Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư; TT Tuệ Quyền
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 21/9/2018
16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
(Mahàparinibbàna sutta)
2.2 Duy Tuệ Thị Nghiệp
Đại ý
Vesàli là kinh đô của xứ Vajjì. Là thánh phố lớn nhất trong hành trình đi đến nơi viên tịch của Đức Từ Phụ. Giữa tất cả những biến động to lớn đạo, đời Đức Phật vẫn luôn nhắc nhở chư Tăng về sự tu tập giác ngộ giải thoát. Những huấn ngôn về chánh niệm tỉnh giác đối với thân tâm để thành tựu tuệ giác được lập lại nhiều lần.
Tại Vesàli vị thí chủ đầu tiên cung thỉnh Đức Phật và chư Tăng về tư gia để cúng dường là Ambapàlì. Ambapàli là một danh kỹ của đất thần kinh. Nổi tiếng về sắc đẹp và tài nghệ. Những người muốn qua đêm với nàng phải trả một số tiền lớn. Thế nhưng khi những ông hoàng người Licchavi đề nghị Ambapali nhường lại duyên lành cúng dường Đức Phật thì nàng thẳng thắng từ chối. Chẳng những vậy sau buổi cúng dường trai phạn Ambapali xin hiến cúng biệt thự và vườn xoài rộng đẹp đến Tam Bảo để làm tu viện. Bản thân nàng xuất gia không lâu trở thành một thánh ni. Câu chuyện đã thành truyền kỳ của bao thế hệ. Ngày nay trong văn học, kịch nghệ, phim ảnh của Ấn Độ vẫn còn là một đề tài quen thuộc.
Một chi tiết thú vị khác trong đoạn kinh nầy là khi Đức Thế Tôn nhìn thấy những ông hoàng Licchavi từ xa “có những vị toàn xanh, màu sắc xanh, mặc vải màu xanh, mang đồ trang sức màu xanh. Có những vị toàn vàng, màu sắc vàng, mặc vải màu vàng, mang đồ trang sức màu vàng. Có những vị toàn đỏ, màu sắc đỏ, mặc vải màu đỏ, mang đồ trang sức màu đỏ. Có những vị toàn trắng, màu sắc trắng, mặc vải màu trắng, mang đồ trang sức màu trắng”.thì Ngài bảo chư tỳ kheo: “Nếu có vị Tỷ-kheo nào chưa thấy các chư Thiên ở cõi Tam thập tam thiên, hãy ngó chúng Licchavi, hãy nhìn chúng Licchavi. Này các Tỷ-kheo chúng Licchavi cũng giống như thiên chúng Tam thập tam thiên".
Chánh kinh
11. Rồi Thế Tôn, sau khi ở Nàdika cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, liền bảo tôn giả Ananda:
- Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Vesàli.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Vasali. Ở đây, Thế Tôn trú tại vườn Ambapàli.
12. Thế Tôn bảo các vị Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, các Ngươi phải sống an trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðó là lời dạy của Ta cho các Ngươi.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo an trú chánh niệm? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với thân, quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi ở trên đời, đối với các cảm thọ... đối với tâm... đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi ở trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là chánh niệm.
13. Này các Tỷ-kheo thế nào là Tỷ-kheo tỉnh giác? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ Kheo tỉnh giác khi đi tới, đi lui, tỉnh giác khi ngó tới, ngó lui; tỉnh giác khi co tay, duỗi tay, tỉnh giác khi mang áo sanghati (tăng-già-lê) mang bát, mang y, tỉnh giác khi ăn, khi uống, khi nhai, khi nếm, tỉnh giác khi đại tiện, tiểu tiện; tỉnh giác khi đi; khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi thức, khi nói, khi im lặng. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải sống an trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðó là lời dạy của Ta cho các Ngươi.
14. Lúc bấy giờ danh kỹ Ambapàli được nghe: "Thế Tôn đã đến Vesàli và ở tại vườn xoài của ta". Danh kỹ Ambapàli liền cho thắng các cỗ xe thù thắng, tự leo lên một chiếc, cùng với các cỗ xe thù thắng xuất phát ra khỏi Vesàli và đi đến vườn xoài. Nàng cỡi xe cho đến chỗ còn có thể cỡi xe được, rồi xuống xe đi bộ đến tại chỗ Thế Tôn, khi đến liền đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên, Thế Tôn thuyết pháp cho danh kỹ Ambapàli đang ngồi một bên, giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ.
Danh kỹ Ambapàli sau khi được Thế Tôn giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn ngày mai nhận lời mời dùng cơm của chúng con với chúng Tỷ-kheo.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Danh kỹ Ambapali được biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân bên phải hướng về đức Phật và từ biệt.
15. Các người Licchavi ở Vesàli được nghe: "Thế Tôn đến Vesàli hiện ở vườn Ambapàli", liền cho thắng các cỗ xe thù thắng leo lên xe rồi xuất phát ra khỏi Vesàli với những cỗ xe ấy. Có những vị Licchavi toàn xanh, màu sắc xanh, mặc vải màu xanh, mang đồ trang sức màu xanh. Có những vị Licchavi toàn vàng, màu sắc vàng, mặc vải màu vàng, mang đồ trang sức màu vàng. Có những vị Licchavi toàn đỏ, màu sắc đỏ, mặc vải màu đỏ, mang đồ trang sức màu đỏ. Có những vị Licchavi toàn trắng, màu sắc trắng, mặc vải màu trắng, mang đồ trang sức màu trắng.
16. Lúc bấy giờ danh kỹ Ambapàli đánh xe va chạm với các thanh niên Licchavi, trục xe chạm với trục xe, bánh xe chạm với bánh xe, gọng xe chạm với gọng xe. Các Licchavi nói với danh kỹ Ambapàli:
- Này Ambapàli, tại sao nàng lại đánh xe va chạm với các thanh niên Licchavi, trục xe chạm với trục xe, bánh xe chạm với bánh xe, gọng xe chạm với gọng xe?
- Này quý Công tử của tôi, tôi vừa mới mời Thế Tôn cùng chúng Tỷ-kheo ngày mai đến dùng cơm.
- Này Ambapàli, hãy nhường cho chúng ta bữa cơm ấy đổi lấy một trăm ngàn.
- Dầu quý Công tử có cho tôi cả thành Vesàli cùng với các đất phụ thuộc, tôi cũng không nhường bữa cơm quan trọng này.
Các vị Licchavi này tức tối búng ngón tay và nói:
- Chúng ta bị cô thiếu nữ vườn xoài này đả bại! Chúng ta bị cô thiếu nữ xoài này phỗng tay trên. Và các vị Licchavi này cùng đi đến vườn Ambapàli.
17. Thế Tôn từ xa thấy các vị Licchavi liền nói với các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo nếu có vị Tỷ-kheo nào chưa thấy các chư Thiên ở cõi Tam thập tam thiên, hãy ngó chúng Licchavi, hãy nhìn chúng Licchavi. Này các Tỷ-kheo chúng Licchavi cũng giống như thiên chúng Tam thập tam thiên".
18. Các vị Licchavi ấy cỡi xe cho đến chỗ còn có thể cỡi xe được, rồi xuống xe đi bộ đến tại chỗ Thế Tôn, khi đến, liền đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp cho những vị Licchavi đang ngồi một bên, giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ.
Các vị Licchavi sau khi được Thế Tôn giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ liền bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn ngày mai nhận lời mời dùng cơm của chúng con với chúng Tỷ-kheo.
- Này các Licchavi, ngày mai Ta đã nhận lời mời dùng cơm của danh kỹ Ambapàli rồi.
Các vị Licchavi này tức tối búng ngón tay và nói: "Chúng ta bị cô thiếu nữ xoài này đả thắng! Chúng ta bị cô thiếu nữ xoài này phỗng tay trên... "
Rồi những vị Licchavi này, hoan hỷ tán thán lời dạy Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân bên hữu hướng về đức Phật và từ biệt.
19. Lúc bấy giờ danh kỹ Ambapali, đêm vừa tàn canh, liền cho sửa soạn tại vườn của mình các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm và cho báo tin Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng". Thế Tôn buổi sáng đắp y, đem theo y bát, cùng với chúng Tỷ-kheo đến tại túc xá của danh kỹ Ambapàli, sau khi đến liền ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn. Rồi danh kỹ Ambapàli tự tay thân hành mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị thượng thủ, dùng các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm.
Khi Thế Tôn dùng xong, tay đã rời bát, danh kỹ Ambapàli lấy một ghế thấp khác và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, danh kỹ Ambapàli bạch Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, con xin cúng dường ngôi vườn này cho chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị thượng thủ".
Thế Tôn nhận lãnh khu vườn. Thế Tôn thuyết pháp cho danh kỹ Ambapàli, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, rồi đứng dậy ra về.
20. Trong thời gian Thế Tôn ở Vesàli, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo:
- Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2.Học được một điều hay và cảm nhận gía trị cao cả của hai điều khác biệt thế nào? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Nếu bảo rằng “trí tuệ là sự nghiệp” thì trí tuệ được hiểu là gì? - ĐĐ Nguyện Thông
Thảo luận 4. Tại sao các vị thánh đệ tử Phật đôi khi sanh ra trong kiếp cho vẫn còn "nặng nghiệp quá khứ" còn Đức Phật thì không? - TT Tuệ Siêu
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment