Monday, December 9, 2013

Bài học, Thứ Hai 9-12-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Tuệ Siêu

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

  LỢI NGƯỜI CŨNG LỢI CHO MÌNH


1. “Thưa ngài Nāgasena, các thí chủ này sau khi bố thí vật thí, hồi hướng đến các quyến thuộc đã quá vãng rằng: ‘Việc này hãy thành tựu cho những người ấy.’ Phải chăng những người ấy do nhân ấy nhận được quả thành tựu nào đó?”



“Tâu đại vương, một số nhận được, một số không nhận được.”



“Thưa ngài, những ai nhận được, những ai không nhận được?”



“Tâu đại vương, những người đã sanh vào địa ngục không nhận được, những người đã đi đến cõi trời không nhận được, những người đã đi đến bản thể loài thú không nhận được, trong số bốn hạng người đã quá vãng, ba hạng người đã quá vãng không nhận được—là hạng chỉ ăn đồ được mửa ra, hạng bị hành hạ bởi sự đói khát, hạng luôn bị dằn vặt bởi sự khao khát. Hạng người đã quá vãng nhận được là hạng sống nhờ vào sự bố thí của người khác, thậm chí những người ấy ngay trong khi nhớ đến cũng nhận được.”

“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì sự bố thí của các thí chủ đã được làm để hồi hướng đến những người nào, nếu những người ấy không nhận được, thì bị uổng phí, thì không có kết quả?”

“Tâu đại vương, việc bố thí ấy không hẳn là không có kết quả, là không có quả thành tựu. Chính các thí chủ thọ hưởng kết quả của việc ấy.”

“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì xin ngài giúp cho trẫm hiểu bắng lý lẽ?”

“Tâu đại vương, ở đây một số người nào đó chuẩn bị cá, thịt, rượu, thức ăn, vật nhai, rồi đi đến nhà của thân quyến. Nếu những thân quyến ấy không thọ nhận quà biếu ấy, phải chăng quà biếu ấy trở nên uổng phí, hoặc bị mất mát?”

“Thưa ngài, không đúng. Vật ấy là thuộc về chính các người chủ.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế chính các thí chủ thọ hưởng kết quả của việc ấy. Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam đã đi vào nội phòng, trong khi lối đi ra không có ở phía trước thì có thể đi ra bằng cách nào?”

“Thưa ngài, bằng chính lối đã đi vào.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế chính các thí chủ thọ hưởng kết quả của việc ấy.”

“Thưa ngài Nāgasena, hãy là vậy. Chúng tôi chấp nhận điều này đúng theo như vậy: ‘Chính các thí chủ thọ hưởng kết quả của việc ấy. Chúng tôi không bàn cãi về lý lẽ ấy.’

2. Thưa ngài Nāgasena, nếu vật thí đã được bố thí của các thí chủ này thành tựu đến các quyến thuộc đã quá vãng, và họ thọ hưởng quả thành tựu của việc ấy, như thế thì kẻ nào có sự giết hại mạng sống, là thợ săn, có bàn tay vấy máu, có tâm tư tồi tệ, sau khi giết chết nhiều người, sau khi gây ra hành động tàn bạo, rồi hồi hướng đến các quyến thuộc đã quá vãng rằng: ‘Quả thành tựu của việc làm này của tôi hãy thành tựu đến các quyến thuộc đã quá vãng,’ phải chăng quả thành tựu của việc ấy thành tựu đến các quyến thuộc đã quá vãng?”

“Tâu đại vương, không đúng.”  

“Thưa ngài Nāgasena, trong trường hợp ấy, cái gì là nhân, cái gì là lý do khiến cho thiện thành tựu, còn bất thiện không thành tựu?”

“Tâu đại vương, câu hỏi ấy là không nên hỏi. Tâu đại vương, xin đại vương chớ (nghĩ rằng): ‘Có người trả lời’ rồi hỏi câu hỏi không thể trả lời được: ‘Tại sao bầu trời không có vật máng lên? Tại sao sông Gaṅgā không chảy về phía thượng nguồn? Tại sao những người này là lưỡng sanh và có hai chân, còn loài thú có bốn chân? Có phải đại vương cũng sẽ hỏi tôi câu hỏi ấy?”

“Thưa ngài Nāgasena, trẫm hỏi ngài không phải vì có ý muốn gây khó khăn. Tuy nhiên, trẫm hỏi nhằm mục đích làm tiêu tan sự nghi ngờ. Nhiều người ở thế gian có sự cầm nắm bằng tay trái, có mắt bị lòa, trẫm hỏi ngài điều ấy là như vầy: ‘Vì điều gì mà những người ấy không thể đạt được cơ hội?’”

“Tâu đại vương, không thể san sẻ nghiệp ác với người đã không làm, với người không tùy hỷ theo. Tâu đại vương, giống như những người chuyển nước đến nơi rất xa bằng ống dẫn nước. Tâu đại vương, phải chăng núi đá rắn chắc to lớn có thể chuyển dịch theo như ý muốn cũng bằng ống dẫn?”

“Thưa ngài, không được.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế có thể san sẻ thiện, không thể san sẻ bất thiện. Tâu đại vương, hoặc là giống như có thể đốt sáng ngọn đèn với dầu. Tâu đại vương, phải chăng có thể đốt sáng ngọn đèn với nước?”

“Thưa ngài, không được.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế có thể san sẻ thiện, không thể san sẻ bất thiện. Tâu đại vương, hoặc là giống như những người nông dân lấy nước từ hồ nước rồi nấu chín gạo. Tâu đại vương, phải chăng có thể lấy nước từ biển cả rồi nấu chín gạo?”

“Thưa ngài, không được.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế có thể san sẻ thiện, không thể san sẻ bất thiện.”

3. “Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì mà có thể san sẻ thiện, không thể san sẻ bất thiện? Xin ngài giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ. Trẫm không phải là mù lòa và không có ánh sáng, sau khi lắng nghe trẫm sẽ hiểu.”

“Tâu đại vương, bất thiện là ít ỏi, thiện thì dồi dào. Do tính chất ít ỏi, bất thiện tác động chỉ riêng người tạo tác. Bởi tính chất dồi dào, thiện bao phủ thế gian luôn cả cõi Trời.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như một giọt nước nhỏ nhoi rơi xuống trái đất. Tâu đại vương, phải chăng giọt nước ấy có thể phủ lên luôn cả mười, mười hai do-tuần?”

“Thưa ngài, không đúng. Giọt nước ấy đã rơi xuống ở nơi nào, thì nó tác động chỉ ở nơi ấy thôi.”

“Tâu đại vương, vì lý do gì?”

“Thưa ngài, vì tính chất nhỏ nhoi của giọt nước.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế bất thiện là nhỏ nhoi. Do tính chất nhỏ nhoi, nó tác động chỉ riêng người tạo tác, không thể san sẻ. Tâu đại vương, hoặc là giống như đám mây to lớn khổng lồ, trong khi làm hài lòng mặt đất, có thể đổ mưa. Tâu đại vương, phải chăng đám mây to lớn ấy có thể phủ lên khắp nơi?”  

“Thưa ngài, đúng vậy. Đám mây to lớn ấy sau khi làm tràn đầy hố, ao, suối, cành cây, hốc, khe, hồ, vũng, giếng, đầm sen, cũng có thể phủ lên luôn cả mười, mười hai do-tuần.”

“Tâu đại vương, vì lý do gì?”

“Thưa ngài, vì tính chất to lớn của đám mây.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế thiện thì dồi dào. Do tính chất dồi dào, có thể san sẽ với chư Thiên và loài người.”

4. “Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì mà bất thiện là ít ỏi, còn thiện là dồi dào hơn?”

“Tâu đại vương, ở đây có ai đó dâng cúng vật thí, thọ trì giới, thực hành việc trai giới, người ấy vui mừng, mừng rỡ, vừa lòng, hài lòng, hoan hỷ, có tâm tịnh tín, hân hoan sanh khởi, đối với vị ấy hỷ sanh lên liên tục, đối với người có tâm hỷ thiện phát triển nhiều thêm hơn nữa.

Tâu đại vương, giống như ở giếng nước được tràn đầy với nhiều nước, nước có thể đi vào bằng một lối, thoát ra bằng một lối, mặc dầu đang được thoát ra nước cũng vẫn liên tục sanh khởi, không thể nào bị lâm vào sự cạn kiệt. Tâu đại vương, tương tợ y như thế thiện phát triển nhiều thêm hơn nữa. Tâu đại vương, nếu một người có thể hướng tâm đến việc thiện đã làm thậm chí cả một trăm năm, khi được liên tục hướng tâm thì thiện phát triển nhiều thêm hơn nữa. Đối với người ấy, thiện ấy có thể san sẻ cho những người mong mỏi như thế ấy. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy thiện là dồi dào hơn.

Tâu đại vương, trái lại người đang làm việc bất thiện thì về sau có sự ân hận; đối với người có sự ân hận, thì tâm thâu hẹp lại, co rút lại, quay trở lại, không trải rộng, buồn rầu, bứt rứt, tiêu tán, cạn kiệt, không phát triển, tác động chỉ ở nơi ấy thôi. Tâu đại vương, giống như chút ít nước đang rơi xuống phía bên trên của dòng sông khô cạn có bãi cát lớn lồi lõm uốn cong khúc khuỷu, thì tiêu tán, cạn kiệt, không phát triển, tác động chỉ ở nơi ấy thôi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với người đang làm việc bất thiện, tâm thâu hẹp lại, co rút lại, quay trở lại, không trải rộng, buồn rầu, bứt rứt, tiêu tán, cạn kiệt, không phát triển, tác động chỉ ở nơi ấy thôi. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy bất thiện là ít ỏi.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”



II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng  điều hợp.
1. Nói lên phước hạnh đã làm để người khác tùy hỷ có gọi là hồi hướng chăng? - TT Pháp Đăng
2. Có thể chăng một chúng sanh nhận được phước hồi hướng mà không ý thức được mình nhận được công đức từ người thân? - ĐĐ Pháp Tín
 3. Tại sao trong bài kinh hồi hướng nhắc sự kiện chư thiên mách bảo? - TT Pháp Đăng
 4. Mình có thể tuỳ hỷ công đức dù cho người tạo công đức không mời gọi vậy trong trường hợp hồi hướng tại sao cân có lời chia phước của người tạo phước? - ĐĐ Pháp Tín



No comments:

Post a Comment