Sunday, September 30, 2018

Bài học. Chủ Nhật ngà 30-9-2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya


Giảng Sư; TT Tuệ Siêu


GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 30/9/2018 


16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
(Mahàparinibbàna sutta)


Tụng phẩm V: Từ đoạn 9 đến đoạn 16


9. -- Bạch Thế Tôn, chúng con phải cư xử với phái nữ như thế nào?

-- Này Ananda, chớ có thấy chúng.

-- Bạch Thế Tôn, nếu phải thấy chúng, thời phải như thế nào?

-- Này Ananda, chớ có nói chuyện với chúng.

-- Bạch Thế Tôn, nếu phải nói chuyện với chúng, thời phải như thế nào?

-- Này Ananda, phải an trú chánh niệm.

10. -- Bạch Thế Tôn, chúng con phải xử sự thân xá-lợi Như Lai như thế nào?

-- Này Ananda, các Ngươi đừng có lo lắng vấn đề cung kính thân xá-lợi của Như Lai. Này Ananda, các Người hãy nỗ lực, hãy tinh tấn hướng về tự độ, sống không phóng dật, cần mẫn, chuyên hướng về tự độ. Này Ananda, có những học giả Sát-đế-lỵ, những học giả Bà-la-môn, những học giả gia chủ thâm tín Như Lai, những vị này sẽ lo cho sự cung kính cúng dường thân xá-lợi của Như Lai.

11. -- Bạch Thế Tôn, cần phải xử sự thân Như Lai như thế nào?

-- Này Ananda, xử sự thân Chuyển luân Thánh Vương như thế nào, hãy xử sự thân xá-lợi Như Lai như vậy.

-- Bạch Thế Tôn, người ta xử sự thân chuyển luân Thánh vương như thế nào?

-- Này Ananda, thân của Chuyển luân Thánh vương được vấn tròn với vải mới. Sau khi vấn vải mới xong, lại được vấn thêm với vải gai bện. Sau khi vấn vải gai bệnh, lại vấn thêm với vải mới, và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải. Rồi thân được đặt vào trong một hòm dầu bằng sắt, hòm sắt này được một hòm sắt khác đậy kín. Xong một giàn hỏa gồm mọi loại hương được xây dựng lên, thân của vị Chuyển luân Thánh vương được đem thiêu trên giàn hỏa này và tại ngã tư đường, tháp của vị Chuyển luân Thánh vương được xây dựng lên. Này Ananda, đó là pháp táng thân vị Chuyển luân Thánh vương.

Này Ananda, pháp táng thân vị Chuyển luân Thánh vương như thế nào, pháp táng thân Thế Tôn cũng như vậy. Tháp của Như Lai phải được dựng lên tại ngã tư đường. Và những ai đem tại chỗ ấy vòng hoa, hương, hay hương bột nhiều màu, đảnh lễ tháp, hay khởi tâm hoan hỷ (khi đứng trước mặt tháp), thời những người ấy sẽ được lợi ích, hạnh phúc lâu dài.

12. Này Ananda, bốn hạng người sau này đáng được xây tháp. Thế nào là bốn? Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xứng đáng xây tháp. Ðộc Giác Phật xứng đáng xây tháp. Ðệ tử Thanh Văn của Như Lai xứng đáng xây tháp. Chuyển luân Thánh vương xứng đáng xây tháp.

Này Ananda, vì lý do gì, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: "Ðây là tháp của Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. " Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ sanh lên thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xứng đáng xây tháp.

Này Ananda, vì lý do gì, bậc Ðộc Giác Phật xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: "Ðây là tháp của Thế Tôn Ðộc Giác Phật". " Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ được sanh thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, bậc Ðộc Giác Phật xứng đáng xây tháp.

Này Ananda, vì lý do gì, đệ tử Thanh Văn của Như Lai xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: "Ðây là tháp đệ tử Thanh Văn của Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri." Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ được sanh thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, đệ tử Thanh Văn của Như Lai xứng đáng xây tháp .

Này Ananda, vì lý do gì, Chuyển luân Thánh vương xứng đáng xây tháp? Này Ananda, tâm của dân chúng sẽ hoan hỷ khi nghĩ đến: "Ðây là tháp của vị Pháp vương trị vì đúng pháp." Do tâm hoan hỷ như vậy, khi thân hoại mạng chung, chúng sẽ được sanh thiện thú, cảnh giới chư Thiên. Này Ananda, vì lý do này, Chuyển luân Thánh vương xứng đáng xây tháp.

Này Ananda, đó là bốn hạng người xứng đáng xây tháp.

13. Rồi tôn giả Ananda đi vào trong tịnh xá, dựa trên cột cửa và đứng khóc: "Ta nay vẫn còn là kẻ hữu học, còn phải tự lo tu tập. Nay bậc Ðạo Sư của ta sắp diệt độ, còn ai thương tưởng ta nữa!"

Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, Ananda ở tại đâu?

-- Bạch Thế Tôn, tôn giả Ananda đi vào trong tịnh xá, dựa trên cột cửa và đứng khóc: "Ta nay vẫn còn là kẻ hữu học, còn phải tự lo tu tập. Nay bậc Ðạo Sư của ta sắp diệt độ, còn ai thương tưởng ta nữa!"

Thế Tôn liền nói với một Tỷ-kheo:

-- Này Tỷ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta, nói với Ananda: "Này Hiền giả Ananda, bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền giả."

-- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Vị Tỷ-kheo ấy vâng lời Thế Tôn, đi đến chỗ tôn giả Ananda, sau khi đến, liền nói với tôn giả: "Này Hiền giả Ananda, bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền giả." - "Thưa vâng, Hiền giả. " Tôn giả Ananda vâng lời vị Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

14. Thế Tôn nói với tôn giả Ananda đang ngồi một bên:

-- Thôi vừa rồi, Ananda, chớ có buồn rầu, chớ có khóc than. Này Ananda, Ta đã tuyên bố trước với ngươi rằng mọi vật ái luyến, tốt đẹp đều phải sanh biệt, tử biệt và dị biệt. Này Ananda làm sao được có sự kiện này: "Các pháp sanh, trú, hữu vi, biến hoại đừng có bị tiêu diệt?" Không thể có sự kiện như vậy được. Này Ananda, đã lâu ngày, ngươi đối với Như Lai, với thân nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích, an lạc, có một không hai, vô lượng với khẩu nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích, an lạc, có một không hai, vô lượng với ý nghiệp đầy lòng từ ái, lợi ích, an lạc, có một không hai, vô lượng. Này Ananda, ngươi là người tác thành công đức. Hãy cố gắng tinh tấn lên, ngươi sẽ chứng bậc Vô lậu, không bao lâu đâu.

15. Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, những vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời quá khứ, những bậc Thế Tôn này đều có những thị giả tối thắng như Ananda của Ta. Này Tỷ-kheo, những vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thời vị lai, những bậc Thế Tôn này cũng sẽ có những vị thị giả tối thắng như Ananda của Ta vậy.

Này các Tỷ-kheo, Ananda là người có trí và hiểu rõ: "Nay đúng thời để các Tỷ-kheo yết kiến Thế Tôn, nay đúng thời để các Tỷ-kheo ni, nay đúng thời để các nam cư sĩ, nay đúng thời để các nữ cư sĩ, nay đúng thời để các vua chúa, để các đại thần, để các ngoại đạo sư, để các đệ tử các ngoại đạo sư yết kiến Thế Tôn!"

16. Này các Tỷ-kheo, Ananda có bốn đức tánh kỳ cựu, hy hữu. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ-kheo, nếu có chúng Tỷ-kheo đến yết kiến Ananda, chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì được yết kiến Ananda, và nếu Ananda thuyết pháp chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì bài thuyết pháp, và nếu Ananda làm thinh thời, này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo ấy sẽ thất vọng.

Này các Tỷ-kheo, nếu có Tỷ-kheo ni..., chúng nam cư sĩ... chúng nữ cư sĩ đến yết kiến Ananda, chúng ấy sẽ được hoan hỷ, vì được yết kiến Ananda, và nếu Ananda thuyết pháp, chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì bài thuyết pháp và nếu Ananda làm thinh thời này các Tỷ-kheo, chúng nữ cư sĩ ấy sẽ thất vọng.

Này các Tỷ-kheo, vị Chuyển luân Thánh vương có bốn đức tánh kỳ diệu, hy hữu.

Này các Tỷ-kheo, nếu có chúng Sát-đế-lỵ... chúng Bà-la-môn... chúng gia chủ... chúng Sa-môn đến yết kiến vị Chuyển luân Thánh vương, chúng sẽ được hoan hỷ vì được yết kiến vị Chuyển luân Thánh vương và nếu vị Chuyển luân Thánh vương nói chuyện, chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì bài nói chuyện, và nếu vị Chuyển luân Thánh vương làm thinh thời chúng Sa-môn ấy sẽ thất vọng.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ananda có bốn đức tánh kỳ diệu, hy hữu. Nếu có chúng Tỷ-kheo... chúng Tỷ-kheo ni... chúng nam cư sĩ... chúng nữ cư sĩ đến yết kiến Ananda, chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì được yết kiến Ananda, và nếu Ananda thuyết pháp chúng ấy sẽ được hoan hỷ vì bài thuyết pháp, và nếu Ananda làm thinh, thời này các Tỷ-kheo chúng nữ cư sĩ ấy sẽ thất vọng.

Này các Tỷ-kheo, Ananda có bốn đức tánh kỳ diệu, hy hữu như vậy.



ÌI Thảo Luận: Chư Tăng điều hành

Thảo luận 1: Tại các quốc gia quốc giáo việc xây tháp thờ Xá Lợi Phật và việc chăm sóc là do Phật tử, còn tại VN việc xây tháp và chăm sóc thờ Xá Lợi Phật do các vị trụ trì hoặc các vị tu sĩ. Vậy chúng ta nên làm thế nào để dung hợp mà có thời gian tu tập? - ĐĐ Pháp Tín


Thảo luận 2. Khi  cúng dường Bảo Tháp người Phật tử có thể nguyện gì? - TT Pháp Tân

Thảo luận 3. Với vai trò người tu sĩ nên làm thế nào vừa bảo tồn được Phật Pháp mà mình vẫn được an lạc? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 4. TT Pháp Tân đúc kết phần thảo luận



 III Trắc Nghiệm

Saturday, September 29, 2018

Bài học. Thứ Bảy ngày 29-9-2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya


Giảng Sư; TT Pháp Tân


GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 29/9/2018 

16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
(Mahàparinibbàna sutta)


3.4 Những Giờ Phút Sau Cùng

Đại Ý


Nửa ngày còn lại trước khi Đức Thế Tôn viên tịch có nhiều lời nhắn nhủ quan trọng. Tôn giả Ananda đặc biệt trùng tuyên rất chi tiết. 
Nhìn cảnh tượng cây sala nở sái mùa, hoa trời từ hư không rơi xuống Đức Phật dạy: nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ānanda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ānanda, các Người phải học tập như vậy.
Đức Phật với thiên nhãn siêu nhiên cũng cho biết ngay cả giữa các chư thiên cũng có sự sai biệt do trình độ tu tập: Này Ānanda, có hạng Thiên thần ở trên đất với tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân nằm nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại:“Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”. Có chư Thiên đã diệt trừ ái dục, những vị này bình thản, tỉnh giác chịu đựng, với tâm suy tư: “Các hành là vô thường, làm sao sự kiện có thể khác được?”

Khi tôn giả Ananda bạch hỏi làm thế nào để tứ chúng có thể tiếp tục được lợi ích từ hình ảnh của Đức Phật sau khi Ngài viên tịch thì Đức Phật dạy: Có thể chiêm bái bốn đại thánh tích tức nơi đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân và viên tịch niết bàn. Những ai thành tâm khi đi chiêm bái  thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên.

Chánh kinh
[Cúng dường Phật bằng cách cao quý nhất]
Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, chúng ta hãy đi qua bờ bên kia sông Hiraṇṇavatī, đến ở Kusinàrà—Upavattana—rừng Sālā của dòng họ Màllà.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ānanda vâng lời Thế Tôn.

Rồi Thế Tôn, cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến bên kia sông Hiraṇṇavatī, tại Kusinàrà Upavattana, rừng Sālā của dòng họ Mallà, khi đi đến nơi liền nói với Tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, hãy trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sālā song thọ: này Ānanda, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ānanda vâng lời Thế Tôn, trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sālā song thọ. Và Thế Tôn nằm xuống, về phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, hai chân để lên nhau chánh niệm và giác tỉnh.

Lúc bấy giờ, cây sālā song thọ trổ hoa trái mùa, tràn đầy cành lá. Những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Những thiên hoa Mandārava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài, nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.

Rồi Như Lai nói với tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, các cây sālā song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandārava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.

Nhưng, này Ānanda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ānanda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ānanda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ānanda, các Người phải học tập như vậy.

[Thiên chúng vân tập]

Lúc bấy giờ, tôn giả Upavāna đứng trước mặt Thế Tôn và quạt Ngài. Thế Tôn bảo tôn giả Upavāna: “Này Tỷ-kheo, hãy đứng một bên, chớ có đứng trước mặt Ta.”

Tôn giả Ānanda, liền tự suy nghĩ: “Ðại đức Upavāna này là thị giả sống gần và hầu cận Thế Tôn đã lâu ngày. Nay Thế Tôn trong giờ phút cuối cùng lại bảo đại đức Upavāna: “Này Tỷ-kheo, hãy đứng một bên, chớ có đứng trước mặt Ta”. Do nhơn gì, do duyên gì, Thế Tôn bảo đại đức Upavāna: “Này Tỷ-kheo, hãy đứng một bên, chớ có đứng trước mặt ta”?

Rồi tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn

“Ðại đức Upavāna này là thị giả sống gần và hầu cận Thế Tôn đã lâu ngày. Nay Thế Tôn trong giờ phút cuối cùng lại bảo đại đức Upavāna: “Này Tỷ-kheo, hãy đứng một bên, chớ có đứng trước mặt Ta”. Do nhơn gì, do duyên gì, Thế Tôn bảo đại đức Upavāna: “Này Tỷ-kheo, hãy đứng một bên, chớ có đứng trước mặt ta”?

—Này Ānanda, rất đông các vị Thiên thần ở mười phương thế giới tụ hội để chiêm ngưỡng Như Lai. Này Ānanda, cho đến mười hai do tuần xung quanh Kusinàrà, Upavattana, rừng Sālā thuộc dòng họ Mallà, không có một chỗ nào, nhỏ cho đến đầu một sợi tóc có thể chích được mà không đầy những Thiên thần có uy lực tụ họp. Này Ānanda, các vị Thiên Thần đang than phiền: “Chúng ta từ rất xa đến chiêm ngưỡng Như Lai. Thật rất là hy hữu, các Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, và tối hôm nay, trong canh cuối cùng, Như Lai sẽ nhập diệt. Và nay Tỷ-kheo có oai lực này lại đứng ngang trước Thế Tôn, khiến chúng ta không thể chiêm ngưỡng Như Lai trong giờ phút cuối cùng”. Này Ānanda, các chư Thiên than phiền như vậy.

—Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đề cập đến hạng chư Thiên nào?

- Này Ānanda, có hạng chư Thiên ở trên hư không nhưng có tâm tư thế tục, những vị này khóc than, với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: “Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”.

Này Ānanda, có hạng Thiên thần ở trên đất với tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân nằm nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại:

“Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm”.

Có chư Thiên đã diệt trừ ái dục, những vị này bình thản, tỉnh giác chịu đựng, với tâm suy tư: “Các hành là vô thường, làm sao sự kiện có thể khác được?”

[Chiêm Bái Thánh Tích]
—Bạch Thế Tôn, thuở trước các Tỷ-kheo sau khi thọ an cư, từ các địa phương đến chiêm ngưỡng Như Lai, chúng con được sự lợi ích tiếp kiến, hầu cận những Tỷ-kheo tu hành điêu luyện. Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn nhập diệt, chúng con sẽ không được sự lợi ích tiếp kiến, hầu cận những Tỷ-kheo tu hành điêu luyện.

- Này Ānanda, có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Thế nào là bốn?

“Ðây là chỗ Như Lai đản sanh”. Này Ānanda, đó là thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

“Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác”, này Ānanda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

“Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, này Ānanda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

“Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn”, này Ānanda, đó là Thánh tích, kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.

Này Ānanda, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ānanda, các thiện tín Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: “Ðây là chỗ Như Lai đản sanh”, “Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”, “Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng”, “Ðây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết-bàn”.

Này Ānanda, những ai, trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên.



ÌI Thảo Luận: Chư Tăng điều hành

Thảo luận 2. Trong việc cúng dường, dâng hoa lên Đức Phật, thì nên làm như thế nào để thực hành đúng theo lời dạy của Đức Phật? - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 3. Khi đến chiêm bái những Thánh Tích của Đức Phật mình nên làm như thế nào để thực sự được nhiều phước báu? - TT Pháp Tân





 III Trắc Nghiệm

Friday, September 28, 2018

Bài học. Thứ Sáu ngày 28-9-2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya


Giảng Sư; ĐĐ Pháp Tín


GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 28/9/2018 

16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
(Mahàparinibbàna sutta)


3.4 Những Điều Xẩy Ra Trong Ngày Đức Thế Tôn Viên Tịch

Đại Ý

Rời Bhoganagara Đức Thế Tôn và Tăng chúng đi Pàvà, một thị trấn của xứ Mallà. Tại đấy Ngài thọ thực lần cuối tại nhà thợ rèn Cunda. Món ăn sukaramaddava gây nhiều tranh luận đối với các học giả . Sau đó bậc Đạo sư và Tăng Chúng  băng ngang một giòng sông nhỏ. Tôn giả Ananda không dám lấy nước dâng Phật vì có đoàn xe mới đi ngang nên nước hãy còn vẩn đục. Đức Phật dạy cứ múc nước thì lạ thay nước hoá trong. Pukkusa một đệ tử của danh sư Alara Kalama cũng tình cờ gặp Đức Phật và ca ngợi về năng lực của tam muội định. Đức Phật kể một câu chuyện khiến vị nầy phát tâm quy ngưỡng Tam Bảo. Pukkhasa cũng dâng lên Đức Phật hai y ca sa. Đức Phật nhận một và dạy cúng dường y thứ hai cho tôn giả Ananda. Đây là lần phá lệ duy nhất mà tôn giả nhận như vậy vì ngược lại lời thỉnh cầu khi xin làm thị giả của Phật. Màu da Phật sáng lên trong ngày nhập diệt cũng là một định lệ của chư Phật. Đức Thế Tôn cũng ân cần nhắc về công đức lớn của thợ rèn Cunda trong những giây phút sanh tử sự đại nói lên tâm đại bi vô lượng của Ngài. 


Chánh kinh

[Bữa Cơm Sau Cùng]
Rồi Thế Tôn, sau khi ở tại Bhoganagara cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, liền bảo tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, chúng ta sẽ đi đến Pàvà.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ānanda vâng lời Thế Tôn. Và Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Pàvà, tại vườn xoài của Cunda, một người thợ sắt.

Thợ sắt Cunda nghe: “Nay Thế Tôn đã đến Pàvà và hiện đang ở trong vườn xoài của ta”. Rồi thợ sắt Cunda đến tại chỗ Thế Tôn, khi đến xong liền đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Và Thế Tôn thuyết pháp cho thợ sắt Cunda đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ.

Và thợ sắt Cunda, sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo”. Thế Tôn im lặng nhận lời.

Thợ sắt Cunda, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân phía hữu hướng về Ngài và từ biệt.

Và thợ sắt Cunda, sau khi đêm đã mãn, liền cho sửa soạn tại nhà các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và nhiều thứ Sùkara-maddava (một loại mộc nhĩ), và báo tin cho Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng”.

Và Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát, cùng với chúng Tỷ-kheo đến nhà thợ sắt Cunda, khi đến xong liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi. Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda

—Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỷ-kheo.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Thợ sắt Cunda vâng lời Thế Tôn, dọn cho Thế Tôn các món mộc nhĩ đã soạn sẵn, và dọn cho chúng Tỷ-kheo các món ăn khác, loại cứng và loại mềm.

Rồi Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda

—Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại. Ngươi hãy đem chôn vào một lỗ. Này Cunda, Ta không thấy một ai ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên, Nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Thợ sắt Cunda vâng theo Thế Tôn, đem chôn món ăn mộc nhĩ còn lại vào một lỗ, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho thợ sắt Cunda đang ngồi xuống một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Sau khi dùng cơm của thợ sắt Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại, chịu đựng cơn bệnh.

Rồi Thế Tôn nói với tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến Kusināra.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ānanda vâng lời Thế Tôn.

Tôi nghe: Sau khi dùng cơm tại nhà thợ sắt Cunda.
Cơn bệnh khốc liệt bỗng khởi lên, gần như chết đến nơi.
Sau khi cùng món ăn loại mộc nhĩ.
Kịch bệnh khởi lên nơi bậc Ðạo Sư.

[Nước Đục Hoá Trong]
Ðiều phục bệnh hoạn, Thế Tôn dạy rằng:
“Ta đi đến thành Kusināra”.

Rồi Thế Tôn bước xuống đường, đến một gốc cây và nói với Tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, hãy xếp tư áo Sanghàti. Ta cảm thấy mệt mỏi và muốn ngồi nghỉ, này Ānanda.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ānanda vâng lời Thế Tôn và xếp tư áo Sanghàti lại.

Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, và nói với Tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, hãy đem nước cho Ta. Này Ānanda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.

Khi được nói vậy, tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khuấy lên, nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẩn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm dịu mát chân tay.

Lần thứ hai, Thế Tôn nói với tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ānanda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.

Lần thứ hai tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khuấy lên, nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẩn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm dịu mát chân tay.

Lần thứ ba, Thế Tôn nói với tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ānanda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ānanda vâng lời Thế Tôn, lấy bát và đi đến con sông nhỏ. Con sông đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục, khi tôn giả Ānanda đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng, không vẩn đục.

Tôn giả Ānanda tự nghĩ: “Thật kỳ diệu thay, thật hy hữu thay thần túc và uy lực của Như Lai. Con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục này, khi ta đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục”. Sau khi dùng bát lấy nước, tôn giả Ānanda đến chỗ Thế Tôn và bạch với Ngài

—Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu! Bạch Thế Tôn thật là hy hữu. Bạch Thế Tôn, con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẩn đục này, khi con đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục. Xin thỉnh Thế Tôn dùng nước. Xin thỉnh Thiện Thệ dùng nước!

Và Thế Tôn uống nước.

[Năng lực của của nhập định]
Lúc bấy giờ, Pukkusa, dòng họ Mallà, đệ tử của ngài Alāra Kālāma đang đi trên con đường từ Kusināra đến Pàvà.

Pukkusa, dòng họ Mallà thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Pukkusa, dòng họ Mallà, bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn thật là hy hữu, trạng thái trầm tĩnh của một vị xuất gia!

Bạch Thế Tôn, thuở xưa, ngài Alāra Kālāma đang đi trên đường. Rồi ngài bước xuống đường và ngồi xuống một gốc cây, không xa con đường để nghỉ trưa. Bạch Thế Tôn, lúc ấy có khoảng năm trăm cỗ xe đi ngang qua gần ngài Alāra Kālāma. Bạch Thế Tôn, có một người đi theo sau lưng đoàn xe ấy, đễn chỗ ngài Alāra Kālāma và nói với ngài: “Tôn giả có thấy khoảng năm trăm cỗ xe vừa đi qua không?”: “Này Hiền giả, ta không thấy”. “Tôn giả có nghe tiếng không?”: “Này Hiền giả, ta không nghe tiếng”. “Có phải Tôn giả đang ngủ không?”: “Này Hiền giả, không phải ta đang ngủ”. “Vậy có phải Tôn giả đang thức tỉnh?”: “Này Hiền giả, ta đang thức tỉnh”. “Tôn giả đang thức tỉnh nhưng không thấy khoảng năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe thấy tiếng. Bạch Tôn giả, cái áo của Tôn giả cũng bị lấm bụi”. “Này Hiền giả, phải, áo ta bị lấm bụi”.

Bạch Thế Tôn, người ấy liền tự nghĩ: “Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm tĩnh của vị xuất gia. Trong khi giác tỉnh, còn thức nhưng không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng”. Sau khi tỏ sự thâm tín đối với ngài Alāra Kālāma, vị ấy từ biệt.

- Này Pukkusa, nhà ngươi nghĩ thế nào? Cái gì khó làm hơn, cái gì khó thực hiện hơn? Một người trong khi giác tỉnh, còn thức mà không thấy năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng. Hay một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy, cũng không nghe tiếng?

- Bạch Thế Tôn, nói gì đến năm trăm cỗ xe này, cho đến hoặc sáu trăm, hoặc bảy trăm, hoặc tám trăm, hoặc chín trăm, hoặc một ngàn, cho đến trăm ngàn cỗ xe, cũng không thể so sánh được. Thật khó làm hơn, khó thực hiện hơn, một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy cũng không nghe tiếng.

- Này Pukkusa, một thời, Ta ở Atumà, tại nhà đập lúa. Lúc bấy giờ trời mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu, và bốn con bò đực bị sét đánh chết. Này Pukkusa, một số đông người từ Atumà đi ra đến tại chỗ hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết …

Này Pukkusa, lúc bấy giờ Ta từ nhà đập lúa đi ra và đi qua đi lại ngoài trời, trước cửa nhà đập lúa, Này Pukkusa, có một người từ nơi đám đông ấy đi ra, đến chờ Ta, đảnh lễ và đứng một bên. Và Ta nói với người ấy đang đứng một bên:

32: “Này Hiền giả, vì sao có số đông người tụ họp như vậy?” —Bạch Thế Tôn vừa rồi trời đang mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu, và bốn con bò đực bị sét đánh chết. Do vậy mà có số đông người ấy tụ họp tại đây. Bạch Thế Tôn, lúc ấy Ngài ở tại chỗ nào?”: “Này Hiền giả, lúc ấy Ta ở tại đây”. “Bạch Thế Tôn, Ngài không thấy gì cả sao?”: “Này Hiền giả, Ta không thấy gì”. “Bạch Thế Tôn, Ngài không nghe tiếng gì cả sao?”: “Này Hiền giả, Ta không nghe tiếng gì?”: “Bạch Thế Tôn, có phải Ngài đang ngủ, phải không?”: “Này Hiền giả, không phải ta đang ngủ”. “Bạch Thế Tôn, có phải Ngài đang tỉnh thức phải không?”: “Này Hiền giả, phải”. “Bạch Thế Tôn, Ngài đang tỉnh thức, nhưng trong khi trời mưa, mưa tầm tã ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết, nhưng Ngài không thấy, cũng không nghe gì”.—Này Hiền giả, phải như vậy”.

Này Pukkusa, người ấy liền tự nghĩ: “Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm lặng của vị xuất gia, khi thức tỉnh, dầu có mưa tầm tã ào ào, điện quang chói lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết mà không thấy gì, không nghe gì hết”. Sau khi nói lên lòng tin tưởng ở nơi Ta, người ấy đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về phía Ta và từ biệt.

Khi được nói vậy, Pukkusa, dòng họ Mallà bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, sự tin tưởng của con đối với ngài Alāra, Kālāma, nay con đem rải rắc trước luồng gió lớn, nay con đem thả trôi vào dòng nước cuốn. Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Hy hữu thay bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

[Màu Da Phật Trong Ngày Nhập Diệt]
Rồi Pukkusa, dòng họ Mallà nói với một người khác: “Này bạn, hãy đem đến một cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc”. “Tôn giả, xin vâng”. Người ấy vâng lời Pukkusa, dòng họ Mallà và đem đến một cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc.

Rồi Pukkusa, dòng họ Mallà đem dâng một cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc ấy cho Thế Tôn và nói

—Bạch Thế Tôn, cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc. Mong Thế Tôn vì thương xót con mà thâu nhận cho.

- Này Pukkusa, hãy đắp cho Ta một áo và đắp cho Ānanda một áo.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Pukkusa, dòng họ Mallà vâng lời Thế Tôn, đắp một áo cho Ngài và đắp một áo cho tôn giả Ānanda.

Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho Pukkusa, người dòng họ Mallà, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ. Và Pukkusa, người dòng họ Mallà, sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Thế Tôn và từ biệt.

Khi Pukkusa, dòng họ Mallà đi chưa được bao lâu, tôn giả Ānanda đem cặp áo màu kim sắc, vàng chói và sẵn sàng để mặc này đặt trên thân Thế Tôn, và khi cặp áo này được đặt trên thân Thế Tôn, màu sắc sáng chói của áo như bị lu mờ đi. Và Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn thật là hy hữu, sự thanh tịnh và sáng chói màu da của Như Lai! Bạch Thế Tôn, khi con đặt trên thân Thế Tôn, cặp áo màu kim sắc vàng chói và sẵn sàng để mặc này, màu sắc sáng chói của áo như bị lu mờ đi.

- Thật vậy, này Ānanda. Này Ānanda, có hai trường hợp, màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và sáng chói. Thế nào là hai? Này Ānanda, trong đêm Như Lai chứng vô thượng Chánh Ðẳng Giác và trong đêm Như Lai sắp diệt độ, nhập Niết-bàn giới, không còn dư y sanh tử nữa. Này Ānanda, đó là hai trường hợp, màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và sáng chói.

Này Ānanda, hôm nay khi canh cuối cùng đã mãn, tại Upavattana ở Kusinàrà, trong rừng Sāla của dòng họ Mallà, giữa hai cây sāla song thọ, Như Lai sẽ diệt độ. Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến sông Kakutthà.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ānanda vâng lời Thế Tôn:

Cặp áo kim sắc này.
Pukkusa mang đến.
Ðắp áo kim sắc này,
Da Ðạo Sư sáng chói.

[Lòng Bi Mẫn Trong Cơn Bệnh]
Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến con sông Kakutthà, xuống sông tắm và uống nước rồi lội qua bờ bên kia, đi đến rừng xoài và tại đây, nói với đại đức Cundaka

—Này Cundaka, hãy xếp áo Sanghàti làm bốn cho Ta. Này Cundaka, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Ðại đức Cundaka vâng lời Thế Tôn và xếp áo Sanghàti làm bốn.

Rồi Thế Tôn nằm xuống phía hông bên mặt như dáng điệu con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm, tỉnh giác, suy tư, với ý niệm ngồi dậy lại khi phải thời. Và đại đức Cundaka ngồi phía trước Thế Tôn.


Ðức Phật tự đi đến
Con sông Kakutthà.
Con sông chảy trong sáng.
Mát lạnh và thanh tịnh.
Vị Ðạo Sư mỏi mệt
Ði dần xuống mé sông.
Như Lai đấng Vô Thượng
Ngự trị ở trên đời
Tắm xong, uống nước xong,
Lội qua bên kia sông.
Bậc Ðạo Sư đi trước,
Giữa Tăng chúng Tỷ-kheo,
Vừa đi vừa diễn giảng.
Chánh pháp thật vi diệu.
Rồi bậc Ðại Sĩ đến,
Tại khu vực rừng xoài.
Cho gọi vị Tỷ-kheo,
Tên họ Cundaka:
“Hãy gấp tư áo lại,
Trải áo cho ta nằm.
Nghe dạy, Cundaka
Lập tức vâng lời dạy,
Gấp tư và trải áo,
Một cách thật mau lẹ.
Bậc Ðạo Sư nằm xuống
Thân mình thật mệt mỏi.
Tại đây Cundaka,
Ngồi ngay phía trước mặt.

Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, rất có thể có người làm cho thợ sắt Cunda hối hận: “Này Hiền giả Cunda, thật không lợi ích gì cho Ngươi, thật là tai hại cho Ngươi, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ Ngươi cúng dường, và nhập diệt”. Này Ānanda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ sắt Cunda: “Này Hiền giả, thật là công đức cho bạn, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường, và nhập diệt. Này Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, tự thân lãnh thọ lời nói này của Thế Tôn: “Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác? Thế nào là hai? Một là bữa ăn trước khi Như Lai chứng vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, hai là bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết-bàn giới, không còn di hưởng sanh tử. Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng tuổi thọ; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng sắc đẹp; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng an lạc; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng danh tiếng; nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng cõi trời, nhờ hành động này, đại đức Cunda sẽ được hưởng uy quyền”.

Này Ānanda, cần phải làm cho thợ sắt Cunda tiêu tan hối hận.

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu ý nghĩa này, liền thốt lời cảm khái như sau:

Công đức người bố thí,
Luôn luôn được tăng trưởng,
Trừ được tâm hận thù.
Không chất chứa, chế ngự,
Kẻ chí thiện từ bỏ.
Mọi ác hạnh bất thiện,
Diệt trừ tham, sân, si.
Tâm giải thoát thanh tịnh.



ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Tại sao sự cúng dường hai bữa ăn trước đêm thành đạo và trước đêm viên tịch của Đức Phật tạo nên nhiều công đức? - TT Pháp Tân

Thảo luận 2. Chúng ta nên đọc những ghi chép về những ngày cuối cùng của Đức Phật với thái độ nào gọi là thích hợp? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 3. Thế nào là thiền tỉnh thức và thiền nhập định? - TT Pháp Tân

Thảo luận 4. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận


 III Trắc Nghiệm