1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của nước nên được hành trì,’ năm tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương, giống như nước khéo được ổn định, không bị lay chuyển, không bị khuấy động, được hoàn toàn trong sạch từ bản thể. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên loại trừ sự gạt gẫm, tán phét, gợi ý, lừa bịp, nên khéo được ổn định, không bị lay chuyển, không bị khuấy động, được hoàn toàn trong sạch từ bản thể. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của nước nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, nước là được ổn định với bản thể mát lạnh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên đầy đủ lòng nhẫn nại, từ ái, và thương xót, có sự tầm cầu việc lợi ích, nên là người có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của nước nên được hành trì.
3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, nước làm vật không trong sạch trở thành trong sạch. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập dầu là ở làng hay ở rừng, không nên có sự tranh tụng, không tạo cơ hội, trong mọi trường hợp, đối với thầy tế độ, đối với thầy dạy học, đối với các vị tương đương thầy dạy học. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của nước nên được hành trì.
4. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, nước được nhiều người mong mỏi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên là vị ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, có sự thiền tịnh, thường xuyên được tất cả thế gian mong mỏi. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của nước nên được hành trì.
5. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, nước không đem lại sự bất lợi cho bất cứ người nào. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên làm điều ác bằng thân, khẩu, ý, là nhân gây ra sự xung đột, sự cãi cọ, sự tranh luận, sự tranh cãi, sự tham thiền bị bỏ bê, sự không thích thú đối với các người khác. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của nước nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Bổn Sanh Kaṇha:[7]
‘Này Sakka, vị chúa tể của tất cả chúng sinh, ngài đã ban cho ta đặc ân. Này Sakka, mong rằng việc đã làm bởi ta bằng tâm hoặc thân không gây hại đến bất cứ người nào, vào bất cứ lúc nào. Này Sakka cao quý, điều này là đặc ân.’”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng biên soạn, TT Pháp Đăng điều hợp.
1. "Khi nước được ổn định thi sẽ tĩnh lặng, hành giả cần làm cho nội tâm thanh tịnh", điều nầy khác biệt thế nào với trạng thái thụ động? - TT Tuệ Siêu
2. "Mát lạnh là đặc tính thường có của nước, hành giả nên có tâm từ mẫn với muôn loài chúng sanh". Một người tu tập không có tâm từ bi thì thế nào? ĐĐ Pháp Tín
3. "Nước có đặc tính là có khả năng rửa sạch, hành giả nên biết hoá giải những tranh chấp, va chạm". Cách nào tốt nhất để lắng dịu chuyện lời qua tíếng lại? - TT Pháp Đăng
4. "Nước được mong cầu bởi nhiều người, hành giả nên có nếp sống khả ái, khả kính". Hình ảnh một người tu "bất cần đời" có vấn đề gì chăng? - TT Tuệ Quyền
5. "Nước vốn vô hại, hành giả nên sống hiền hoà". Không làm tổn thương ai phải chăng là giữ im lặng đối với tất cả? - TT Pháp Đăng