TRUNG BỘ KINH - MAJJHIMA NIKAYA
GIẢNG SƯ: TT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 19/12/2019
18. Kinh Mật hoàn (Madhupindika sutta)
288. Tại sao gọi là Kinh Mật hoàn (Madhupindika sutta)?
Mật hoàn có nghĩa là bánh mật, một loại bánh thơm ngon. Tên kinh không liên hệ gì với nội dung bài kinh. Một chi tiết cuối bài kinh là khi tôn giả Ananda nghe được ý nghĩa của những gì được nói Ngài rất hoan hỷ bày tỏ cảm tưởng như một người đang đói lả được ăn một cái bánh mật thật ngon. Đức Phật nhân đó dạy rằng: vậy cứ gọi là pháp môn bánh mật.
289. Đại ý Kinh Mật hoàn (Madhupindika sutta) là gì?
Bài kinh là một giai thoại có ba phân đoạn. Đầu tiên là một người thuộc hoàng tộc Thích Ca đến gặp tại Đại Lâm hỏi về một câu về tổng quan giáo pháp của Đức Phật. Đức Phật hiểu chủ tâm của vị nầy nên trả lời một câu tương đối khó hiểu. Sau đó Đức Phật thuật lại câu chuyện cho chư tỳ kheo nghe nguyên câu chuyện rồi Ngài đi vào hương thất. Cuối cùng chư tỳ kheo thỉnh cầu tôn giả Mahàkaccayana giải thích rộng rãi ý nghĩ lời Phật dạy. Lời giảng rộng của Tôn giả được Đức Thế Tôn xác nhận là phù hợp với ý của Phật.
290. Dandapani Sakka là nhân vật thế nào?
Dandapani Sakka là một hoàng thân dòng Thích Ca. Vị nầy là em ruột của Vua Thiện Giác, Hoàng Hậu Màyà và Di mẫu Mahàpajàpati Gotamì. Như vậy trên phương diện huyết thống vị nầy là cậu ruột của Đức Phật. Khi Devadatta (Đề Bà Đạt Đa), cháu gọi Dandapani bằng chú, chia rẽ Tăng Chúng với việc đứng ra lập giáo riêng thì Dandapani đứng về phía Devadatta.
Gọi là Dandapani vì vị nầy đi đâu cũng mang theo cây gậy bọc vàng ròng ở đầu gậy với thái độ của một vương gia quý tộc.
291. Được hỏi gì? và Đức Phật đã trả lời thế nào?
Gậy cầm tay Sakka hỏi Đức Phật: "Sa-môn có quan điểm thế nào, giảng thuyết những gì?"
Đức Thế Tôn trả lời "Này Hiền giả, theo lời Ta dạy trong thế giới với chư Thiên, Mara, và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời. Các tưởng sẽ không ám ảnh vị Bà-la-môn sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu. Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy".
Khi nghe nói vậy, Gậy cầm tay Sakka lắc đầu, liếm lưỡi, với trán nổi lên ba đường nhăn, chống gậy rồi đi.
292. Tại sao câu trả lời của Đức Phật dường như là một ẩn ngữ khó hiểu?
Dandapani đến gặp Đức Phật muốn tranh luận về giáo thuyết. Thay vì trả lời về tổng quan giáo pháp Bậc Đạo Sư đã nói lên bản chất và hiện tượng của những tranh luận, hý luận, lý luận về tôn giáo, triết thuyết. Nhưng câu trả lời của Phật vượt ngoài tầm hiểu biết của vị nầy nên phản ứng bằng im lặng ra đi
293. Tôn giả Mahàkaccayàna là nhân vật thế nào?
Tôn giả Mahàkaccayàna sanh ở Ujjenī kinh đô xứ Avanti, một trong bốn quốc độ rộng lớn cổ Ấn thời Đức Phật. Là một người bác lãm kinh Veda, trước khi xuất gia theo Phật tôn giả đã là quốc sư của vua Candappajjota. Tôn giả là một trong những đại đệ tử của Đức Phật với sở trường quảng diễn những gì được Phật dạy một cách tóm tắt. Ngài được biết là có tướng hảo quang minh và là tác giả của tập sách Nettippakarana, một tác phẩm dạy về ngữ pháp Pàlì còn lưu lại tới ngày nay.
294. Nói về hiện tượng và bản chất, trong bài kinh nầy Đức Phật dạy về hiện tượng gì?
Phạn ngữ papañca là một danh từ rất khó dịch. Chữ Hán dịch là “điên đảo vọng tưởng” hay hý luận. Trong Anh ngữ người ta thường dịch với những chữ: self-reflexive thinking, reification, proliferation, exaggeration, elaboration, distortion. Cho những lý luận bất tận về quan kiến và giáo thuyết mà “càng nói thì càng xa, càng mất phương hướng” như câu chuyện người đi tìm dê từ ngã tư nầy tới ngã tư khác, càng đi càng nghi hoặc, càng mất phương hướng.
295. Nếu tranh luận, điên đảo vọng tưởng là hiện tượng thì bản chất là gì?
Lời dạy cô đọng của Đức Phật về hiện tượng và bản chất:
"Này Hiền giả, theo lời Ta dạy trong thế giới với chư Thiên, Mara, và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời. Các tưởng sẽ không ám ảnh vị Bà-la-môn sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu. Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy"
Lời giảng giải của tôn giả Mahàkaccayàna:
Do nhân con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên, do nhơn lỗ tai và các tiếng, nhĩ thức khởi lên do nhơn lỗ mũi và các hương, tỷ thức khởi lên, do nhơn lưỡi và các vị, thiệt thức khởi lên, do nhơn thân và xúc, thân thức khởi lên; do nhơn ý và các pháp, ý thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Những gì có cảm thọ thời có tưởng, những gì có tưởng thời có suy tầm, những gì có suy tầm thì có hý luận. Do hý luận ấy làm nhơn, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, đối với các sắc pháp do con mắt nhận thức, quá khứ, tương lai và hiện tại.
Chư Hiền, sự kiện này xảy ra: khi nào có mắt, khi nào có sắc pháp, khi nào có nhãn thức, thời sự thi thiết của xúc được hiển lộ. Sự kiện này xảy ra: khi nào có tai, khi nào có các tiếng, khi nào có nhĩ thức... Sự kiện này xảy ra: khi nào có lỗ mũi, khi nào có các hương, khi nào có tỷ thức... Sự kiện này xảy ra, khi nào có lưỡi, khi nào có các vị, khi nào có thiệt thức... Sự kiện này xảy ra: khi nào có thân, khi nào có các xúc, khi nào có thân thức... Sự kiện này xảy ra: khi nào có ý, khi nào có các pháp, khi nào có ý thức thời sự thi thiết của xúc được hiển lộ.
Chư Hiền, sự kiện này không xảy ra: khi nào không có mắt, khi nào không có các sắc, khi nào không có nhãn thức, sự thi thiết của xúc được hiển lộ. Chư Hiền, sự kiện này không xảy ra: khi nào không có tai, khi nào không có các tiếng... khi nào không có mũi, khi nào không có các hương... khi nào không có lưỡi, khi nào không có các vị... khi nào không có thân, khi nào không có các xúc ... Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có ý, khi nào không có các pháp, khi nào không có ý thức, sự thi thiết của xúc được hiển lộ...
Có thể hiểu với những điểm sau:
Người ta thường tranh luận về tư tưởng, giáo thuyết không phải vì muốn tìm ra lẽ thật hay chân lý mà chỉ vì bản năng thích bày tỏ quan điểm
Bản năng đó xuất phát từ sự gặp gở giữa căn, cảnh và thức
Từ sự hội tụ giữa căn, cảnh và thức sanh ra cảm thọ, rồi tưởng, rồi suy tầm dẫn đến điên đảo vọng tưởng.
Tất cả nhận thức từ xúc, thọ, tưởng, suy tầm đều là phiến diện, hạn hẹp, đối đãi (thi thiết).
Người tu Phật cần hiểu tánh tương đối trong sự nhận thức hay quan kiến của mình.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Tại sao sự tranh luận của chúng sanh đến từ bản chất thiên kiến đối với các cảnh hơn là vi lẽ thật? - TT Pháp Tân
Thảo luận 2. Qua câu chuyện Tề Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi gà phải chăng chúng ta cũng có thể hiểu một người không muốn tranh luận mới thật sự nhìn sự việc khách quan? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Phải chăng rất khó để sống mà không tranh luận? mà tranh luận thì khó có được thái độ khách quan? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 4. Xin giải ý nghĩa câu Phật ngôn: nếu chúng sanh thật sự hiểu rằng rồi tất cả đều phải chết thì sẽ không còn muốn hơn thua.-ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 5. Một người không cao ngạo có hẳn là người ít muốn hơn thua? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 6. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
Thảo luận 2. Qua câu chuyện Tề Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi gà phải chăng chúng ta cũng có thể hiểu một người không muốn tranh luận mới thật sự nhìn sự việc khách quan? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Phải chăng rất khó để sống mà không tranh luận? mà tranh luận thì khó có được thái độ khách quan? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 4. Xin giải ý nghĩa câu Phật ngôn: nếu chúng sanh thật sự hiểu rằng rồi tất cả đều phải chết thì sẽ không còn muốn hơn thua.-ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 5. Một người không cao ngạo có hẳn là người ít muốn hơn thua? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 6. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment