Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
NƠI CHỨA ĐỰNG NIẾT BÀN
1. “Thưa ngài Nāgasena, có phải có vị trí ấy ở hướng đông, hay ở hướng nam, hay ở hướng tây, hay ở hướng bắc, hay ở hướng trên, hay ở hướng dưới, hay ở hướng ngang, là nơi Niết Bàn được chứa đựng?”
“Tâu đại vương, không có vị trí ấy ở hướng đông, hay ở hướng nam, hay ở hướng tây, hay ở hướng bắc, hay ở hướng trên, hay ở hướng dưới, hay ở hướng ngang, là nơi Niết Bàn được chứa đựng.”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu không có chỗ chứa đựng của Niết Bàn, như thế thì không có Niết Bàn, và đối với những vị nào mà Niết Bàn ấy đã được chứng ngộ, thì sự chứng ngộ của những vị ấy cũng là sai trái, trẫm sẽ nói lý do của trường hợp này. Thưa ngài Nāgasena, giống như ở trái đất có ruộng sản xuất lúa gạo, có hoa sản xuất ra hương thơm, có lùm cây sản xuất ra hoa, có cây cối sản xuất ra trái, có hầm mỏ sản xuất ra châu báu, bất cứ ai ước muốn vật gì tại nơi đó, thì người ấy đi đến nơi đó rồi mang đi vật ấy. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế nếu có Niết Bàn, thì chỗ sản xuất của Niết Bàn ấy cũng là điều được mong mỏi. Và thưa ngài Nāgasena, chính bởi vì không có chỗ sản xuất của Niết Bàn, vì thế trẫm nói là; ‘Không có Niết Bàn.’ Và đối với những vị nào mà Niết Bàn ấy đã được chứng ngộ, thì sự chứng ngộ của những vị ấy cũng là sai trái.’”
2. “Tâu đại vương, không có chỗ chứa đựng của Niết Bàn. Và có Niết Bàn ấy. Người thực hành đúng đắn chứng ngộ Niết Bàn nhờ vào sự tác ý đúng đường lối. Tâu đại vương, giống như có cái gọi là ngọn lửa, (nhưng) không có chỗ chứa đựng của nó. Trong khi cọ xát hai thanh củi với nhau thì đạt được ngọn lửa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế có Niết Bàn, (nhưng) không có chỗ chứa đựng của Niết Bàn. Người thực hành đúng đắn chứng ngộ Niết Bàn nhờ vào sự tác ý đúng đường lối.
3. Tâu đại vương, hoặc là giống như có cái gọi là bảy báu vật, như là: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc ma-ni báu, nữ nhân báu, gia chủ báu, tướng quân báu, và không có chỗ chứa đựng của các báu vật ấy. Tuy nhiên, đối với vị Sát-đế-lỵ đã thực hành đúng đắn, do nhờ năng lực của sự thực hành mà các báu vật ấy đi đến (với vị ấy). Tâu đại vương, tương tợ y như thế có Niết Bàn, (nhưng) không có chỗ chứa đựng của Niết Bàn. Người thực hành đúng đắn chứng ngộ Niết Bàn nhờ vào sự tác ý đúng đường lối.”
4. “Thưa ngài Nāgasena, vậy thì chớ có chỗ chứa đựng của Niết Bàn. Tuy nhiên, có phải có chỗ đứng ấy, mà người đứng tại chỗ ấy thực hành đúng đắn thì chứng ngộ Niết Bàn?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Có chỗ đứng ấy, mà người đứng tại chỗ ấy thực hành đúng đắn thì chứng ngộ Niết Bàn.”
“Thưa ngài, vậy thì chỗ đứng ấy là chỗ nào mà người đứng tại chỗ ấy thực hành đúng đắn thì chứng ngộ Niết Bàn?”
“Tâu đại vương, giới là chỗ đứng. Người đã thiết lập ở giới, trong khi tác ý đúng đường lối, dầu là ở Saka hay ở Yavana, ở Cīna hay ở Vilāta, ở Alasanda, ở Nikumba, ở Kāsi hay ở Kosala, ở Kasmīra, ở Gandhāra, ở đỉnh núi, ở thế giới Phạm Thiên, dầu đứng ở bất cứ nơi đâu mà thực hành đúng đắn đều chứng ngộ Niết Bàn.
Tâu đại vương, giống như người đàn ông nào đó, sáng mắt, dầu là ở Saka hay ở Yavana, ở Cīna hay ở Vilāta, ở Alasanda, ở Nikumba, ở Kāsi hay ở Kosala ở Kasmīra, ở Gandhāra, ở đỉnh núi, ở thế giới Phạm Thiên, dầu đứng ở bất cứ nơi đâu đều nhìn thấy bầu không gian. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người đã thiết lập ở giới, trong khi tác ý đúng đường lối, dầu là ở Saka hay ở Yavana, —(như trên)— dầu đứng ở bất cứ nơi đâu mà thực hành đúng đắn đều chứng ngộ Niết Bàn.
Tâu đại vương, hoặc là giống như dầu là ở Saka hay ở Yavana, —(như trên)— đối với người đứng dầu ở bất cứ nơi đâu đều có phương bắc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với người đã thiết lập ở giới, trong khi tác ý đúng đường lối, dầu là ở Saka hay ở Yavana, —(như trên)— đối với người đứng dầu ở bất cứ nơi đâu mà thực hành đúng đắn đều chứng ngộ Niết Bàn.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Niết Bàn đã được ngài giảng giải, sự chứng ngộ Niết Bàn đã được giảng giải, đức hạnh của giới đã được trang bị, sự thực hành đúng đắn đã được chỉ ra, biểu hiện của Chánh Pháp đã được giương cao, lối dẫn vào Chánh Pháp đã được thiết lập, sự ra sức đúng đắn của những vị đã ra sức tốt đẹp là không vô ích. Hỡi vị cao quý và ưu tú trong số các vị có đồ chúng, trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1. Nhiều Phật tử quan niệm sau khi chết mới đắc chứng đạo quả. Quan niệm đó sai chỗ nào? - TT Pháp Tân
2. Theo Phật Pháp thì cõi nào mới thật sự "dễ tu hành " nhất? - ĐĐ Pháp Tín
3. Nhiều Phật tử tin rằng thời Đức Phật mới có người tu chứng Niết Bàn. Thời nay đó là chuyện không thể xẩy ra. Nhận định đó có phù hợp với kinh điển không? - TT Tuệ Siêu
No comments:
Post a Comment