Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Pháp Tân
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
VIỆC LÀM CỦA BẬC ĐẠI NHÂN KHÓ ƯỚC LƯỢNG
1. “Thưa ngài Nāgasena, toàn bộ tất cả các đức Bồ Tát đều thực hiện việc hành khổ hạnh, hay là việc hành khổ hạnh đã được chỉ riêng Bồ Tát Gotama thực hiện?”
“Tâu đại vương, không có việc hành khổ hạnh đối với tất cả các đức Bồ Tát. Việc hành khổ hạnh đã được chỉ riêng Bồ Tát Gotama thực hiện.”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu như vậy thì việc có sự khác biệt giữa các vị Bồ Tát với các vị Bồ Tát là không hợp lý.”
“Tâu đại vương, sự khác biệt giữa các vị Bồ Tát với các vị Bồ Tát là bởi bốn sự kiện. Bởi bốn sự kiện nào? Sự khác biệt về dòng dõi, sự khác biệt về khoảng thời gian, sự khác biệt về tuổi thọ, sự khác biệt về kích thước. Tâu đại vương, sự khác biệt giữa các vị Bồ Tát với các vị Bồ Tát là bởi bốn sự kiện này.
Tâu đại vương, tất cả các vị Bồ Tát không có sự khác biệt về vóc dáng, về giới, về định, về tuệ, về giải thoát, về trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát, về bốn pháp tự tín, về mười Như Lai lực, về sáu trí không phổ thông (đến các vị Thinh Văn), về mười bốn trí của vị Phật, về mười tám pháp của vị Phật, và toàn bộ các đức hạnh của vị Phật. Tất cả chư Phật đều là đồng đẳng về các pháp của vị Phật.”
2. “Thưa ngài Nāgasena, nếu tất cả chư Phật đều là đồng đẳng về các pháp của vị Phật, thì vì lý do gì mà việc hành khổ hạnh đã được chỉ riêng Bồ Tát Gotama thực hiện?”
“Tâu đại vương, khi trí chưa được chín muồi, khi sự giác ngộ chưa được chín muồi thì đức Bồ Tát Gotama đã ra đi theo hạnh xuất ly. Trong khi đang làm chín muồi trí chưa được chín muồi thì đức Bồ Tát đã thực hiện các việc hành khổ hạnh.”
“Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì mà đức Bồ Tát, khi trí chưa được chín muồi, khi sự giác ngộ chưa được chín muồi, lại ra đi theo hạnh xuất ly? Chẳng phải là nên làm chín muồi trí trước, khi trí đã được chín muồi thì sẽ ra đi?”
“Tâu đại vương, đức Bồ Tát sau khi nhìn thấy hậu cung bị lộn xộn, đã có sự ân hận, khi vị ấy có sự ân hận, sự không còn hứng thú đã khởi lên. Sau khi nhận ra tâm không còn hứng thú đã được sanh khởi, một vị Thiên tử nào đó thuộc nhóm của Ma Vương (nghĩ rằng): ‘Đây quả là lúc để xua đi tâm không còn hứng thú,’ rồi đã đứng ở không trung và nói lời nói này: ‘Thưa ngài, thưa ngài, xin ngài chớ bất mãn. Vào ngày thứ bảy kể từ hôm nay, bánh xe báu thuộc cõi trời có ngàn căm, có bánh xe, có trục, được đầy đủ mọi bộ phận, sẽ hiện ra cho ngài. Và các báu vật di chuyển ở trên đất và ngự ở trên trời cũng sẽ tự động di chuyển đến với ngài, mệnh lệnh từ miệng của một mình ngài sẽ vận hành ở bốn châu lục và hai ngàn đảo nhỏ phụ thuộc, ngài sẽ có hơn một ngàn con trai, là những dũng sĩ có dáng vóc và chi thể của người anh hùng, có sự nghiền nát đạo quân đối phương. Được tháp tùng bởi những người con trai ấy, được thành tựu bảy báu vật, ngài sẽ lãnh đạo bốn châu lục.’
Tâu đại vương, giống như cái cọc sắt bị đốt lửa nguyên ngày, đang được nung nóng toàn bộ, rồi xuyên vào lỗ tai, tâu đại vương, lời nói ấy đã đi vào lỗ tai của đức Bồ Tát tương tợ y như thế. Tóm lại, vị ấy lúc bình thường vốn đã bị bất mãn, vì lời nói của vị Thiên nhân ấy, đã bị dao động, đã bị chấn động, đã đạt đến trạng thái chấn động với mức độ nhiều hơn nữa.
Tâu đại vương, hoặc là giống như khối lửa to lớn khổng lồ đang cháy sáng, được bỏ thêm củi khác vào thì có thể cháy sáng thêm hơn nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Bồ Tát lúc bình thường vốn đã bị bất mãn, vì lời nói của vị Thiên nhân ấy, đã bị dao động, đã bị chấn động, đã đạt đến trạng thái chấn động với mức độ nhiều hơn nữa.
Tâu đại vương, hoặc là giống như đại địa cầu, bình thường đã bị ẩm ướt, có những vùng cỏ xanh mới mọc, có nước tưới lên, trở thành lầy lội, có thể trở nên lầy lội hơn với mức độ nhiều hơn khi có cơn mưa lớn lại đổ xuống lần nữa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Bồ Tát lúc bình thường vốn đã bị bất mãn, vì lời nói của vị Thiên nhân ấy, đã bị dao động, đã bị chấn động, đã đạt đến trạng thái chấn động với mức độ nhiều hơn nữa.”
3. “Thưa ngài Nāgasena, nếu vào ngày thứ bảy bánh xe báu thuộc cõi trời sanh lên cho đức Bồ Tát, có phải khi bánh xe báu thuộc cõi trời được sanh lên thì đức Bồ Tát sẽ quay trở lui lại?”
“Tâu đại vương, bởi vì vào ngày thứ bảy bánh xe báu thuộc cõi trời không sanh lên cho đức Bồ Tát, thì vị Thiên nhân ấy đã nói lời nói dối nhằm khêu gợi lòng tham. Tâu đại vương, nếu vào ngày thứ bảy bánh xe báu thuộc cõi trời sanh lên, thì đức Bồ Tát sẽ không quay trở lui. Vì lý do gì? Tâu đại vương, đức Bồ Tát đã nắm giữ chắc chắn rằng: ‘Là vô thường,’ đã nắm giữ chắc chắn rằng: ‘Là khổ não, là vô ngã,’ đã đạt đến sự cạn kiệt về chấp thủ.
Tâu đại vương, giống như nước từ hồ nước Anotatta chảy vào sông Gaṅgā, từ sông Gaṅgā chảy vào đại dương, từ đại dương đi vào miệng của lòng trái đất, phải chăng nước ấy từ miệng của lòng trái đất có thể quay trở lui lại rồi chảy vào đại dương, từ đại dương chảy vào sông Gaṅgā, từ sông Gaṅgā chảy vào lại hồ Anotatta?”
“Thưa ngài, không thể.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế pháp thiện đã được đức Bồ Tát làm cho chín muồi trong bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp vì lý do của lần hiện hữu này. Vị ấy đấy, có lần hiện hữu sau cùng đã được đạt đến, có trí giác ngộ đã được chín muồi, sau sáu năm sẽ trở thành đức Phật, đấng Toàn Tri, nhân vật cao cả ở thế gian. Tâu đại vương, có phải đức Bồ Tát có thể quay trở lại vì lý do bánh xe báu?”
“Thưa ngài, không thể.”
“Tâu đại vương, thêm nữa đại địa cầu với rừng với núi có thể lật ngược lại, nhưng đức Bồ Tát không bao giờ quay trở lại khi chưa đạt được phẩm vị Chánh Đẳng Giác. Tâu đại vương, nếu nước của sông Gaṅgā cũng có thể chảy ngược dòng, nhưng đức Bồ Tát không bao giờ quay trở lại khi chưa đạt được phẩm vị Chánh Đẳng Giác. Tâu đại vương, nếu đại dương, với sự chứa đựng lượng nước vô hạn, cũng có thể khô cạn như là nước ở dấu chân bò, nhưng đức Bồ Tát không bao giờ quay trở lại khi chưa đạt được phẩm vị Chánh Đẳng Giác. Tâu đại vương, nếu núi chúa Sineru cũng có thể đổ vỡ thành trăm mảnh, nhưng đức Bồ Tát không bao giờ quay trở lại khi chưa đạt được phẩm vị Chánh Đẳng Giác. Tâu đại vương, nếu mặt trăng và mặt trời luôn cả các vì sao cũng có thể rơi xuống như là cục đất rơi xuống mặt đất, nhưng đức Bồ Tát không bao giờ quay trở lại khi chưa đạt được phẩm vị Chánh Đẳng Giác. Tâu đại vương, nếu bầu trời cũng có thể cuộn tròn như là chiếc chiếu, nhưng đức Bồ Tát không bao giờ quay trở lại khi chưa đạt được phẩm vị Chánh Đẳng Giác. Vì lý do gì? Vì trạng thái đã được phá vỡ đối với tất cả các sự trói buộc.”
4. “Thưa ngài Nāgasena, có bao nhiêu sự trói buộc ở thế gian?”
“Tâu đại vương, đây là mười sự trói buộc ở thế gian, bị trói buộc bởi những sự trói buộc này chúng sanh không thể ra đi, sau khi ra đi rồi cũng quay trở lui.
Mười sự trói buộc nào?
Tâu đại vương, mẹ là sự trói buộc ở thế gian.
Tâu đại vương, cha là sự trói buộc ở thế gian.
Tâu đại vương, vợ là sự trói buộc ở thế gian.
Tâu đại vương, các con là sự trói buộc ở thế gian.
Tâu đại vương, thân quyến là sự trói buộc ở thế gian.
Tâu đại vương, bạn bè là sự trói buộc ở thế gian.
Tâu đại vương, tài sản là sự trói buộc ở thế gian.
Tâu đại vương, lợi lộc và sự tôn vinh là sự trói buộc ở thế gian.
Tâu đại vương, quyền uy là sự trói buộc ở thế gian.
Tâu đại vương, năm loại dục là sự trói buộc ở thế gian.
Tâu đại vương, đây là mười sự trói buộc ở thế gian, bị trói buộc bởi những sự trói buộc này chúng sanh không thể ra đi, sau khi ra đi rồi cũng quay trở lui. Mười sự trói buộc ấy của đức Bồ Tát đã bị chặt đứt, đã bị tách ra, đã bị phá vỡ. Tâu đại vương, vì thế đức Bồ Tát không quay trở lui.”
5. “Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Bồ Tát, khi tâm không còn hứng thú đã được sanh khởi, do lời nói của vị Thiên nhân mà ra đi theo hạnh xuất ly vào lúc trí chưa được chín muồi, vào lúc sự giác ngộ chưa được chín muồi, và do việc hành khổ hạnh đã được thực hiện thì vị ấy có được điều gì? Chẳng lẽ sự chín muồi của trí sẽ được tu tập bởi người đang mong đợi nhờ vào tất cả các loại vật thực?”
“Tâu đại vương, mười hạng người này ở thế gian bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến.
Mười hạng nào? Tâu đại vương, người nữ là góa phụ ở thế gian bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến.
Tâu đại vương, người yếu đuối,
Tâu đại vương, người không bạn bè và thân quyến,
Tâu đại vương, người ham ăn,
Tâu đại vương, người chưa sống ở nhà của thầy giáo,
Tâu đại vương, người có bạn ác,
Tâu đại vương, người thấp kém về tài sản,
Tâu đại vương, người thấp kém về tánh hạnh,
Tâu đại vương, người thấp kém về nghiệp,
Tâu đại vương, người thấp kém về sự gắng sức ở thế gian bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến.
Tâu đại vương, đây là mười hạng người ở thế gian bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách, bị xem thường, không được đếm xỉa đến.
Tâu đại vương, trong khi nhớ lại mười trường hợp này, đức Bồ Tát có ý tưởng như vầy đã sanh khởi: ‘Ta chớ có trở thành người thấp kém về nghiệp, thấp kém về sự gắng sức, bị chư Thiên và loài người chê trách. Tốt hơn ta nên là chủ nhân của nghiệp, nên sống không xao lãng, có sự tôn trọng nghiệp, có sự làm chủ đối với nghiệp, có thói quen ở nghiệp, có hành trang là nghiệp, có chỗ ngụ ở trong nghiệp’ Tâu đại vương, đức Bồ Tát trong khi làm chín muồi trí đã thực hiện việc hành khổ hạnh như thế.”
6. “Thưa ngài Nāgasena, đức Bồ Tát, trong khi thực hiện việc hành khổ hạnh, đã nói như vầy: ‘Do việc hành khổ hạnh nhức nhối này, ta không chứng đắc các pháp thượng nhân, pháp đặc biệt thuộc về trí tuệ và sự thấy biết xứng đáng bậc Thánh; có thể có đạo lộ khác đưa đến sự giác ngộ?’ Có phải vào lúc ấy đức Bồ Tát đã có sự mất mát về trí nhớ liên quan đến đạo lộ?”
“Tâu đại vương, đây là hai mươi lăm pháp làm tâm yếu đuối, tâm bị chúng làm yếu đuối không được tập trung đúng đắn để diệt trừ các lậu hoặc.
Hai mươi lăm pháp nào? Tâu đại vương, sự giận dữ làm tâm yếu đuối, tâm bị nó làm yếu đuối không được tập trung đúng đắn để diệt trừ các lậu hoặc. Tâu đại vương, sự thù hằn, gièm pha, ác ý, ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá, bội bạc, bướng bỉnh, hung hăng, ngã mạn, kiêu căng, đam mê, xao lãng, dã dượi buồn ngủ, uể oải, lười biếng, bạn xấu, các sắc, các thinh, các hương, các vị, các xúc, sự đói, sự khát, sự không hứng thú làm tâm yếu đuối, tâm bị nó làm yếu đuối không được tập trung đúng đắn để diệt trừ các lậu hoặc. Tâu đại vương, đây là hai mươi lăm pháp làm tâm yếu đuối, tâm bị chúng làm yếu đuối không được tập trung đúng đắn để diệt trừ các lậu hoặc.
Tâu đại vương, hơn nữa thân thể của đức Bồ Tát đã bị kiệt quệ vì sự đói khát, khi thân thể bị kiệt quệ tâm không được tập trung đúng đắn để diệt trừ các lậu hoặc. Tâu đại vương, trong bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp, đức Bồ Tát đã theo đuổi sự chứng ngộ về bốn Chân Lý Cao Thượng ở những kiếp sống ấy. Vậy thì tại sao ở lần hiện hữu cuối cùng của vị ấy, kiếp sống của sự chứng ngộ, lại có sự mất mát về trí nhớ liên quan đến đạo lộ? Tâu đại vương, thêm nữa đức Bồ Tát đã có ý tưởng sanh khởi rằng: ‘Có thể có đạo lộ khác đưa đến giác ngộ?’ Tâu đại vương, quả là trước đây, đức Bồ Tát, vào lúc một tháng tuổi, ở nơi công trường của người cha và dòng Sakya, tại bóng mát của cây mận đỏ, tại chiếc giường lộng lẫy, đã ngồi, xếp chân vào thế kiết già, sau khi tách ly hẳn các dục, tách ly các bất thiện pháp, đạt đến và an trú sơ thiền, có tầm, có tứ, có hỷ lạc sanh lên do sự tách ly.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy. Trong khi làm chín muồi trí tuệ, đức Bồ Tát đã thực hiện việc hành khổ hạnh.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1: Phải chăng tam tạng kinh điển được Đức Thế Tôn quảng thuyết nhờ vào sự phức tạp của nhân loại trong thời kỳ hiện tại? - TT Pháp Đăng
2: Người ta nói thất bại là mẹ thành công phải chăng nhờ vào khổ hạnh mà cuối cùng Đức Bồ Tát mới tìm ra con đường trung đạo? - ĐĐ Pháp Tín
3. Phải chăng các pháp tu đầu đà cũng là hình thức khổ hạnh ở mức độ tối thiểu? - TT Pháp Tân
2: Người ta nói thất bại là mẹ thành công phải chăng nhờ vào khổ hạnh mà cuối cùng Đức Bồ Tát mới tìm ra con đường trung đạo? - ĐĐ Pháp Tín
3. Phải chăng các pháp tu đầu đà cũng là hình thức khổ hạnh ở mức độ tối thiểu? - TT Pháp Tân
No comments:
Post a Comment