Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 4/9/2018
14. Kinh Ðại bổn (Mahàpadàna sutta)
Phần V
Tổng quan Kinh Đại Bổn
Kinh Đại Bổn - mahāpadānasuttaṁ theo sớ giải thì padàna chỉ cho dấu chân. Mahāpadāna có nghĩa là những dấu chân vĩ đại. Nội dung đề cập tới danh tánh , tộc tánh, đại nhân tướng, giới hạnh, pháp hạnh, tuệ hạnh và sự giải thoát cao quý của bảy vị Phật: Thế Tôn Vipassì (Tỳ-bà-thi), Thế Tôn Sikhì (Thi-khí) Thế Tôn Vessabhù (Tỳ-xá-bà), Thế Tôn Kakusandha (Câu-lâu-tôn), Thế Tôn Konàgamana (Câu-na-hàm,Thế Tôn Kassapa (Ca-diếp), Thế Tôn Gotama (Cồ Đàm). Sáu vị đầu thuộc quá khứ. vị sau cùng là hiện tại. Phật Pháp dạy có vô số chư Phật đã xuất hiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Con số bảy vị ở đây tương đối đặc biệt với nhiều giải thích. (Phật giáo Đại Thừa đi xa hơn dựa theo Mật Tạng có thần chú: Thất Phật Diệt Tội Chân Ngôn). Phật giáo Nam Truyền cũng có kinh tụng Lễ Bái Thất Phật. Bài kinh nầy chứa đựng nhiều khía cạnh quan trọng khi nói về truyền thống của Chư Phật chánh đẳng chánh giác như: luật tự nhiên hay pháp tánh (dhammatā), đại trượng phu tướng, hội chúng, giới bổn giải thoát giáo (ovadàpàtimokkha).
Đại ý phần V: Tăng Bảo của Bảy đời chư Phật
Năm cõi Tịnh Cư là cảnh giới tái sanh chỉ riêng cho những bậc A na hàm chứng tứ thiền. Tuổi thọ ở cõi nầy rất cao. Trong thời Đức Phật hiện tại có những vị thánh A na hàm đệ tử của cả bảy vị Phật kể từ Thế Tôn Vipassì. Tăng Bảo vốn có hai là Những bậc thánh thinh văn (savaka sangha) và tăng thể theo mặc định được trao truyền giới pháp (bhikkhu sangha). Điều nầy có nghĩa là dù tăng bảo theo giới nghi không tồn tại ở thế gian nhưng tăng bảo thuộc tứ song bát bối vẫn liên tục tồn tại ở các cõi. Điều nầy nói lên hai ý nghĩa tại sao trong kinh đề cập tới bảy vị chánh biến tri và sự thường trụ của Tam bảo trên thế gian.
Chánh kinh giản lược
Này các Tỷ-kheo, một thời ta ở tại Ukkaṭṭḥa (Úc-Già La), trong rừng Subhaga, dưới gốc cây ta-la vương. Này các Tỷ-kheo, trong khi Ta an lặng tịnh cư, tư tưởng sau đây khởi lên: “Có một trú xứ, một loại chúng sanh rất dễ đến mà Ta từ trước không đến ở trong một thời gian khá lâu! Ðó là chư Thiên Suddhāvāsa (Tịnh Cư thiên). Vậy nay Ta hãy đến chư Thiên ở Tịnh Cư thiên!”
Này các Tỷ-kheo, như một lực sĩ duỗi cánh tay đã co lại, hay co lại cánh tay đã duỗi ra, Ta biến mất ở Ukkaṭṭḥa, trong rừng Subhaga, dưới gốc cây Ta-La vương và hiện ra trước chư Thiên ở Tịnh Cư thiên. Trong đại chúng chư Thiên ấy một số vài ngàn chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta như sau:
“Ngưỡng bạch Ngài, nay đã được chín mươi mốt kiếp, từ khi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác sanh, thuộc chủng tánh Sát Ðế Ly. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thuộc danh tánh Koṇḍañño (Câu-Ly-Nhã). Này Hiền giả, trong thời Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, giác ngộ dưới gốc cây Pātali (Ba-ba-la). Này Hiền giả, hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử của Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tên là Khandha (Kiển-trà) và Tissa (Ðề-xá). Này Hiền giả, trong thời Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác có ba Tăng hội, một Tăng hội sáu trăm tám mươi vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội mười vạn Tỷ-kheo, một Tăng hội tám vạn Tỷ-kheo. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, có vị thị giả Tỷ-kheo tên Asoka (A-dục), vị này là vị thị giả đệ nhất. Này Hiền giả, phụ vương Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, tên là Bandhuma, mẫu hậu tên là Bandhumatì (Bàn-đầu-bà-đề). Kinh thành của vua Bandhuma tên là Bandhumatì. Này Hiền giả, Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất thế tục như thế này, xuất gia như thế này, tinh tấn như thế này, giác ngộ như thế này, chuyển pháp luân như thế này. Này Hiền giả, chúng con là những người đã tu phạm hạnh với Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã diệt trừ dục vọng và đã sanh ra tại chỗ này”.
Rồi nhiều phạm thiên khác đến trình bạch là đệ tử của chư vị Thế Tôn Sikhī, Vessabhū, Kakusandha, Koṇāgamana, and Kassapa.
Này các Tỷ-kheo, lại một số vài ngàn chư Thiên một số vài trăm chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên. Này các Tỷ-kheo, sau khi đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta: “ Ngưỡng bạch Ngài, trong tiền kiếp này, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nay ra đời. Này Hiền giả, Thế Tôn, thuộc chủng tánh Sát-đế -lỵ, thuộc gia tộc Sát-đế-lỵ. Này Hiền giả, Thế Tôn thuộc danh tánh Gotama (Cù-đàm). Này Hiền giả, Thế Tôn tuổi thọ không bao nhiêu, ít oi, tuổi thọ loài người khoảng một trăm năm hay hơn một chút. Này Hiền giả, Thế Tôn giác ngộ dưới gốc cây assaṭṭha (bát-đa—la). Ngưỡng bạch Ngài, Thế Tôn có hai vị hiền sĩ, đệ nhất đệ tử tên là Sāriputta và Moggallāna (Xá-lợi-phất và Mục kiền-liên).Ngưỡng bạch Ngài, Thế Tôn có một Tăng hội một ngàn hai trăm năm mươi vị. Này Hiền giả, Tăng hội này của Thế Tôn gồm toàn những vị đã diệt trừ lậu hoặc. Này Hiền giả, Thế Tôn có vị thị giả Tỷ-kheo tên là Ānanda (A-nan), vị này là thị giả đệ nhất. Này Hiền giả, phụ vương của Thế Tôn tên là Suddhodana (Tịnh Phạn), Hoàng hậu là Màyà (Ma-gia) kinh đô là Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ). Này Hiền giả, Thế Tôn xuất thế tục như thế này, xuất gia như thế này, tinh tấn như thế này, giác ngộ như thế này, chuyển pháp luân như thế này. Này Hiền giả, chúng con là những người đã tu phạm hạnh với Thế Tôn, đã diệt trừ dục vọng và đã sanh ra tại chỗ này”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Ta cùng với chư Thiên Avihà (Vô Nhiệt thiên) đến chư Thiên Atappà (Vô Phiền thiên). Này các Tỷ-kheo, rồi cùng với chư Thiên Avihà và chư Thiên Atappà đến chư Thiên Sudassà (Thiện Kiến thiên). Này các Tỷ-kheo, rồi Ta cùng với chư Thiên Avihà, chư Thiên Atappà và chư Thiên Sudassī đến chư Thiên Sudassī (Thiện Hiện thiên).
Này các Tỷ-kheo, rồi Ta cùng với chư Thiên Avihà, chư Thiên Atappà, chư Thiên Sudassà và chư Thiên Sudassì đến chư Thiên Akanitthà (Sắc Cứu Kính thiên). Này các Tỷ-kheo, lại trong Ðại chúng chư Thiên ấy, một số vài ngàn chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên. Này các Tỷ-kheo, sau khi đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta như sau: “Này Hiền giả, nay đã được chín mươi mốt kiếp, từ khi Thế Tôn Vipassì, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ra đời … (như đoạn kinh số 29)”.
Này các Tỷ-kheo, lại trong đại chúng chư Thiên ấy, một số vài ngàn chư Thiên (như trước) một số vài trăm chư Thiên đến chỗ Ta ở, đảnh lễ Ta và đứng một bên. Này các Tỷ-kheo, sau khi đứng một bên, chư Thiên ấy đã nói với Ta như sau: “Này Hiền giả, trong tiền kiếp này đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nay ra đời … (như đoạn kinh số 30)”.
Này các Tỷ-kheo, như vậy Như Lai khéo chứng đạt pháp giới này, Như Lai nhớ chư Phật quá khứ, những vị này đã nhập Niết-bàn, đã đoạn các chướng đạo, đã chấm dứt sự luân hồi, đã thoát ly mọi đau khổ. Như Lai cũng nhớ đến chủng tánh các vị này cũng nhớ đến danh tánh, cũng nhớ đến tộc tánh, cũng nhớ đến tuổi thọ, cũng nhớ đến hai vị đệ tử, cũng nhớ đến các Tăng hội như sau: “Các bậc Thế Tôn này, sanh tánh là như vậy, danh tánh là như vậy, tộc tánh là như vậy, giới hạnh là như vậy, pháp hạnh là như vậy, tuệ hạnh là như vậy, trí hạnh là như vậy, giải thoát là như vậy”.
Thế Tôn thuyết pháp như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2a. Phải chăng trong "ân đức Tăng bảo" chỉ đề cập đến các vị thánh đệ tử Phật? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 2b. Phải chăng savaka sangha bao gồm tất cả bậc thánh gồm xuất gia tại gia, nhân loại và chư thiên? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment