Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 20/7/2020
12. Ðại Kinh Sư Tử Hống
(Mahāsīhanāda Sutta)
Sư tử hống
(sìhanàda) là lời tuyên bố không khiếp sợ
của bậc Sư Vương. Trong bài kinh nầy ghi lại về lời Đức Phật nói về sự ưu việt
vô thượng của Ngài, và có thể nói chung chư vị Chánh đẳng chánh giác, đối với cả
ba phương diện tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Gọi là Đại Kinh Sư Tử Hống
vì là bài kinh dài (đại kinh) so với kinh ngắn hơn (tiểu kinh) trước đây.
Tôn giả
Sàriputta khi đi khất thực nghe lời chỉ trích của Sunakkhatta: "Sa môn
Gotama không có tri kiến thù thắng, thuyết pháp do mình tạo ra sau khi suy luận,
trắc nghiệm. Pháp ấy nhắm đến một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng,
có thể dẫn người thực hành đến chỗ đoạn tận khổ đau." . Tôn giả về thuật lại
với Đức Phật. Đức Thế Tôn dạy rằng mặc dù đó là lời chỉ trích nhưng vô tình là
tán thán Phật, mặc dù vậy một người thiểu trí như Sunakkhatta không thể nào hiểu
được sở chứng và cảnh giới cao rộng của bậc Toàn giác. Rồi Đức Phật đi vào chi
tiết những sở đắc, sở chứng, năng lực hiển hoá và cảnh giới cao rộng của chư Phật.
Những tuyên bố nầy khiến tỳ kheo Nagasamala đang đứng quạt hầu phía sau chấn động
tâm tư. Có lẽ vì thế gọi là Đại kinh Sư Tử Hống.
Bài học ngày 20.7.2020
067. Mười lực của Như Lai
Đức Phật được gọi là Đấng
Thập Lực vì Ngài có 10 năng lực mà không ai trên thế gian nầy ngoài chư vị Toàn
giác có thể có được. Chỉ có một bậc đầy đủ mười lực nầy mới có thể gọi là “tự
giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”:
Này Sāriputta, Như
Lai có đầy đủ mười Như Lai lực, chính nhờ thành tựu mười lực
này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống
con sư tử trong các Hội chúng và chuyển Phạm luân. Thế nào là
mười?
(1) Ở đây, này Sāriputta,
Như Lai như thật tuệ tri xứ là xứ, phi xứ là phi xứ (Tri thị xứ phi
xứ lực). Này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri xứ là xứ, phi xứ
là phi xứ. Như vậy là Như Lai lực của Như Lai. Chính nhờ Như Lai
lực này Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống lên
tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, và chuyển Phạm luân.
(2) Lại nữa, này Sāriputta,
Như Lai như thật tuệ tri quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân
của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại (Tri tam thế nghiệp
báo lực.) Này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và
chuyển Phạm luân.
(3) Lại nữa, này Sāriputta,
Như Lai như thật tuệ tri con đường đưa đến tất cả cảnh giới (Tri
nhứt thiết đạo trí lực). Này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri...
(như trên)... và chuyển Phạm luân.
(4) Lại nữa, này Sāriputta,
Như Lai như thật tuệ tri thế giới với mọi cảnh giới, nhiều chủng
loại, nhiều sai biệt (Tri thế gian chủng chủng tánh lực). Này Sāriputta,
Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.
(5) Lại nữa, này Sāriputta,
Như Lai như thật tuệ tri chí hướng sai biệt của các loại hữu tình
(Tri tha chúng sanh chưởng chưởng dục lực). Này Sāriputta, Như Lai
như thật tuệ tri ... chuyển Phạm luân.
(6) Lại nữa, này Sāriputta,
Như Lai như thật tuệ tri những căn thượng hạ của các loài hữu tình,
loài Người (Tri tha chúng sanh chư căn thượng hạ lực). Này Sāriputta,
Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.
(7) Lại nữa, này Sāriputta,
Như Lai như thật tuệ tri sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi
của các Thiền, chứng về Thiền, về giải thoát, về định (Tri chư
Thiền tam muội lực). Này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như
trên)... và chuyển Phạm luân.
(8) Lại nữa, này Sāriputta,
Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba
đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn
mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm
ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều thành hoại kiếp.
Ngài nhớ rằng: "Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ
như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi
thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra
chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này,
giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức
như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây".
Như vậy, Như Lai nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét
đại cương và các chi tiết. Này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ
tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.
(9) Lại nữa, này Sāriputta,
Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết
của chúng sanh. Như Lai tuệ tri rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt,
kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh
đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sanh này làm những ác hạnh về
thân, về lời và về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo
các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng
chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các chúng sanh
này làm những thiện hạnh về thân, về lời và về ý, không phỉ báng
các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến.
Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các
thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, Như Lai với thiên nhãn
thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Như Lai
tuệ tri rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ,
kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của
họ. Này Sāriputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và
chuyển Phạm luân.
(10) Lại nữa, này Sāriputta,
Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc tự mình chứng tri, chứng ngộ,
thành tựu và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ
giải thoát. Này Sāriputta, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự
mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện
tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ Như Lai lực
này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống
con sư tử trong các Hội chúng và chuyển Phạm luân.
Này Sāriputta, Như
Lai có đầy đủ mười Như Lai lực. Chính nhờ thành tựu mười lực
này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống
sư tử trong các Hội chúng và chuyển Phạm luân.
Này Sāriputta, nếu ai
biết Ta như vậy, thấy Ta như vậy mà còn nói: "Sa-môn Gotama
không có pháp Thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng
bậc Thánh. Sa-môn Gotama thuyết pháp, pháp ấy tự mình tạo ra, do suy
luận tác thành, tùy thuận trắc nghiệm, thuyết pháp cho một mục tiêu
đặc biệt, có khả năng hướng thượng, có thể hướng dẫn người
thực hành diệt tận khổ đau". Này Sariputta, nếu người ấy không
từ bỏ lời nói ấy; không từ bỏ tâm ấy, không đoạn trừ tà kiến
ấy; người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục như một gánh nặng bị quăng
bỏ một bên. Này Sāriputta, như Tỷ-kheo thành tựu giới hạnh, thành
tựu Thiền định, thành tựu trí tuệ có thể chứng được chánh trí
ngay trong hiện tại. Này Sāriputta, Ta nói như vậy là sự thành tựu
như vậy. Nếu người ấy không từ bỏ lời nói ấy không từ bỏ tâm
ấy, không đoạn trừ tà kiến ấy; người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục
như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên.
Mười trí lực
(Dasabalañāṇa), hay mười Như Lai trí lực (Tathāgatabalañāṇa):
1. Trí hiểu nguyên lý
và phi nguyên lý (Ṭhānāṭhānañāṇa), đức Như Lai biết rõ các sự kiện, cái gì có
thể xảy ra và cái gì không thể xảy ra.
2. Trí biết quả nghiệp
(Kammavipākañāṇa), đức Như Lai biết rõ các hạnh nghiệp của chúng sanh, thiện ác
dẫn đến quả dị thục tốt xấu ra sao? Quả trổ mức độ như thế nào?
3. Trí biết đạo lộ mọi
sanh thú (Sabbatthagāminīpaṭipadāñāṇa), đức Như Lai biết rõ các sự thực hành là
con đường dẫn đến tái sanh trong những cõi vui và cõi khổ, biết rõ hành động đưa
đến lợi ích hiện tại, lợi ích tương lai và lợi ích tối thượng.
4. Trí biết bản chất dị
biệt (Nānādhātuñāṇa), đức Như Lai biết rõ thế gian có bản chất đa dạng như uẩn
sai biệt, xứ sai biệt, và giới sai biệt.
5. Trí biết khuynh
hướng dị biệt (Nānādhimuttikañāṇa), đức Như Lai biết rõ sự khác biệt khuynh
hướng của chúng sanh, có chúng sanh khuynh hướng hạ liệt, có chúng sanh khuynh
hướng cao thượng, chúng sanh đồng khuynh hướng sẽ thuận dòng với nhau, hạ liệt
thân cận hạ liệt, cao thượng thân cận cao thượng, dù ở quá khứ hay hiện tại
cũng vậy.
6. Trí biết thượng hạ
căn (Indriyaparopariyattañāṇa), đức Như Lai biết rõ căn cơ cao thấp của chúng
sanh, biết rõ chúng sanh có kiến chấp như vậy tiềm miên như vậy, sở hành như
vậy, có căn trì độn, có căn lanh lợi, có tính khó dạy, có tính dễ dạy, có khả
năng giác ngộ hay không thể giác ngộ.
7. Trí biết sự
nhiễm-tịnh-ly của thiền định (Jhānādisaṅkilesādiñāṇa), đức Như Lai biết rõ sự ô
nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất ly của thiền định, nhập định và sự giải thoát.
8. Trí biết tiền kiếp
(Pubbenivāsānussatiñāṇa), đức Như Lai có trí nhớ chính xác và nhớ nhiều về các
kiếp sống quá khứ, từng nét đại cương và chi tiết đa dạng.
9. Trí biết sự sanh tử
(Cutūpapātañāṇa), đức Như Lai với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân ngài thấy rõ
sự sống chết của chúng sanh; biết chúng sanh này sanh đến chỗ hèn hạ hoặc cao
sang, xấu xí hay xinh đẹp, hạnh phúc hay đau khổ, là do hạnh nghiệp như vậy.
Chúng sanh đi đến tùy theo nghiệp.
10. Trí đoạn lậu
(Āsavakkhayañāṇa), đức Như Lai tự mình thắng tri vô lậu tâm giải thoát, đoạn
tận các lậu hoặc. Ngài biết rõ sự đoạn diệt hoàn toàn các lậu hoặc như vậy.
Trích từ “Kho Tàng
Pháp Học” - Tỳ khưu Giác Giới soạn dịch
Thảo luận 1. Nói đến căn cơ cao thấp của chúng sanh thì dựa trên chuẩn mực gì để phân định? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 2. Khuynh hướng sống của mỗi cá nhân ảnh hưởng thế nào đối với sự tu tập? - TT Pháp Tân
Thảo luận 3. Theo Phật Pháp thì có những điều có thể và không thể mà Đức Phật là người biết rõ điều đó thì dụ như Phạm thiên, ma vương, chuyển luân vương không thể là người nữ. Những điều đó có thể mang tánh "kỳ thị giới tính chăng"? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 4. Có những người lúc nhỏ rất tầm thường nhưng ở tuổi trung niên rất xuất chúng ngược lại có những người rất xuất sắc thời niên thiếu nhưng sau nầy lơn lên thì không có gì đặc biệt. Như vậy làm sao để nói ai là người lợi căn? - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 5. Tại sao trong Tam Tạng Pali khong nói gì về trường hợp người tu thiền bị "tẩu hoả nhập ma" mà chỉ nói về sự dính mắc dậm chân một chỗ trong thiền chứng? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 6. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment