Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 28/12/2019
23. Kinh Gò mối (Vammika sutta)(tiếp theo)
339. Nên hiểu thế nào câu “ cái then cửa là đồng nghĩa với vô minh; đem then cửa lên là từ bỏ vô minh này”?
Then cửa là để khoá cổng lại. Vô minh trong ẩn ngữ nầy chỉ cho sự thiếu ý thức về sự khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ và phương thức diệt khổ như là chánh kiến khởi đầu cho hành giả tu tập. Hành giả cần có cái nhìn tổng quan về những gì cần giải quyết và những gì nên làm.
340. Nên hiểu thế nào câu “Con nhái là đồng nghĩa với bực bội khó chịu”?
Con nhái là hình ảnh của “đụng tới thời nhảy” ở đây chỉ cho phản ứng của hành giả. Một tâm trạng thường có đối với người tu tập là phản ứng đối với sự việc xẩy ra ở chính thân tâm hay hoàn cảnh chung quanh. Thường là phản ứng bực bội do trống vắng dục lạc hay khó chịu khiến tâm bị giao động. Khi chánh niệm đủ mạnh thì chỉ có ghi nhận những hiện tượng sanh diệt hơn là phản ứng.
341. Nên hiểu thế nào câu “Con đường hai ngã là đồng nghĩa với nghi hoặc”?
Con đường hai ngã là ví dụ của sự phân vân lưỡng lự hay nghi hoặc. Sẽ có một giai đoạn mà hành giả niệm không đủ mạnh và rõ để tạo nên sự phân biệt tinh xác (trạch pháp giác chi). Chính giai đoạn nầy với sự hiện khởi lẫn lộn cả tâm thiện và phiền não tạo thành nghi hoặc. Mấu chốt là tiếp tục kiên trì nuôi dưỡng chánh niệm. Chánh niệm mạnh và rõ thì trạch pháp giác chi sẽ sanh khởi. Sự phân biệt trở nên tinh xác và nghi hoặc sẽ tan biến.
342. Nên hiểu thế nào câu “Đồ lọc sữa là đồng nghĩa với năm triền cái: dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo cử hối quá triền cái, nghi hoặc triền cái”?
Đồ lọc là biểu tượng cho “sau hết cái giữ lại là cặn bả”. Năm triền cái là dục tham, sân độc, hôn thuỵ, trạo hối và nghi hoặc là năm thành phẩm tự nhiên của tâm sống dục giới. Tuy là thuộc về thô nhưng lại là những gì tồn đọng cho tới khi năm thiền chi tầm, tứ, hỷ, lạc, định được lớn mạnh đầy đủ. Những pháp triền cái nầy giống như những “bản năng cố hữu” khiến chúng sanh bị giam chân lại trong sự tu tập nội tại.
343. Nên hiểu thế nào câu “Con rùa là đồng nghĩa với năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn; đem con rùa lên là từ bỏ năm thủ uẩn này”
Con rùa với chiếc mai rùa cứng như chiếc giáp để rút đầu và bốn chân vào khi bị đụng tới đó là ví dụ của năm thủ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức là những gì luôn đi với ái chấp, mạn chấp và kiến chấp . Hành giả cần vượt quan nếp suy nghĩ cố hữu nầy với nhận thức sắc chỉ là sắc, thọ chỉ là thọ, tưởng chỉ là tưởng, hành chỉ là hành, thức chỉ là thức mà không có thái độ: đây là ta, là của ta, là tự ngã của ta.
344. Nên hiểu thế nào câu “con dao phay là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng, tức là các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn?
Chữ asisūnā là con dao chặt thịt vừa sắc bén và có sức nặng để chặt đứ ám chỉ cho khả năng chi phối của ngoại cảnh. Hành giả không phải chỉ có thách thức nội tại (chấp thủ năm uẩn) mà còn phải cẩn trọng với ngoại cảnh. Sự chi phối từ ngoại giới vốn một phần do ở thói quen nhiều đời. Đó là những tấn công bất ngờ mà hành giả chỉ cần xao lãng trong giây phút là có thể bị giao động.
344. Nên hiểu thế nào câu “Miếng thịt là đồng nghĩa với hỷ tham”?
Miếng thịt đối với nhiều chúng sanh là sự hứa hẹn của ngon ngọt ở đây chỉ cho hai trạng thái mà bất cứ hành giả nào cũng cần cảnh giác là hỷ hay sự hân hoan và tham hay sự dính mắc. Mỗi mỗi sự thành tựu trong hành trình tu tập đều có dấu ấn của hỷ và ái chấp. Muốn chứng nhị thiền phải bỏ sơ thiền, muốn chứng tam thiền phải bỏ nhị thiền… Đó là ý nghĩ tế nhị.
344. Nên hiểu thế nào câu “Con rắn hổ là đồng nghĩa với vị Tỷ-kheo đã diệt trừ các lậu hoặc; hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng chạm con rắn hổ.
Chữ nàga trong Phạn ngữ có nghĩa là mãng xà mà cũng có nghĩa là voi hay rồng tuỳ theo ngữ cảnh. Mạch văn ở đây có thể dịch là con rồng hay long mạch là sự khám phá sau cùng của hành giả chỉ cho sự đoạn tận toàn bộ phiền não (tuệ giải thoát) hay có khi là sự chấm dứt thọ tưởng (tâm giải thoát). Đó là đích điểm cuối cùng của hành giác ngộ giải thoát “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm” đó là ý nghĩa của câu “hãy để yên long mạch đựng đụng chạm tới”.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Hoài nghi trong trường hợp nào là phiền não (nghi hoặc) trong trường hợp nào là thái độ nên có (hoài nghi để tìm cho ra lẽ)? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 3. Làm sao để có thể phản ứng đối với cảnh mà không rơi vào hai trạng thái thích thú hay ghét bỏ? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Sự chi phối chủ quan (từ năm thủ uẩn) so với sự chi phối khách quan (năm ngoại cảnh) cái nào mạnh và đáng sợ hơn? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 5. Phải chăng sự ái chấp trong những thiện sự, phước báu đôi khi cũng có thể làm trở ngại cho hành giả tu tập? - TT Pháp Tân
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment