Wednesday, September 12, 2018

Bài học. Thứ Tư ngày 12-9-2018

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya


Giảng Sư; TT Pháp Đăng

GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH
HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 12/9/2018



16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn
(Mahàparinibbàna sutta)


Phần 1.1 Bảy Yếu Tố Để Một Đất Nước Hưng Thịnh 


Đại ý
Những tháng ngày cuối cùng trong quảng đời hoá đạo của Đức Thế Tôn có nhiều chuyển biến quan trọng trong đạo và ngoài đời. Nhị vị thượng thủ thánh đệ tử viên tịch trước Đức Thế Tôn sáu tháng. Vua A Xà Thế dời kinh đô xứ Magadha từ Rajagaha (Vương Xá) về Pataliputta (Hoa Thị Thành), dòng Thích Ca dời kinh đô về Hậu Kapilavatthu.. Tôn giả Ananda khi kết tập Tam Tạng đã chọn những lời dạy của Đức Phật về yếu tố thịnh suy của một quốc độ, của Tăng chúng như dự kiến về tương lai để mở đầu cho Kinh Đại Bát Niết Bàn. Pháp thoại nầy được giảng tại thành Vương Xá khởi đầu cho hành trình dài băng qua Nalanda, Pataliputta, Vesàli, Pava, và điểm cuối, Kusinara.
Trong đọan kinh mở đầu nầy đề cập đến sự kiện Vua Ajātasattu muốn xâm lăng xứ Vajji. Nhà vua cử đại thần Vassakāra đến trình với Đức Phật với ý muốn biết Đức Phật dạy thế nào. Đức Thế Tôn không trực tiếp trả lời mà quay sang hỏi tôn giả Ananda về những đặc điểm của dân Vajji. 
Bảy điểm mà Đức Phật nêu lên là:
Không sống rời rạc, cục bộ (thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo) 
Đồng tâm (tụ họp trong niệm đoàn kết giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết) 

Biết gìn giữ truyền thống (không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống đã ban hành thời xưa) 
Biết trân trọng những bậc lão thành (tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của những vị này)
Tôn trọng phụ nữ (không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ  phải sống với mình) 
Bảo lưu di sản văn hoá (tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp) 
Biết giá trị và ủng hộ của đời sống tâm linh (bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc) 
Khi nghe Đức Phật hỏi về bảy đặc điểm nầy có tồn tại giữa dân chúng Vajji hay không thì tôn giả Ananda bạch rằng “được nghe là có như vậy”. Rồi Đức Phật dạy: “khi nào dân Vajjì còn được như vậy thời sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”. Và Ngài cũng nói thêm rằng đây là những pháp chính Ngài đã dạy cho dân xứ Vajji trước kia. 
Cuộc đàm thoại giữa Đức Phật và thị giả đã ngăn chân được ý đồ xâm lăng của vua Ajatasattu (Vài năm sau khi Đức Phật viên tịch, xứ Vajji bị chia rẽ và bị xâm lăng. Bản đồ của miền Trung Ấn có những thay đổi lớn)
Chánh kinh
Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Rājagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakùta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ, Ajātasattu Vedehiputta (A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi), vua nước Magadha (Ma-kiệt-đà), muốn chinh phục dân Vajjì (Bạc-kỳ). Vua tự nói: “Ta quyết chinh phạt dân Vajjì này, dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh; ta quyết làm cỏ dân Vajjì; ta sẽ tiêu diệt dân Vajjì; ta sẽ làm cho dân Vajjì bị hoại vong”.

Rồi Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha, nói với Bà-la-môn Vassakāra (Vũ-xá), đại thần nước Magadha

—Này Bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn, và nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Ngài, vấn an Ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú: “Bạch Thế Tôn, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, vấn an Ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, lạc trú”. Và khanh bạch tiếp: “Bạch Thế Tôn, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha muốn chinh phục dân Vajjì, vua tự nói: “Ta quyết chinh phạt dân Vajjì này, dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh; ta quyết làm cỏ dân Vajjì; ta sẽ tiêu diệt dân Vajjì; ta sẽ làm cho dân Vajjì bị hoại vong”. Thế Tôn trả lời khanh thế nào, hãy ghi nhớ kỹ và nói lại ta biết. Các bậc Thế Tôn không bao giờ nói lời hư vọng.

- Ðại vương, xin vâng!

Bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha vâng theo lời dạy của Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cho thắng những cỗ xe thù thắng, tự mình cỡi lên một chiếc, cùng với các cỗ xe ấy đi ra khỏi Rājagaha (Vương Xá), đến tại núi Linh Thứu, đi xe đến chỗ còn dùng xe được, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Thế Tôn, khi đến liền nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha, bạch Thế Tôn

—Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, vấn an ngài có thiểu bệnh, thiểu não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú. Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha muốn chinh phục dân xứ Vajjì. Vua tự nói: “Ta quyết chinh phạt dân Vajjì này, dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh, ta quyết làm cỏ dân Vajjì, ta sẽ tiêu diệt dân Vajjì, ta sẽ làm cho dân Vajjì bị hoại vọng”.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Ānanda đứng quạt sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjì thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjì thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo.

- Này Ānanda, khi nào dân Vajjì thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này Ānanda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết không?

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết.

- Này Ānanda, khi nào nghe dân Vajjì tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, này Ānanda dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjì không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thời xưa không?

- Bạch Thế Tôn, con nghe dân Vajjì không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thuở xưa.

- Này Ānanda khi nào dân Vajjì, không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thuở xưa thời, này Ānanda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị này không?

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị này.

- Này Ānanda, khi nào dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjì không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình không?

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjì không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình.

- Này Ānanda, khi nào Vajjì không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình thời, này Ānanda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp không?

- Bạch Thế Tôn, con có nghe dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.

- Này Ānanda, khi nào dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp, thời này Ānanda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ānanda, Ngươi có nghe dân Vajjì bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjì khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc không?

- Bạch Thế Tôn, con nghe dân Vajjì bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjì khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc.

- Này Ānanda, khi nào dân Vajjì bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjì khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc, thời này Ānanda, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha

—Này Bà-la-môn, một thời Ta sống ở Vesālī tại tự miếu Sārandada, Ta dạy cho dân Vajjì bảy pháp bất thối này. Này Bà-la-môn, khi nào bảy pháp bất thối được duy trì giữa dân Vajjì, khi nào dân Vajjì được giảng dạy bảy pháp bất thối này, thời Bà-la-môn, dân Vajjì sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Khi được nói vậy, Bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn

—Tôn giả Gotama, nếu dân Vajjì chỉ hội đủ một pháp bất thối này, thời dân Vajjì nhất định được cường thịnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ cả bảy pháp bất thối. Tôn giả Gotama, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajjì ở chiến trận trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián. Tôn giả Gotama, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều việc và có nhiều bổn phận.

- Này Bà-la-môn, Người hãy làm những gì Người nghĩ là hợp thời.




ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Thái độ của Đức Phật với thế sự được hiểu thế nào qua bài kinh nầy? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 2. Phải chăng lòng dân và vận nước có sự tương quan mật thiết qua ý nghĩa của bài kinh nầy? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Cải cách xã hội có đi ngược lại với sự bảo lưu truyền thống? - TT Pháp Tân

Thảo luận 4. Tôn trọng phụ nữ trong bài kinh nầy có giống với tinh thần nam nữ bình quyền ngày nay? - ĐĐ Pháp Tín

Thảo luận 5. Điều 6: “tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp” phải chăng là chủ trương nên duy trì tất cả tín ngưỡng dân gian?

Thảo luận 6. Tại sao bảy pháp hưng thịnh nầy nhấn mạnh về văn hoá và tâm linh mà không nói tới kinh tế, một yếu tố được xem là quan trọng bậc nhất trong chủ trương phát triển đất nước ngày nay?

Thảo luận 7. Với những lời dạy của Đức Phật cho dân Vajji phải chăng đối với người Phật tử ngoài sự tu tập bản thân còn có những việc cần đóng góp cho quê hương xứ sở?



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment