Thursday, May 30, 2019

Bài học. Thứ Sáu ngày 31 tháng 5, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng SưĐĐ Pháp Tín
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 31/5/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP BẢY CHI 7.4

Atthi kho, āvuso, tena bhagavatā jānatā passatā arahatā sammāsambuddhena satta dhammā sammadakkhātā;
Này các Hiền giả, có bảy pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. 
tattha sabbeheva saṅgāyitabbaṁ, na vivaditabbaṁ, yathayidaṁ brahmacariyaṁ addhaniyaṁ assa ciraṭṭhitikaṁ , tadassa bahujanahitāya bahujanasukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṁ 
Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. 
Katame satta?
Thế nào là bảy?
Satta asaddhammā
Iv) Bảy phi diệu pháp: 
idhāvuso, bhikkhu assaddho hoti, ahiriko hoti, anottappī hoti, appassuto hoti, kusīto hoti, muṭṭhassati hoti, duppañño hoti.
Này các Hiền giả, ở đây, có vị Tỷ kheo bất tín, vô tàm, vô quý, thiểu văn, giải đãi, thất niệm, liệt tuệ.

satta saddhammā 
V) Bảy diệu pháp: 
idhāvuso, bhikkhu saddho hoti, hirimā hoti, ottappī hoti, bahussuto hoti, āraddhavīriyo hoti, upaṭṭhitassati hoti, paññavā hoti.
Này các Hiền giả, ở đây, có vị Tỷ kheo có lòng tín, có tàm, có quý, đa văn, tinh tấn, niệm được an trú, có trí tuệ.

Phần giảng rộng sau đây trích từ Trung Bộ, bài  110, Tiểu kinh Mãn nguyệt
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Pubbārāma (Ðông Viên), Migaramatupasada (Lộc Mẫu Giảng đường).
Lúc bấy giờ trong ngày Bố-tát, ngày trăng tròn, trong đêm trăng rằm, Thế Tôn đang ngồi giữa trời, xung quanh có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn nhìn chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, hết sức yên lặng và bảo các Tỷ-kheo
—Này các Tỷ-kheo, một người bất chánh (asappurisa) có thể biết một người bất chánh: “Người bất chánh là vị này”, hay không?
—Bạch Thế Tôn, không biết được.
—Lành thay, này các Tỷ-kheo! Này các Tỷ-kheo, không thể có sự tình, không thể có sự kiện, một người bất chánh có thể biết một người bất chánh: “Người bất chánh là vị này.” Này các Tỷ-kheo, nhưng một người bất chánh có thể biết một người chơn chánh: “Người chơn chánh là vị này” hay không?
—Bạch Thế Tôn, không biết được.
—Lành thay, này các Tỷ-kheo! Này các Tỷ-kheo, không thể có sự tình, không thể có sự kiện một người bất chánh có thể biết được một người chơn chánh: “Người chơn chánh là vị này”.
Người bất chánh, này các Tỷ-kheo, là người đầy đủ pháp bất chánh, giao du với người bất chánh, suy tư như người bất chánh, tư lường như người bất chánh, nói năng như người bất chánh, hành động như người bất chánh, có tà kiến như người bất chánh, bố thí như người bất chánh.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh đầy đủ pháp bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh bất tín, vô tàm, vô quý, nghe ít, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh đầy đủ pháp bất chánh.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh giao du với những người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, những vị Bà-la-môn nào bất tín, vô tàm, vô quý, ít nghe, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ, những vị ấy là bạn, là thân hữu với người bất chánh ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh giao du với người bất chánh.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh suy tư như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh suy nghĩ tự làm hại mình, suy nghĩ làm hại người khác, suy nghĩ làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh suy tư như người bất chánh.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh tư lường như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh tư lường tự làm hại mình, tư lường làm hại người, tư lường làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh tư lường như người bất chánh.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh nói năng như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh nói lời nói láo, nói lời hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm. Như vậy này các Tỷ-kheo, là người bất chánh nói năng như người bất chánh.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh hành động như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh sát sanh, lấy của không cho, làm các tà hạnh trong các dục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh hành động như người bất chánh.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người bất chánh có tà kiến như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh có tà kiến như sau: “Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có cha, không có mẹ, không có loại hóa sanh. Ở đời, không có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh đã tự mình chứng đạt với thượng trí đời này và đời khác, và truyền dạy lại”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh có tà kiến như người bất chánh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người bất chánh bố thí như người bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh bố thí một cách vô lễ, bố thí không phải tự tay, bố thí không có suy tư kỹ lưỡng, bố thí những vật không cần dùng, bố thí không nghĩ đến tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người bất chánh bố thí như người bất chánh.
Này các Tỷ-kheo, người bất chánh ấy, đầy đủ pháp bất chánh như vậy, giao du với người bất chánh như vậy, suy tư như người bất chánh như vậy, tư lường như người bất chánh như vậy, nói năng như người bất chánh như vậy, hành động như người bất chánh như vậy, có tà kiến như người bất chánh như vậy, bố thí như người bất chánh như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cảnh giới của những người bất chánh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là cảnh giới của những người bất chánh? Ðịa ngục hay là bàng sanh.
Này các Tỷ-kheo, một người chơn chánh có thể biết được một người chơn chánh: “Người chơn chánh là vị này” hay không?
—Thưa biết được, bạch Thế Tôn.
—Lành thay, này các Tỷ-kheo! Sự tình này xảy ra là người chơn chánh có thể biết được người chơn chánh: “Người chơn chánh là vị này”. Nhưng này các Tỷ-kheo, người chơn chánh có thể biết được người bất chánh: “Người bất chánh là vị này” hay không?
—Thưa biết được, bạch Thế Tôn.
—Lành thay, này các Tỷ-kheo! Này các Tỷ-kheo, có sự tình này là người chơn chánh có thể biết được người bất chánh: “Người bất chánh là vị này”. Này các Tỷ-kheo, người chơn chánh đầy đủ Chánh pháp, giao du với các bậc chơn chánh, suy nghĩ như các bậc chơn chánh, tư lường như các bậc chơn chánh, nói năng như bậc chơn chánh, hành động như bậc chơn chánh, có chánh kiến như bậc chơn chánh, bố thí như bậc chơn chánh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người chơn chánh đầy đủ Chánh pháp? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chơn chánh có lòng tin, có lòng tàm, có lòng quý, có nghe nhiều, có tinh cần, tinh tấn, có chánh niệm, có trí tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh đầy đủ những Chánh pháp.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người chơn chánh giao du với các bậc chơn chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào có lòng tin, có lòng tàm, có lòng quý nghe nhiều, tinh cần, tinh tấn, chánh niệm, có trí tuệ, những vị ấy là bạn, là thân hữu của vị chơn chánh ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh giao du với các bậc chơn chánh.
Và này, các Tỷ-kheo, như thế nào là người chơn chánh suy tư như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chơn chánh không suy nghĩ tự làm hại mình, không suy nghĩ làm hại người khác, không suy nghĩ làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh suy tư như người chơn chánh.
Và này, các Tỷ-kheo, như thế nào là người chơn chánh tư lường như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chơn chánh không tư lường tự làm hại mình, không tư lường làm hại người khác, không tư lường làm hại cả hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh tư lường như người chơn chánh?
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là người chơn chánh nói năng như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chơn chánh từ bỏ không nói láo, từ bỏ không nói hai lưỡi, từ bỏ không nói ác khẩu, từ bỏ không nói phiếm luận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh nói năng như người chơn chánh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người chơn chánh hành động như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chơn chánh từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ làm các tà hạnh trong dâm dục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh hành động như người chơn chánh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người chơn chánh có chánh kiến như bậc chơn chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chơn chánh có chánh kiến như sau: “Có bố thí, có lễ hy sinh, có tế tự, có quả dị thục các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời khác, có cha, có mẹ, có loại hóa sanh. Ở đời có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng đạt với thượng trí đời này và đời khác, và truyền dạy lại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh có chánh kiến như người chơn chánh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người chơn chánh bố thí như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chơn chánh bố thí một cách lễ độ, bố thí với tự tay, bố thí có suy tư kỹ lưỡng, bố thí những vật cần dùng, bố thí có nghĩ đến tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh bố thí như người chơn chánh.
Này các Tỷ-kheo, người chơn chánh ấy, đầy đủ Chánh pháp như vậy, giao du với người chơn chánh như vậy, suy tư như người chơn chánh như vậy, tư lường như người chơn chánh như vậy, nói năng như người chơn chánh như vậy, hành động như người chơn chánh như vậy, có chánh kiến như người như người chơn chánh như vậy, bố thí như người chơn chánh như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cảnh giới của những người chơn chánh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là cảnh giới của những người chơn chánh? Ðại tánh của chư Thiên hay đại tánh của loài Người.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.



ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Tại sao người thiện có thể lượng định được người ác nhưng không thể ngược lại? - TT Tuệ Siêu


Thảo luận 2. Tại sao đa văn không kể chung với trí tuệ? - TT Pháp Tân

Thảo luận 3. Tại sao trong A Tỳ Đàm thì tâm sở trí tuệ luôn đi với tâm tịnh hảo , nhưng trong kinh tạng thì có ác tuệ , liệt tuệ? - TT Pháp Đăng 


Thảo luận 4. Phải chăng tàm và quý luôn đi chung (có cái nầy thì có cái kia)? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 5. Có chăng một người tâm tánh xấu nhưng đời sống hiền thiện hay ngược lại? - TT Pháp Tân

Thảo luận 6. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận


 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment