Friday, December 6, 2013

Bài học, Thứ Sáu 6-12-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha


Giảng Sư: TT Tuệ Quyền

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch

  BẬC CÓ ĐẠI NGUYỆN THÌ LÀM ĐIỀU KHÓ LÀM

1. “Thưa ngài Nāgasena, có phải hết thảy tất cả các đức Bồ Tát đều bố thí con và vợ, hay là chỉ riêng đức vua Vessantara đã bố thí con và vợ?”

“Tâu đại vương, tất cả các đức Bồ Tát cũng đều bố thí con và vợ, không phải chỉ riêng đức vua Vessantara đã bố thí con và vợ.”[1]
“Thưa ngài, phải chăng các vị ấy bố thí với sự đồng ý của những người ấy?”
“Tâu đại vương, người vợ thì đồng ý. Trái lại, hai đứa bé đã than vãn do bản chất trẻ thơ. Nếu chúng có thể biết được mục đích, chúng cũng có thể tùy hỷ, chúng có thể không than vãn.”
2. “Thưa ngài Nāgasena, hành động khó làm đã được làm bởi đức Bồ Tát là việc vị ấy đã bố thí những đứa con ruột thịt yêu quý của chính mình để làm nô lệ cho người Bà-la-môn.
Việc thứ nhì này còn là hành động khó làm hơn hành động khó làm, là việc vị ấy đã dửng dưng sau khi nhìn thấy người Bà-la-môn ấy trói lại những đứa con ruột thịt yêu quý dại khờ thơ ấu của chính mình bằng dây rừng và đang đánh đập bằng dây rừng.
Việc thứ ba này còn là hành động khó làm hơn hành động khó làm, là việc đứa bé trai, sau khi đã được thoát khỏi sự trói buộc nhờ vào sức mạnh bản thân, đã đi đến, bị lâm vào sự hoảng sợ, thì vị ấy đã trói bằng dây rừng rồi lại bố thí lần nữa.
Việc thứ tư này còn là hành động khó làm hơn hành động khó làm, là khi đứa bé trai đang than vãn rằng: ‘Cha ơi, gã Dạ-xoa này dẫn chúng con đi để ăn đó,’ vị ấy đã không an ủi rằng: ‘Các con chớ hãi sợ.’
Việc thứ năm này còn là hành động khó làm hơn hành động khó làm, là trong khi đứa bé trai Jāli đang khóc lóc, nằm mọp xuống ở hai bàn chân, cầu xin rằng: ‘Cha ơi, thôi đi! Hãy đưa Kaṇhājinā quay về. Chính con sẽ đi với gã Dạ-xoa. Hãy để gã Dạ-xoa ăn con đi,’ vị ấy đã không chấp nhận như thế.
Việc thứ sáu này còn là hành động khó làm hơn hành động khó làm, là trong khi đứa bé trai Jāli đang than vãn rằng: ‘Cha ơi, không lẽ trái tim của cha giống như hòn đá mất rồi, bởi vì trong khi quan sát chúng con bị đau khổ, đang bị gã Dạ-xoa dẫn đi vào trong khu rừng rộng lớn không có bóng người, mà cha không ngăn cản,’ vị ấy đã không thể hiện lòng thương xót.
Hơn nữa, việc thứ bảy này còn là hành động khó làm hơn hành động khó làm, là khi đứa trẻ bị dẫn đi đã đi ra khỏi tầm nhìn, mà trái tim của vị ấy, dầu là vô cùng hoảng hốt, vô cùng kinh hãi, đã không vỡ ra thành trăm mảnh hay ngàn mảnh. Con người mong mỏi phước thiện được cái gì với việc gây khổ đau cho kẻ khác? Không lẽ có thể đem cho thân quyến như là vật thí?” 
“Tâu đại vương, do trạng thái đã làm hành động khó làm, tiếng tăm tốt đẹp của đức Bồ Tát đã được lan rộng ở mười ngàn thế giới có cả chư Thiên và nhân loại. Chư Thiên ở cõi Trời tán thán, các A-tu-la ở cõi A-tu-la tán thán, các nhân điểu ở cõi nhân điểu tán thán, các con rồng ở Long cung tán thán, các Dạ-xoa ở cõi Dạ-xoa tán thán, theo tuần tự tiếng tăm tốt đẹp của vị ấy lần lượt đã đến được cuộc hội họp của chúng ta tại đây vào lúc này hôm nay. Trong khi họ tán thán, thì chúng ta lại ngồi bôi bác việc bố thí ấy (suy nghĩ rằng): ‘Đã được bố thí tốt đẹp, hay là đã được bố thí tồi?’ Tâu đại vương, hơn nữa tiếng tăm tốt đẹp này đây phô bày mười đức tính của các vị Bồ Tát khôn khéo, tri thức, hiểu biết, rành rẽ. Mười đức tính nào? Bản chất không tham muốn, không mong cầu, buông xả, dứt bỏ, không quay trở lại, có sự tinh tế, vĩ đại, khó hiểu thấu, khó đạt được, không sánh bằng, thuộc về pháp của vị Phật. Tâu đại vương, hơn nữa tiếng tăm tốt đẹp này đây phô bày mười đức tính này của các vị Bồ Tát khôn khéo, hiểu biết, tri thức, rành rẽ.”
3. “Thưa ngài Nāgasena, người nào làm cho kẻ khác khổ đau rồi đem bố thí (như là) vật thí, phải chăng sự bố thí ấy có quả thành tựu là sự an lạc, có thể đưa đến cõi trời?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Có điều gì cần phải nói?”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy xin ngài chỉ cho thấy lý do.”
“Tâu đại vương, ở đây có vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào đó là người có giới, có thiện pháp, vị ấy có thể bị liệt một bên, hoặc què quặt, hoặc mắc phải cơn bệnh nào đó. Rồi một người nào đó, mong mỏi phước báu, mới đặt người kia vào chiếc xe rồi đưa đi đến xứ sở đã được ao ước. Tâu đại vương, phải chăng do nhân ấy có thể có sự an lạc nào đó sanh khởi cho người nam ấy? Có phải việc làm ấy có thể đưa đến cõi trời?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Có điều gì cần phải nói? Thưa ngài, người nam ấy có thể đạt được phương tiện di chuyển là voi, hoặc phương tiện di chuyển là ngựa, hoặc phương tiện di chuyển là xe, phương tiện di chuyển ở đất liền khi ở đất liền, phương tiện di chuyển ở biển khi ở biển, phương tiện di chuyển của chư Thiên khi ở giữa chư Thiên, phương tiện di chuyển của loài người khi ở giữa loài người, có thể sanh ra ở cõi này cõi khác thích hợp với điều ấy, phù hợp với điều ấy, và các sự an lạc thích hợp với điều ấy được sanh lên cho vị này, có thể đi đến từ chốn an vui (này) đến chốn an vui (khác), do kết quả của việc làm ấy thôi, vị ấy có thể cỡi lên phương tiện di chuyển là thần thông và đạt đến thành phố Niết Bàn đã được ao ước.”
“Tâu đại vương, như thế thì vật thí đã được bố thí cùng với việc làm kẻ khác khổ đau lại có quả thành tựu là sự an lạc, có thể đưa đến cõi trời, là việc người đàn ông ấy, sau khi gây khổ đau cho những con bò kéo, lại thọ hưởng sự an lạc có hình thức như thế. Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa nói về vật thí đã được bố thí cùng với việc làm kẻ khác khổ đau lại có quả thành tựu là sự an lạc, có thể đưa đến cõi trời. Tâu đại vương, ở đây một vị vua nào đó sau khi tăng thuế má một cách hợp pháp từ nơi xứ sở, rồi do việc ban hành mệnh lệnh mà có thể ban phát tặng phẩm. Tâu đại vương, phải chăng do nhân ấy vị vua ấy có thể thọ hưởng sự an lạc nào đó? Có phải việc bố thí ấy có thể đưa đến cõi trời?”  
“Thưa ngài, đúng vậy. Có điều gì cần phải nói? Thưa ngài, do nhân ấy vị vua ấy có thể đạt được công đức nhiều trăm ngàn lần thêm hơn nữa là có thể trở thành vị vua vượt trội các vị vua, có thể trở thành vị Trời vượt trội các vị Trời, có thể trở thành vị Phạm Thiên vượt trội các vị Phạm Thiên, có thể trở thành vị Sa-môn vượt trội các vị Sa-môn, có thể trở thành vị Bà-la-môn vượt trội các vị Bà-la-môn, có thể trở thành vị A-la-hán vượt trội các vị A-la-hán.”
“Tâu đại vương, như thế thì vật thí đã được bố thí cùng với việc làm kẻ khác khổ đau lại có quả thành tựu là sự an lạc, có thể đưa đến cõi trời, là việc vị vua ấy sau khi áp bức dân chúng bằng thuế má rồi với tặng phẩm đã được ban phát thì thọ hưởng sự an lạc về danh vọng có hình thức như thế thêm hơn nữa.”
4. “Thưa ngài Nāgasena, vật thí vượt trội đã được đức vua Vessantara bố thí, là việc vị ấy đã bố thí vợ của mình để làm vợ của kẻ khác, đã bố thí những đứa con ruột thịt của mình để làm nô lệ cho người Bà-la-môn. Thưa ngài Nāgasena, vật thí vượt trội đã bị lên án, đã bị chê trách bởi các bậc hiểu biết ở thế gian.
Thưa ngài Nāgasena, giống như bởi vật nặng quá tải mà cái trục của chiếc xe kéo bị gãy, vì vật nặng quá tải mà thuyền chìm, vì đã được ăn quá nhiều mà vật thực trở thành không tiêu, do mưa quá nhiều là thóc lúa bị hư hại, do sự bố thí quá nhiều mà đưa đến việc khánh tận tài sản, do quá nóng mà phát cháy, do ái luyến quá mức mà trở thành kẻ điên, do quá sân mà trở thành đáng chết, do quá si mê mà lâm cảnh bất hạnh, do quá tham mà đi đến việc bị cướp bắt giữ, do quá sợ hãi mà bị tiêu hoại, do quá đầy mà sông tràn bờ, do gió quá mức mà sét đánh, do quá lửa mà cơm trào, do việc đi lang thang quá mức mà không sống lâu. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế vật thí vượt trội đã bị lên án, đã bị chê trách bởi các bậc hiểu biết ở thế gian. Thưa ngài Nāgasena, vật thí vượt trội đã được đức vua Vessantara bố thí, trong trường hợp ấy không có bất cứ quả báu nào là được mong mỏi.”
5. “Tâu đại vương, vật thí vượt trội đã được ngợi khen, tán dương, ca tụng bởi các bậc hiểu biết ở thế gian. Bất cứ những ai bố thí vật thí như thế này hay như thế nào, thì người bố thí vật thí vượt trội đạt được tiếng tăm ở thế gian. Tâu đại vương, giống như rễ cây rừng thuộc về cõi trời, với tính chất cao quý vượt trội, đã được nắm vào thì không bị những người khác thậm chí đứng trong tầm tay nhìn thấy; thuốc chữa bệnh với phẩm chất vượt trội là vật tiêu diệt sự đau đớn, làm chấm dứt các căn bệnh; ngọn lửa với ánh sáng vượt trội thì đốt cháy; nước với tính chất mát lạnh vượt trội thì dập tắt; hoa sen với tính chất trong sạch vượt trội thì không bị bùn nước làm lấm lem; ngọc ma-ni với đức tính vượt trội là vật ban cho điều ước; kim cương với tính chất vô cùng sắc bén thì xuyên thủng ngọc ma-ni, ngọc trai, ngọc pha-lê; trái đất với tính chất vô cùng to lớn thì nâng đỡ con người, rắn, thú rừng, chim, nước, đá, núi, cây cối; biển cả bởi tính chất vô cùng rộng lớn mà không bị đầy tràn; núi Sineru do sức nặng vượt trội mà không bị dao động; bầu trời do tính chất cực kỳ rộng lớn là vô biên; mặt trời với ánh sáng vượt trội tiêu diệt sự tăm tối; sư tử do dòng dõi vượt trội không còn sợ hãi; võ sĩ đấu vật do có sức mạnh cực kỳ quật ngã đối thủ một cách nhanh chóng; đức vua với phước báu vượt trội là vị chúa tể; vị tỳ khưu với giới hạnh vượt trội đáng được cúi chào bởi các hạng rồng, Dạ-xoa, loài người, và chư Thiên; đức Phật do tính chất cực kỳ cao cả là không kẻ tương đương.  
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vật thí vượt trội đã được ngợi khen, tán dương, ca tụng bởi các bậc hiểu biết ở thế gian. Bất cứ những ai bố thí vật thí như thế này hay như thế nào, thì người bố thí vật thí vượt trội đạt được tiếng tăm ở thế gian. Với sự bố thí vượt trội, đức vua Vessantara đã được ngợi khen, tán dương, ca tụng, trọng vọng, tiếng tăm ở trong mười ngàn thế giới. Chính nhờ vào sự bố thí vượt trội ấy, đức vua Vessantara giờ đây hôm nay đã được trở thành đức Phật, là bậc cao cả ở thế gian có cả chư Thiên. Tâu đại vương, phải chăng ở trên thế gian có loại vật thí là cần được đình chỉ, là không nên được bố thí cho người xứng đáng sự cúng đường, cho người đã đi đến?”
6. “Thưa ngài Nāgasena, mười sự bố thí này ở thế gian không được xem là bố thí. Người nào bố thí những vật thí này, người ấy có sự đi đến địa ngục. Mười sự bố thí nào? Thưa ngài Nāgasena, sự bố thí chất say ở thế gian không được xem là bố thí. Người nào bố thí vật thí ấy, người ấy có sự đi đến địa ngục. Sự bố thí hội hè —(như trên)— Sự bố thí người nữ —(như trên)— Sự bố thí bò đực —(như trên)— Sự bố thí tranh ảnh —(như trên)— Sự bố thí vũ khí—(như trên)— Sự bố thí thuốc độc —(như trên)— Sự bố thí xích xiềng —(như trên)— Sự bố thí gà heo —(như trên)— Thưa ngài Nāgasena, sự bố thí cách gian lận về cân và cách gian lận về đo lường ở thế gian không được xem là bố thí. Người nào bố thí vật thí ấy, người ấy có sự đi đến địa ngục. Thưa ngài Nāgasena, mười sự bố thí này ở thế gian không được xem là bố thí. Người nào bố thí những vật thí ấy, người ấy có sự đi đến địa ngục.”
7. “Tâu đại vương, tôi không hỏi ngài về việc không được xem là bố thí. Tâu đại vương, tôi hỏi ngài về điều này. Tâu đại vương, phải chăng ở trên thế gian có loại vật thí là cần được đình chỉ, là không nên được bố thí cho người xứng đáng sự cúng đường đã đi đến?”
“Thưa ngài Nāgasena, ở trên thế gian không có loại vật thí là cần được đình chỉ, là không nên được bố thí cho người xứng đáng sự cúng đường đã đi đến. Khi sự tịnh tín của tâm được sanh khởi, một số người dâng vật thực đến các bậc đáng cúng dường, một số người dâng y áo, một số người dâng giường nằm, một số người dâng chỗ ngụ, một số người dâng tấm trải và tấm đắp, một số người dâng tôi trai tớ gái, một số người dâng ruộng vườn, một số người dâng thú hai chân hoặc bốn chân, một số người dâng trăm, ngàn, trăm ngàn đồng, một số người dâng vương quốc rộng lớn, một số người bố thí luôn cả mạng sống.”
“Tâu đại vương, nếu một số người bố thí luôn cả mạng sống, thì vì lý do gì ngài lại công kích thí chủ Vessantara quá dữ dội về việc đã khéo bố thí các con và vợ. Tâu đại vương, phải chăng có thói thường ở thế gian, tập quán ở thế gian là người cha bị mắc nợ hoặc không có kế sinh nhai thì được cầm cố hoặc bán đi người con trai?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Người cha bị mắc nợ hoặc không có kế sinh nhai thì được phép để cầm cố hoặc bán đi người con trai.”  
“Tâu đại vương, nếu người cha bị mắc nợ hoặc không có kế sinh nhai thì được phép để cầm cố hoặc bán đi người con trai. Tâu đại vương, đức vua Vessantara, trong khi không đạt được Trí Toàn Tri, bị buồn rầu, bị khổ sở, nên đã cầm cố và đã bán đi các con và vợ nhằm đạt được tài sản Giáo Pháp ấy. Tâu đại vương, như thế việc đã bố thí bởi đức vua Vessantara cũng chỉ là việc đã bố thí của những người khác, việc đã làm cũng chỉ là việc đã được làm. Tâu đại vương, vậy thì tại sao ngài lại công kích thí chủ Vessantara quá dữ dội về việc bố thí ấy?”
8. “Thưa ngài Nāgasena, trẫm không chê trách việc bố thí của thí chủ Vessantara. Tuy nhiên, trong khi người ta cầu xin con và vợ, thì nên mặc cả và nên bố thí bản thân mình.”
“Tâu đại vương, việc ấy không phải là việc làm của người có đức hạnh, là trong khi người ta cầu xin con và vợ thì lại bố thí bản thân mình. Bởi vì trong khi người ta cầu xin cái nào, thì chính cái ấy nên được bố thí. Đây là hành động của các bậc thiện nhân. Tâu đại vương, giống như người nam nào đó bảo đem nước đến, người nào đem đến thức ăn cho ông ta, tâu đại vương, phải chăng người nam ấy là người làm được việc cho ông ta?”
“Thưa ngài, không đúng. Ông ta bảo đem lại cái gì, thì trong khi trao cho ông ta chính cái ấy mới là người làm được việc.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức vua Vessantara trong khi người Bà-la-môn cầu xin các con và vợ thì đã bố thí chính các con và vợ. Tâu đại vương, nếu người Bà-la-môn cầu xin thân xác của Vessantara, tâu đại vương, vị ấy sẽ không bảo vệ bản thân mình, không dao động, không bị quyến luyến, đối với vị ấy chính cái vật được bố thí, được xả bỏ, sẽ là thân xác. Tâu đại vương, nếu ai đó đi đến thí chủ Vessantara và cầu xin: ‘Hãy trở thành nô lệ của ta,’ thì chính cái vật được bố thí, được xả bỏ, sẽ là thân xác của vị ấy. Sau khi đã bố thí, vị ấy không bứt rứt. Tâu đại vương, thân thể của đức vua Vessantara là chung cho cả số đông.
Tâu đại vương, giống như miếng thịt đã nấu chín là chung cho cả số đông. Tâu đại vương, tương tợ y như thế thân thể của đức vua Vessantara là chung cho cả số đông. Tâu đại vương, hoặc là giống như cây đã được kết trái là chung cho các bầy chim khác nhau. Tâu đại vương, tương tợ y như thế thân thể của đức vua Vessantara là chung cho cả số đông. Vì lý do gì? (Nghĩ rằng): ‘Trong khi thực hành như vầy, ta sẽ đạt được phẩm vị Chánh Đẳng Giác.’
Tâu đại vương, giống như người nam không có tài sản, tầm cầu về tài sản, trong khi đi lang thang tìm kiếm tài sản, thì đi theo lối đi của loài dê, theo lối đi đầy gai góc, theo lối đi nơi hoang dã, tiến hành việc buôn bán ở sông nước hoặc ở đất liền, tom góp tài sản bằng thân bằng khẩu bằng ý, nỗ lực nhằm đạt được tài sản. Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhằm sự thành tựu báu vật là Trí Toàn Tri, sau khi buông bỏ tài sản và lúa gạo, tôi trai và tớ gái, thuyền và xe, toàn bộ của cải, các con và vợ của mình luôn cả bản thân cho những người xin xỏ, thí chủ Vessantara không có tài sản về tài sản của vị Phật, tầm cầu chỉ riêng phẩm vị Chánh Đẳng Giác.  
Tâu đại vương, hoặc là giống như vị quan đại thần, mong muốn cái dấu ấn, có sự tranh chấp về dấu ấn, bất cứ vật gì ở trong nhà như tài sản, lúa gạo, vàng khối, vàng ròng, thậm chí cho đi tất cả các thứ ấy, và nỗ lực nhằm đạt được cái dấu ấn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế thí chủ Vessantara, sau khi cho đi tất cả tài sản ở bên ngoài và bên trong ấy, còn cho luôn mạng sống của những người khác, và tầm cầu chỉ riêng phẩm vị Chánh Đẳng Giác.
9. Tâu đại vương, thêm nữa thí chủ Vessantara đã khởi ý như vầy: ‘Vật mà người Bà-la-môn cầu xin, trong khi cho chính vật ấy đến gã, ta được gọi là người làm được việc.’ Như thế vị ấy đã bố thí các con và vợ đến gã ấy. Tâu đại vương, thí chủ Vessantara không phải vì ghét bỏ mà đã bố thí các con và vợ đến người Bà-la-môn, không phải vì nghĩ rằng: ‘Các con và vợ của ta là quá nhiều, ta không thể nuôi dưỡng họ’ mà đã bố thí các con và vợ, đã không bất mãn (nghĩ rằng): ‘Họ không được ta yêu quý’ mà đã bố thí các con và vợ vì muốn đuổi đi. Khi ấy, vì lòng yêu quý đối với chỉ riêng báu vật là Trí Toàn Tri, vì lý do của Trí Toàn Tri, đức vua Vessantara đã bố thí đến người Bà-la-môn vật thí quý giá gồm các con và vợ, là vật yêu quý, được ưa thích, được yêu mến, sánh bằng mạng sống, không thể đo lường, bao la, vô thượng có hình thức như thế.
Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ởCariyāpiṭaka (Hạnh Tạng):
‘Cả hai người con không có bị ta ghét bỏ, Hoàng Hậu Maddī không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã bố thí những người thân yêu.’
Tâu đại vương, ở nơi ấy, đức vua Vessantara, sau khi bố thí các con, đã đi vào gian nhà lá rồi nằm xuống. Vị ấy, bị đau khổ do lòng thương mến quá độ, đã khởi lên cơn sầu muộn mãnh liệt, vùng trái tim đã trở nên nóng, khi mũi không được thông, đã đưa hơi thở ra vào nóng hổi qua đường miệng, các giọt nước mắt, sau khi lăn tròn trở thành những hạt máu đỏ, đã đi ra từ những con mắt. Tâu đại vương, với nỗi khổ đau như thế đức vua Vessantara đã bố thí các con (nghĩ rằng): ‘Chớ làm suy giảm đạo lộ bố thí của ta.’
Tâu đại vương, thêm nữa đức vua Vessantara đã bố thí hai đứa nhỏ cho người Bà-la-môn vì hai điều lợi ích. Hai điều nào? (Nghĩ rằng): ‘Đạo lộ bố thí của ta sẽ không bị hư hỏng. Và khi những đứa con nhỏ của ta bị khổ sở vì rễ và trái cây rừng, do nhân này ông nội sẽ giải thoát chúng.’ Tâu đại vương, bởi vì đức vua Vessantara biết rằng: ‘Hai đứa nhỏ của ta không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ. Và ông nội sẽ chuộc lại hai đứa nhỏ này. Cuộc hành trình của chúng ta sẽ là như vậy.’ Tâu đại vương, vì hai điều lợi ích này mà đức Bồ Tát đã bố thí hai đứa nhỏ cho người Bà-la-môn.
Tâu đại vương, hơn nữa đức vua Vessantara biết rằng: ‘Người Bà-la-môn quả đã già, lão, lớn tuổi, yếu đuối, tàn tạ, chống gậy, tuổi thọ đã hết, phước báu ít ỏi, gã này không có khả năng để sử dụng hai đứa nhỏ này theo lối sử dụng nô lệ.’ Tâu đại vương, phải chăng người nam với sức mạnh tự nhiên có thể cầm lấy mặt trăng và mặt trời có đại thần lực có đại oai lực này bỏ vào cái hộp hay cái giỏ, làm cho hết ánh sáng, rồi sử dụng theo lối sử dụng cái đĩa?”
“Thưa ngài, không được.”
10. “Tâu đại vương, tương tợ y như thế Vessantara được xem như mặt trăng và mặt trời ở thế gian này, hai đứa nhỏ của vị ấy không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ.
Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy hai đứa nhỏ của Vessantara không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ. Tâu đại vương, giống như viên ngọc quý ma-ni của đức Chuyển Luân Vương là rực rỡ, có phẩm chất, đã khéo được gọt dũa thành tám mặt, bề dài bốn cánh tay, có chu vi giống như trục bánh của chiếc xe kéo, không thể bị bất cứ ai bao bọc lại bằng mảnh vải rồi bỏ trong cái hộp, và sử dụng theo lối sử dụng đá mài dao. Tâu đại vương, tương tợ y như thế Vessantara được xem như viên ngọc quý ma-ni của đức Chuyển Luân Vương ở thế gian, hai đứa nhỏ của vị ấy không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ.
Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy hai đứa nhỏ của Vessantara không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ. Tâu đại vương, giống như Long Vương Uposatha, bị tiết dục ở ba nơi, hoàn toàn màu trắng, được vững chãi gấp bảy lần, có chiều cao tám ratana,[2] chiều dài và chu vi chín ratana, duyên dáng, đáng nhìn, không thể bị bất cứ ai che đậy lại bằng cái nia hoặc cái vung, hoặc quăng vào trại bò để chăm nom như là con bò con. Tâu đại vương, tương tợ y như thế Vessantara được xem như Long Vương Uposatha ở thế gian, hai đứa nhỏ của vị ấy không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ.
Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy hai đứa nhỏ của Vessantara không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ. Tâu đại vương, giống như đại dương được trải rộng bao la về chiều dài, sâu thẳm, không thể đo lường, khó thể vượt qua, chưa bị thăm dò, không bị che lại, không thể bị bất cứ ai đóng lại tất cả các nơi để tiến hành việc sử dụng bằng một bến tàu. Tâu đại vương, tương tợ y như thế Vessantara được xem như đại dương ở thế gian, hai đứa nhỏ của vị ấy không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ.
Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy hai đứa nhỏ của Vessantara không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ. Tâu đại vương, giống như núi chúa Hi-mã-lạp vươn cao lên không trung năm trăm do-tuần, chiều dài và chiều rộng ba ngàn do-tuần, được điểm tô với tám mươi bốn ngàn đỉnh núi, là khởi nguyên của năm trăm con sông lớn, là chỗ ngụ của những đoàn sinh vật khổng lồ, nơi chất chứa các hương thơm nhiều loại, được điểm trang với hàng trăm dược thảo ở cõi trời, được nhìn thấy vươn lên cao như là đám mây ở không trung. Tâu đại vương, tương tợ y như thế Vessantara được xem như núi chúa Hi-mã-lạp ở thế gian, hai đứa nhỏ của vị ấy không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ.
Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy hai đứa nhỏ của Vessantara không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ. Tâu đại vương, giống như khối lửa lớn đang cháy sáng ở bên trên đỉnh núi trong đêm tối đen mờ mịt được nhận biết dầu ở rất xa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức vua Vessantara, tợ như khối lửa lớn đang cháy sáng ở đỉnh núi, được nổi tiếng, được nhận biết dầu ở rất xa. Hai đứa nhỏ của vị ấy không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ.  
Tâu đại vương, hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa mà với lý do ấy hai đứa nhỏ của Vessantara không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ. Tâu đại vương, giống như ở núi Hi-mã-lạp, vào mùa hoa của cây thiết mộc, khi có ngọn gió trực chỉ đang thổi thì hương của các bông hoa tỏa ra mười, mười hai do-tuần. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tiếng tăm tốt đẹp của đức vua Vessantara cũng được loan truyền và hương thơm cao quý về giới hạnh của vị này tỏa ra một ngàn do-tuần ở các cung điện của chư Thiên, A-tu-la, nhân điểu, Càn-thát-bà, Dạ-xoa, quỷ sứ, rắn chúa, chim đầu người, và vị Thần Inda, ở khoảng giữa của các nơi ấy cho đến cõi Sắc Cứu Cánh, vì thế hai đứa nhỏ của vị ấy không thể bị bất cứ ai sử dụng theo lối sử dụng nô lệ.
Tâu đại vương, hoàng tử Jālī đã được vua cha Vessantara chỉ dạy là: ‘Này con yêu, trong khi ông nội của con trao tài sản cho người Bà-la-môn và chuộc lại con, thì ông nội hãy trao cho ông ta một ngàn đồng tiền vàng rồi chuộc lại. Trong khi chuộc lại Kaṇhājinā, thì ông nội hãy trao ra mỗi thứ một trăm là trăm tôi trai, trăm tớ gái, trăm voi, trăm ngựa, trăm bò sữa, trăm bò mộng, trăm đồng tiền vàng, rồi chuộc lại. Này con yêu, nếu ông nội của con giành lấy các con từ tay của người Bà-la-môn bằng mệnh lệnh, bằng sức lực, hoặc miễn phí, thì các con chớ làm theo lời nói của ông nội, mà hãy đi theo chính người Bà-la-môn.’ Sau khi chỉ dạy như thế rồi đã gởi đi. Sau đó, hoàng tử Jālī đã ra đi, đến khi được ông nội hỏi, đã nói rằng:
‘Thưa ông, bởi vì cha đã cho con đến người Bà-la-môn với giá một ngàn, còn cô con gái Kaṇhājinā là bằng tài sản cá nhân và giá của những con voi.’”
“Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi đã khéo được tháo gỡ, mạng lưới tà kiến đã khéo được phá vỡ, các học thuyết khác đã khéo được nghiền nát, kiến thức của bản thân đã khéo được giải thích, vấn đề phụ thuộc đã khéo được làm rõ, ý nghĩa đã khéo được phân tích. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”



II. Thảo Luận: Chư Tăng  điều hợp.

1. Một vị Bồ Tát bố thí đại thí như bố thí vợ con là bố thí ba la mật. Vậy một người bình thường khi bố thí làm sao để có phước lớn và bố thí yếu tố như thế nào để được gọi là bố thí ba la mật? - TT Pháp Đăng
2. Phải chăng người chưa lập gia đình đi xuất gia dễ tu hơn người đã lập gia đình? - TT Pháp Tân
3. Vị Bồ Tát bố thí vợ con thì gọi là bố thí ba la mật. Bây giờ, thí dụ ở ngoài đời một người có con họ rất thương nhưng họ lại đem cho đứa con đó đi (cho không có vụ lợi) thì lại không được gọi là bố thí ba la mật. Vậy thì có phải tùy theo cách cho hay tâm nguyện của người bố thí không? ĐĐ Pháp Tín


No comments:

Post a Comment