Friday, January 10, 2014

Bài học, Thứ Bảy 11-1-2014

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Pháp Tân

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
                  
2. VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA CÂY SEN

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của cây sen nên được hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như cây sen được sanh ra ở nước, được phát triển ở nước, không bị lấm lem bởi nước. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên bị lấm lem trong mọi trường hợp, ở gia đình, ở nhóm, về lợi lộc, về danh vọng, về sự tôn vinh, về sự nể vì, về các nhu cầu vật dụng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của cây sen nên được hành trì.
2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, cây sen vững vàng sau khi vươn lên khỏi nước. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên chế ngự tất cả (các pháp) thế gian, nên vươn lên, và nên vững vàng ở các pháp xuất thế gian. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của cây sen nên được hành trì.
3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, cây sen bị run rẩy, lay động vì gió dầu chỉ chút ít. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thực hành sự tự chế ngự, nên sống có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi ở các phiền não dầu chỉ chút ít. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của cây sen nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:
‘Người có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi ở các tội lỗi nhỏ nhoi thọ trì và học tập ở các điều học.’”



II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
 1.Với người tu tập, đặc biệt là hàng xuất gia, sự tiếp xúc với thế sự và tục sự ở chừng mức nào được xem là vừa phải? - TT Pháp Đăng
 2.Có người hành trì Phật pháp thì nội tâm được khinh an, thanh thoát; cũng có người trong sự tu tập thấy cùng quẫn phiền não. Đó là do căn cơ đời trước hay do sự thực hành không đúng cách?- TT Tuệ Quyền 
 3.Câu Phật ngôn "vị tỳ kheo tu tập biết hộ trì giới bổn, thấy nguy hiểm, sợ hãi đối với những vi phạm học giới nhỏ nhặt" phải chăng cho thấy Đức Phật khuyến khích sự e dè, sợ hãi cũng tốt cho hành giả? - TT Tuệ Siêu
4. Ba đức tính: vô nhiễm, vượt thoát và cảnh giác được xem là thành tựu của người tu hay là những đức tánh cần huân tu? - TT Pháp Tân
5. TT Giác Đẳng tóm tắt bài học




No comments:

Post a Comment