Tuesday, December 10, 2013

Bài học, Thứ Ba 10-12-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

  MƠ VÀ MỘNG
1. “Thưa ngài Nāgasena, những người nam và nữ ở thế gian này nhìn thấy giấc mơ, tốt đẹp, xấu xa, đã thấy trước đây, chưa thấy trước đây, đã làm trước đây, chưa làm trước đây, bình yên, có sự sợ hãi, ở xa, ở gần. Họ nhìn thấy nhiều loại, hàng ngàn hình dáng. Và cái gọi là giấc mơ ấy là cái gì? Và ai nhìn thấy điều này?”  

“Tâu đại vương, cái gọi là giấc mơ ấy là điềm báo hiệu, là cái tiến đến gần lãnh vực của tâm. Tâu đại vương, sáu hạng này nhìn thấy giấc mơ: hạng nhìn thấy giấc mơ liên quan đến gió, hạng nhìn thấy giấc mơ liên quan đến mật, hạng nhìn thấy giấc mơ liên quan đến đờm, hạng nhìn thấy giấc mơ do chư Thiên đem lại, hạng nhìn thấy giấc mơ do đã được làm thường xuyên, hạng nhìn thấy giấc mơ do điềm báo hiệu. Tâu đại vương, ở đây nhìn thấy giấc mơ nào do điềm báo hiệu, thì chính cái ấy là thật, phần còn lại là giả.”

2. “Thưa ngài Nāgasena, người nào nhìn thấy giấc mơ do điềm báo hiệu, có phải tâm của người ấy tự đi đến và tìm kiếm điềm báo hiệu ấy, hay là điềm báo hiệu ấy tiến đến gần lãnh vực của tâm, hay là cái nào khác đi đến và thông báo cho người ấy?”

“Tâu đại vương, không phải tâm của người ấy tự đi đến và xem xét điềm báo hiệu ấy, cũng không phải cái nào nào khác đi đến và thông báo cho người ấy. Khi ấy, chính điềm báo hiệu ấy tiến đến gần lãnh vực của tâm. Tâu đại vương, giống như tấm gương soi không tự đi đến nơi nào đó và xem xét cái bóng phản chiếu, cũng không phải cái nào khác đem cái bóng phản chiếu lại và áp vào tấm gương soi. Khi ấy, từ nơi nào đó cái bóng phản chiếu đi đến và lại gần lãnh vực của tấm gương soi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế không phải tâm của người ấy tự đi đến và xem xét điềm báo hiệu ấy, cũng không phải cái nào khác đi đến và thông báo. Khi ấy, từ nơi nào đó điềm báo hiệu ấy tiến đến gần lãnh vực của tâm.”

3. “Thưa ngài Nāgasena, tâm nào đó nhìn thấy giấc mơ, phải chăng tâm ấy biết được rằng: ‘Kết quả sẽ là như vầy, hoặc là bình yên hoặc là sợ hãi’?”

“Tâu đại vương, không phải là tâm ấy biết được rằng: ‘Kết quả sẽ là như vầy, hoặc là bình yên hoặc là sợ hãi.’ Trái lại, khi điềm báo hiệu được sanh lên, thì nó nói cho những cái khác. Sau đó, những cái ấy nói ra ý nghĩa.”

“Thưa ngài Nāgasena, vậy xin ngài chỉ cho thấy lý do.”

“Tâu đại vương, giống như các nốt ruồi, mụt nhọt, ghẻ lở xuất hiện ở cơ thể là đưa đến việc có lợi lộc hay không có lợi lộc, có danh tiếng hay không có danh tiếng, chê trách hay khen ngợi, an lạc hay khổ đau. Tâu đại vương, phải chăng các nốt ruồi, mụt nhọt, ghẻ lở sanh lên sau khi biết được rằng: ‘Chúng tôi sẽ tạo ra sự việc này’?”

“Thưa ngài, không đúng. Ở bất kỳ vị trí nào mà các mụt nhọt sanh lên, sau khi nhìn thấy các mụt nhọt ấy ở chỗ ấy, các nhà tướng số giải thích: ‘Kết quả sẽ là như vầy.’”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tâm nào đó nhìn thấy giấc mơ, không phải là tâm ấy biết được rằng: ‘Kết quả sẽ là như vầy, hoặc là bình yên hoặc là sợ hãi.’ Trái lại, khi điềm báo hiệu được sanh lên, thì nó nói cho những cái khác; sau đó, những cái ấy nói về ý nghĩa.”

4. “Thưa ngài Nāgasena, người nào nhìn thấy giấc mơ, thì người ấy nhìn thấy trong lúc đang ngủ hay là nhìn thấy trong khi còn thức?”

“Tâu đại vương, người nào nhìn thấy giấc mơ, thì không phải người ấy nhìn thấy trong lúc đang ngủ, cũng không phải nhìn thấy trong khi còn thức, tuy nhiên nhìn thấy giấc mơ ở vào khoảng giữa của giai đoạn đang rơi vào trạng thái ngủ mơ màng nhưng chưa đạt đến luồng tâm hộ kiếp. Tâu đại vương, đối với người đã đạt đến trạng thái ngủ mơ màng, thì tâm tiến đến luồng tâm hộ kiếp; tâm đã đi vào luồng tâm hộ kiếp thì không vận hành; tâm không vận hành thì không nhận biết an lạc hay khổ đau; trong khi không nhận thức thì không có giấc mơ, khi tâm đang được vận hành thì nhìn thấy giấc mơ.

Tâu đại vương, giống như ở nơi mờ mịt, tối tăm, không có ánh sáng, thì bóng phản chiếu không được nhìn thấy ở gương soi, dầu là vô cùng trong sạch. Tâu đại vương, tương tợ y như thế khi tâm đã đạt đến trạng thái ngủ mơ màng, đã đi vào luồng tâm hộ kiếp, và đang được duy trì, thì tâm là không vận hành ở cơ thể; tâm không vận hành thì không nhìn thấy giấc mơ. Tâu đại vương, tấm gương soi là như thế nào thì cơ thể nên được xem xét như vậy. Sự tối tăm là như thế nào thì trạng thái ngủ mơ màng nên được xem xét như vậy. Ánh sáng là như thế nào thì tâm nên được xem xét như vậy.

Phần B

Tâu đại vương, hoặc là giống như khi mặt trời bị che lại bởi băng giá thì ánh sáng không được nhìn thấy; tia sáng mặt trời tuy có hiện hữu nhưng không vận hành; khi tia sáng mặt trời không vận hành thì không có ánh sáng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với người đã đạt đến trạng thái ngủ mơ màng, thì tâm đi vào luồng tâm hộ kiếp; tâm đã đi vào luồng tâm hộ kiếp thì không vận hành; tâm không vận hành thì không nhìn thấy giấc mơ. Tâu đại vương, mặt trời là như thế nào thì cơ thể nên được xem xét như vậy. Sự che lại bởi băng giá là như thế nào thì trạng thái ngủ mơ màng nên được xem xét như vậy. Tia sáng mặt trời là như thế nào thì tâm nên được xem xét như vậy.

5. Tâu đại vương, mặc dầu cơ thể đang hiện hữu nhưng tâm không vận hành trong hai trường hợp: Đối với người đã đạt đến trạng thái ngủ mơ màng, đã đi vào luồng tâm hộ kiếp, mặc dầu cơ thể đang hiện hữu nhưng tâm không vận hành; đối với người đã thể nhập thiền diệt, mặc dầu cơ thể đang hiện hữu nhưng tâm không vận hành. Tâu đại vương, đối với người đang tỉnh táo, tâm lao xao, mở ra, năng động, không cố định, điềm báo hiệu không tiến đến gần lãnh vực ở tâm của người có trạng thái như vậy. Tâu đại vương, giống như những ước muốn thầm kín xa lánh người nam cởi mở, năng động, không nghiêm chỉnh, không kín đáo. Tâu đại vương, tương tợ y như thế nghĩa lý siêu tự nhiên không tiến đến gần lãnh vực của người đang tỉnh táo. Do đó, người đang tỉnh táo không nhìn thấy giấc mơ.

Tâu đại vương, hoặc là giống như các thiện pháp dự phần vào giác ngộ không tiến đến gần lãnh vực là vị tỳ khưu có sự nuôi mạng bị sứt mẻ, không nết hạnh, có bạn ác, có giới tồi, biếng nhác, có sự tinh tấn thấp kém. Tâu đại vương, tương tợ y như thế nghĩa lý siêu tự nhiên không tiến đến gần lãnh vực của người đang tỉnh táo.”

6. “Thưa ngài Nāgasena, có phải trạng thái ngủ mơ màng là có chặng đầu, chặng giữa, và chặng cuối?”

“Tâu đại vương, đúng vậy. Trạng thái ngủ mơ màng có chặng đầu, có chặng giữa, và có chặng cuối.”

“Chặng đầu là cái nào, chặng giữa là cái nào, và chặng cuối là cái nào?”

“Tâu đại vương, trạng thái nào là sự che đậy, sự bao bọc lại, sự yếu đuối của danh uẩn và sắc uẩn, là trạng thái trì trệ, không sẵn sàng cho hành động của thân; đây là chặng đầu của trạng thái ngủ mơ màng. Tâu đại vương, người nào có được giấc ngủ của con khỉ, ngủ mơ màng một cách lộn xộn (nửa ngủ nửa thức); đây là chặng giữa của trạng thái ngủ mơ màng. Chặng cuối là việc đi vào luồng tâm hộ kiếp. Tâu đại vương, người đã tiến đến gần chặng giữa, có được giấc ngủ của con khỉ, thì nhìn thấy giấc mơ. Tâu đại vương, giống như người nào đó có sự thực hành về tiết chế, có tâm được định tĩnh, có pháp được bền vững, có sự sáng suốt không dao động, sau khi đi sâu vào khu rừng, nơi đã được dứt hẳn sự loạn động và tiếng động, rồi suy nghĩ về ý nghĩa vi tế, và ở nơi ấy, người ấy không rơi vào trạng thái ngủ mơ màng. Ở nơi ấy, được định tĩnh, có tâm chuyên nhất, người ấy thấu hiểu được ý nghĩa vi tế. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người tỉnh táo, không đạt đến trạng thái ngủ mơ màng, tiến đến gần giấc ngủ của con khỉ, có được giấc ngủ của con khỉ, thì nhìn thấy giấc mơ. Tâu đại vương, sự loạn động và tiếng động là như thế nào thì sự tỉnh táo nên được xem xét như vậy. Khu rừng tách biệt là như thế nào thì việc có được giấc ngủ của con khỉ nên được xem xét như vậy. ‘Người ấy sau khi từ bỏ sự loạn động và tiếng động, sau khi tránh né trạng thái ngủ mơ màng, có được trạng thái trầm tĩnh, thì thấu hiểu được ý nghĩa vi tế’ là như thế nào thì ‘người tỉnh táo, không đạt đến trạng thái ngủ mơ màng, có được giấc ngủ của con khỉ, thì nhìn thấy giấc mơ’ là như vậy.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”


II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.

 1. Với một tu sĩ Phật giáo thì việc đoán mộng có khả tín chăng? - TT Pháp Tân
 2. Dựa trên những gì đọc được từ kinh điển thì những điềm báo mộng là do nghiệp hay linh tánh? - TT Pháp Tân
3. Tại sao những chủ tâm tạo tác trong chiêm bao không tạo quả? - TT Tuệ Siêu

4. Tâm hộ kiếp vốn không thể thay đổi vậy thì sự niệm tâm từ hay niệm hơi thở ảnh hưởng giấc ngủ thế nào? - TT Tuệ Siêu




No comments:

Post a Comment