Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
GIÁO PHÁP LÀ MỘT DI SẢN QUY MÔ VÀ TOÀN DIỆN MÀ ĐỨC PHẬT ĐỂ LẠI
3. “Thưa ngài Nāgasena, xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như nhà kiến trúc đô thị có ý định xây dựng thành phố thì trước tiên hết xem qua khoảnh đất bằng phẳng, không bị nhô lên không bị lõm xuống, không sạn sỏi và đá tảng, không nguy hiểm, không bị chê trách, đáng được yêu thích, rồi chỗ nào không bằng phẳng thì cho san bằng chỗ ấy, cho dọn sạch gốc cây và gai góc, rồi tại chỗ ấy xây dựng thành phố lộng lẫy, được phân chia thành từng phần, đã được đo đạc, có đường hào đã được đào lên và thành lũy, có tháp canh và cổng thành vững chắc, có đường băng ngang, ngã tư, giao lộ, bồn binh rộng lớn, có đường lộ chính sạch sẽ và có bề mặt bằng phẳng, có cửa tiệm khéo được bố trí bên trong, được đầy đủ với các khu vườn, công viên, hồ ao, đầm sen, giếng nước, được tô điểm với nhiều loại điện thờ chư Thiên, toàn bộ đều không có khuyết điểm. Khi thành phố ấy đã đạt đến sự phát triển về mọi mặt, người ấy có thể đi đến khu vực khác. Rồi thời gian sau đó, thành phố ấy trở nên thịnh vượng, giàu có, vật thực dễ dàng, an toàn, được phát đạt, thắng lợi, không có rủi ro, không có bất hạnh, đông đảo với nhiều hạng người, các Sát-đế-lỵ có tầm cỡ, các Bà-la-môn, các thương buôn, các nô lệ, các quản tượng, các kỵ sĩ, các người đánh xe, các khách bộ hành, các cung thủ, các kiếm sĩ, các hiệp sĩ, các quân nhân, các nhà cung cấp vật thực, các hoàng tử dũng mãnh, các cảm tử quân, các yếu nhân, các vị anh hùng, các chiến sĩ mặc áo giáp, các người con của kẻ nô bộc, các người con của kẻ làm thuê, các toán đấu vật, các người nấu ăn, các đầu bếp, các thợ cạo, các người hầu tắm, các thợ rèn, các người làm tràng hoa, các thợ vàng, các thợ bạc, các thợ chì, các thợ thiếc, các thợ đồng, các thợ hợp kim, các thợ sắt, các thợ ngọc ma-ni, các thợ dệt, các thợ gốm, các người làm muối, các thợ thuộc da, các thợ làm xe, các thợ làm ngà, các thợ làm dây, các thợ làm lược, các thợ quay tơ, các thợ đan giỏ, các thợ làm cung, các thợ làm dây cung, các thợ làm tên, các thợ vẽ tranh, các thợ làm màu, các thợ nhuộm, các thợ dệt vải, các thợ may, các thợ phân kim, các người buôn vải, các người buôn hương liệu, các người cắt cỏ, các người nhặt củi, các người làm thuê, các người bán rau, các người bán trái cây, các người bán rễ cây, các người bán cơm, các người bán bánh, các người bán cá, các người bán thịt, các người bán rượu, các kịch sĩ, các vũ công, các người múa rối, các ảo thuật gia, các nhạc công, các người đấu vật, các người thiêu xác, các người đổ rác hoa, các thợ làm tre, các thợ săn, các kỹ nữ, các vũ nữ, các tớ gái đội nước, các người ở Saka, ở Yavana, ở Cīna, ở Vilāta, ở Ujjenī, ở Bhārukaccha, ở Kāsi, ở Kosala, ở Paranta, ở Magadha, ở Sāketa, ở Soraṭṭha, ở Pāvā, ở Koṭumbara, ở Madhura, ở Alasanda, ở Kasmīra, ở Gandhāra đã đi đến cư ngụ ở thành phố ấy, những người ở các địa phương khác nhau sau khi nhìn thấy thành phố ấy mới mẻ, khéo được bố trí, không khuyết điểm, không bị chê trách, đáng được yêu thích, bằng cách suy luận nhận biết rằng: ‘Này ông bạn, nhà kiến trúc đô thị xây dựng thành phố này quả là thành thạo.’
Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn ấy, là vị không ai sánh bằng, tương đương với bậc không thể sánh bằng, không người đối xứng, không kẻ tương đương, không người so sánh, không thể ước lượng, không thể đo lường, không thể định lượng, có đức hạnh vô lượng, đã đạt đết sự toàn hảo của đức hạnh, có sự can đảm vô biên, có sự vinh quang vô biên, có sự tinh tấn vô biên, có năng lực vô biên, đã đạt đến sự toàn hảo về Phật lực, sau khi đánh bại Ma Vương cùng với đạo binh, sau khi đã phá tung mạng lưới tà kiến, sau khi dẹp bỏ vô minh, sau khi làm cho minh sanh khởi, sau khi nắm giữ ngọn đuốc Chánh Pháp, sau khi đạt được bản thể Toàn Tri, với trận chiến không bị khuất phục, đã được chiến thắng, Ngài đã xây dựng thành phố Giáo Pháp.
Tâu đại vương, thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn có thành lũy là giới, có đường hào là sự hổ thẹn tội lỗi, có cổng thành là trí, có tháp canh là sự tinh tấn, có trụ chống là đức tin, có người gác cổng là niệm, có tòa lâu đài là tuệ, có đường băng ngang là Kinh, có bồn binh là Vi Diệu Pháp, có tòa án là Luật, có đường phố là sự thiết lập niệm. Tâu đại vương, hơn nữa ở đường phố về sự thiết lập niệm của thành phố ấy, có các cửa tiệm với hình thức như vầy khéo là được chưng bày, như là: cửa tiệm bông hoa, cửa tiệm hương liệu, cửa tiệm trái cây, cửa tiệm thuốc giải độc, cửa tiệm thuốc chữa bệnh, cửa tiệm thuốc bất tử, cửa tiệm châu báu, cửa tiệm tổng hợp.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1.Giáo pháp của Đức Phật nằm trong ba tạng kinh điển và đôi khi cũng phân làm hai: Pháp và Luật. Hai cách hệ thống hoá đó đồng dị thế nào? - TT Tuệ Siêu
2. Có chăng một pháp môn được thực hành "thâu tóm" tất cả pháp môn trong Tam Tạng kinh điển? - ĐĐ Pháp Tín
2. Có chăng một pháp môn được thực hành "thâu tóm" tất cả pháp môn trong Tam Tạng kinh điển? - ĐĐ Pháp Tín
3. Phải chăng luật tạng chỉ dành riêng cho hàng xuất gia? - TT Tuệ Siêu
4. Nếu chỉ qua pháp hành (mà rất ít pháp học) sau khi đắc chứng hành giả có thể thông suốt ba tạng kinh điển chăng? - TT Tuệ Siêu
No comments:
Post a Comment