Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 21/7/2020
12. Ðại Kinh Sư Tử Hống
(Mahāsīhanāda Sutta)
Sư tử hống (sìhanàda) là lời tuyên bố không khiếp sợ của bậc Sư Vương. Trong bài kinh nầy ghi lại về lời Đức Phật nói về sự ưu việt vô thượng của Ngài, và có thể nói chung chư vị Chánh đẳng chánh giác, đối với cả ba phương diện tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Gọi là Đại Kinh Sư Tử Hống vì là bài kinh dài (đại kinh) so với kinh ngắn hơn (tiểu kinh) trước đây.
Tôn giả Sàriputta khi đi khất thực nghe lời chỉ trích của Sunakkhatta: "Sa môn Gotama không có tri kiến thù thắng, thuyết pháp do mình tạo ra sau khi suy luận, trắc nghiệm. Pháp ấy nhắm đến một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành đến chỗ đoạn tận khổ đau." . Tôn giả về thuật lại với Đức Phật. Đức Thế Tôn dạy rằng mặc dù đó là lời chỉ trích nhưng vô tình là tán thán Phật, mặc dù vậy một người thiểu trí như Sunakkhatta không thể nào hiểu được sở chứng và cảnh giới cao rộng của bậc Toàn giác. Rồi Đức Phật đi vào chi tiết những sở đắc, sở chứng, năng lực hiển hoá và cảnh giới cao rộng của chư Phật. Những tuyên bố nầy khiến tỳ kheo Nagasamala đang đứng quạt hầu phía sau chấn động tâm tư. Có lẽ vì thế gọi là Đại kinh Sư Tử Hống.
Bài học ngày 21.7.2020
068. Bốn Vô Sở Uý Của Như Lai
Đức Phật không có bất cứ sự sợ hãi hay e dè nào đối với những chỉ trích đúng pháp. Sự vô uý ở đây không phải đơn thuần là sự bất chấp mà là có cơ sở. Bốn sự
chỉ trích đúng pháp là không viên mãn giác ngộ tự nhận là viên mãn giác ngộ;
phiền não chưa đoạn tận mà tự nhận là đã đoạn tận phiền não; dạy những pháp chướng
ngại trong khi thực tế thì không phải là chướng ngại; tuyên thuyết những điều
không có hiệu năng giác ngộ giải thoát:
Này Sāriputta, có
bốn pháp vô sở úy chính nhờ thành tựu bốn pháp này, Như Lai tự
nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sử tử trong
các hội chúng và chuyển Phạm luân. Thế nào là bốn?
Này Sāriputta, Ta
thấy không có lý do gì, một Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma
vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp
rằng: "Các pháp này chưa được chứng ngộ hoàn toàn, mà quý vị
tự xưng đã chứng ngộ hoàn toàn". Này Sariputta, vì Ta thấy
không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được
không sợ hãi, đạt được vô úy.
Này Sāriputta, Ta
thấy không có lý do gì... có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng:
"Các lậu hoặc này chưa được đoạn trừ mà quý vị tự xưng đã
đoạn trừ". Này Sāriputta, vì Ta không thấy... đạt được vô úy.
Này Sāriputta, Ta
thấy không có lý do gì... có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng:
"Những pháp này được gọi là các chướng ngại pháp khi được
thực hành thời không có gì gọi là chướng ngại pháp cả". Này
Sāriputta, vì Ta không thấy... đạt được vô úy.
Này Sāriputta, Ta
thấy không có lý do gì một Sa-môn Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương,
Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng:
"Pháp do quý vị thuyết giảng không đưa đến mục tiêu đặc biệt,
không có khả năng hướng thượng, không có thể dẫn người thực
hành đến diệt tận khổ đau". Này Sariputta, vì Ta thấy không có
lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ
hãi, đạt được vô úy.
Này Sāriputta, có
bốn pháp vô sở úy, chính nhờ thành tựu bốn pháp này, Như Lai tự
nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sử tử trong
các hội chúng và chuyển Phạm luân.
Này Sāriputta, Ta nói
như vậy là sự thành tựu như vậy. Nếu người ấy không từ bỏ lời
nói ấy không từ bỏ tâm ấy, không đoạn trừ tà kiến ấy; người ấy
sẽ bị rơi vào địa ngục như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên.
069. Tám hội chúng đáng
kể trong tam giới mà Đức Phật lui tới một cách tự tại
Có tám hội chúng có thế
lực ảnh hưởng trong thế giới nhân thiên. Đức Phật, đấng thiên nhân chi đạo sư,
không mảy may nao núng lui tới với các hội chúng nầy trong bất cứ trường hợp nào.
Bốn hội chúng thuộc nhân loại là hội chúng sát đế lỵ hay giai cấp thống trị
binh quyền; hội chúng bà la môn hay giai cấp trí thức đạo giáo; hội chúng gia
chủ phần lớn thuộc giai cấp trung lưu vận hành guồng máy kinh tế xã hội; hội chúng
sa môn là thành phần tu sĩ chuyên hướng về sự tu dưỡng thân tâm. Bốn hội chúng
thuộc loài hoá sanh nhiều thần lực và phước báu: Hội chúng tứ thiên vương thuộc
chư thiên nhiều tiếp cận với nhân loại; hội chúng tam thập tam thiên là những
chư thiên thượng cấp của tứ thiên vương đứng đầu là thiên chủ Đế Thích; hội chúng
thiên ma là chư thiên cõi tha hoá tự tại nhiều phước, nhiều uy lực, nhiều tham
vọng; hội chúng phạm thiên là những loài hữu tình sanh ra bằng năng lực thiền định
uy lực khôn cùng. Tất nhiên giữa nhân thiên còn nhiều chúng sanh khác không nằm
trong tám hội chúng vừa kể nhưng tám hội chúng nầy có những ảnh hưởng nhất định
nên được nêu trong kinh điển.
Này Sāriputta, có
tám Hội chúng này: Hội chúng Sát-đế-lị, Hội chúng Bà-la-môn, Hội
chúng Gia chủ, Hội chúng Sa-môn, Hội chúng Tứ thiên vương, Hội
chúng Tam thập tam thiên, Hội chúng Màra, Hội chúng Phạm thiên. Này
Sāriputta, có tám Hội chúng này. Này Sāriputta, Như Lai thành tựu bốn
pháp vô sở úy như vậy, đến gần và vào tám Hội chúng này.
Này Sāriputta, Ta nhớ
lại Ta đã đến hàng trăm Hội chúng Sát-đế-lị. Tuy vậy, trước khi Ta
ngồi xuống tại chỗ ấy, trước khi Ta nói chuyện và trước khi Ta đàm
luận; này Sāriputta, ta thấy không có lý do gì để nghĩ rằng:
"Chắc chắn sự sợ hãi và run sợ sẽ đến ám ảnh Ta". Này Sāriputta,
vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn,
đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.
Này Sāriputta, Ta nhớ
lại, Ta đã đến hàng trăm Hội chúng Bà-la-môn... (như trên)... Hội
chúng Gia chủ... Hội chúng Sa-môn... Hội chúng Tứ thiên vương...
Hội chúng Tam thập tam thiên... Hội chúng Māra... Hội chúng Phạm
thiên. Tuy vậy, trước khi Ta ngồi xuống tại chỗ ấy, trước khi Ta
nói chuyện và trước khi Ta đàm luận, này Sāriputta, Ta thấy không có
một lý do gì để nghĩ rằng: "Chắc chắn sự sợ hãi và run sợ sẽ
đến ám ảnh Ta". Này Sāriputta, vì Ta thấy không có lý do gì như
vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt
được vô úy.
Này Sāriputta, Ta nói
như vậy là sự thành tựu như vậy. Nếu người ấy không từ bỏ lời
nói ấy không từ bỏ tâm ấy, không đoạn trừ tà kiến ấy; người ấy
sẽ bị rơi vào địa ngục như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên.
Thảo luận 3. Ngày nay trong sự hoằng pháp nhiều tu sĩ Phật giáo không thể hiện được tinh thần vô úy của chánh pháp vì sợ mất lòng hay va chạm . Chúng ta nên quan niệm thế nào về điểm này ? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 4. Thái độ khiêm tốn và tinh thần vô úy có thể đi chung với nhau chăng? - ĐĐ Pháp Tín
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment