Tuesday, December 24, 2019

Bài học. Thứ Ba ngày 24 tháng 12, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT  Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 24/12/2019 
22. Kinh Ví dụ con rắn (Alagaddùpama sutta)



318. Tại sao gọi là  Kinh Ví dụ con rắn (Alagaddùpama sutta)?
Tên kinh lấy từ một ví dụ ở trong phần đầu của pháp thoại. Trong dụ ngôn nầy người học Phật pháp phải cẩn trọng và khéo léo như người bắt rắn. Sự vụng về có thể mang lại hậu quả tai hại. Trước kinh bài kinh nầy còn có tên thuần Hán Việt là Kinh Xà Dụ.

319. Đại ý Kinh Ví dụ con rắn (Alagaddùpama sutta) là gì?
Tỳ kheo Ariṭṭha có quan điểm là theo sự hiểu biết của mình về lời Phật dạy thì hưởng thụ dục lạc không ngăn ngại đời sống phạm hạnh.  Các vị tỳ kheo khác đã có phản ứng rằng quan niệm như vậy là không đúng với pháp của Phật. Dù vậy tỳ kheo Ariṭṭha vẫn khư khư chấp giữ quan điểm của mình. Câu chuyện được trình lên Đức Phật. Bậc Đạo Sư cho gọi tỳ kheo Ariṭṭha để huấn thị. Rồi Ngài đã dùng nhiều thí dụ về để nói về sự nhận thức giáo pháp, nhận thức về bản thân, nhận thức về thế giới,  đau , khổ và con đường thoát khổ. Bài kinh nầy mang những ý nghĩa rất căn bản về giáo lý vô ngã và nói về sự sai lầm của pháp chấp cũng như ngã chấp.
320. Tỳ kheo Ariṭṭha là nhân vật thế nào?
Ariṭṭha trước khi xuất gia là người huấn luyện chim ưng (hay chim điêu – cùng họ với kền kền). Sau khi xuất gia thường giao hảo với những phần tử xấu trong giới xuất gia và thường đưa ra những quan điểm lệch lạc về giáo pháp. Chính do vị tỳ kheo nầy mà một trong 13 điều luật tăng tàng được chế định, qua đó, một tỳ kheo chấp giữ quan kiến lầm lạc đị ngược với giáo pháp thì chư tỳ kheo có thể tác pháp yế ma can ngăn ( ukkhepanīyakamma) nếu không thay đổi thì bị tội tăng tàng với hình phạt cấm phòng.

321. Quan điểm của Tỳ kheo Ariṭṭha thật sự là gì? Và tại sao đi ngược với lời dạy của Đức Phật?
Vị nầy tuyên bố “Theo tôi hiểu những gì Đức Phật dạy là chướng ngại không hẳn là chướng ngại đối với người làm những điều đó (tathāhaṃ bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi yathā yeme antarāyikā dhammā vuttā bhagavatā te paṭisevato nālaṃ antarāyāyā”ti).  Điều nầy hàm nghĩa là Đức Phật chế định luật nghi có thể “do phương tiện mà nói” hay vì hình ảnh đẹp của Tăng chúng mà chế định chứ không nhất thiết có giá trị trong mọi trường hợp. 
Các tỳ kheo khác đã đưa ra lời xây dựng là giáo pháp mang tính nhất quán. Khi Đức Phật dùng nhiều pháp môn thuyết về sự ngăn ngại của hưởng thụ dục lạc đối với sự tu tập. Và những ai thọ dụng chúng tự đủ bị chướng ngại. Thế Tôn đã thuyết các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn. Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như khúc xương... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như một miếng thịt... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như bó đuốc cỏ khô... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như hố than hừng... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như cơn mộng... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như vật dụng cho mượn... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như trái cây... Thế Tôn đã thuyết các dục vọng được ví như lò thịt... Thế Tôn đã thuyết các dục vọng được ví như gậy nhọn... Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như đầu rắn, vui ít khổ nhiều, não nhiều và do vậy, nguy hiểm càng nhiều hơn".

322. Thí dụ về người bắt rắn mang ý nghĩa thế nào?

Chỉ học Phật pháp bằng trí nhớ chưa đủ mà còn cần lãnh hội chân xác và ứng dụng đúng cách:
Chư Tỷ-kheo, ở đây có một số người ngu si học pháp, như Kinh, Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng. Sau khi học các pháp này, họ không quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Những pháp ấy, vì ý nghĩa không được trí tuệ quán sát, nên không trở thành rõ ràng. Họ học các pháp chỉ vì lợi ích, muốn chỉ trích người khác, chỉ vì lợi ích, muốn khoái khẩu biện luận, và họ không đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Những pháp ấy vì nắm giữ sai lạc nên đưa họ đến bất hạnh, đau khổ lâu dài. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì nắm giữ sai lạc các pháp.

Chư Tỷ-kheo, ví như một người ưa muốn rắn nước, tìm cầu rắn nước, đi khắp chỗ để tìm rắn nước. Người đó thấy một con rắn nước lớn, và người đó bắt con rắn ấy ở lưng hay ở đuôi. Con rắn ấy có thể quay lại cắn người đó nơi tay, nơi cánh tay hay ở một phần nào khác của cơ thể, và người đó có thể do nhân này mà bị chết hay bị đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, vì nắm bắt con rắn một cách sai lạc. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, ở đây, một số người ngu si học pháp... Chư Tỷ-kheo, vì sự chấp thủ các pháp sai lạc.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, một số Thiện nam tử học pháp, như Kinh, Ứng tụng, Giải thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng. Sau khi học các pháp này, họ quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Những pháp ấy, vì ý nghĩa được trí tuệ quán sát, nên trở thành rõ ràng. Họ học pháp không vì lợi ích, muốn chỉ trích người khác, không vì lợi ích, muốn khoái khẩu biện luận, và họ đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Những pháp ấy, vì khéo nắm giữ, nên đưa họ đến hạnh phúc, an lạc lâu dài. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì khéo nắm giữ các pháp.

Chư Tỷ-kheo, ví như một người ưa muốn rắn nước, tìm cầu rắn nước đi khắp chỗ để tìm rắn nước. Người đó thấy một con rắn nước lớn. Người đó có thể khéo đè con rắn nước với cây gậy có nạng. Sau khi khéo đè với cây gậy có nạng, người đó có thể khéo nắm giữ cổ rắn. Chư Tỷ-kheo, dầu cho con rắn nước ấy có thể cuốn thân nó xung quanh tay, hay cánh tay, hay một thân phần nào khác, người đó cũng không vì nhân duyên ấy đi đến chỗ chết hay đến sự đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, vì khéo nắm giữ con rắn nước vậy.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy hiểu rõ ý nghĩa lời Ta thuyết giảng và thọ trì như vậy. Nếu có ai không hiểu rõ ý nghĩa lời Ta thuyết giảng thì ở nơi đây, các Ông hãy hỏi Ta hay hỏi những bậc Tỷ-kheo trí thức. 

323. Thí dụ về chiếc bè được hiểu thế nào?

Giáo pháp để học hiểu, thực hành dẫn đến giác ngộ giải thoát chứ không phải để chấp thủ:
-- Này các Tỷ-kheo, ví như có người đang đi trên con đường lớn dài, đến một vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua từ bờ này đến bờ kia. Người đó tự suy nghĩ: "Ðây là vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua hay không có cầu bắc qua từ bờ này đến bờ kia. Nay ta hãy thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá, cột lại thành chiếc bè, và dựa trên chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân, có thể vượt qua bờ bên kia một cách an toàn". Chư Tỷ-kheo, rồi người đó thâu góp cỏ, cây, nhánh, lá cột lại thành chiếc bè, và nhờ chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Khi qua bờ bên kia rồi, Người đó suy nghĩ: "Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta, nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy đội chiếc bè này trên đầu hay vác nó trên vai, và đi đến chỗ nào ta muốn". Chư Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Chư Tỷ-kheo, nếu người đó làm như vậy, thì có làm đúng với sở dụng của chiếc bè chăng?

-- Bạch Thế Tôn, không.

-- Chư Tỷ-kheo, người đó phải làm thế nào cho đúng sở dụng của chiếc bè? Ở đây, chư Tỷ-kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ: "Chiếc bè này lợi ích nhiều cho ta. Nhờ chiếc bè này, ta tinh tấn dùng tay chân đã vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Nay ta hãy kéo chiếc bè này lên trên bờ đất khô, hay nhận chìm xuống nước, và đi đến chỗ nào ta muốn". Chư Tỷ-kheo, làm như vậy, người đó làm đúng sở dụng chiếc bè ấy. Cũng vậy, này chư Tỷ-kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy.

Chư Tỷ-kheo, các Ông cần hiểu ví dụ cái bè. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp.

(còn tiếp)



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành





 III Trắc Nghiệm

 Trắc nghiệm 1. Câu nào sau đây được xem là chính xác theo Tam Tạng kinh điển? 

A. Có những lời Phật dạy chỉ vì hợp với tánh ý chúng sanh nhưng không nhất thiết là luôn đúng với sự thật (Phật chỉ vì phương tiện mà nói) / 

B. Trọng tâm của những gì Phật dạy là liên hệ tới giác ngộ, giải thoát; những gì liên hệ đến giải thoát LUÔN LUÔN PHÙ HỢP VỚI SỰ THẬT; nếu hội đủ hai yếu tố trên thì dù chúng sanh nghe có thể thích hay không thích Đức Phật vẫn nói/ 

C. Nếu những gì ghi trong kinh sách mà phù hợp với kiến thức khoa học thì đó đúng là lời Phật dạy /


 D. Nếu nghe ai nói điều gì đó do Phật nói cần suy xét xem có logic hay không. Nếu hợp với lô gic thì là lời Phật dạy.

TT Tuệ Siêu cho đáp án trắc nghiệm 1: B

Trắc nghiệm 2. Đôi khi Phật Pháp được ví dụ như thuốc trị bệnh. Câu nào sau đây nói đến khía cạnh xác đáng nhất của thí dụ? 
A. Giá thành của thuốc. Thuốc hay là thuốc đắt tiền /
 B. Cái đẹp của thuốc /
 C. Hiệu năng của thuốc. Thuốc để trị bệnh / 
D. Giá trị hiếm quý của thuốc. Giữ để làm của.


TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 2: C

Trắc nghiệm 3. Câu nói “đạo nào cũng tốt” có thể rơi vào sai lầm nào sau đây? 
A. Giá trị không nằm ở nhãn hiệu. Không phải khi có chữ “Đạo” thì có nghĩa là đạo chân thực / 
B. Khi hai tín lý hoàn toàn trái người thì không thể nói cả hai đều đúng /
 C. Ngay cả thuốc hay mà uống không đúng cách thì vẫn tai hại. Giáo lý cao đẹp còn phải được khéo lãnh hội, khéo ứng dụng mới có lợi lạc /
 D. Cả ba câu trên đều đúng


ĐĐ Pháp Tín cho đáp án trắc nghiệm 3:D

Trắc nghiệm 4. Câu nào sau đây được tìm thấy trong Kinh Ví Dụ Con Rắn
 A. Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn. / 
B.  Hãy hiểu rõ ý nghĩa lời Ta thuyết giảng và thọ trì như vậy. Nếu có ai không hiểu rõ ý nghĩa lời Ta thuyết giảng thì ở nơi đây, các thầy hãy hỏi Như Lai hay hỏi những bậc Tỷ-kheo trí thức./  
C. Chư Tỷ-kheo, các Ông cần hiểu ví dụ cái bè. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp./
 D. Cả ba câu trên


TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 4:D

Trắc nghiệm 5. Khi Đức Phật dùng thí dụ người bắt rắn để nói về  ý nghĩa thọ trì giáo pháp thì Ngài muốn dạy điều gì? 
A. Giáo pháp như rắn độc / 
B. Hành giả như rắn độc /
 C. Sự lãnh hội và ứng dụng pháp phải khéo léo như người bắt rắn /
 D. Không phải ai cũng nên tu


TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 5:C


No comments:

Post a Comment