Wednesday, September 19, 2018

Bài học. Thứ Tư ngày 19-9-2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya


Giảng Sư; TT Pháp Đăng

GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 19/9/2018



16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
(Mahàparinibbàna sutta)


1.10 Băng ngang sông Hằng hay Vượt dòng mê tới giác ngạn?

Đại ý

Magadha (Ma Kiệt Đà) là một trong hai vương quốc lớn nhất thời Đức Phật với kinh đô là Rajagaha (Vương Xá). Trong những tháng ngày cuối cùng của Đức Từ Phụ có nhiều diễn biến quan trọng liên quan tới vương quốc nầy. Với ý định xâm lăng xứ Vajji phương bắc, Vua Ajatasattu (A Xà Thế ) cho xây dựng thành trì bên nam ngạn sông Hằng tại Pàtaligàma để làm bàn đạp viễn chinh. Tuy nhiên với sự ảnh hưởngcảm ứng của chư thiên cá vị đại thần đã cho tạo nên một khu thị tứ vĩ đại nguy nga. Đức Phật, trong trường hợp rất hiếm hoi, đã có lời tiên tri Pàtaligàma sẽ trở thành kinh đô Pàtaliputta (Hoa Thị Thành). Kinh đô này sẽ vô cùng phồn thịnh nhưng rồi sẽ bị ba ách nạn là là hoả hoạn, lũ lụt  và nội chiến. Tất cả đều trở thành sự thật trong lịch sử ba trăm năm sau đó.(Pàtaliputta trở thành đại đô của đế quốc dưới thời vua Asoka), sau nầy bị tàn phá lớn khi triều đại Mauriyan cáo chung. Hiện được gọi là Patna, thủ phủ của tỉnh bang Bihar)
Đức Phật nhân đó cũng nói lên quan hệ giữa chư thiên và nhân loại “được thương tưởng, chư thiên sẽ thương tưởng lại. Ai được chư thiên thương tưởng sẽ có nhiều may mắn”. 
Từ Pàtaligama Đức Thế Tôn và Tăng đoàn tiếp tục hành trình về hướng bắc. Băng qua sông Hằng, là biên giới thiên nhiên của Vajji và Magadha. Hai vị đại thần Sunidha và Vassakara đã vinh danh Đức Phật bằng cách dùng họ của Ngài đặt cho những công trình xây cất lớn như con đường, hội trường, bến cảng.. Đức Thế Tôn băng ngang qua sông Hằng (Ganga) lần cuốn cùng với đại chúng tỳ kheo bằng thần thông. Nhìn lại cảnh tượng nhiều người tất bật lo thuyền bè vượt sông mùa nước nổi, Đức Thế Tôn nói lên lời cảm thán về dòng mê và bờ giác:
Có người vượt trùng khơi 
Đã cạn dòng sinh tử
Thế nhân lo thuyền bè
Bậc trí rời cuộc lữ.
Đó là lần sau cùng bậc Đại Giác băng ngang sông Hằng để đến nên nơi viên tịch, đoạn tận tử sinh.
  

Chánh kinh

[Từ làng mạc trở thành kinh đô]
26. Lúc bấy giờ Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần xứ Magadha đang dựng thành trì để ngăn chặn dân Vajjì. Một số rất lớn các thiên thần tụ họp hàng ngàn tại các trú địa ở Pàtaligàma. Chỗ nào có thiên thần có đại oai lực tụ họp, các vị này khiến tâm các vua chúa, các đại thần có đại oai lực, hướng đến sự xây dựng các trú xá. Tại chỗ nào các thiên thần bậc trung tụ họp, các vị này khiến tâm các vua chúa, các đại thần bậc trung hướng đến sự xây dựng các trú xá. Tại chỗ nào các thiên thần bậc hạ đẳng tụ họp, các vị này khiến tâm các vua chúa, các đại thần bậc hạ đẳng hướng đến sự xây dựng các trú xá.

27. Thế Tôn với thiên nhãn, thanh tịnh, siêu nhân thấy hàng ngàn các thiên thần tụ họp tại các trú địa ở Pàtaligàma, Thế Tôn thức dậy khi đêm chưa tàn và nói với tôn giả Ananda:

- Này Ananda, ai đang xây dựng thành trì ở Pataligama?

- Sunidha và Vassakara, bạch Thế Tôn, hai vị đại thần xứ Magadha, đang xây dựng thành trì ở Pataligama để ngăn chận dân Vajjì.

28. Này Ananda, thật giống như đã hỏi ý kiến các vị thiên thần ở cõi trời Ba mươi ba, các đại thần ở Magadha, Sunidha và Vassakara đang xây thành trì ở Pataligama để ngăn chận dân Vajjì. Này Ananda ở đây với thiên nhãn, thanh tịnh, siêu nhân Ta thấy hàng ngàn thiên thần tụ họp tại các trú địa ở Pataligama. Chỗ nào có thiên thần có đại oai lực tụ họp, các vị ấy khiến tâm các vua chúa, các đại thần có đại oai lực, hướng đến sự xây dựng các trú xá. Chỗ nào các thiên thần bậc trung tụ họp, các vị ấy khiến tâm các vua chúa, các đại thần bậc trung hướng đến sự xây dựng các trú xá. Chỗ nào các thiên thần bậc hạ đẳng tụ họp, các vị này khiến tâm các vua chúa, các đại thần bậc hạ đẳng hướng đến sự xây dựng các trú xá. Này Ananda, chỗ nào các vị Ariyans an trú, chỗ nào các nhà thương mãi qua lại, chỗ ấy sẽ thiết lập một thành thị bậc nhất tên gọi là Pàtaliputta, một trung tâm thương mãi. Nhưng này Ananda, Pàtaliputta sẽ bị ba hiểm nạn về lửa, về nước hay chia rẽ bất hòa.

[Chư thiên và nhân loại]
29. Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần nước Magadha, đến tại chỗ Thế Tôn ở, khi đến xong liền nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao rồi đứng một bên. Sau khi đứng một bên, vị đại thần xứ Magadha, Sunidha và Vassakara bạch Thế Tôn: "Mong Thế Tôn nhận lời mời dùng cơm tại nhà chúng con hôm nay cùng với đại chúng Tỷ-kheo". Thế Tôn im lặng nhận lời.

30. Hai vị đại thần xứ Magadha, Sunidha và Vassakara sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời liền đi về nhà ở, cho soạn tại nhà của mình các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm, rồi cử người đến tin Thế Tôn: "Tôn giả Gotama, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng".

Rồi Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến trú sở của hai vị đại thần xứ Magadha, Sunidha và Vassakara, sau khi đi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi hai vị thần xứ Magadha, Sunidha và Vassakara tự tay mời chúng Tỷ-kheo với Thế Tôn là thượng thủ, các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Sau khi Thế Tôn dùng cơm xong và cất tay khỏi bình bát, Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần xứ Magadha liền lấy chiếc ghế thấp khác và ngồi xuống một bên.

31. Sau khi Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần thứ Magadha đã ngồi xuống một bên, Thế Tôn đọc bài kệ cảm tạ:

Tại chỗ nào người sáng suốt lấy làm chỗ trú xứ. 
Hãy nuôi dưỡng người giữ giới và người phạm hạnh.

Và san sẽ công đức với Chư Thiên trú tại chỗ ấy. 
Ðược tôn kính, chúng sẽ tôn kính lại. 
Ðược trọng vọng, chúng sẽ trọng vọng lại.

Chúng sẽ mến thương người ấy như người mẹ thương mến con. 
Và những ai được thiên thần thân mến luôn luôn được thấy may mắn.

Sau khi Thế Tôn tán thán Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần xứ Magadha với bài kệ này, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy và ra về.

[Vinh danh một bậc Đại Sỹ]
32. Sunidha và Vassakara, hai vị đại thần xứ Magadha đi sau lưng Thế Tôn và nói:

- "Hôm nay Sa-môn Gotama đi ra cửa nào cửa ấy sẽ được đặt tên là Gotama; Sa-môn Gotama lội qua sông từ bến nào, bến ấy sẽ được đặt tên là Gotama. Và cửa Sa-môn Gotama đi ra được đặt tên là cửa Gotama".

[Băng ngang sông Hằng lần sau cùng]
33. Rồi Thế Tôn đi đến sông Gangà (sông Hằng). Lúc bây giờ, sông Gangà tràn ngập nước đến bờ đến nỗi con quạ có thể uống được. Có người đang đi tìm thuyền, có người đang đi tìm phao, có người cột bè để qua bờ bên kia. Thế Tôn mau lẹ như người lực sĩ duỗi cánh tay được co lại hay co cánh tay đã duỗi ra, biến mất từ bờ bên này và hiện ra trên bờ bên kia với chúng Tỷ-kheo.

34. Thế Tôn thấy những người kia, người đang đi tìm thuyền, người đang đi tìm phao, người đang đi cột bè để qua bờ bên kia. Thế Tôn hiểu được ý nghĩa của cảnh này, lúc ấy bèn ứng khẩu lời cảm khái:
Có người vượt trùng khơi
Đã cạn dòng sinh tử
Thế nhân lo thuyền bè
Bậc trí rời cuộc lữ.




ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Nên thương tưởng thiên chúng bằng cách nào đúng theo Phật Pháp - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2. Tại sao “bờ kia” thường được dùng để chỉ cho cứu cánh giải thoát (như giác ngạn, đáo bỉ ngạn) - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 3. Vinh danh Đức Phật giữa các nền văn hoá khác nhau có gì được gọi là thích hợp và không thích hợp? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 5Biển cả thường được thí dụ cho kiếp trầm luân. Cái nhìn đó có lợi gì cho người tu tập? - ĐĐ Nguyên Thông


 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment