Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha
Giảng Sư: TT Pháp Đăng
Milinda Vấn Đạo
Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
NHƯ THẾ NÀO LÀ CHẾT KHÔNG ĐÚNG THỜI
1. “Thưa ngài Nāgasena, các chúng sanh chết đi, tất cả bọn họ đều chết đúng thời, hay là cũng có chết không đúng thời?”
“Tâu đại vương, có cái chết đúng thời, cũng có cái chết không đúng thời.”
“Thưa ngài Nāgasena, những người chết đúng thời ấy là những người nào? Chết không đúng thời là những người nào?”
“Tâu đại vương, phải chăng đại vương đã nhìn thấy trước đây những trái cây, cả trái non lẫn trái chín, đang rụng xuống từ cây xoài, hoặc từ cây mận, hoặc từ cây có trái khác nữa?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, những trái cây nào rụng từ cây xuống, tất cả những trái ấy rụng xuống đều đúng thời, hay là cũng có không đúng thời?”
“Thưa ngài Nāgasena, những trái cây nào là chín muồi, được phát triển đầy đủ, rồi rụng xuống, tất cả những trái ấy rụng xuống đúng thời. Trái lại, những trái cây nào còn lại, trong số đó những trái nào bị sâu đục rồi rụng xuống, những trái nào bị thọc bởi gậy gộc rồi rụng xuống, những trái nào bị cuốn đi bởi gió rồi rụng xuống, những trái nào bị thối ở bên trong rồi rụng xuống, tất cả những trái ấy rụng xuống không đúng thời.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người bị tàn tạ bởi tác động của tuổi già rồi chết, chính những người ấy chết đúng thời. Số còn lại, những ai đó bị thúc bách bởi nghiệp rồi chết, những ai đó bị thúc bách bởi cảnh giới tái sanh rồi chết, những ai đó bị thúc bách bởi hành động rồi chết, (những người này chết không đúng thời).”
“Thưa ngài Nāgasena, những người bị thúc bách bởi nghiệp rồi chết, những người bị thúc bách bởi cảnh giới tái sanh rồi chết, những người bị thúc bách bởi hành động rồi chết, những người bị thúc bách bởi tác động của tuổi già rồi chết, tất cả những người ấy chết đều đúng thời. Người nhập thai ở bụng mẹ rồi chết, (vì) thời điểm ấy là thuộc về người ấy (nên) người ấy chết cũng đúng thời. Người (được sanh ra) ở nhà bảo sanh rồi chết, (vì) thời điểm ấy là thuộc về người ấy (nên) người ấy chết cũng đúng thời. Người một tháng tuổi rồi chết, —(như trên)— Người một năm tuổi rồi chết, (vì) thời điểm ấy là thuộc về người ấy (nên) người ấy chết cũng đúng thời. Thưa ngài Nāgasena, như thế thì không có cái gọi là chết không đúng thời. Những ai đó chết đi, tất cả những người ấy chết đều đúng thời.”
2. “Tâu đại vương, bảy hạng người này chết không đúng thời, ngay trong khi tuổi thọ vẫn đang còn. Bảy hạng nào?
Tâu đại vương, người bị thèm ăn, trong khi không nhận được vật thực, có nội tạng bị tổn thương, chết không đúng thời, ngay trong khi tuổi thọ vẫn đang còn.
Tâu đại vương, người bị thèm uống, trong khi không đạt được nước uống, trái tim bị khô kiệt, chết không đúng thời, ngay trong khi tuổi thọ vẫn đang còn.
Tâu đại vương, người bị rắn cắn, bị hành hạ bởi tác động của nọc độc, trong khi không đạt được người chữa trị, chết không đúng thời, ngay trong khi tuổi thọ vẫn đang còn.
Tâu đại vương, người đã ăn vào chất độc, trong khi các bộ phận cơ thể chính và phụ đang bị nung nóng, trong khi không đạt được thuốc giải, chết không đúng thời, ngay trong khi tuổi thọ vẫn đang còn.
Tâu đại vương, người bị rơi vào ngọn lửa, trong khi bị thiêu đốt, trong khi không đạt được sự dập tắt, chết không đúng thời, ngay trong khi tuổi thọ vẫn đang còn.
Tâu đại vương, người bị té vào nước, trong khi không đạt được sự nâng đỡ, chết không đúng thời, ngay trong khi tuổi thọ vẫn đang còn.
Tâu đại vương, người bị thương tích bởi gươm đao, bị lâm bệnh, trong khi không đạt được thầy thuốc, chết không đúng thời, ngay trong khi tuổi thọ vẫn đang còn.
Tâu đại vương, bảy hạng người này chết không đúng thời, ngay trong khi tuổi thọ vẫn đang còn.
Tâu đại vương, ở đây tôi cũng vẫn nói một cách khẳng định. Tâu đại vương, việc tử vong của các chúng sanh là theo tám cách thức: Với nguồn sanh khởi là gió, với nguồn sanh khởi là mật, với nguồn sanh khởi là đàm, do sự hội tụ (của các dịch chất trong cơ thể), do sự chuyển biến của mùa tiết, do sự bảo dưỡng không đều đặn, do sự đột ngột, do quả thành tựu của nghiệp, tâu đại vương là việc tử vong của các chúng sanh. Tâu đại vương, ở đây tức là sự tử vong do quả thành tựu của nghiệp, ở đây chính việc ấy là sự tử vong phù hợp thời gian, các việc còn lại là sự tử vong không phù hợp thời gian. Vậy là:
‘Do bị thèm ăn, do bị thèm uống, bị rắn cắn, và do chất độc, do lửa, nước, và gươm đao, ở đây là bị chết không đúng thời.
Do gió, và mật, do đàm, do sự hội tụ, và do các mùa tiết, do không đều đặn, do sự đột ngột, và do nghiệp, ở đây là bị chết không đúng thời.’
3. Tâu đại vương, các chúng sanh nào đó chết do quả thành tựu của nghiệp bất thiện vì đã làm việc này việc nọ trong thời quá khứ. Tâu đại vương, ở đây kẻ nào trước đây làm những người khác bị chết vì thèm ăn, kẻ ấy trong nhiều trăm ngàn năm, (sẽ) bị hành hạ bởi sự thèm ăn, bị đói, bị kiệt sức, trái tim bị khô héo tàn tạ, muốn được ăn, bị co quắp, đang bị thiêu đốt, đang bị đốt cháy ở nội tạng, chết chính vì sự thèm ăn ngay cả lúc còn nhỏ, trung niên, già cả. Đây cũng là sự tử vong phù hợp thời gian đối với kẻ ấy.
Kẻ nào trước đây làm những người khác bị chết vì thèm uống, kẻ ấy trong nhiều trăm ngàn năm, trong khi trở thành ngạ quỷ hạng bị thiêu đốt và bị khao khát, trở nên cằn cỗi, ốm o, trái tim bị khô kiệt, chết chính vì sự thèm uống ngay cả lúc còn nhỏ, trung niên, già cả. Đây cũng là sự tử vong phù hợp thời gian đối với kẻ ấy.
Kẻ nào trước đây làm những người khác bị rắn cắn làm cho bị chết, kẻ ấy trong nhiều trăm ngàn năm, sau khi bị luân chuyển từ miệng trăn đến miệng trăn, từ miệng hắc xà đến miệng hắc xà, bị nhai đi nhai lại bởi chúng, chết chính vì bị những con rắn cắn ngay cả lúc còn nhỏ, trung niên, già cả. Đây cũng là sự tử vong phù hợp thời gian đối với kẻ ấy.
Kẻ nào trước đây cho những người khác chất độc làm cho bị chết, kẻ ấy trong nhiều trăm ngàn năm, với các bộ phận cơ thể chính và phụ đang bị nung nóng, với cơ thể đang bị rữa ra, trong khi tỏa ra mùi thối của tử thi, chết chính vì chất độc ngay cả lúc còn nhỏ, trung niên, già cả. Đây cũng là sự tử vong phù hợp thời gian đối với kẻ ấy.
Kẻ nào trước đây làm những người khác bị chết vì lửa, kẻ ấy trong nhiều trăm ngàn năm, sau khi bị luân chuyển từ núi than hừng đến núi than hừng, từ lãnh địa của Dạ-ma đến lãnh địa của Dạ-ma, có tứ chi bị đốt cháy, bị thiêu cháy, chết chính vì lửa ngay cả lúc còn nhỏ, trung niên, già cả. Đây cũng là sự tử vong phù hợp thời gian đối với kẻ ấy.
Kẻ nào trước đây làm những người khác bị chết vì nước, kẻ ấy trong nhiều trăm ngàn năm, có thân thể bị hành hạ, bị bóc lột, bị gãy đổ, yếu đuối, có tâm bị xáo trộn, chết ở trong nước ngay cả lúc còn nhỏ, trung niên, già cả. Đây cũng là sự tử vong phù hợp thời gian đối với kẻ ấy.
Kẻ nào trước đây làm những người khác bị chết vì gươm đao, kẻ ấy trong nhiều trăm ngàn năm, bị cắt bị xẻ bị băm bị lóc, bị đánh đập bằng mũi dao, chết chính vì gươm đao ngay cả lúc còn nhỏ, trung niên, già cả. Đây cũng là sự tử vong phù hợp thời gian đối với kẻ ấy.”
4. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Có cái chết không đúng thời;’ vậy xin ngài hãy chỉ cho trẫm lý do của trường hợp ấy.”
“Tâu đại vương, giống như khối lửa to lớn khổng lồ có cỏ, củi, cành, lá đã được đem lại, có đồ tiếp liệu đã được tiêu thụ hết, bị tắt ngấm do cạn nguồn nhiên liệu. Ngọn lửa ấy được gọi là ‘đã được tắt ngấm hợp lúc, không có rủi ro, không có bất hạnh.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó sau khi sống nhiều ngàn ngày, trở nên già lão, rồi chết do hết tuổi thọ, không có rủi ro, không có bất hạnh, người ấy được gọi là ‘đã tiến đến cái chết hợp lúc.’ Tâu đại vương, hoặc là giống như khối lửa to lớn khổng lồ có cỏ, củi, cành, lá đã được đem lại, rồi có đám mưa to lớn khổng lồ đổ xuống làm tắt ngấm khối lửa ấy mặc dầu cỏ, củi, cành, lá còn chưa được tiêu thụ hết. Tâu đại vương, phải chăng khối lửa to lớn khổng lồ ấy gọi là đã được tắt ngấm hợp lúc?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao khối lửa thứ hai ấy đã không có hành trình giống hệt với khối lửa thứ nhất?”
“Thưa ngài, bị quấy nhiễu bởi cơn mưa đột ngột, khối lửa ấy đã được tắt ngấm không hợp lúc.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó chết không đúng thời, người ấy bị quấy nhiễu bởi căn bệnh đột ngột, hoặc bởi nguồn sanh khởi là gió, bởi nguồn sanh khởi là mật, bởi nguồn sanh khởi là đàm, do sự hội tụ (của các dịch chất trong cơ thể), do sự chuyển biến của mùa tiết, do sự bảo dưỡng không đều đặn, do sự đột ngột, hoặc bị quấy nhiễu bởi sự thèm ăn, bởi sự thèm uống, do việc bị rắn cắn, do việc bị ăn vào chất độc, do lửa, do nước, hoặc bởi gươm đao, rồi chết không đúng thời. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy có sự chết không đúng thời.
5. Tâu đại vương, hoặc là giống như đám mây mưa to lớn khổng lồ sau khi hiện ra ở bầu trời rồi đổ mưa làm tràn đầy vùng trũng và đất liền, nó được gọi là ‘đám mây đổ mưa không có rủi ro, không có bất hạnh.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó sống lâu, trở nên già lão, rồi chết do hết tuổi thọ, không có rủi ro, không có bất hạnh, người ấy được gọi là ‘đã tiến đến cái chết hợp lúc.’
Tâu đại vương, hoặc là giống như đám mây mưa to lớn khổng lồ sau khi hiện ra ở bầu trời rồi đi đến sự triệt tiêu vì cơn gió lớn ở ngay bên trong. Tâu đại vương, phải chăng đám mây đó gọi là đã tiêu tan hợp lúc?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao đám mây thứ hai ấy đã không có hành trình giống hệt với đám mây thứ nhất?”
“Thưa ngài, bị quấy nhiễu bởi cơn gió đột ngột, đám mây ấy chính vì đã được thành lập không hợp lúc, nên đã tiêu tan.”
6. “Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó chết không đúng thời, người ấy bị quấy nhiễu bởi căn bệnh đột ngột, hoặc bởi nguồn sanh khởi là gió, —(như trên)— hoặc bị quấy nhiễu bởi gươm đao, rồi chết không đúng thời. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy có sự chết không đúng thời.
Tâu đại vương, hoặc là giống như con rắn độc có sức mạnh, bị nổi giận rồi cắn người nam nào đó, chất độc ấy có thể gây ra cái chết cho người ấy, không có rủi ro, không có bất hạnh. Chất độc ấy được gọi là ‘đã đạt đến điểm tận cùng, không có rủi ro, không có bất hạnh.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó sống lâu, trở nên già lão, rồi chết do hết tuổi thọ, không có rủi ro, không có bất hạnh, người ấy được gọi là ‘đã đạt đến điểm tận cùng, đã tiến đến cái chết hợp lúc, không có rủi ro, không có bất hạnh.’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người thầy bắt rắn, đối với người bị con rắn độc có sức mạnh cắn, sau khi cho thuốc giải vào tận bên trong thì có thể làm cho hết độc. Tâu đại vương, phải chăng chất độc ấy gọi là được tiêu tan hợp lúc?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao chất độc thứ hai ấy đã không có hành trình giống hệt với chất độc thứ nhất?”
“Thưa ngài, bị quấy nhiễu bởi thuốc giải đột ngột, chất độc, còn chưa đạt đến điểm tận cùng, đã bị tiêu tan.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó chết không đúng thời, người ấy bị quấy nhiễu bởi căn bệnh đột ngột, hoặc bởi nguồn sanh khởi là gió, —(như trên)— hoặc bị quấy nhiễu bởi gươm đao, rồi chết không đúng thời. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy có sự chết không đúng thời.
7. Tâu đại vương, hoặc là giống như người cung thủ bắn ra mũi tên, nếu mũi tên ấy đi đến điểm cuối của cuộc hành trình theo đúng lộ trình, mũi tên ấy được gọi là ‘đã đi đến điểm cuối của cuộc hành trình theo đúng lộ trình, không có rủi ro, không có bất hạnh.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó sống lâu, trở nên già lão, rồi chết do hết tuổi thọ, không có rủi ro, không có bất hạnh, người ấy được gọi là ‘đã đạt đến điểm tận cùng, đã tiến đến cái chết hợp lúc, không có rủi ro, không có bất hạnh.’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người cung thủ bắn ra mũi tên, ngay vào giấy phút ấy người nào đó chộp lấy mũi tên ấy của người ấy. Tâu đại vương, phải chăng mũi tên ấy gọi là đã đi đến điểm cuối của cuộc hành trình theo đúng lộ trình?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao mũi tên thứ hai ấy đã không có hành trình giống hệt với mũi tên thứ nhất?”
“Thưa ngài, việc di chuyển của mũi tên ấy đã bị gián đoạn vì sự chộp lấy đột ngột.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó chết không đúng thời, người ấy bị quấy nhiễu bởi căn bệnh đột ngột, hoặc bởi nguồn sanh khởi là gió, —(như trên)— hoặc bị quấy nhiễu bởi gươm đao, rồi chết không đúng thời. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy có sự chết không đúng thời.
8. Tâu đại vương, hoặc là giống như người nào đó gõ vào cái chậu bằng đồng, do việc gõ của người ấy âm thanh phát ra và truyền đi đến điểm cuối của cuộc hành trình theo đúng lộ trình. Âm thanh ấy được gọi là ‘đã đi đến điểm cuối của cuộc hành trình theo đúng lộ trình, không có rủi ro, không có bất hạnh.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó sau khi sống nhiều ngàn ngày, trở nên già lão, rồi chết do hết tuổi thọ, không có rủi ro, không có bất hạnh, người ấy được gọi là ‘đã đạt đến điểm tận cùng, đã tiến đến cái chết hợp lúc, không có rủi ro, không có bất hạnh.’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nào đó gõ vào cái chậu bằng đồng, do việc gõ của người ấy âm thanh phát ra. Khi âm thanh đã được phát ra và truyền đi xa, người nào đó chạm vào, với việc chạm vào âm thanh bị ngưng lại. Tâu đại vương, phải chăng âm thanh ấy gọi là đã đi đến điểm cuối của cuộc hành trình theo đúng lộ trình?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao âm thanh thứ hai ấy đã không có hành trình giống hệt với âm thanh thứ nhất?”
“Thưa ngài, việc di chuyển của âm thanh ấy đã bị ngưng lại vì sự chạm vào đột ngột.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó chết không đúng thời, người ấy bị quấy nhiễu bởi căn bệnh đột ngột, hoặc bởi nguồn sanh khởi là gió, —(như trên)— hoặc bị quấy nhiễu bởi gươm đao, rồi chết không đúng thời. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy có sự chết không đúng thời.
9. Tâu đại vương, hoặc là giống như hạt lúa giống đã được mọc lên tốt đẹp ở thửa ruộng, nhờ vào cơn mưa đang được vận hành đúng đắn mà được cắm sâu, tỏa rộng, chen chúc, có nhiều kết quả, và đạt đến lúc phát triển mùa màng. Hạt lúa ấy được gọi là ‘đã thành tựu mùa vụ, không có rủi ro, không có bất hạnh.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó sau khi sống nhiều ngàn ngày, trở nên già lão, rồi chết do hết tuổi thọ, không có rủi ro, không có bất hạnh, người ấy được gọi là ‘đã tiến đến cái chết hợp lúc, không có rủi ro, không có bất hạnh.’
Tâu đại vương, hoặc là giống như hạt giống lúa đã được mọc lên tốt đẹp ở thửa ruộng, bị thiếu nước, có thể chết. Tâu đại vương, phải chăng hạt lúa ấy gọi là đã thành tựu mùa vụ?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao hạt lúa thứ hai ấy đã không có hành trình giống hệt với hạt lúa thứ nhất?”
“Thưa ngài, bị quấy nhiễu bởi sức nóng đột ngột nên hạt lúa ấy đã bị chết.”
10. “Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó chết không đúng thời, người ấy bị quấy nhiễu bởi căn bệnh đột ngột, hoặc bởi nguồn sanh khởi là gió, —(như trên)— hoặc bị quấy nhiễu bởi gươm đao, rồi chết không đúng thời. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy có sự chết không đúng thời.
Tâu đại vương, có phải ngài đã được nghe trước đây là khi mùa màng còn non được đạt đến, thì các con sâu xuất hiện và tàn phá bộ rễ?”
“Thưa ngài, điều ấy không những trẫm đã được nghe trước đây mà còn được nhìn thấy trước đây nữa.”
“Tâu đại vương, vậy thì mùa màng ấy bị hư hại đúng thời, hay là bị hư hại không đúng thời?”
“Thưa ngài, không đúng thời. Thưa ngài, nếu các con sâu không gặm nhấm mùa màng ấy, thì có thể đạt đến lúc thâu hoạch mùa màng.”
“Tâu đại vương, vậy thì có phải do bị phá hoại đột ngột mà mùa màng bị hư hại, còn mùa màng không bị hư hại thì đạt đến lúc thâu hoạch mùa màng?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó chết không đúng thời, người ấy bị quấy nhiễu bởi căn bệnh đột ngột, hoặc bởi nguồn sanh khởi là gió, —(như trên)— hoặc bị quấy nhiễu bởi gươm đao, rồi chết không đúng thời. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy có sự chết không đúng thời.
11. Tâu đại vương, có phải ngài đã được nghe trước đây là khi mùa màng được đạt đến, được trĩu cong bởi gánh nặng của những hạt, đạt được sự phát triển trọn vẹn, thì có trận mưa sanh lên gọi là mưa đá rơi xuống và phá hoại, làm cho không có kết quả?”
“Thưa ngài, điều ấy không những trẫm đã được nghe trước đây mà còn được nhìn thấy trước đây nữa.”
“Tâu đại vương, vậy thì mùa màng ấy bị hư hại đúng thời, hay là bị hư hại không đúng thời?”
“Thưa ngài, không đúng thời. Thưa ngài, nếu trận mưa đá không đổ mưa xuống mùa màng ấy, thì có thể đạt đến lúc thâu hoạch mùa màng.”
“Tâu đại vương, vậy thì có phải do bị phá hoại đột ngột mà mùa màng bị hư hại, còn mùa màng không bị hư hại thì đạt đến lúc thâu hoạch mùa màng?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào đó chết không đúng thời, người ấy bị quấy nhiễu bởi căn bệnh đột ngột, hoặc bởi nguồn sanh khởi là gió, bởi nguồn sanh khởi là mật, bởi nguồn sanh khởi là đàm, do sự hội tụ (của các dịch chất trong cơ thể), do sự chuyển biến của mùa tiết, do sự bảo dưỡng không đều đặn, do sự đột ngột, hoặc bị quấy nhiễu bởi sự thèm ăn, bởi sự thèm uống, do việc bị rắn cắn, do việc bị ăn vào chất độc, do lửa, do nước, hoặc bởi gươm đao, rồi chết không đúng thời. Tuy nhiên, nếu không bị quấy nhiễu bởi căn bệnh đột ngột, thì có thể đạt đến cái chết đúng thời. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy có sự chết không đúng thời.”
12. “Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường! Lý do đã được chỉ rõ, ví dụ đã được chỉ rõ nhằm làm sáng tỏ về việc chết không đúng thời. Vấn đề ‘có sự chết không đúng thời’ đã được làm rõ, đã được làm rõ ràng, đã được làm hiển hiện.
Thưa ngài Nāgasena, cho dầu chỉ cần với một ví dụ thôi, thậm chí người có tâm lơ đễnh cũng có thể đi đến kết luận là ‘có sự chết không đúng thời,’ vậy thì còn có điều gì nữa với người có tâm tư? Thưa ngài, chỉ với ví dụ đầu tiên thì trẫm đã hiểu được là: ‘Có sự chết không đúng thời.’ Tuy nhiên, là người có ước muốn được nghe sự giải quyết theo tuần tự nên trẫm đã không chấp nhận.”
II. Thảo Luận: Chư Tăng điều hợp.
1. Trong cuộc sống thì chúng ta biết chết có nhiều nguyên nhân. Xin giải thích rõ như thế nào chết đúng thời? - TT Pháp Tân
2. Chếp hợp thời và chết phi thời. Thì việc chết phi thời xảy ra đối với tất cả chúng sanh trong tam giới hay chỉ giới hạn ở cõi nào đó mới có tình trạng chết phi thời? - TT Pháp Đăng
3. Cũng là sự sống sự chết. Những cái chết nào được bậc thánh khen tặng và cái chết như thế nào không được bậc thánh khen tặng, bao gồm trong đó có cái chết đúng thời và chết phi thời? TT Pháp Tân
4. Mình biết cuộc sống là giả tạm. Có phải chăng là mình nên bỏ tất cả những gì liên quan đến cuộc sống và chỉ tu tập mà thôi. Hay nên chọn cách nào vừa có thể tu tập mà không đi đến cực đoan trong cuộc sống của mình? - ĐĐ Pháp Tín
3. Cũng là sự sống sự chết. Những cái chết nào được bậc thánh khen tặng và cái chết như thế nào không được bậc thánh khen tặng, bao gồm trong đó có cái chết đúng thời và chết phi thời? TT Pháp Tân
4. Mình biết cuộc sống là giả tạm. Có phải chăng là mình nên bỏ tất cả những gì liên quan đến cuộc sống và chỉ tu tập mà thôi. Hay nên chọn cách nào vừa có thể tu tập mà không đi đến cực đoan trong cuộc sống của mình? - ĐĐ Pháp Tín
No comments:
Post a Comment