TRUNG BỘ KINH - MAJJHIMA NIKAYA
GIẢNG SƯ: TT PHÁP TâN
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 20/12/2019
20. Kinh An trú tầm (vitakkasaṇṭhāna sutta)
303. Tại sao gọi là Kinh An trú tầm (vitakkasaṇṭhāna sutta)?
Từ ghép vitakkasaṇṭhāna có nghĩa là cách điều phục và an tịnh sự suy nghĩ. Tên kinh gần với nghĩa nhất là là “Kinh Tịnh Chỉ Tư Duy” (bản dịch trước kia là Kinh Đình Chỉ Tư Duy). Tên kinh nói lên nội dung chính của pháp thoại được Đức Thế Tôn giảng dạy.
(Tên kinh theo bản san định sau nầy là “Kinh An Trú Tầm” hơi tối nghĩa).
304. Đại ý Kinh An trú tầm (Vtakkasanthàna sutta) là gì?
Đây là một trong nhiều pháp thoại hằng ngày được Đức Phật dạy cho chư tỳ kheo tại chùa Kỳ Viên, Xá Vệ nói về sự tu tập. Đa số chúng sanh có ảo tưởng là mình suy nghĩ theo cách mình muốn. Kỳ thật thì phàm phu luôn bị cuốn hút bởi những suy nghĩ miên man. Không muốn suy nghĩ cũng không thể chận được ý nghĩ. Thí dụ khi lo lắng, buồn giận, nuối tiếc.. cảm thấy không an lạc nhưng khó để ngưng trụ và an tịnh nội tâm. Đức Phật, trong pháp thoại nầy, dạy năm các để áp chế sức lôi kéo của những ý nghĩa bất thiện.
Năm phương cách đó là:
Tác ý đến những điều đối ngược với tư duy.
Nếu cách thứ nhất không hữu hiệu thì nên tác ý đến sự nguy hiểm của những ý nghĩ đang lôi kéo mãnh liệt.
Nếu cách thứ hai không hữu hiệu thì nên tác ý đến gì hoàn toàn khác biệt.
Nếu cách thứ ba không hữu hiệu thì nên vận dụng chánh niệm để điều phục qua các tư thế hay cử chỉ của thân.
Nếu cách thứ tư không hữu hiệu thì ngồi xuống, tốt nhất là kiết già lưng thẳng, dán chặt lưỡi lên nóc giọng.
305. Thế nào là tác ý đến những điều đối ngược với tư duy?
Hướng tâm vào những gì đối lập với tà tư duy. Thí dụ tâm đang ham muốn mãnh liệt với cảnh khả ái, khả ý thì nghĩ tới bản chất bất tịnh.
“Ở đây, Tỷ-kheo y cứ tướng nào, tác ý tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người thợ mộc thiện xảo hay đệ tử một người thợ mộc, dùng một cái nêm nhỏ đánh bật ra, đánh tung ra, đánh văng ra một cái nêm khác; chư Tỷ-kheo, cũng vậy, khi một Tỷ-kheo y cứ một tướng nào, tác ý một tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sanh khởi, thời này chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, khác với tướng kia, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh”.
306. Thế nào là tác ý đến sự nguy hiểm của những ý nghĩ đang lôi kéo mãnh liệt?
Là thắp sáng ý thức về những nguy hiểm nếu để ý nghĩ đi quá xa. Thí dụ tâm suy nghĩ hoài về những oan trái, oán thù thì nghĩ tới nếu không khéo thì bản thân sẽ tạo nên những ác nghiệp bị tù tội đời nầy hay sanh vào khổ cảnh kiếp sau.
“Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy khi tác ý một tướng khác với tướng kia, liên hệ đến thiện, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời này chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy: "Ðây là những tầm bất thiện, đây là những tầm có tội, đây là những tầm có khổ báo". Nhờ quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người đàn bà hay người đàn ông trẻ tuổi, trong tuổi thanh xuân, tánh ưa trang sức nếu một xác rắn, hay xác chó, hay xác người được quàng vào cổ, người ấy phải lo âu, xấu hổ, ghê tởm. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy nhờ quán sát... nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh”.
307. Thế nào là tác ý đến gì hoàn toàn khác biệt?
Có thể nói như một cách né tránh khôn ngoan. Thí dụ tâm luôn bực bội chuyện gì đó mà không nguôi ngoai thì đổi cảnh, đổi sinh hoạt.
“Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy trong khi quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời này chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải không ức niệm, không tác ý những tầm ấy. Nhờ không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Chư Tỷ-kheo, ví như một người có mắt, không muốn thấy các sắc pháp nằm trong tầm mắt của mình, người ấy nhắm mắt lại hay ngó qua một bên. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy, trong khi không ức niệm, không tác ý... được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh”.
308. Thế nào là vận dụng chánh niệm để điều phục qua các tư thế hay cử chỉ của thân.
Chánh kinh dùng chữ “hành tướng của suy tầm” có nghĩa là biểu hiện của ý nghĩa qua thân. Thí dụ lúc nổi nóng thường đi nhanh thì, bằng chánh niệm, đi chậm hay bước khoan thai lại.
“Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy trong khi không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên. Chư Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy. Nhờ tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục... được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người đang đi mau, suy nghĩ: "Tại sao ta lại đi mau? Ta hãy đi chậm lại". Trong khi đi chậm, người ấy suy nghĩ: "Tại sao ta lại đi chậm? Ta hãy dừng lại". Trong khi dừng lại, người ấy suy nghĩ: "Tại sao Ta lại dừng lại? Ta hãy ngồi xuống". Trong khi ngồi, người ấy suy nghĩ: "Tại sao ta lại ngồi? Ta hãy nằm xuống". Chư Tỷ-kheo, như vậy người ấy bỏ dần các cử chỉ thô cứng nhất và làm theo các cử chỉ tế nhị nhất. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy tác ý đến... (như trên)... được an tịnh, nhất tâm, định tĩnh”.
309. Thế nào là dùng thân chế ngự tâm qua cách dán chặt lưỡi lên nóc giọng?
Thân và tâm vốn liên hệ mật thiết. Đôi khi tâm ảnh hưởng lớn đến tâm hoặc ngược lại. Nếu những ý nghĩ miên man không dừng lại được bằng sự vận dụng suy nghĩ hay chánh niệm thì dùng thân như một cách “chọi thẳng” với tà tư, tà niệm đó là ngồi vững và áp sát lưỡi lên nóc giọng cho tới khi bất thiện tư duy lắng dịu.
“Chư Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy trong khi tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm, các ác, bất thiện tầm liên hệ... đến si vẫn khởi lên, thời chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục... liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong... được an trú, an tịnh nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu, hay nắm lấy vai, có thể chế ngự, nhiếp phục, và đánh bại. Chư Tỷ-kheo, cũng vậy, nếu Tỷ-kheo ấy trong khi tác ý hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, thời chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ trừ diệt chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh”.
310. Những phương thức tịnh chỉ tà tư duy nầy có đoạn tận phiền não chăng?
Thật ra chỉ có thể được xem như “đá đè cỏ” nhưng một khi nhất thời lắng dịu nội tại thì mở ra cách cửa cho tuệ giác sanh khởi. Hành giả sẽ học được nhiều từ kinh nghiệm bản thân để đương đầu với phiền não, tăng trưởng lòng tự tin và lâu ngày có thái độ dứt khoát đối với tà tư, tà niệm.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 1. Khi tâm ham muốn hay khó chịu sanh khởi đã cỏ thể gọi là dục tầm, sân tầm chưa? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2. Trong năm cách mà Đức Thế Tôn hướng dẫn để tịnh chỉ bất thiện tầm có câu mở đầu cho thấy cánh thứ nhất không kết quả thì dùng cách thứ hai, cách thứ hai không được thì dùng cách thứ ba… Như vậy phải chăng mỗi cách có tác dụng mạnh nhẹ khác nhau? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Năm phương cách tịnh chỉ bất thiện tầm có thể áp dụng với những phiền não khác? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Người ta thường nói người tu là tu tâm dưỡng tánh. Với những bài kinh dạy về cách chế ngự suy tầm bất thiện và nuôi dưỡng suy tầm hiền thiện thì có thể gọi là tu tâm dưỡng tánh chưa? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 5. Phải chăng ba tà tư duy là những bệnh phiền não cấp tính? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 2. Trong năm cách mà Đức Thế Tôn hướng dẫn để tịnh chỉ bất thiện tầm có câu mở đầu cho thấy cánh thứ nhất không kết quả thì dùng cách thứ hai, cách thứ hai không được thì dùng cách thứ ba… Như vậy phải chăng mỗi cách có tác dụng mạnh nhẹ khác nhau? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Năm phương cách tịnh chỉ bất thiện tầm có thể áp dụng với những phiền não khác? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Người ta thường nói người tu là tu tâm dưỡng tánh. Với những bài kinh dạy về cách chế ngự suy tầm bất thiện và nuôi dưỡng suy tầm hiền thiện thì có thể gọi là tu tâm dưỡng tánh chưa? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 5. Phải chăng ba tà tư duy là những bệnh phiền não cấp tính? - ĐĐ Pháp Tín
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment