Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Pháp Tân
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 22/9/2018
16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
(Mahàparinibbàna sutta)
2.1B Pháp Kính
Đại ý
Trong thời gian Đức Thế Tôn và Tăng đoạn lưu trú ở Nadika, tôn giả Ananda đã bạch hỏi về cảnh giới sau khi mạng chung của một số tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam nữ cư sĩ trong vùng. Đức Thế Tôn đã trả lời cho những câu hỏi đó nhưng Ngài cũng dạy thêm là sanh tử là thường sự. Không thể ai mất cũng hỏi Ngài về đời sau. Tuy vậy Đức Thế Tôn sẽ dạy về Pháp Kính (dhammādāso) để một người tự quán. Sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn, sẽ tự tuyên bố về mình như sau: “Ðối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không còn tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhứt định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”.
Pháp kính đó gồm bốn pháp:
Một người niềm tin trong sạch, rõ ràng, kiên định đối với Phật Bảo: “Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Ðiều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.
Một người niềm tin trong sạch, rõ ràng, kiên định đối với Pháp Bảo: “Chánh pháp được Thế Tôn khéo giảng dạy, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để chứng ngộ, hiệu năng hướng thượng, trí giả thân chứng”.
Một người niềm tin trong sạch, rõ ràng, kiên định đối với Tăng Bảo: “Chư Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc thiện hạnh, trực hạnh, như hạnh, chánh hạnh, tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn xứng đáng được quý kính, nghênh đón, cúng dường, chấp tay đãnh lễ, là phước điền vô thượng ở trên đời
Tự biết về giới hạnh, (giới hạnh) được bậc Thánh tán thán, (giới hạnh ấy ở) bản thân trong sạch , được viên mãn không mảy mún, được vẹn toàn không sứt mẻ, không tỳ vết, không ô nhiễm; những giới hạnh đưa đến giải thoát, , được người trí mến mộ, không vướng mắc, làm cơ sở cho thiền định”.
Ba điểm cần chú ý của đoạn kinh nầy là:
Một vị chứng sơ quả có thể tự thân mình biết.
Hai điểm để xác tín quả chứng nhập lưu là tín thành tựu, giới thành tựu
Một vị chứng quả nhập lưu chắc chắn không rơi vào ác đạo và cuối cùng sẽ hoàn toàn giác ngộ.
Những điều Đức Thế Tôn dạy ở đây chỉ cho một người tự xét bản thân chứ không phải đánh giá người khác. Những tuyên bố người nầy người kia chứng thánh quả nầy, quả khác đều thiếu căn cứ theo Phật Pháp. Chỉ có những người có quả chứng ngang bằng hoặc cao hơn mới có thể nhận biết về quả chứng người khác.
(Trong văn hoá Trung Hoa nói về “kính chiếu yêu” để nhận ra yêu ma ở người khác. Pháp kính ở đây là nhận ra thánh quả ở chính bản thân.
Đoạn kinh nầy cũng đặc biệt chứng minh sự sửa đổi lớn giữa bản dịch của Hoà Thượng Thích Minh Châu và bản san định của người sau. Thí dụ đoạn nầy:“Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Vị ấy có chánh tín đối với chánh pháp: “Chánh pháp được Thế Tôn khéo giảng dạy, thiết thực, vượt ngoài thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng giải thoát, được kẻ trí tự mình thâm hiểu”. Vị ấy có chánh tín đối với chúng Tăng: “Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân chánh tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân trực tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân trí tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân tịnh tu hành, tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn đáng được nghênh đón, đáng được cúng dường, đáng được chiêm ngưỡng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở trên đời”)
Chánh kinh
Rồi Tôn giả Ānanda đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn
—Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Sālada mệnh chung tại Nādika đã được sanh ở cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào? Tỷ-kheo ni Nandà mệnh chung tại Nādika đã được sanh ở cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào? Bạch Thế Tôn, cư sĩ Sudatta mệnh chung tại Nādika đã được sanh cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào? Bạch Thế Tôn, nữ cư sĩ Sujàtà mệnh chung tại Nādika đã được sanh ở cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào? Bạch Thế Tôn, cư sĩ Kakudha mệnh chung tại Nādika đã được sanh cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào? Bạch Thế Tôn, cư sĩ Kàlinga … Bạch Thế Tôn, cư sĩ Nikāya … Bạch Thế Tôn, cư sĩ Kaṭissabha … Bạch Thế Tôn, cư sĩ Tuṭṭḥa … Bạch Thế Tôn, cư sĩ Santuṭṭha … Bạch Thế Tôn, cư sĩ Bhadda … Bạch Thế Tôn, cư sĩ Subhadda đã mệnh chung tại Nādika đã được sanh ở cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào?
Này Ānanda, Tỷ-kheo Sātha diệt tận các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này Ānanda, Tỷ-kheo ni Nandà đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sanh (thiên giới) và từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa. Này Ānanda, cư sĩ Sudatta, diệt trừ ba kiết sử làm giảm thiểu tham, sân, si, chứng quả Nhứt lai sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau. Này Ānanda, nữ cư sĩ Sujāta diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, nhứt định không còn đọa vào ác đạo, đạt đến Chánh giác. Này Ānanda, cư sĩ Kakudha đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sanh (thiên giới), và từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa. Này Ānanda, cư sĩ Kalinga … Này Ānanda, cư sĩ Nikāya … Này Ānanda, cư sĩ Kaṭissabha … Này Ānanda, cư sĩ Tuṭṭḥa … Này Ānanda, cư sĩ Santuṭṭha … Này Ānanda, cư sĩ Bhadda … Này Ānanda, cư sĩ Subhadda đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh (thiên giới), và từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa. Này Ānanda, hơn năm mươi cư sĩ mệnh chung tại Nāgita, đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, hóa sanh (thiên giới) và từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa. Này Ānanda, hơn chín mươi chín nam nữ cư sĩ mệnh chung tại Nādika, diệt trừ ba kiết sử, làm giảm thiểu tham, sân si, chứng quả Nhứt lai, sau khi trở lại đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau. Này Ānanda, hơn năm trăm cư sĩ, mệnh chung tại Nādika, diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, nhứt định không còn đọa vào ác đạo, đạt đến Chánh giác.
Này Ānanda, thật không có gì lạ, vấn đề con người phải mệnh chung. Nhưng mỗi lần có người mệnh chung lại đến hỏi Như Lai về vấn đề này thời Ānanda, như vậy làm phiền nhiễu Như Lai. Này Ānanda, vì vậy ta sẽ giảng Pháp kính (Gương chánh pháp) để Thánh đệ tử, sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn, sẽ tự tuyên bố về mình như sau: “Ðối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không còn tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhứt định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”.
Này Ānanda, Pháp kính ấy là gì mà Thánh đệ tử, sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn, sẽ tự tuyên bố về mình như sau: “Ðối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không còn tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhứt định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”. Này Ānanda, vị Thánh đệ tử có chánh tín đối với đức Phật: “Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Vị ấy có chánh tín đối với chánh pháp: “Chánh pháp được Thế Tôn khéo giảng dạy, thiết thực, vượt ngoài thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng giải thoát, được kẻ trí tự mình thâm hiểu”. Vị ấy có chánh tín đối với chúng Tăng: “Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân chánh tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân trực tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân trí tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân tịnh tu hành, tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn đáng được nghênh đón, đáng được cúng dường, đáng được chiêm ngưỡng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở trên đời, cụ túc giới hạnh, được bậc Thánh mến chuộng, được viên mãn không mảy mún, được vẹn toàn không sứt mẻ, không tỳ vết, không ô nhiễm, những giới hạnh đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị ảnh hưởng bởi đời sau, hướng dẫn đến thiền định”.
Này Ānanda, chính Pháp kính này mà Thánh đệ tử sau khi chứng đạt pháp nghĩa này, nếu muốn sẽ tự tuyên bố về mình như sau: “Ðối với ta, sẽ không còn địa ngục, sẽ không còn tái sanh cõi bàng sanh, ngạ quỷ, đọa xứ, ác thú. Ta đã chứng quả Dự lưu, nhứt định không đọa ác đạo, sẽ đạt Chánh giác”.
Khi Thế Tôn ở Nādika, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo
—Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Bản dịch về ân đức Tăng trong đoạn đầu: “Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân chánh tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân trực tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân trí tu hành, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn chân tịnh tu hành, tức là bốn đôi tám vị. (suppaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho, ujuppaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho, ñāyappaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho, sāmīcippaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho yadidaṁ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā) dịch như vậy có sát nghĩa chăng? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Cũng trong bản dịch ân đức TăngChúng Tăng đệ tử Thế Tôn đáng được nghênh đón, đáng được cúng dường, đáng được chiêm ngưỡng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở trên đời (esa bhagavato sāvakasaṅgho āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaraṇīyo anuttaraṁ puññakkhettaṁ lokassā’ti) Ba chữ àhuneyyo (xứng đáng được quý trọng), pàhuneyyo (xứng đáng với sự mến mộ), dakkhineyo (xứng đáng cúng dường)añjalikaraṇīyo (xứng đáng được chấp tay đãnh lễ) anuttaraṁ puññakkhettaṁ lokassā’ti (là phước điền vô thượng ở đời) Ba chữ àhuneyyo , pàhuneyyo, dakkhineyo nên được phân biệt thế nào? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Tại sao sự thành tựu niềm tin có ý nghĩa lớn khi nói về bậc nhập lưu? - TT Pháp Tân
Thảo luận 5. Một bậc nhập lưu không bao giờ che đậy những lầm lỗi, điều nầy có liên quan tới giới chăng? TT Pháp Đăng
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment