Wednesday, December 18, 2013

Bài học, Thứ Tư 18-12-2013

Phật Pháp Vấn Đáp qua Kinh Milindapanha

Giảng Sư: TT Pháp Đăng

Milinda Vn Đo

Câu hỏi của Vua Milinda
Tỳ khưu Nguyệt Thiên dịch
                                     
Không Phải Sự Thật Nào Cũng Kiểm Chứng Do Mắt Nhìn Thấy




1. Khi ấy, đức vua Milinda đã đi đến gặp đại đức Nāgasena, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Nāgasena rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Milinda có sự mong muốn được biết, mong muốn được nghe, mong muốn ghi nhớ, mong muốn nhìn thấy ánh sáng của trí tuệ, mong muốn phá vỡ sự không biết, mong muốn làm sanh khởi ánh sáng của trí tuệ, mong muốn tiêu diệt bóng tối của vô minh, sau khi thiết lập sự can đảm vượt bậc, sự cố gắng, sự ghi nhớ, và sự nhận biết rõ rệt, rồi đã nói với đại đức Nāgasena điều này:


2. “Thưa ngài Nāgasena, có phải đức Phật đã được ngài nhìn thấy?”

“Tâu đại vương, không có.”

“Có phải đức Phật đã được các vị thầy của ngài nhìn thấy?”

“Tâu đại vương, không có.”

“Thưa ngài Nāgasena, nghe nói đức Phật đã không được ngài nhìn thấy, cũng nghe nói đức Phật đã không được các vị thầy của ngài nhìn thấy. Thưa ngài Nāgasena, như thế thì không có đức Phật. Bởi vì ở đây đức Phật không được biết đến.”

“Tâu đại vương, vậy thì những vị tổ tiên của dòng dõi Sát-đế-lỵ của đại vương, có các vị Sát-đế-lỵ tiền bối ấy không?”

“Thưa ngài, có. Có sự nghi ngờ gì? Có các vị Sát-đế-lỵ tiền bối, họ là tổ tiên của dòng dõi Sát-đế-lỵ của trẫm.”

“Tâu đại vương, có phải các vị Sát-đế-lỵ tiền bối đã được đại vương nhìn thấy?”

“Thưa ngài, không có.”

“Tâu đại vương, vậy thì các vị quân sư, tướng lãnh, quan tòa, quan đại thần đang cố vấn cho đại vương, có phải các vị Sát-đế-lỵ tiền bối đã được những người ấy nhìn thấy?”

“Thưa ngài, không có.”

“Tâu đại vương, nếu các vị Sát-đế-lỵ tiền bối đã không được đại vương nhìn thấy, nghe nói các vị Sát-đế-lỵ tiền bối cũng đã không được những vị cố vấn của đại vương nhìn thấy, vậy thì các vị Sát-đế-lỵ tiền bối ở đâu? Bởi vì ở đây các vị Sát-đế-lỵ tiền bối không được nhận biết.”

“Thưa ngài Nāgasena, những đồ dùng đã được các vị Sát-đế-lỵ tiền bối sử dụng được nhìn thấy như là: chiếc lọng màu trắng, khăn bịt đầu, đôi giày, quạt phất trần, viên ngọc ở thanh gươm, và các giường nằm vô cùng giá trị, nhờ chúng mà chúng tôi có thể biết được, có thể tin tưởng là: ‘Có các vị Sát-đế-lỵ tiền bối.’”  

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế chúng tôi cũng có thể biết được, có thể tin tưởng về đức Thế Tôn ấy. Có lý do mà với lý do ấy chúng tôi có thể biết được, có thể tin tưởng là: ‘Có đức Thế Tôn ấy.’ Lý do ấy là điều nào? Tâu đại vương, quả là có những đồ dùng đã được đức Thế Tôn ấy, vị biết, vị thấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác sử dụng, như là: Bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh tinh tấn, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy chi phần đưa đến giác ngộ, Thánh Đạo tám chi phần, nhờ chúng mà thế gian luôn cả chư Thiên biết được, tin tưởng là: ‘Có đức Thế Tôn ấy.’ Tâu đại vương, với lý do này, với nguyên nhân này, với phương pháp này, với sự suy luận này mà có thể biết được rằng: ‘Có đức Thế Tôn ấy.’

‘Sau khi đã giúp cho nhiều người vượt qua, Ngài đã tịch diệt ở sự đoạn tận mầm mống tái sanh. Nhờ vào sự suy luận, có thể biết được rằng: ‘Có bậc Tối Thượng Nhân ấy.’”

3. “Thưa ngài Nāgasena, xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như nhà kiến trúc đô thị có ý định xây dựng thành phố thì trước tiên hết xem qua khoảnh đất bằng phẳng, không bị nhô lên không bị lõm xuống, không sạn sỏi và đá tảng, không nguy hiểm, không bị chê trách, đáng được yêu thích, rồi chỗ nào không bằng phẳng thì cho san bằng chỗ ấy, cho dọn sạch gốc cây và gai góc, rồi tại chỗ ấy xây dựng thành phố lộng lẫy, được phân chia thành từng phần, đã được đo đạc, có đường hào đã được đào lên và thành lũy, có tháp canh và cổng thành vững chắc, có đường băng ngang, ngã tư, giao lộ, bồn binh rộng lớn, có đường lộ chính sạch sẽ và có bề mặt bằng phẳng, có cửa tiệm khéo được bố trí bên trong, được đầy đủ với các khu vườn, công viên, hồ ao, đầm sen, giếng nước, được tô điểm với nhiều loại điện thờ chư Thiên, toàn bộ đều không có khuyết điểm. Khi thành phố ấy đã đạt đến sự phát triển về mọi mặt, người ấy có thể đi đến khu vực khác. Rồi thời gian sau đó, thành phố ấy trở nên thịnh vượng, giàu có, vật thực dễ dàng, an toàn, được phát đạt, thắng lợi, không có rủi ro, không có bất hạnh, đông đảo với nhiều hạng người, các Sát-đế-lỵ có tầm cỡ, các Bà-la-môn, các thương buôn, các nô lệ, các quản tượng, các kỵ sĩ, các người đánh xe, các khách bộ hành, các cung thủ, các kiếm sĩ, các hiệp sĩ, các quân nhân, các nhà cung cấp vật thực, các hoàng tử dũng mãnh, các cảm tử quân, các yếu nhân, các vị anh hùng, các chiến sĩ mặc áo giáp, các người con của kẻ nô bộc, các người con của kẻ làm thuê, các toán đấu vật, các người nấu ăn, các đầu bếp, các thợ cạo, các người hầu tắm, các thợ rèn, các người làm tràng hoa, các thợ vàng, các thợ bạc, các thợ chì, các thợ thiếc, các thợ đồng, các thợ hợp kim, các thợ sắt, các thợ ngọc ma-ni, các thợ dệt, các thợ gốm, các người làm muối, các thợ thuộc da, các thợ làm xe, các thợ làm ngà, các thợ làm dây, các thợ làm lược, các thợ quay tơ, các thợ đan giỏ, các thợ làm cung, các thợ làm dây cung, các thợ làm tên, các thợ vẽ tranh, các thợ làm màu, các thợ nhuộm, các thợ dệt vải, các thợ may, các thợ phân kim, các người buôn vải, các người buôn hương liệu, các người cắt cỏ, các người nhặt củi, các người làm thuê, các người bán rau, các người bán trái cây, các người bán rễ cây, các người bán cơm, các người bán bánh, các người bán cá, các người bán thịt, các người bán rượu, các kịch sĩ, các vũ công, các người múa rối, các ảo thuật gia, các nhạc công, các người đấu vật, các người thiêu xác, các người đổ rác hoa, các thợ làm tre, các thợ săn, các kỹ nữ, các vũ nữ, các tớ gái đội nước, các người ở Saka, ở Yavana, ở Cīna, ở Vilāta, ở Ujjenī, ở Bhārukaccha, ở Kāsi, ở Kosala, ở Paranta, ở Magadha, ở Sāketa, ở Soraṭṭha, ở Pāvā, ở Koṭumbara, ở Madhura, ở Alasanda, ở Kasmīra, ở Gandhāra đã đi đến cư ngụ ở thành phố ấy, những người ở các địa phương khác nhau sau khi nhìn thấy thành phố ấy mới mẻ, khéo được bố trí, không khuyết điểm, không bị chê trách, đáng được yêu thích, bằng cách suy luận nhận biết rằng: ‘Này ông bạn, nhà kiến trúc đô thị xây dựng thành phố này quả là thành thạo.’

Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn ấy, là vị không ai sánh bằng, tương đương với bậc không thể sánh bằng, không người đối xứng, không kẻ tương đương, không người so sánh, không thể ước lượng, không thể đo lường, không thể định lượng, có đức hạnh vô lượng, đã đạt đết sự toàn hảo của đức hạnh, có sự can đảm vô biên, có sự vinh quang vô biên, có sự tinh tấn vô biên, có năng lực vô biên, đã đạt đến sự toàn hảo về Phật lực, sau khi đánh bại Ma Vương cùng với đạo binh, sau khi đã phá tung mạng lưới tà kiến, sau khi dẹp bỏ vô minh, sau khi làm cho minh sanh khởi, sau khi nắm giữ ngọn đuốc Chánh Pháp, sau khi đạt được bản thể Toàn Tri, với trận chiến không bị khuất phục, đã được chiến thắng, Ngài đã xây dựng thành phố Giáo Pháp.

Tâu đại vương, thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn có thành lũy là giới, có đường hào là sự hổ thẹn tội lỗi, có cổng thành là trí, có tháp canh là sự tinh tấn, có trụ chống là đức tin, có người gác cổng là niệm, có tòa lâu đài là tuệ, có đường băng ngang là Kinh, có bồn binh là Vi Diệu Pháp, có tòa án là Luật, có đường phố là sự thiết lập niệm. Tâu đại vương, hơn nữa ở đường phố về sự thiết lập niệm của thành phố ấy, có các cửa tiệm với hình thức như vầy khéo là được chưng bày, như là: cửa tiệm bông hoa, cửa tiệm hương liệu, cửa tiệm trái cây, cửa tiệm thuốc giải độc, cửa tiệm thuốc chữa bệnh, cửa tiệm thuốc bất tử, cửa tiệm châu báu, cửa tiệm tổng hợp.”

4. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm bông hoa của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, có các sự phân loại về đối tượng (tham thiền) đã được đức Thế Tôn ấy, vị biết, vị thấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, nói đến như là: tưởng về vô thường, tưởng về khổ não, tưởng về vô ngã, tưởng về bất mỹ, tưởng về điều bất lợi, tưởng về sự dứt bỏ, tưởng về ly luyến ái, tưởng về sự tịch diệt, tưởng về sự không hứng thú với mọi thứ ở thế gian, tưởng về vô thường trong tất cả các sự tạo tác, niệm hơi thở vào ra, tưởng về tử thi bị trương sình, tưởng về tử thi có màu xanh xám, tưởng về tử thi bắt đầu thối rữa, tưởng về tử thi bị thủng nhiều lỗ, tưởng về tử thi bị thú ăn, tưởng về tử thi bị vung vãi, tưởng về tử thi bị hủy hoại và vung vãi, tưởng về tử thi bị đẫm máu, tưởng về tử thi bị giòi bọ rút rỉa, tưởng về bộ xương, tưởng về tâm từ, tưởng về tâm bi, tưởng về tâm hỷ, tưởng về tâm xả, niệm về sự chết, niệm được đặt ở thân. Tâu đại vương, các sự phân loại về đối tượng (tham thiền) này đã được đức Phật Thế Tôn nói đến.  

Ở nơi ấy, người nào có ước muốn được thoát khỏi sự già và sự chết, người ấy nắm giữ một đối tượng nào đó trong số đó, rồi nhờ vào đối tượng ấy được thoát khỏi luyến ái, được thoát khỏi sân, được thoát khỏi si, được thoát khỏi ngã mạn, được thoát khỏi (tà) kiến, vượt qua luân hồi, ngăn chặn dòng chảy tham ái, làm trong sạch ba loại vết bẩn, sau khi hủy diệt tất cả phiền não, sau khi đi vào thành phố tối thượng là thành phố Niết Bàn, không vết nhơ, hết bụi bặm, trong sạch, tinh khiết, không sanh, không già, không chết, an lạc, có trạng thái mát lạnh, không có nỗi sợ hãi, rồi làm cho tâm được giải thoát ở phẩm vị A-la-hán. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm bông hoa của đức Thế Tôn.’

‘Sau khi nắm lấy tiền vốn là nghiệp (thiện),[1]hãy đi đến cửa tiệm, hãy mua lấy đối tượng, từ đó hãy được tự do ở sự giải thoát.’”

5. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm hương liệu của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, có các sự phân loại về giới đã được đức Thế Tôn ấy nói đến. Được thoa bởi hương thơm của giới ấy, các người con trai của đức Thế Tôn tỏa hơi, tràn ngập thế gian luôn cả chư Thiên bằng hương thơm của giới, rồi thổi đến, bao trùm hướng chính, hướng phụ, gió thuận chiều, gió nghịch chiều, sau khi tỏa khắp thì lắng đọng lại. Các sự phân loại về giới ấy là các cái nào? Là giới của sự nương nhờ (tam quy), năm giới, tám điều giới, mười điều giới, giới của sự thu thúc theo giới bổn Pātimokkha được bao gồm ở năm phần đọc tụng. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm hương liệu của đức Thế Tôn.’ Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:[2]

‘Hương thơm của bông hoa không bay ngược chiều gió,

(hương thơm của) gỗ trầm, gỗ tagara, hoặc hoa nhài cũng không.

Còn hương thơm của những người tốt bay ngược chiều gió,

bậc thiện nhân tỏa hương (thơm giới hạnh) khắp mọi phương.

Gỗ trầm, gỗ tagara, hoặc ngay cả hoa sen và hoa nhài, trong số các loại có hương thơm này, hương thơm của giới là vô thượng.

Hương thơm này của gỗ tagara hay gỗ trầm là nhỏ nhoi, còn hương thơm của những người có giới hạnh thổi giữa chư Thiên là tối thượng.’”

6. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm trái cây của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”  

“Tâu đại vương, các loại quả đã được đức Thế Tôn ấy nói đến như là: Quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, quả vị A-la-hán, sự thể nhập quả vị không tánh, sự thể nhập quả vị vô tướng, sự thể nhập quả vị vô nguyện. Ở nơi ấy, người nào ước muốn quả vị nào, người ấy sau khi trao ra tiền vốn là nghiệp (thiện) rồi mua lấy quả vị đã được mong mỏi, nếu là quả vị Nhập Lưu, hay quả vị Nhất Lai, hay quả vị Bất Lai, hay quả vị A-la-hán, hay sự thể nhập quả vị không tánh, hay sự thể nhập quả vị vô tướng, hay sự thể nhập quả vị vô nguyện.

Tâu đại vương, giống như cây xoài của người đàn ông nào đó là có trái thường xuyên. Cho đến khi nào người mua chưa đi đến, thì người ấy còn chưa làm cho các trái từ trên cây rơi xuống. Trái lại, khi người mua đã đến thì người ấy nhận tiền vốn ở người mua rồi bảo như vầy: ‘Này ông, cây xoài này quả là có trái thường xuyên, ông muốn chừng nào ở cây ấy thì hãy lấy chừng ấy, hoặc còn sống, hoặc còn non, hoặc còn lông tơ, hoặc chưa chín, hoặc đã chín.’ Người ấy, với số tiền vốn đã được trao ra ấy của mình, nếu muốn trái còn sống thì lấy trái còn sống, nếu muốn trái còn non thì lấy trái còn non, nếu muốn trái còn lông tơ thì lấy trái còn lông tơ, nếu muốn trái chưa chín thì lấy trái chưa chín, nếu muốn trái chín thì lấy trái chín. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người nào ước muốn quả vị nào, thì sau khi trao ra tiền vốn là nghiệp (thiện), người ấy nhận lấy quả vị đã được mong mỏi, nếu là quả vị Nhập Lưu, —(như trên)— hay sự thể nhập quả vị vô nguyện. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm trái cây của đức Thế Tôn.’

‘Sau khi trao ra tiền vốn là nghiệp (thiện), rồi cầm lấy trái cây bất tử, những người nào mua trái cây bất tử, do việc ấy những người ấy được an lạc.’”

7. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm thuốc giải độc của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, các thuốc giải độc đã được đức Thế Tôn nói đến, với các thuốc giải độc này đức Thế Tôn ấy giúp cho thế gian luôn cả chư Thiên thoát khỏi thuốc độc phiền não. Vậy thì các thuốc giải độc ấy là các loại nào? Tâu đại vương, bốn Chân Lý Cao Thượng này đã được đức Thế Tôn nói đến, như là: Chân Lý Cao Thượng về sự Khổ, Chân Lý Cao Thượng về nguyên nhân của Khổ, Chân Lý Cao Thượng về sự diệt Khổ, Chân Lý Cao Thượng về sự thực hành theo con đường đưa đến sự diệt Khổ. Tại nơi ấy, những người nào mong muốn trí tuệ lắng nghe Giáo Pháp về bốn Chân Lý, những người ấy được giải thoát khỏi sự sanh, được giải thoát khỏi sự già, được giải thoát khỏi sự chết, được giải thoát khỏi các sầu, bi, khổ, ưu, não. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm thuốc giải độc của đức Thế Tôn.’

 ‘Bất cứ các thuốc giải độc nào ở thế gian đều là những vật đẩy lùi các chất độc, không có loại nào sánh bằng thuốc giải độc là Giáo Pháp, này các tỳ khưu, các ngươi hãy uống loại này.’”

8. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm thuốc chữa bệnh của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”  

“Tâu đại vương, các thuốc chữa bệnh đã được đức Thế Tôn nói đến, với các thuốc chữa bệnh này đức Thế Tôn ấy chữa bệnh cho chư Thiên và nhân loại, như là: Bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh tinh tấn, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy chi phần đưa đến giác ngộ, Thánh Đạo tám chi phần. Với những thuốc chữa bệnh này đức Thế Tôn tẩy sạch tà kiến, tẩy sạch tà tư duy, tẩy sạch tà ngữ, tẩy sạch tà nghiệp, tẩy sạch tà mạng, tẩy sạch tà tinh tấn, tẩy sạch tà niệm, tẩy sạch tà định, làm cho ói ra tham, làm cho ói ra sân, làm cho ói ra si, làm cho ói ra ngã mạn, làm cho ói ra tà kiến, làm cho ói ra hoài nghi, làm cho ói ra phóng dật, làm cho ói ra sự dã dượi buồn ngủ, làm cho ói ra sự không hổ thẹn và không ghê sợ (tội lỗi), làm cho ói ra tất cả phiền não. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm thuốc chữa bệnh của đức Thế Tôn.’

‘Bất cứ các thuốc chữa bệnh nào được tìm thấy ở thế gian là đa dạng và có nhiều, không có loại nào sánh bằng thuốc chữa bệnh là Giáo Pháp, này các tỳ khưu, các ngươi hãy uống loại này.

Sau khi uống vào thuốc chữa bệnh là Giáo Pháp, thì có thể trở thành không già không chết. Sau khi tu tập và sau khi nhìn thấy, thì được tịch diệt ở sự đoạn tận mầm mống tái sanh.’”

9. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm thuốc bất tử của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, thuốc bất tử đã được đức Thế Tôn nói đến, với thuốc bất tử này đức Thế Tôn ấy rưới rắc cho thế gian luôn cả chư Thiên, do đã được rưới rắc với thuốc bất tử này, chư Thiên và nhân loại đã được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Thuốc bất tử ấy là cái nào? Tức là niệm đặt ở thân. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến: ‘Này các tỳ khưu, những người nào thọ hưởng niệm đặt ở thân, những người ấy thọ hưởng sự bất tử.’ Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm bất tử của đức Thế Tôn.’

‘Sau khi nhìn thấy loài người bị bệnh, Ngài đã bày ra cửa hàng thuốc bất tử. Này các tỳ khưu, các người hãy mua vật ấy bằng nghiệp (thiện) và hãy nhận lấy thuốc bất tử.’”

10. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm châu báu của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, các châu báu đã được đức Thế Tôn nói đến. Được trang điểm với các châu báu này, những người con trai của đức Thế Tôn chiếu sáng, soi sáng, tỏa sáng, rực sáng, phát sáng ở thế gian luôn cả chư Thiên, phô bày ánh sáng ở hướng trên, ở hướng dưới, ở hướng ngang. Các châu báu ấy là các loại nào? Giới báu, định báu, tuệ báu, giải thoát báu, trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát báu, các tuệ phân tích báu, các giác chi báu.

Tâu đại vương, giới báu của đức Thế Tôn là cái nào? Giới của sự thu thúc theo giới bổn Pātimokkha, giới của sự thu thúc ở các quyền, giới của sự trong sạch về nuôi mạng, giới liên quan đến các vật dụng, giới nhỏ, giới trung, giới lớn, giới của Đạo, giới của Quả. Tâu đại vương, thế gian luôn cả chư Thiên, cùng với Ma Vương, Phạm Thiên, và các dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn đều ước muốn, mong cầu người đã được trang sức với châu báu của giới.  

Tâu đại vương, được chưng diện với châu báu của giới, vị tỳ khưu chiếu sáng, chiếu chói lọi ở hướng chính, hướng phụ, hướng trên, hướng dưới, hướng ngang. Vị ấy vượt qua, ngự trên, nhấn chìm tất cả các châu ngọc ở trong khoảng giữa, tính từ phía dưới là địa ngục Vô Gián từ phía trên là cõi cao nhất, rồi đứng lại. Tâu đại vương, các giới báu có hình thức như thế được chưng bày ở cửa tiệm châu báu của đức Thế Tôn. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘giới báu của đức Thế Tôn.’

‘Các giới có hình thức như thế hiện diện ở cửa tiệm của đức Phật. Các ngươi hãy mua châu báu ấy bằng nghiệp (thiện), và hãy chưng diện.’

11. Tâu đại vương, định báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, định có tầm có tứ, định không tầm chỉ có tứ, định không tầm không tứ, định không tánh, định vô tướng, định vô nguyện. Tâu đại vương, đối với vị tỳ khưu chưng diện định báu, các suy nghĩ về (ngũ) dục, các suy nghĩ về oán hận, các suy nghĩ về hãm hại, ngã mạn, phóng dật, tà kiến, hoài nghi, các nền tảng của phiền não, và nhiều loại suy nghĩ xấu xa, tất cả chúng sau khi tiếp cận với định thì phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, không trụ lại, không đeo bám. Tâu đại vương, giống như nước ở lá sen thì phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, không trụ lại, không đeo bám. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Vì tính chất trong sạch của cây sen. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với vị tỳ khưu chưng diện định báu, các suy nghĩ về (ngũ) dục, các suy nghĩ về oán hận, các suy nghĩ về hãm hại, ngã mạn, phóng dật, tà kiến, hoài nghi, các nền tảng của phiền não, và nhiều loại suy nghĩ xấu xa, tất cả chúng sau khi tiếp cận với định thì phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, không trụ lại, không đeo bám. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Vì tính chất trong sạch của định. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘định báu của đức Thế Tôn.’ Tâu đại vương, các định báu có hình thức như thế được chưng bày ở cửa tiệm châu báu của đức Thế Tôn.

 ‘Đối với vị có tràng hoa là định báu, các suy nghĩ xấu xa không sanh lên, và tâm không bị tán loạn, các ngươi hãy chưng diện vật ấy.’

12. Tâu đại vương, tuệ báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, với tuệ nào vị Thánh đệ tử nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Cái này là thiện,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Cái này là bất thiện,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Cái này là có tội, cái này là không có tội, cái này là nên thực hành, cái này là không nên thực hành, cái này là thấp kém, cái này là hảo hạng, cái này là đen, cái này là trắng, cái này có sự lẫn lộn giữa đen và trắng,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.’ Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘tuệ báu của đức Thế Tôn.’

‘Đối với vị có tràng hoa là tuệ báu, sự hiện hữu không xoay chuyển lâu dài. Vị ấy mau chóng chạm đến Bất Tử, và không thích thú ở sự hiện hữu.’

13. Tâu đại vương, giải thoát báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, ‘giải thoát báu’ được gọi là phẩm vị A-la-hán. Tâu đại vương, vị tỳ khưu đã đạt đến phẩm vị A-la-hán được gọi là ‘chưng diện giải thoát báu.’  

Tâu đại vương, giống như người đàn ông, được trang điểm với đồ trang sức là xâu chuỗi ngọc trai, ngọc ma-ni, vàng, san hô, thân thể được thoa với dầu thơm của các cây tagara, tālīsa, và trầm hương đỏ, được điểm tô với các loại hoa lim, hoa nguyệt quế, hoa salaḷa, hoa cầy, hoa nhài vàng, hoa atimuttaka, hoa vòi voi, hoa sen, hoa nhài trâu, hoa nhài Ả-rập, thì vượt trội, chiếu sáng, chói sáng, soi sáng, tỏa sáng, lóe sáng, rực sáng, phát sáng, ngự trị, nhấn chìm những người còn lại bằng các đồ trang sức là vòng hoa, hương thơm, và châu báu. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị đã đạt đến phẩm vị A-la-hán, có lậu hoặc đã cạn kiệt, được chưng diện giải thoát báu, so với các tỳ khưu đã được giải thoát có liên quan điều này điều khác, thì vượt trội, vượt lên, chiếu sáng, chói sáng, soi sáng, lóe sáng, rực sáng, phát sáng, ngự trị, nhấn chìm với sự giải thoát (của bản thân). Điều ấy có nguyên nhân là gì? Tâu đại vương, vật chưng diện này là tối thắng trong số tất cả các vật chưng diện, tức là giải thoát báu. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘giải thoát báu của đức Thế Tôn.’

‘Người (làm công) trong nhà ngước nhìn người chủ đang mang tràng hoa có ngọc ma-ni, còn thế gian có cả chư Thiên ngước nhìn tràng hoa có giải thoát báu.’

14. Tâu đại vương, trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, trí về việc quán xét lại được gọi là ‘trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát báu’ của đức Thế Tôn, nhờ vào trí ấy vị Thánh đệ tử quán xét lại Đạo, Quả, Niết Bàn, các phiền não đã dứt bỏ và các phiền não còn sót lại.

‘Nhờ vào trí nào, các bậc Thánh biết rõ trạng thái đã hoàn thành phận sự, hỡi những người con của đấng Chiến Thắng, hãy tinh tấn để đạt được châu báu trí tuệ ấy.’

15. Tâu đại vương, tuệ phân tích báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, là bốn tuệ phân tích là ‘tuệ phân tích về ý nghĩa, tuệ phân tích về pháp, tuệ phân tích về ngôn từ, tuệ phân tích về phép biện giải.’ Tâu đại vương, được trang điểm với bốn tuệ phân tích báu này, vị tỳ khưu đi đến mỗi một tập thể nào, dầu là tập thể Sát-đế-lỵ, hay tập thể Bà-la-môn, hay tập thể gia chủ, hay tập thể Sa-môn, đều đi đến với sự tự tin, không có trạng thái hổ thẹn, không nhút nhát, không hãi sợ, không hốt hoảng, đi đến tập thể không bị nổi da gà. Tâu đại vương, giống như người chiến sĩ, anh hùng của chiến trận, đã vũ trang năm loại vũ khí, không kinh sợ, lao vào chiến trận (nghĩ rằng): ‘Nếu các quân địch ở xa, ta sẽ hạ gục bằng mũi tên, kế đó gần hơn nữa thì ta sẽ đánh bằng cây lao, kế đó gần hơn nữa thì ta sẽ đánh bằng cây thương, với kẻ đang tiến đến gần thì ta sẽ chém làm hai bằng cây kiếm lưỡi cong, còn kẻ đã đến sát bên thân thì ta sẽ đâm thủng bằng cây dao.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị tỳ khưu được trang sức với bốn tuệ phân tích đi vào tập thể không kinh sợ (nghĩ rằng): ‘Bất cứ người nào hỏi ta câu hỏi về phân tích ý nghĩa, đối với người ấy ta sẽ thuyết giảng về ý nghĩa bằng ý nghĩa, ta sẽ thuyết giảng về lý do bằng lý do, ta sẽ thuyết giảng về nguyên nhân bằng nguyên nhân, ta sẽ thuyết giảng về phương pháp bằng phương pháp, ta sẽ làm cho không còn nghi ngờ, ta sẽ cô lập sự phân vân, ta sẽ làm cho hoan hỷ bằng sự giải thích câu hỏi.  

Bất cứ người nào hỏi ta câu hỏi về phân tích pháp, đối với người ấy ta sẽ thuyết giảng về pháp bằng pháp, ta sẽ thuyết giảng về Bất Tử bằng Bất Tử, ta sẽ thuyết giảng về không tạo tác bằng không tạo tác, ta sẽ thuyết giảng về Niết Bàn bằng Niết Bàn, ta sẽ thuyết giảng về không tánh bằng không tánh, ta sẽ thuyết giảng về vô tướng bằng vô tướng, ta sẽ thuyết giảng về vô nguyện bằng vô nguyện, ta sẽ thuyết giảng về bất động bằng bất động, ta sẽ làm cho không còn nghi ngờ, ta sẽ cô lập sự phân vân, ta sẽ làm cho hoan hỷ bằng sự giải thích câu hỏi.

Bất cứ người nào hỏi ta câu hỏi về phân tích ngôn từ, đối với người ấy ta sẽ thuyết giảng về ngôn từ bằng ngôn từ, ta sẽ thuyết giảng về đoạn kệ đầu bằng đoạn kệ đầu, ta sẽ thuyết giảng về đoạn kệ kế tiếp bằng đoạn kệ kế tiếp, ta sẽ thuyết giảng về âm từ bằng âm từ, ta sẽ thuyết giảng về nối âm bằng nối âm, ta sẽ thuyết giảng về phụ âm bằng phụ âm, ta sẽ thuyết giảng về âm phụ thuộc bằng âm phụ thuộc, ta sẽ thuyết giảng về hình thức bằng hình thức, ta sẽ thuyết giảng về nguyên âm bằng nguyên âm, ta sẽ thuyết giảng về khái niệm bằng khái niệm, ta sẽ thuyết giảng về tên gọi bằng tên gọi, ta sẽ làm cho không còn nghi ngờ, ta sẽ cô lập sự phân vân, ta sẽ làm cho hoan hỷ bằng sự giải thích câu hỏi.

Bất cứ người nào hỏi ta câu hỏi về phân tích phép biện giải, đối với người ấy ta sẽ thuyết giảng về phép biện giải bằng phép biện giải, ta sẽ thuyết giảng về ví dụ bằng ví dụ, ta sẽ thuyết giảng về tướng trạng bằng tướng trạng, ta sẽ thuyết giảng về phẩm vị bằng phẩm vị, ta sẽ làm cho không còn nghi ngờ, ta sẽ cô lập sự phân vân, ta sẽ làm cho hoan hỷ bằng việc giải thích câu hỏi. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘các tuệ phân tích báu của đức Thế Tôn.’

‘Sau khi mua các tuệ phân tích, nhờ vào trí vị nào có thể chạm đến, thì (vị ấy) không kinh sợ, không xao động, chói sáng thế gian luôn cả chư Thiên.’

16. Tâu đại vương, giác chi báu của đức Thế Tôn là cái nào? Tâu đại vương, có bảy giác chi này là: ‘Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, cần giác chi, hỷ giác chi, tịnh giác chi, định giác chi, xả giác chi.’ Tâu đại vương, được trang điểm với bảy giác chi báu này, vị tỳ khưu chế ngự mọi sự tối tăm, soi sáng, tỏa sáng, thế gian luôn cả chư Thiên, và làm sanh lên ánh sáng. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘giác chi báu của đức Thế Tôn.’

‘Thế gian luôn cả chư Thiên đều đứng dậy (chào) đối với người có tràng hoa là giác chi báu. các ngươi hãy mua châu báu ấy bằng nghiệp (thiện), và hãy chưng diện.’”

17. “Thưa ngài Nāgasena, cửa tiệm tổng hợp của đức Phật Thế Tôn là cái nào?”

“Tâu đại vương, cửa tiệm tổng hợp của đức Thế Tôn có lời dạy của đức Phật gồm chín thể loại, các xá-lợi, các vật dụng, các bảo tháp, và Hội Chúng báu. Tâu đại vương, do đức Thế Tôn ở cửa tiệm tổng hợp sự thành tựu về sanh chủng được chưng bày, sự thành tựu về của cải được chưng bày, sự thành tựu về tuổi thọ được chưng bày, sự thành tựu về không bệnh được chưng bày, sự thành tựu về sắc đẹp được chưng bày, sự thành tựu về tuệ được chưng bày, sự thành tựu về cõi người được chưng bày, sự thành tựu về cõi trời được chưng bày, sự thành tựu về Niết Bàn được chưng bày.  

Tại nơi ấy, những người nào ước muốn sự thành tựu này hay sự thành tựu nọ, những người ấy sau khi trao ra tiền vốn là nghiệp (thiện) rồi mua lấy sự thành tựu đã được mong mỏi thế này thế nọ. Nhiều người mua bằng sự thọ trì giới, nhiều người mua bằng việc hành trì trai giới, rồi nhận được các sự thành tựu tùy theo từng phần tiền vốn là nghiệp (thiện) ít ỏi. Tâu đại vương, giống như ở cửa tiệm của người chủ tiệm có các loại mè, đậu mugga, đậu māsa, những người ấy mua gạo, đậu mugga, đậu māsa, với số lượng chút ít tùy theo từng phần tiền vốn ít ỏi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ở cửa tiệm tổng hợp của đức Thế Tôn, những người ấy nhận được các sự thành tựu tùy theo từng phần tiền vốn là nghiệp (thiện) ít ỏi. Tâu đại vương, cái này được gọi là ‘cửa tiệm tổng hợp của đức Thế Tôn.’

‘Tuổi thọ, sự không bệnh, sắc đẹp, cõi trời, việc có được gia tộc cao sang, và sự không tạo tác, sự Bất Tử là có ở của hàng tổng hợp, ở đấng Chiến Thắng.

Được nhận lấy ít hay nhiều tùy theo phần tiền vốn là nghiệp (thiện). Này các tỳ khưu, sau khi mua bằng tiền vốn là đức tin, các ngươi hãy được thành tựu.’

18. Tâu đại vương, ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn có những người như thế này sinh sống: Các vị chuyên về Kinh, các vị chuyên về Luật, các vị chuyên về Vi Diệu Pháp, các vị thuyết giảng về Pháp, các vị trì tụng Bổn Sanh, các vị trì tụng Trường Bộ, các vị trì tụng Trung Bộ, các vị trì tụng Tương Ưng, các vị trì tụng Tăng Chi, các vị trì tụng Tiểu Bộ, các vị đầy đủ giới, các vị đầy đủ định, các vị đầy đủ tuệ, các vị thích thú việc tu tập các giác chi, các vị hành minh sát, các vị gắn liền với mục đích của mình, các vị ngụ ở rừng, các vị ngụ ở gốc cây, các vị ngụ ở ngoài trời, các vị ngụ ở đống rơm, các vị ngụ ở mộ địa, các vị (hành pháp) về oai nghi ngồi (không nằm), các vị đã tiến đến (Đạo), các vị đã trú ở Quả, các vị Hữu Học đã đạt được quả vị, các vị Nhập Lưu, các vị Nhất Lai, các vị Bất Lai, các vị A-la-hán có ba Minh, có sáu Thắng Trí, có thần thông, đã đạt đến sự toàn hảo về tuệ, thiện xảo về sự thiết lập niệm, chánh tinh tấn, nền tảng của thần thông, quyền, lực, giác chi, Đạo, thiền, giải thoát, sắc và vô sắc, về việc thể nhập vào sự tịch tịnh và an lạc. Thành phố Giáo Pháp đã là đông đúc, dầy đặc, chen chúc, tràn ngập với các vị A-la-hán ấy, tợ như rừng sậy hay rừng mía đường. Ở đây có:

‘Các vị có luyến ái đã lìa, có sân đã lìa, có si đã lìa, không còn lậu hoặc, có tham ái đã lìa, không còn chấp thủ, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị ngụ ở rừng, duy trì pháp từ khước, chứng thiền, có y thô xấu, thỏa thích sự cô độc, sáng suốt, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị giữ oai nghi ngồi, ngụ chỗ được chỉ định, đứng và đi kinh hành, tất cả đều mang y may bằng vải quăng bỏ, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị sử dụng ba y, thanh tịnh, có mảnh da thú là vật thứ tư, thích thú việc (thọ thực) một chỗ ngồi, hiểu biết, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị ít ham muốn, chín chắn, sáng suốt, (thọ) chút ít vật thực, không tham lam, tự biết đủ với việc có hay không có, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.  

Các vị chứng thiền, thích thú với thiền, sáng suốt, có tâm thanh tịnh, được định tĩnh, có sự mong mỏi về cõi thiền Vô Sở Hữu, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị đã tiến đến (Đạo), đã trú ở Quả, là các bậc Hữu Học, đã đạt được quả vị, là những vị mong mỏi mục đích tối thượng, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị Nhập Lưu, không vết nhơ, và các vị Nhất Lai, các vị Bất Lai, và các vị A-la-hán, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị thiện xảo về sự thiết lập niệm, thích thú việc tu tập các Giác chi, các vị hành Minh Sát, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị thiện xảo về các nền tảng của thần thông, thích thú việc tu tập định, gắn bó với chánh tinh tấn, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị đã đạt đến sự toàn hảo về các Thắng Trí, thích thú với hành xứ có tính chất truyền thống, có sự di chuyển ở không trung, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị có mắt nhìn xuống, nói năng chừng mực, có các giác quan được canh phòng, khéo thu thúc, đã được huấn luyện tốt đẹp ở Giáo Pháp tối thượng, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.

Các vị có ba Minh, và sáu Thắng Trí, đã đi đến sự toàn hảo của thần thông, đã đạt được sự toàn hảo về tuệ, các vị ấy sống ở thành phố Giáo Pháp.’

19. Tâu đại vương, những vị tỳ khưu nào có sự gìn giữ trí cao quý không đo lường được, không bị ràng buộc, có đức hạnh không thể so sánh, có danh vọng không so sánh được, có năng lực không so sánh được, có vinh quanh không so sánh được, là các vị tiếp tục chuyển vận bánh xe Giáo Pháp, đã đi đến sự toàn hảo về tuệ, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘các tướng quân Chánh Pháp’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào có thần thông, có các tuệ phân tích đã được chứng đạt, có các sự tự tín đã được đạt đến, có sự di chuyển ở không trung, khó sánh bằng, khó khuất phục, di chuyển không cần vật để bám víu, làm rúng động trái đất có biển và núi, có thể vuốt ve mặt trăng và mặt trời, thiện xảo về biến hóa, về sự chú nguyện và phát nguyện, đã đi đến sự toàn hảo về thần thông, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị quân sư’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào đã theo đuổi các pháp từ khước, ít ham muốn, tự biết đủ, chán ghét sự yêu cầu và sự tầm cầu sai trái, đi khất thực theo từng nhà, tợ như các con ong hút lấy hương hoa rồi đi vào khu rừng cô quạnh, không quan tâm đến thân thể và mạng sống, đã đạt được phẩm vị A-la-hán, đã được xem là tối thắng về đức hạnh của các pháp từ khước, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị quan tòa’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào thanh tịnh, không vết nhơ, không còn phiền não, thiện xảo về tử sanh, đã đi đến sự toàn hảo về Thiên nhãn, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị thắp sáng thành phố’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.  

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào nghe nhiều, có Kinh điển được truyền thừa, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, có sự ghi nhớ về Luật, có sự ghi nhớ về các tiêu đề, thiện xảo về việc chia chẻ các âm là không gió hay có gió, dài hay ngằn, nặng hay nhẹ, có sự ghi nhớ về các lời giáo huấn gồm chín thể loại, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị bảo vệ Giáo Pháp’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào hiểu biết về Luật, thông thái về Luật, thiện xảo về phần mở đầu và phần đọc tụng, thiện xảo về sự phạm tội, sự không phạm tội, tội nặng có thể chữa trị hay không thể chữa trị, sự thoát tội, sự trình báo tội, sự khiển trách, sự sửa chữa, sự mời vào, sự đuổi ra, sự hòa giải, đã đi đến sự toàn hảo về Luật, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị thành thạo về nghi thức’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào được quàng vào tràng hoa gồm các bông hoa cao quý của sự giải thoát, đã đạt được bản thể cao quý, ưu tú, giá trị cao, đứng đầu, được yêu quý và mong mỏi của số đông người, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người chủ tiệm hoa’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào đã được thấu triệt sự lãnh hội về bốn Sự Thật, đã nhìn thấy Sự Thật, đã nhận thức được Giáo Pháp, đã vượt qua các sự hoài nghi về bốn quả vị Sa-môn, đã đạt được an lạc của quả vị, và chia phần những quả vị ấy cùng với những vị khác cũng đang thực hành, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người chủ tiệm trái cây’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào được thoa hương thơm tốt đẹp cao quý của giới, mang nhiều đức hạnh đủ các loại, làm tiêu tan mùi thối của phiền não và ô nhiễm, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người chủ tiệm hương liệu’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào yêu mến Giáo Pháp, có lời nói đáng yêu quý, có sự vui thích tột bực ở Thắng Pháp, ở Thắng Luật, những vị đi vào rừng, đi đến cội cây, đi đến ngôi nhà trống vắng, uống vào vị nếm cao quý của Giáo Pháp, được thấm nhuần hương vị cao quý của Giáo Pháp bằng thân, bằng khẩu, và bằng ý, có tài biện giải tuyệt vời, đã thực hành sự tầm cầu về Pháp trong số các Pháp, từ nơi này hoặc từ nơi kia, ở nơi nào có sự thuyết giảng về ít ham muốn, thuyết giảng về sự tự hoan hỷ, thuyết giảng về sự tách ly, thuyết giảng về sự không kết giao, thuyết giảng về việc khởi sự tinh tấn, thuyết giảng về giới, thuyết giảng về định, thuyết giảng về tuệ, thuyết giảng về giải thoát, thuyết giảng về trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát, sau khi đi đến nơi này nơi khác và uống vào từng hương vị của cuộc thuyết giảng, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những vị nghiện uống, có sự khao khát’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào đầu đêm và cuối đêm gắn bó với sự rèn luyện về tỉnh thức, trải qua đêm ngày với việc ngồi, đứng, và đi kinh hành, gắn bó với sự rèn luyện về việc phát triển (thiền), đang đeo đuổi mục đích của mình nhằm xua đuổi các phiền não, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người canh giữ thành phố’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.  

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào bảo đọc, bảo đọc theo, giảng giải, lập lại lời dạy của đức Phật gồm chín thể loại về ý nghĩa, về văn tự, về phương pháp, về lý do, về nguyên nhân, và về ví dụ, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người chủ tiệm Giáo Pháp’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào là những người có của cải, có tài sản, với của cải là châu báu về Giáo Pháp, với của cải là sự học tập và lắng nghe về Kinh điển, có sự thấu triệt về nguyên âm, phụ âm, và đặc điểm đã được diễn đạt, có sự hiểu biết rộng rãi, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những người triệu phú về Giáo Pháp’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, hơn nữa những vị tỳ khưu nào có sự thấu triệt sự thuyết giảng tột bực, đã quen thuộc với sự phân loại và mô tả đối tượng (của tâm), đã đạt đến sự toàn hảo về đức hạnh của việc học tập, tâu đại vương, những vị tỳ khưu như thế được gọi là ‘những nhà đạo đức nổi tiếng’ ở thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn.

Tâu đại vương, thành phố Giáo Pháp của đức Thế Tôn đã khéo được bố trí như vậy, khéo được xây dựng như vậy, khéo được sắp xếp như vậy, khéo được bồi đắp như vậy, khéo được xác định như vậy, khéo được bảo vệ như vậy, khéo được gìn giữ như vậy, khó bị chế ngự như vậy bởi những kẻ nghịch, những kẻ thù. Tâu đại vương, với lý do này, với nguyên nhân này, với phương pháp này, với sự suy luận này, nên nhận biết rằng: ‘Có đức Thế Tôn ấy.’

‘Cũng giống như sau khi nhìn thấy thành phố khéo được bố trí, làm thích ý, bằng suy luận họ nhận biết sự vĩ đại của nhà kiến trúc.

Y như thế ấy, sau khi nhìn thấy thành phố Giáo Pháp cao quý của đấng Bảo Hộ Thế Gian, bằng suy luận họ biết rằng: ‘Có đức Thế Tôn ấy.’

Sau khi nhìn thấy làn sóng ở biển cả, bằng suy luận họ biết rằng theo như làn sóng này được nhìn thấy thì biển cả sẽ là lớn lao.

Tương tợ, đức Phật là bậc xua đi nỗi sầu muộn, không bị đánh bại ở mọi nơi, đã đạt đến sự cạn kiệt của tham ái, có sự thoát khỏi sự luân chuyển trong các cõi.

Sau khi nhìn thấy làn sóng ở thế gian luôn cả chư Thiên, theo như sự lan rộng của làn sóng Giáo Pháp, bằng suy luận có thể biết được đức Phật sẽ là hạng nhất.

Sau khi nhìn thấy ngọn núi vươn cao, theo như cách nó được vươn cao, bằng suy luận họ biết rằng nó sẽ là núi Hi-mã-lạp.

Tương tợ, sau khi nhìn thấy ngọn núi Giáo Pháp của đức Thế Tôn có trạng thái mát lạnh, không có mầm mống tái sanh, vươn cao, không dao động, khéo được thiết lập.

Sau khi nhìn thấy ngọn núi Giáo Pháp, bằng suy luận có thể biết được bậc Đại Hùng ấy chính là như thế, đức Phật sẽ là hạng nhất.

Cũng giống như sau khi nhìn thấy bàn chân của con voi chúa, bằng suy luận mọi người biết được rằng: ‘Con voi ấy là to lớn.’

Y như thế ấy, sau khi nhìn thấy dấu chân của đức Phật vĩ đại, bậc có sự thông suốt, bằng suy luận họ biết rằng vị ấy sẽ là tột bực.

Sau khi nhìn thấy những con thú nhỏ bị sợ hãi, bằng suy luận họ biết rằng: ‘Những con thú nhỏ này bị sợ hãi bởi âm thanh của con thú chúa.’  

Y như thế ấy, sau khi nhìn thấy các ngoại đạo bị bối rối, có tâm sợ hãi, bằng suy luận có thể biết được tiếng rống của đấng Pháp Vương.

Sau khi nhìn thấy trái đất đã được nguội lạnh, đạt được màu xanh, có nhiều nước, bằng suy luận họ biết rằng (trái đất) đã được nguội lạnh nhờ đám mưa lớn.

Y như thế ấy, sau khi nhìn thấy người này được vui mừng, hớn hở, bằng suy luận có thể biết được (người ấy) đã được toại ý bởi cơn mưa Giáo Pháp.

Sau khi nhìn thấy bụi bặm bị kết dính, bùn lầy, mặt đất trở thành lầy lội ẩm thấp, bằng suy luận họ biết rằng có khối nước lớn đã đi đến.

Y như thế ấy, sau khi nhìn thấy người này bị lấm lem bởi bụi bặm và bùn lầy, đã được đưa đến ở dòng sông Giáo Pháp, đã được chuyển đến ở biển cả Giáo Pháp.

Sau khi nhìn thấy quả đất này luôn cả chư Thiên đi đến sự Bất Tử của Giáo Pháp, bằng suy luận có thể biết được có Pháp uẩn vĩ đại đã đi đến.

Sau khi ngửi mùi hương tối thượng, bằng suy luận họ biết rằng là theo như mùi hương này thổi đến thì sẽ có những cây đã được trổ hoa.

Y như thế ấy, mùi hương giới đức này thổi ở thế gian luôn cả chư Thiên, bằng suy luận có thể biết được là có đức Phật vô thượng.’

20. Tâu đại vương, có thể chỉ cho thấy năng lực của đức Phật bằng một trăm lý do, bắng một ngàn lý do, bằng một trăm nguyên nhân, bằng một ngàn nguyên nhân, bằng một trăm phương pháp, bằng một ngàn phương pháp, bằng một trăm ví dụ, bằng một ngàn ví dụ. Tâu đại vương, giống như người làm tràng hoa khôn khéo, từ đống bông hoa nhiều loại, theo sự chỉ dạy của người thầy, bằng việc làm của cá nhân một người, có thể tạo thành một đống các kiểu tràng hoa nhiều màu sắc.

Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Thế Tôn ấy, có đức hạnh vô biên, có đức hạnh vô lượng, ví như đống bông hoa nhiều màu sắc. Giờ đây, ví như người làm tràng hoa, người kết bông hoa trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, cũng bằng đường lối của các vị thầy tiền bối, cũng bằng năng lực ở sự sáng suốt của tôi, tôi sẽ giải thích năng lực của đức Phật bằng cách suy luận bằng nhiều lý lẽ không thể đếm được. Vậy thì trong trường hợp này, đại vương hãy khởi lên ước muốn về việc lắng nghe.”

21. “Thưa ngài Nāgasena, thật là việc khó khăn để chỉ cho thấy năng lực của đức Phật bằng sự suy luận bằng lý lẽ có hình thức như vầy đối với những người khác. Thưa ngài Nāgasena, trẫm đã được thỏa mãn với việc giải thích câu hỏi một cách vô cùng đa dạng của ngài.”



II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
1:Xin chia sẻ cảm nhận cá nhân về di sản giáo pháp của Đức Phật - ĐĐ Pháp Tín
2. Một người học và hành trì giáo pháp vì vui với đạo thì có khác với người tu vì thấy khổ của đời? TTPháp Tân


No comments:

Post a Comment