Phép quán nầy thường được gọi là quán bất tịnh:
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát
thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao
bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này:
"Ðây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận,
tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng,
phân, mật, đàm mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng,
niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu". Này các Tỷ-kheo,
cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo,
lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ
các hột ấy ra và quán sát: "Ðây là hột gạo, đây là hột lúa,
đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã
xay rồi". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo quán sát thân
này dưới từ bàn chân trở lên trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi
da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này:
"Ðây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy,
thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng,
phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước
miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu".
Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân;
hay sống quán thân trên ngoại thân, hay sống quán thân trên nội
thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay
sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt
trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như
vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống
không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các
Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Những phần của thân thể được dạy ở đây vốn nằm trong
môn học thường thức của Ấn Độ từ ngàn xưa. Bản kinh nguyên thuỷ nêu 31 như trên
về sau các bản sớ giải thêm phần với phần 32 là “óc”. (Trước kia óc được tính
chung với tuỷ)
Người tu tập quán sát cơ phận thân thể rất cần một vị
thầy có kinh nghiệm hướng dẫn.
Những cơ phận được nhận diện theo các đặ điểm sau: (1)
theo màu sắc, (2) đặc tính, (3) hình dạng,
(4) phương hướng, (5) vị trí, (6) giới hạn. (Những điều nầy quá dài đề nêu ở
đây. Thanh Tịnh Đạo là một tài liệu tốt cho phần nầy)
Bước đầu của pháp quán sát nầy thường bắt đầu từ quán
ngoại thân có như quán sát tử thi...giống trường hợp người học sinh vật bằng
những bộ xương cách trí.
Quán sát thể trược theo thiền chỉ (samatha) khác biệt
thế với thiền quán (vipassana) hay tứ niệm xứ.
Đặc điểm của thiền chỉ khi dạy về những pháp tuỳ quán
như niệm thí, niệm chư thiên, niệm chết, niệm bất tịnh... là tạo nên một thứ
cảm xúc mạnh, dĩ nhiên là cảm xúc lành mạnh, và duy trì cảm xúc đó thành định
lực.
Trong pháp hành
tứ niệm xứ hành giả không có chủ tâm tạo nên cảm xúc mà chỉ đơn thuần
quán sát. Trên căn bản nầy thì hành giả bén nhạy trong sự ghi nhận (cái gì đang
hiện khởi và hiện hữu) và nhận rõ (với kiến thức đã trang bị sẳn). Trong pháp
tứ niệm xứ không có suy diễn dù y cứ trên kiến văn về Phật Pháp.
051. Quán thân - quán sát tứ đại
Quán tứ đại có liên hệ tới phép quán các cơ phận của
thân đã nêu ở đoạn trước:
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát
thân này về các vị trí các giới và sự sắp đặt các giới:
"Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong
đại". Này các Tỷ-kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ
tử của một người đổ tể giết một con bò, ngồi cắt chia từng thân
phần tại ngã tư đường. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán
sát thân này về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới:
"Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong
đại".
Như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân;
hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên nội
thân, ngoại thân. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay
sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt
trên thân. "Có thân đây", vị ấy an trú chánh niệm như
vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống
không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các
Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán thân trên thân.
Bốn đại là khái niệm căn bản về vật chất trong Phật
học. Bốn đại được định nghĩa và hiểu với nhiều cách khác nhau tuỳ theo ngữ
cảnh.
Bốn đại ở đây nên được hiểu là:
Địa đại gồm tất cả vật thể cứng mềm như tóc, lông,
móng, răng, da...
Thuỷ đại gồm tất cả vật thuộc thể loãng như mật, đàm,
mủ, máu..
Hoả đại gồm tất cả nhiệt lượng nóng lạnh như hơi ấm
châu thân, hơi ấm tiêu hoá..
Phong đại gồm tất hiện tượng khí luân lưu như hơi
thở..
Mặc dù tứ đại là căn bản chung của vật chất nhưng ở
đây đơn thuần nằm trong phạm vi “thân của mình và thân của chúng sanh khác” chứ
không đi xa hơn. Nói cách khác thân quán niệm xứ là quán sát về sắc uẩn, một
trong năm thủ uẩn đối tượng của ngã chấp, chứ không chú trọng nghiên cứu về
khoa học tự nhiên.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Người mới nghe về pháp quán bất tịnh hay tứ đại có vẻ như sự suy diễn hơn là dùng chánh niệm. Chúng ta làm sao để quán sát hai đề tài nầy với niệm và định? - TT Pháp Tân
Thảo luận 2 Những pháp quán bất tịnh, vô thường, khổ... có làm tâm tư trở nên tiêu cực buồn chán? - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 3. Phải chăng bước đầu tu tập pháp quán bất tịnh có những xáo trộn tâm lý nhưng làm thể nào để lấy lại thăng bằng? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 4. Tự nhận thân mình là bất tịnh có khiến chúng ta thấy mất tự tin chăng? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 5. TT Giác Đẳng đúc kết bài học
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment