Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Giác Đẳng
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 23/9/2018
16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
(Mahàparinibbàna sutta)
2.3 Bậc Chân Sư
Đại ý
Đó là mùa mưa an cư sau cùng trong bốn mươi lăm năm hoằng hoá của Đức Phật. Ngài chọn Baluvà, một làng nhỏ của xứ Vajjì để kiết hạ. Chính trong thời gian nầy Đức Thế Tôn lâm trọng bệnh nhưng Ngài thấy chưa tới lúc để viên tịch nên dùng định lực tam muội nhiếp chế thân bệnh. Tôn giả Ananda thấy vậy bày tỏ sự an ủi và bạch rằng: “Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài chưa có lời di giáo lại cho chúng Tỷ-kheo.”
Đức Phật ôn tồn trả lời với bốn điểm:
Những gì cần truyền dạy Ngài đã truyền dạy tất cả.
Tăng chúng vốn được thành lập với khả năng tự tồn
Thân tứ đại của Đức Phật cũng già nua và hoại diệt
Tất cả những đệ tử Phật phải hướng tới sự trưởng thành để “tự mình là nơi nương tựa cho mình”
Những lời dạy chí thiết nầy là nền tảng quan trọng đối với Phật giáo xuyên suốt hơn 26 thế kỷ qua.
Trước nhất, những lời dạy nguyên thuỷ của Đức Phật là công truyền chứ không phải bí truyền. Nói cách khác không có sự phân chia mật giáo và hiển giáo trong truyền thống uyên nguyên.
Thứ hai, Đức Phật bằng cái nhìn của bậc đại giác không bao giờ xây dựng Tăng chúng theo cơ cấu thống thuộc với một thượng thủ lãnh đạo. Một thứ tổ chức phi tổ chức.
Thứ ba, cho dù xác thân của Phật là kết tinh của phúc nghiệp quá khứ với 32 đại trượng phu tướng và những đặc tính phi phàm nhưng vẫn nằm trong định luật “tất cả pháp hữu vi đều vô thường”. Mặc dù đây là điểm mà nhiều tông phái Phật giáo về sau nầy cố tình chối bỏ thay vào đó là giáo lý tam thân (báu thân, ứng thân và pháp thân)
Sau hết là sự khẳng định “các đấng Như Lai chỉ là đạo sư, các con phải tự nỗ lực”. Đức Phật dạy những đệ tử để trưởng thành tự mình hành trình chứ không phải là “làm thân chùm gửi”suốt kiếp tựa nương. Đây là một điểm rất “khó tiêu hoá” đối với nhiều người khi bàn về tự lực và tha lực.
Phần cuối của đoạn kinh nầy lại nhắc đến pháp hành tứ niệm xứ như con đường “tự mình là nơi nương tựa cho mình.
Chánh kinh
Rồi Thế Tôn, sau khi ở Vesālī cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, liền bảo tôn giả Ānanda
- Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến làng Baluvà.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Tôn giả Ānanda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến làng Baluvà. Và Thế Tôn trú tại làng này.
Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo
—Này các Tỷ Kheo hãy an cư trong mùa mưa xung quanh Vesālī tại chỗ có bạn bè quen thuộc và thân tín. Còn Ta sẽ an cư ở đây, tại làng Baluvà.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Những Tỷ Kheo này vâng đáp Thế Tôn và tìm chỗ an cư mùa mưa xung quanh Vesālī tại chỗ có bạn bè quyến thuộc và thân tín. Còn Thế Tôn an cư tại làng Baluvà.
Trong khi Thế Tôn an cư trong mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, rất đau đớn, gần như muốn chết. Nhưng Thế Tôn giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán. Thế Tôn tự nghĩ: “Thật không hợp lẽ nếu Ta diệt độ mà không có một lời với các đệ tử hầu cận Ta, không từ biệt chúng Tỷ-kheo. Vậy Ta hãy vận dụng định lực nhiếp phục cơn bệnh này, duy trì mạng căn và tiếp tục sống”. Và Thế Tôn với định lực, nhiếp phục bệnh ấy duy trì mạng căn.
Rồi Thế Tôn lành bệnh. Sau khi lành bệnh không bao lâu, đức Phật rời khỏi tịnh xá và ngồi trên ghế đã soạn sẵn, trong bóng mát của ngôi tịnh xá. Lúc bấy giờ tôn giả Ānanda đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn
—Bạch Thế Tôn, con được thấy Thế Tôn khỏe mạnh. Bạch Thế Tôn, con được thấy Thế Tôn kham nhẫn, bạch Thế Tôn, thấy Thế Tôn bệnh hoạn, thân con cảm thấy yếu ớt như lau sậy, mắt con mờ mịt không thấy rõ phương hướng, dầu cho, bạch Thế Tôn, con được một chút an ủi rằng, Thế Tôn sẽ không diệt độ, nếu Ngài chưa có lời di giáo lại cho chúng Tỷ-kheo.
Này Ānanda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta! Này Ānanda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và hiển giáo), vì này Ānanda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo sư còn nắm tay (còn giữ lại riêng không giảng dạy). Này Ānanda, những ai nghĩ rằng: “Như Lai là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo”; hay “chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Như Lai” thời này Ānanda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ānanda, Như Lai không nghĩ rằng: “Ta là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo; hay “chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta” thời này Ānanda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo?
Này Ānanda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ānanda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ānanda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.
Vậy nên, này Ānanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Này Ānanda, thế nào là vị Tỷ-kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?
Này Ānanda, ở đời, vị Tỷ-kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ … đối với tâm … đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. Này Ānanda, như vậy vị Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.
Này Ānanda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ānanda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Trong sự hấp thụ của nền giáo dục trách nhiệm chính yếu nằm ở người dạy hay người học? - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 3. Tại sao thực hành chánh niệm tỉnh giác là "tự mình thắp đuốc mà đi"? - ĐĐ Pháp Tín
Thảo luận 4. Hiểu thế nào để không có sự mâu thuẩn giữa ý nghĩa "nương tựa Tam Bảo" và "hảy tự mình làm nơi nương tựa cho mình?" - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 5. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment