Monday, December 16, 2013

Bài học, Thứ Hai 16-12-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Giác Đẳng

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
                                     
SỰ CHỨNG NGỘ NIẾT BÀN


1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Niết Bàn không là quá khứ, không là hiện tại, không là vị lai, không phải là được sanh lên, không phải là không được sanh lên, không phải là sẽ được làm cho sanh lên.’ Thưa ngài Nāgasena, ở đây người nào đó thực hành đúng đắn và chứng ngộ Niết Bàn, thì người ấy chứng ngộ cái (Niết Bàn) đã được sanh lên, hay là làm cho (Niết Bàn) sanh lên rồi chứng ngộ?”

“Tâu đại vương, người nào đó thực hành đúng đắn thì chứng ngộ Niết Bàn, người ấy chứng ngộ không phải cái (Niết Bàn) đã được sanh lên, không phải là làm cho (Niết Bàn) sanh lên rồi chứng ngộ. Tâu đại vương, tuy nhiên có cảnh giới Niết Bàn ấy, người ấy thực hành đúng đắn và chứng ngộ cái ấy.”

“Thưa ngài Nāgasena, xin ngài chớ làm cho câu hỏi này bị che đậy lại rồi mới giải thích. Xin ngài hãy làm cho nó được mở ra, được rõ ràng, rồi giải thích. Với ước muốn đã được sanh khởi, với sự nỗ lực đã được sanh khởi, điều nào ngài đã học, xin ngài hãy tuôn ra tất cả các điều ấy cho chính trường hợp này. Ở đây, đám người này là mê muội, bị sanh khởi nỗi phân vân, bị khởi lên sự nghi ngờ. Xin ngài hãy phá vỡ mũi tên có sự độc hại ở bên trong ấy.”

2. “Tâu đại vương, có cảnh giới Niết Bàn ấy, tịch tịnh, an lạc, hảo hạng. Người thực hành đúng đắn, trong khi quán sát về các hành theo lời dạy của đấng Chiến Thắng, nhờ vào tuệ mà chứng ngộ Niết Bàn. Tâu đại vương, giống như người đệ tử, theo lời dạy của vị thầy, nhờ vào tuệ mà chứng ngộ được kiến thức. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người thực hành đúng đắn theo lời dạy của đấng Chiến Thắng, nhờ vào tuệ mà chứng ngộ Niết Bàn.”

“Vậy thì Niết Bàn sẽ được nhìn thấy như thế nào?”

“Sẽ được nhìn thấy là không có rủi ro, không có bất hạnh, không có sợ hãi, là an toàn, tịch tịnh, an lạc, thoải mái, hảo hạng, trong sạch, mát lạnh. Tâu đại vương, giống như người đàn ông, trong khi bị đốt nóng bởi ngọn lửa với nhiều đống củi đã được phát cháy sôi sục, sau khi thoát khỏi nơi ấy nhờ vào sự nỗ lực, và đi vào nơi không có ngọn lửa, rồi đạt được hạnh phúc tột độ ở nơi ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào thực hành đúng đắn, người ấy nhờ vào sự tác ý đúng đường lối chứng ngộ Niết Bàn an lạc tối thượng, nơi xa lìa sức nóng của ngọn lửa gồm ba loại. Tâu đại vương, ngọn lửa là như thế nào thì ngọn lửa gồm ba loại nên được xem xét như vậy. Người đàn ông ở trong ngọn lửa là như thế nào thì người thực hành đúng đắn nên được xem xét như vậy. Nơi không có ngọn lửa là như thế nào thì Niết Bàn nên được xem xét như vậy.

3. Tâu đại vương, hoặc là giống như người đàn ông đi đến nơi chất đống các xác chết của rắn, chó, người và các phần thải bỏ của cơ thể, bị kẹt vào ở giữa các búi tóc bị rối lại của các xác chết, sau khi thoát khỏi nơi ấy nhờ vào sự nỗ lực, và đi vào nơi không có xác chết, rồi đạt được hạnh phúc tột độ ở nơi ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào thực hành đúng đắn, người ấy nhờ vào sự tác ý đúng đường lối chứng ngộ Niết Bàn an lạc tối thượng, nơi xa lìa xác chết phiền não. Tâu đại vương, xác chết là như thế nào thì năm loại dục nên được xem xét như vậy. Người đàn ông đi đến nơi các xác chết là như thế nào thì người thực hành đúng đắn nên được xem xét như vậy. Nơi không có xác chết là như thế nào thì Niết Bàn nên được xem xét như vậy.

Tâu đại vương, hoặc là giống như người đàn ông bị khiếp sợ, bị run sợ, bị rúng động, có tâm bị xáo trộn và bị tán loạn, sau khi thoát khỏi nơi ấy nhờ vào sự nỗ lực, và đi vào nơi chắc chắn, vững chãi, không dao động, không có sự sợ hãi, rồi đạt được hạnh phúc tột độ ở nơi ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào thực hành đúng đắn, người ấy nhờ vào sự tác ý đúng đường lối chứng ngộ Niết Bàn an lạc tối thượng, nơi xa lìa sự sợ hãi và sự run sợ. Tâu đại vương, sự sợ hãi là như thế nào thì sự sợ hãi được vận hành một cách liên tục tùy thuận theo sanh-già-bệnh-chết nên được xem xét như vậy. Người đàn ông bị khiếp sợ là như thế nào thì người thực hành đúng đắn nên được xem xét như vậy. Nơi không có sự sợ hãi là như thế nào thì Niết Bàn nên được xem xét như vậy.

Tâu đại vương, hoặc là giống như người đàn ông bị té ngã vào khu vực là vũng bùn, đầm lầy, bị ô nhiễm, dơ bẩn, sau khi ra khỏi vũng bùn, đầm lầy ấy nhờ vào sự nỗ lực, và đi đến khu vực hoàn toàn trong sạch, không nhơ bẩn, rồi đạt được hạnh phúc tột độ ở nơi ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào thực hành đúng đắn, người ấy nhờ vào sự tác ý đúng đường lối chứng ngộ Niết Bàn an lạc tối thượng, nơi xa lìa vũng lầy phiền não ô nhiễm. Tâu đại vương, vũng bùn là như thế nào thì lợi lộc, tôn vinh, danh tiếng nên được xem xét như vậy. Người đàn ông ở trong vũng bùn là như thế nào thì người thực hành đúng đắn nên được xem xét như vậy. Khu vực hoàn toàn trong sạch, không nhơ bẩn là như thế nào thì Niết Bàn nên được xem xét như vậy.”

4. “Thưa ngài, vậy thì người thực hành đúng đắn làm cách nào chứng ngộ Niết Bàn ấy?”

“Tâu đại vương, người nào thực hành đúng đắn, người ấy quán sát về sự vận hành của các hành; trong khi quán sát về sự vận hành, nhìn thấy sự sanh, nhìn thấy sự già, nhìn thấy sự bệnh, nhìn thấy sự chết ở nơi ấy, không nhìn thấy bất cứ điều gì an lạc, thoải mái ở nơi ấy, từ phần đầu, từ phần giữa, từ phần cuối. Người ấy không nhìn thấy bất cứ điều gì đáng được nắm bắt.

Tâu đại vương, giống như người đàn ông không nhìn thấy bất cứ chỗ nào đáng được nắm bắt ở cục sắt được đốt nóng trọn ngày, bị bốc cháy, sôi sục, nóng bỏng, từ phần đầu, từ phần giữa, từ phần cuối. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào quán sát về sự vận hành của các hành, người ấy trong khi quán sát về sự vận hành, nhìn thấy sự sanh, nhìn thấy sự già, nhìn thấy sự bệnh, nhìn thấy sự chết ở nơi ấy, không nhìn thấy bất cứ điều gì an lạc, thoải mái ở nơi ấy, từ phần đầu, từ phần giữa, từ phần cuối. Người ấy không nhìn thấy bất cứ điều gì đáng được nắm bắt. Đối với người ấy, trong khi không nhìn thấy điều gì đáng được nắm bắt, sự không thích thú được thành lập ở tâm của người ấy, sự nóng bức xuất hiện ở thân của người ấy. Người ấy, không có sự bảo vệ, không có sự nương nhờ, có trạng thái không có chỗ nương nhờ, nên nhàm chán ở các hữu.

Tâu đại vương, giống như người đi vào đống lửa lớn, có ngọn lửa cháy rực. Ở đó, người ấy không có sự bảo vệ, không có sự nương nhờ, có trạng thái không có chỗ nương nhờ, nên nhàm chán ở ngọn lửa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, đối với người ấy, trong khi không nhìn thấy điều gì đáng được nắm bắt, sự không thích thú được thành lập ở tâm của người ấy, sự nóng bức xuất hiện ở thân của người ấy. Người ấy, không có sự bảo vệ, không có sự nương nhờ, có trạng thái không có chỗ nương nhờ, nên nhàm chán ở các hữu. Đối với người ấy, đã nhìn thấy nỗi sợ hãi ở sự vận hành, có tâm như vầy sanh khởi: ‘Sự vận hành này quả đã bị đốt nóng, bị cháy đỏ, bị cháy rực, có nhiều khổ đau, có nhiều ưu phiền. Nếu ai đó có thể đạt được sự không vận hành, điều ấy là tịch tịnh, điều ấy là hảo hạng, tức là sự yên lặng của tất cả các hành, sự từ bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt tận ái dục, sự lìa khỏi luyến ái, sự tịnh diệt, Niết Bàn.’ Nhờ vậy, tâm của người ấy lao vào ở sự không vận hành, được tin tưởng, được hài lòng, được vui mừng rằng: ‘Sự thoát ra đã đạt được bởi ta.’

Tâu đại vương, giống như người đàn ông bị lạc lối, bị rơi vào nơi lạ, sau khi nhìn thấy lối ra, thì lao vào nơi ấy, được tin tưởng, được hài lòng, được vui mừng rằng: ‘Lối ra đã đạt được bởi ta.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với người đã nhìn thấy nỗi sợ hãi ở sự vận hành, thì tâm của người ấy lao vào ở sự không vận hành, được tin tưởng, được hài lòng, được vui mừng rằng: ‘Sự thoát ra đã đạt được bởi ta.’ Người ấy tích lũy, theo đuổi, tu tập, thực hành thường xuyên đạo lộ đưa đến sự không vận hành. Đối với người ấy, niệm được thành lập ở mục đích ấy, tinh tấn được thành lập ở mục đích ấy, hỷ được thành lập ở mục đích ấy. Trong khi người ấy chú tâm liên tục ở tâm ấy, thì vượt qua sự vận hành, đi đến sự không vận hành. Tâu đại vương, người đã đạt đến sự không vận hành, đã thực hành đúng đắn, được gọi là ‘chứng ngộ Niết Bàn.’”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”


II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
 1. Nhận thức khổ đau thế nào là duyên lành dẫn đến liễu chứng Niết bàn? - TT Tuệ Siêu
 2. Trong trường hợp nào sự khổ được gọi là "khổ diệu đế"? - TT Pháp Đăng


No comments:

Post a Comment