Monday, September 17, 2018

Bài học. Thứ Hai ngày 17-9-2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya


Giảng Sư; TT Tuệ Siêu

GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 17/9/2018



16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
(Mahàparinibbàna sutta)


Phần 1.8 Sư Tử Hống Của Tôn Giả Sàriputta


Đại ý

Pháp thoại về những yếu tố khiến Tăng già hưng thịnh là những lời dạy sau cùng của Đức Thế Tôn tại Vương Xá thành nên có ngôi chùa Phật giáo đầu tiên là Trúc Lâm Tịnh Xá và đỉnh Linh Thứu thiêng liêng. Tôn giả Ananda khi kết tập đã cố tình ghi lại từng địa danh Đức Từ Phụ đi qua trong những năm tháng cuối đời. Có những pháp thoại cùng đề tài nhưng lập lại nhiều lần như được ghi trong đoạn kinh hôm nay. Điều đó những nhắc nhở người con Phật ngày nay về giá trị không thể phủ nhận của con đường giới, định tuệ.
Trong đoạn kinh nầy cũng thuật lại một giai thoại đặc biệt khi Tôn giả Sàriputta bạch với Đức Thế Tôn bằng lời chí thiết: Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa-môn, một Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác. 
Đó lời bộc bạch với niềm kính tin tuyệt đối của bậc thánh đệ tử đệ nhất trí tuệ. Tôn giả Sàriputta nói không sai: Không có một vị Phật nào trong quá khứ và tương lai hơn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về phương diện tuệ giác nhưng không có nghĩa là không có vị nào bằng. (Về phương diện nầy chư Phật toàn giác đồng đẳng). 
Câu trả lời của Đức Phật không phải nói tôn giả Sàriputta nói sai mà sự luận nghị về chư vị Chánh Đẳng Chánh Giác không nằm trong tầm mức của bất cứ ai ngoài chư Phật toàn giác: “lời nói của Ngươi thật là đại ngôn, thật là gan dạ. Ngươi thật đã rống tiếng rống con sư tử”
Dù vậy khi Đức Phật hỏi: “có phải ngươi đã biết tất cả những Thế Tôn, A La Hán Chánh Đẳng Giác ở quá khứ, Ngươi đã biết tâm những Vị này nói với tâm của Ngươi: “Những Thế Tôn này ở quá khứ có giới đức như vậy, có thiền định như vậy, có trí tuệ như vậy, có hạnh trú như vậy, có giải thoát như vậy?” Tôn giả đã trả lời: con không có tha tâm thông đối với các vị A La Hán Chánh Đẳng Giác ở quá khứ, tương lai và hiện tại. Nhưng con biết truyền thống về chánh pháp.” Lời trình bày của Tôn giả được Đức Thế Tôn chấp nhận. 
Ba điểm cần lưu ý trong bài kinh nầy:
Một là sự xác nhận của Đức Phật trong sự đồng đẳng trên phương diện tuệ giác của chư Phật, nói cách khác, không có quả vị độc tôn trong hành trình giác ngộ giải thoát. 
Hai là một đệ tử Phật có thể không đủ khả năng am hiểu cảnh giới của các đấng Thế Tôn nhưng có thể cảm nhận sự vĩ đại của chư Phật qua truyền thống của chánh pháp.
Sau cùng, Tôn giả Sàriputta không phải là vị giác ngộ bằng niềm tin và Ngài là bậc đã không còn cảm xúc phàm tâm nhưng cuộc đối thoại của Đấng Đạo Sự và bậc thánh đệ tử đệ nhất trí tuệ không nằm trong sự nghĩ bàn thường thức.

Chánh kinh

Trong thời gian Thế Tôn ở Vương Xá tại núi Linh Thứu, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo: “Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu”.

Thế Tôn ở Vương Xá cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, rồi Ngài gọi tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến Ambalatthikà.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ānanda đáp ứng Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Ambalatthikà.

Tại Ambalatthikà, Thế Tôn thân trú tại nhà nghỉ mát của vua. Trong thời gian Thế Tôn ở Ambalatthikà, tại nhà nghỉ mát của vua, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo.

- Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ, Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.

Thế Tôn ở Ambalatthikà cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, rồi Ngài bảo tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến Nalandà.

- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Tôn giả Ānanda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Nalandà. Tại đây, Thế Tôn ở Pavārikambavana (Ba-ba-lợi Âm-bà-lâm).

Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và xuống một bên. Tôn giả Sāriputta bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa-môn, một Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác.

- Này Sāriputta, lời nói của Ngươi thật là đại ngôn, thật là gan dạ. Ngươi thật đã rống tiếng rống con sư tử: “Con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa-môn, một Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác”. Này Sāriputta, có phải Ngươi đã biết tất cả những Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở quá khứ, Ngươi đã biết tâm những Vị này nói với tâm của Ngươi: “Những Thế Tôn này ở quá khứ có giới đức như vậy, có thiền định như vậy, có trí tuệ như vậy, có hạnh trú như vậy, có giải thoát như vậy”?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Sāriputta, có phải Ngươi đã biết tất cả những Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở tương lai, Ngươi đã biết tâm những vị này với tâm của Ngươi: “Những Thế Tôn này ở tương lai có giới đức như vậy, có thiền định như vậy, có trí tuệ như vậy, có hạnh trú như vậy, có giải thoát như vậy”?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Sāriputta, có phải Ngươi biết Ta là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở hiện tại, Ngươi đã biết tâm Ta với tâm của Ngươi. “Thế Tôn có giới đức như vậy, có thiền định như vậy, có trí tuệ như vậy, có hạnh trú như vậy, có giải thoát như vậy”?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Sāriputta, như vậy Ngươi không có tha tâm thông đối với các vị Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở quá khứ, tương lai và hiện tại. Như vậy, này Sāriputta, vì sao Ngươi lại thốt ra những lời đại ngôn, lời nói gan dạ, rống lên tiếng rống con sư tử: “Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa-môn, một Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác”?

- Bạch Thế Tôn, con không có tha tâm thông đối với các vị Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở quá khứ, tương lai và hiện tại. Nhưng con biết truyền thống về chánh pháp. Bạch Thế Tôn, như vị vua có một thành trì tại Biên cảnh, thành này có hào lũy kiên cố, có thành quách tháp canh kiên cố và chỉ có một cửa ra vào. Tại đây có một người gác cửa thông minh, biệt tài và nhiều kinh nghiệm, không cho vào các người lạ mặt, chỉ cho vào những người quen mặt. Người này trong khi đi tuần trên con đường chạy vòng quanh thành trì ấy có thể không thấy các chỗ nối hay khe hở của tường, cho đến chỗ một con mèo có thể lọt ra được, nhưng người ấy chỉ cần biết rằng các sinh vật to lớn vào hay ra thành trì này tất cả đều đi vào hay đi ra bởi cửa này. Bạch Thế Tôn, cũng vậy con biết truyền thống về chánh pháp. Bạch Thế Tôn, tất cả các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong quá khứ, tất cả vị Thế Tôn này đã diệt trừ Năm Triền cái, những nhiễm tâm khiến cho trí tuệ yếu ớt, đã an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác chi, đã chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Bạch Thế Tôn, tất cả các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong tương lai, tất cả Thế Tôn này đã diệt trừ Năm Triền cái, những nhiễm tâm khiến cho trí tuệ yếu ớt, đã an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác chi, đã chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hiện tại đã diệt trừ Năm Triền Cái, những nhiễm tâm khiến cho trí tuệ yết ớt, đã an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác chi, đã chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác.

Trong thời gian Thế Tôn ở tại Nalandà, rừng Pavārikamba, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo.

- Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.



ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1.Phải chăng mặc dù tam học (giới, định, huệ) và bát chánh đạo là một nhưng sự trình bày giới định tuệ chú trọng về pháp hành? - TT Pháp Tân

Thảo luận 2Nếu chư Phật toàn giác đồng đẳng về nhất thiết chủng trí thì sự việc “vị Phật nầy giới thiệu chúng sanh tu theo vị Phật? kia có phù hợp với Tam tạng Pàli? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 3Thất giác chi và tứ niệm xứ được tôn giả Xá Lợi Phất gọi là “truyền thống chánh pháp” phải chăng đó là những pháp chỉ có thể tìm trong Phật giáo? - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 4Tại sao trong ba mươi bảy pháp bồ đề phần tôn giả Xá Lợi Phất chỉ nêu tứ niệm xứ và thất giác chi ở đây? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 5Nếu sự luận bàn về chư vị Chánh Biến Tri đều không thật sự nằm trong sự hiểu biết của bất cứ ai ngoài chư Phật toàn giác thì chúng ta có nên “khiêm tốn hơn” khi trình bày về hành trạng của Đức Phật? Đặc biệt là những gì được đề cập trong bài kinh Đại Bát Niết Bàn? - TT Tuệ Quyền



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment