Sunday, December 8, 2013

Bài học, Chủ Nhật 8-12-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

  TÁC DỤNG CỦA THIỆN VÀ ÁC KHÔNG THỂ SÁNH VỚI NHAU

1. “Thưa ngài Nāgasena, cái nào trội hơn, mạnh hơn, thiện hay là bất thiện?”


“Tâu đại vương, thiện là trội hơn, mạnh hơn, bất thiện thì không như vậy.”

“Thưa ngài Nāgasena, trẫm không chấp nhận lời nói ấy: ‘Thiện là trội hơn, mạnh hơn, bất thiện thì không như vậy.’ Thưa ngài Nāgasena, ở đây được thấy những kẻ giết hại mạng sống, lấy vật chưa được cho, có hành vi sai trái trong các dục, nói lời dối trá, tàn phá làng mạc, quân cướp đường, gian lận, lường gạt, tất cả những kẻ ấy nhận chịu việc bị chặt bàn tay, chặt bàn chân, chặt bàn tay và bàn chân, cắt tai, xẻo mũi, cắt tai và xẻo mũi, (nhúng vào) hũ giấm chua, cạo đầu bôi vôi, đốt lửa ở miệng, thiêu sống, đốt cháy ở bàn tay, lột da thành sợi, mặc y phục vỏ cây, kéo căng thân người ở trên đất, xiên da thịt bằng lưỡi câu, khoét thịt thành đồng tiền, chà xát với chất kiềm, quay tròn ở trên thập tự giá, ngồi ở ghế rơm, rưới bằng dầu sôi, cho những con chó gặm, đặt trên giáo nhọn, chặt đầu bằng gươm tương xứng với tội ác, những ai làm điều ác ban đêm thì gánh chịu hậu quả ngay trong đêm, những ai làm ban đêm thì gánh chịu trong ngày (kế), những ai làm ban ngày thì gánh chịu ngay trong đêm, những ai đã trải qua hai ba ngày thì gánh chịu hai ba ngày, tất cả những người ấy đều gánh chịu hậu quả ngay trong hiện tại. Thưa ngài Nāgasena, trái lại có phải có người nào đó sau khi bố thí vật thí có cả vật phụ tùng đến một vị, hoặc hai vị, hoặc ba vị, hoặc bốn vị, hoặc năm vị, hoặc mười vị, hoặc một trăm vị, hoặc một ngàn vị, hoặc một trăm ngàn vị, thì trở thành người hưởng thụ của cải, hoặc danh tiếng, hoặc an lạc, nhờ vào giới hoặc việc hành trai giới trong thời hiện tại?”

“Tâu đại vương, có bốn người sau khi bố thí vật thí, sau khi thọ trì giới, sau khi thực hiện việc hành trai giới thì đạt đến danh vọng ở thành phố của chư Thiên bằng chính cơ thể thân xác ấy ngay trong thời hiện tại.”

2. “Thưa ngài, ai và ai vậy?”

“Tâu đại vương, đức vua Mandhātā, đức vua Nimi, đức vua Sādhīna, và Càn-thát-bà Guttila.”

“Thưa ngài Nāgasena, điều ấy rõ ràng là đã trải qua nhiều ngàn đời. Điều ấy cũng là vượt ngoài tầm nhìn của hai chúng ta. Nếu ngài có khả năng, xin ngài hãy nói về cuộc đời đang còn tiếp diễn, vào thời điểm đang còn đức Thế Tôn.”

“Tâu đại vương, thậm chí ở cuộc đời đang còn tiếp diễn, kẻ nô lệ Puṇṇaka sau khi dâng vật thực đến trưởng lão Sāriputta thì đã đạt đến địa vị nhà triệu phú ngay trong ngày ấy, vị ấy hiện nay đã được biết là: ‘Triệu phú Puṇṇaka.’ Hoàng hậu Gopālamātā sau khi bán mái tóc của chính mình, với tám đồng tiền nhận được đã dâng đồ ăn khất thực đến trưởng lão Mahākaccāyana, (cùng với bảy vị khác) và bản thân ngài là vị thứ tám, thì đã đạt được ngôi vị hoàng hậu chánh cung của đức vua Udena ngay trong ngày ấy. Nữ cư sĩ Suppiyā sau khi đã dâng nước xúp nấu với thịt đùi của chính mình đến một vị tỳ khưu bệnh nọ, thì ngay trong ngày thứ nhì vết thương đã được liền lại, có làn da đẹp, đã được hết bệnh.  

Mallikādevī, sau khi dâng phần cháo chua của đêm hôm qua đến đức Thế Tôn, đã trở thành hoàng hậu chánh cung của đức vua Kosala ngay trong ngày ấy. Người thợ làm tràng hoa Sumana, sau khi cúng dường đức Thế Tôn với tám nắm hoa nhài, đã đạt được sự thành tựu lớn lao ngay trong ngày ấy. Vị Bà-la-môn Ekasāṭaka (có độc một tấm vải che thân), sau khi cúng dường đức Thế Tôn với tấm vải khoác ngoài, đã đạt được tất cả mỗi thứ tám món ngay trong ngày ấy. Tâu đại vương, tất cả những người này cũng đã hưởng thụ của cải và danh vọng ở thời hiện tại.”

3. “Thưa ngài Nāgasena, sau khi chọn lựa và tìm kiếm, có phải ngài đã thấy chỉ có sáu người?”

“Tâu đại vương, đúng vậy.”

“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì chính bất thiện là trội hơn, mạnh hơn, thiện thì không như vậy. Thưa ngài Nāgasena, bởi vì chỉ trong một ngày trẫm nhìn thấy mười người nam, hai mươi, ba mươi, bốn mươi, năm mươi người nam đang bị đặt trên các giáo nhọn do hậu quả của nghiệp ác. Trẫm nhìn thấy trăm người nam, ngàn người nam đang bị đặt trên các giáo nhọn do hậu quả của nghiệp ác. Thưa ngài Nāgasena, người con trai của vị tướng quân thuộc dòng họ Nanda có tên là Bhaddasāla. Cuộc chiến đấu giữa vị ấy và đức vua Candagutta đã diễn ra ác liệt. Thưa ngài Nāgasena, hơn nữa trong cuộc chiến đấu ấy, đã có tám mươi thây người cụt đầu ở cả hai đoàn quân. Nghe nói khi một cái giỏ đựng đầu được tràn đầy thì có một thây người cụt đầu đứng dậy. Tất cả những người này lâm vào tai họa và bất hạnh do hậu quả của chính nghiệp ác. Thưa ngài Nāgasena, cũng vì lý do này mà trẫm nói rằng: ‘Chính bất thiện là trội hơn, mạnh hơn, thiện thì không như vậy.’ Thưa ngài Nāgasena, có phải được nghe là trong thời Giáo Pháp của đức Phật này, vật thí không thể sánh bằng đã được bố thí bởi đức vua Kosala?”

“Tâu đại vương, đúng vậy. Có được nghe.”

“Thưa ngài Nāgasena, phải chăng đức vua Kosala, sau khi bố thí vật thí không thể sánh bằng ấy, do nhân ấy đã nhận được của cải hay danh vọng hay sự an lạc nào đó trong thời hiện tại?”

“Tâu đại vương, không có.”

“Thưa ngài Nāgasena, nếu đức vua Kosala, thậm chí sau khi bố thí vật thí không thể sánh bằng có hình thức như thế, do nhân ấy đã không nhận được của cải hay danh vọng hay sự an lạc trong thời hiện tại. Thưa ngài Nāgasena, như thế thì chính bất thiện là trội hơn, mạnh hơn, thiện thì không như vậy.”

4. “Tâu đại vương, vì tính chất nhỏ nhoi nên bất thiện chuyển biến mau chóng. Do tính chất rộng lớn nên thiện chuyển biến cần thời gian dài. Tâu đại vương, điều này nên được quan sát bằng ví dụ. Tâu đại vương, giống như ở xứ sở Aparanta, có giống lúa tên là kumudabhaṇḍikā sau một tháng thì được gặt rồi đem vào trong nhà. Các lúa sāli chín sau năm sáu tháng. Tâu đại vương, vậy thì ở đây có điều gì khác nhau? Giữa lúa kumudabhaṇḍikā và các loại lúa sāli có điều gì là khác biệt?”

“Thưa ngài, vì tính chất nhỏ nhoi của lúa kumudabhaṇḍikā, và tính chất rộng lớn của các lúa sāli. Thưa ngài Nāgasena, các lúa sāli là xứng đáng với đức vua, là thực phẩm của đức vua, còn lúa kumudabhaṇḍikā là thực phẩm của các nô bộc và những người làm công việc.”  

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế vì tính chất nhỏ nhoi nên bất thiện chuyển biến mau chóng. Do tính chất rộng lớn nên thiện chuyển biến cần thời gian dài.”

“Thưa ngài Nāgasena, trong trường hợp ấy cái nào chuyển biến mau chóng, cái ấy ở thế gian gọi là trội hơn, mạnh hơn. Do đó, bất thiện là trội hơn, mạnh hơn, thiện thì không như vậy. Thưa ngài Nāgasena, giống như người lính chiến nào đó, sau khi tiến vào cuộc chiến đấu lớn lao vĩ đại, thì nắm lấy kẻ thù ở nách, lôi đi, rồi mau chóng hơn nữa đưa đến các chủ soái, người lính chiến ấy ở thế gian gọi là dũng sĩ tài năng. Và người thầy thuốc nào nhanh chóng lấy ra mũi tên, xua đi cơn bệnh, người thầy thuốc ấy gọi là thông thạo. Người kế toán nào tính toán vô cùng mau lẹ và nhanh chóng phô bày (kết quả), người kế toán ấy gọi là thông thạo. Người võ sĩ nào nhanh chóng nhấc bổng và vật ngã ngửa đối thủ, người võ sĩ ấy gọi là dũng sĩ tài năng. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế cái nào chuyển biến mau chóng, dầu là thiện hay là bất thiện, cái ấy ở thế gian là trội hơn, mạnh hơn.”

5. “Tâu đại vương, luôn cả hai nghiệp ấy đều được cảm thọ trong tương lai. Tuy nhiên, bất thiện do có tội lỗi nên lập tức chịu cảm thọ trong thời hiện tại. Tâu đại vương, các vị Sát-đế-lỵ trước đây đã thành lập quy định này: ‘Kẻ nào giết hại mạng sống, kẻ ấy xứng đáng hình phạt; kẻ nào lấy vật chưa cho, kẻ nào đi đến vợ người khác, kẻ nào nói lời dối trá, kẻ nào tàn phá xóm làng, kẻ nào cướp giật đường xá, kẻ nào thực hiện việc gian lận và lường gạt, kẻ ấy xứng đáng hình phạt, nên bị giết chết, nên bị chém, nên bị phanh (thây), nên bị trừng phạt.’ Căn cứ vào việc ấy, sau khi cân nhắc xét đoán họ gia hình, giết chết, chém, phanh (thây), và trừng phạt. Tâu đại vương, phải chăng có điều quy định đã được thành lập bởi những ai đó rằng: ‘Người nào bố thí vật thí, hoặc gìn giữ giới, hoặc thực hiện việc hành trai giới, thì người ấy sẽ được ban thưởng tài sản hoặc danh vọng’? Phải chăng sau khi cân nhắc xét đoán về việc ấy, họ ban thưởng tài sản hoặc danh vọng, tương tợ như việc giết chết hoặc giam cầm đối với hành động đã làm của kẻ trộm cướp?”

“Thưa ngài, không có.”

“Tâu đại vương, nếu họ sau khi cân nhắc xét đoán có thể ban thưởng tài sản hoặc danh vọng đến các thí chủ, thì thiện cũng có thể được cảm thọ trong hiện tại. Tâu đại vương, bởi vì họ không cân nhắc về các thí chủ rằng: ‘Chúng ta sẽ ban thưởng tài sản hoặc danh vọng,’ vì thế thiện không được cảm thọ trong hiện tại. Tâu đại vương, vì lý do này bất thiện chịu cảm thọ trong hiện tại, và kẻ ấy cảm nhận cảm thọ trội hơn, mạnh hơn ngay trong tương lai.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Thiếu vắng bậc có sự giác ngộ như là ngài, câu hỏi này đã không khéo được tháo gỡ. Thưa ngài Nāgasena, việc thuộc về thế gian đã được giảng giải bằng cách vượt trên thế gian.”



II. Thảo Luận: Chư Tăng  điều hợp.
1. Phải chăng thiện pháp là sức mạnh thì tại sao khi chúng ta làm thiện pháp thì tập đi tập lại rất khó khăn trong khi ác pháp không cần tập mà chỉ cần suy nghĩ đến nó hoặc có một chút gì mà không kiểm soát được chính mình thì mình có thể tạo ra ác pháp từ nơi lời nói đến việc làm? - TT Pháp Đăng
2. Nguyên nhân nào khiến người ta khi tạo phước lại nguyện được điều này điều kia chẳng hạn như nguyện sanh về cõi trời, nguyện được phước chư thiên? - TT Pháp Đăng
3. Nếu nói bất thiện thì có 7 đổng lực trợ cho bất thiện, và thiện nghiệp có 7 đổng lực. Nhưng nhiều khi cái thiện trợ cho cái thiện nó có nhiều đổng lực  nữa. Trong khi cái bất thiện nó có chi nào trợ cho nhiều đổng lực bất thiện không? - TT Pháp Tân
4. Người ta nói rằng mình có tu thiền mới chứng đắc đạo quả, còn những pháp thiện như bố thí, trì giới, phục vụ, cung kỉnh thì không có khả năng chứng đắc đạo quả. Phải vậy chăng? TT Pháp Tân

No comments:

Post a Comment