Monday, December 30, 2019

Bài học. Thứ Ba ngày 30 tháng 12, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 30/12/2019 
24. Kinh Trạm xe (Rathavinìta sutta)



347. Tại sao gọi là  Kinh Trạm xe (Rathavinìta sutta)?
Tên kinh lấy từ thí dụ trong bài kinh như một hành trình từ thành phố nầy đến thành phố khác với nhiều trạm xe để dừng nghỉ dọc đường. Mỗi trạm dừng là một điểm để hướng đến nhưng chỉ là giai đoạn rồi phải tiếp tục chứ không thể là đích điểm sau cùng. Những trạm xe nầy được dùng làm thí dụ cho bảy bước thanh tịnh hoá của đạo lộ giải thoát.

348. Đại ý Kinh Trạm xe (Rathavinìta sutta) là gì?
Bài kinh ghi lại giai thoại đối đáp giữa hai bậc thánh đệ tử Phật nổi tiếng là thông tuệ là Tôn giả Sāriputta và tôn giả Puṇṇo mantāṇiputta. Trong cuộc luận đàm nầy hai Ngài đã nói về hành trình tu chứng với những gì mang tánh giai đoạn và cái gì cứu cánh sau cùng.
Thất tịnh hay bảy bước thanh tịnh là một trình bày rộng tam học giới, định, tuệ. Bảy pháp nầy được quảng diễn với nhiều chi tiết tạo thành nội dung của bộ sách danh tiếng Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) của Ngài Buddhaghosa sau nầy. 

349. Xin cho biết đại lược về tôn giả Sāriputta và tôn giả Puṇṇo mantāṇiputta là nhân vật thế nào?
Tôn giả Sāriputta là một trong hai vị thượng thủ thinh văn đệ tử Phật được Thế Tôn xác nhận là vị đệ nhất về trí tuệ trong hàng đệ tử.
Tôn giả Puṇṇo mantāṇiputta là người cháu gọi Ngài Aññā Kondañña (Kiều Trần Như) bằng cậu. Tôn giả được Ngài Kondañña khai tâm và truyền đại giới và được Thế Tôn xác nhận là vị đệ nhất về thuyết pháp trong hàng đệ tử.
Trong lần gặp mặt nầy giữa hai bậc thánh đệ tử Phật ngài Sāriputta biết ngài Puṇṇo mantāṇiputta là ai nhưng ngược lại ngài Puṇṇo mantāṇiputta không biết ngài Sāriputta  vì chưa từng gặp mặt.


350. Cuộc đàm thoại mang nội dung thế nào?
Tôn giả Sāriputta là người đưa ra câu hỏi và Tôn giả Puṇṇo mantāṇiputta là người trả lời:

-- Hiền giả, có phải chúng ta sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn?
-- Thật như vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích giới thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tâm thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là mục đích kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đoạn nghi thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đạo tri kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tri kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, khi hỏi "có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích giới thanh tịnh?", Hiền giả trả lời "Không phải vậy". Khi hỏi ... tâm thanh tịnh? ... kiến thanh tịnh?... đoạn nghi thanh tịnh? ... đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh? ... đạo tri kiến thanh tịnh? ... Khi hỏi "có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tri kiến thanh tịnh?", Hiền giả trả lời "Không phải vậy". Như vậy, Hiền giả, với mục đích gì, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn?

-- Hiền giả, với mục đích vô thủ trước Bát-niết-bàn, nên sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn.

-- Hiền giả, có phải giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải tâm thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải đoạn nghi thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải cái gì ngoài các pháp này là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy. 

351. Thí dụ trạm xe được nói lên thế nào?

Mỗi trạm xe chỉ là điểm đến nhất thời và sẽ phải rời bỏ để tiếp tục hành trình: 
 Hiền giả, như vua Pasenadi xứ Kosala trong khi ở tại Savatthi, có công việc khẩn cấp khởi lên ở Saketa, và bảy trạm xe được sắp đặt cho vua giữa Savatthi và Saketa. Hiền giả, rồi vua Pasenadi xứ Kosala, từ cửa nội thành ra khỏi Savatthi, leo lên trạm xe thứ nhất, và nhờ trạm thứ nhất đến được trạm xe thứ hai; từ bỏ trạm xe thứ nhất, leo lên trạm xe thứ hai, nhờ trạm xe thứ hai đến được trạm xe thứ ba; từ bỏ trạm xe thứ hai... đến được trạm xe thứ tư; từ bỏ trạm xe thứ ba... đến được trạm xe thứ năm, từ bỏ trạm xe thứ tư, leo lên trạm xe thứ năm, nhờ trạm xe thứ năm đến được trạm xe thứ sáu; từ bỏ trạm thứ năm, leo lên trạm xe thứ sáu, nhờ trạm xe thứ sáu, đến được trạm xe thứ bảy; từ bỏ trạm xe thứ sáu, leo lên trạm xe thứ bảy, nhờ trạm xe thứ bảy đến được Saketa, tại cửa nội thành. Khi vua đến tại cửa nội thành, các bộ trưởng cận thần, các thân thích cùng huyết thống hỏi như sau:"-- Tâu Ðại vương có phải với trạm xe này, Bệ hạ đi từ Savatthi đến Saketa tại cửa nội thành?" Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala phải trả lời như thế nào mới gọi là trả lời đúng đắn?

-- Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala phải trả lời như thế này mới trả lời đúng đắn: "-- Ở đây, trong khi ta ở Savatthi, có công việc khẩn cấp khởi lên ở Saketa, và bảy trạm xe được sắp đặt cho ta, giữa Savatthi và Saketa. Ta từ cửa nội thành ra khỏi Savatthi, leo lên trạm xe thứ nhất, và nhờ trạm xe thứ nhất, ta đến được trạm xe thứ hai; từ bỏ trạm xe thứ nhất, ta leo lên trạm xe thứ hai; và nhờ trạm xe thứ hai, ta đến được trạm xe thứ ba; từ bỏ trạm xe thứ hai... đến được trạm xe thứ tư; từ bỏ trạm xe thứ ba... đến được trạm xe thứ năm; từ bỏ trạm xe thứ tư... đến được trạm xe thứ sáu; từ bỏ trạm xe thứ năm, leo lên trạm xe thứ sáu, nhờ trạm xe thứ sáu, đến được trạm xe thứ bảy; từ bỏ trạm xe thứ sáu... leo lên trạm xe thứ bảy, nhờ trạm xe thứ bảy, Ta đến được Saketa, tại cửa nội thành". Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala trả lời như vậy mới trả lời một cách đúng đắn.

[Còn tiếp]



II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Trên phương diện tu tập những gì có giá trị mang tánh giai đoạn có cần được quan tâm? - TT Tuệ Siêu


Thảo luận 2. Tại sao những chủ đề pháp như bát chánh đạo, tam học, thất tịnh nói cho cùng thì giống nhau nhưng tại sao mang chủ đề và con số khác biệt? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Cả hai bậc thánh thông tuệ đều hiểu rõ những gì được hỏi và những gì được trả lời vậy thì tại sao tôn giả Sàriputta hỏi để làm gì? - TT Pháp Tân

Thảo luận 4. Đàm luận về Phật pháp có những lợi ích thiết thực nào đối với sự tu tập? - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 5. Trong hành trình đến nơi nào đó thì một phân đoạn được hướng tới và rồi bỏ lại sau lưng thế nhưng tại sao các bậc hoàn toàn giải thoát vẫn còn sống trong giới thanh tịnh? - ĐĐ Pháp Tín 




 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment