Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Quyền
Chương Ba Pháp
Phẩm Người
30.- Lộn Ngược
- Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, hạng người với trí tuệ rộng lớn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ lộn ngược? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) thường thường nghe pháp từ các Tỷ-kheo, các vị Tỷ-kheo thuyết pháp cho người ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, một cái ghè bị lộn ngược, nước chứa trong ấy tuôn chảy, không có dừng lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn ... không có tác ý đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên ... không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ lộn ngược.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ bắp vế? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá). Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu, có tác ý đến đoạn giữa, có tác ý đến đoạn cuối. Nhưng khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng dậy, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, trên bắp vế của một người, các loại đồ ăn được chồng lên như hạt mè, hột gạo, các loại kẹo và trái táo. Khi từ chỗ ngồi đứng dậy, vì vô ý, người ấy làm đổ vãi tất cả. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn ... Người ấy, tại chỗ ngồi ấy ... có tác ý đoạn cuối. Nhưng khi người ấy tại chỗ ngồi ấy đứng dậy ... không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ bắp vế.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có trí tuệ rộng lớn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) ... trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè được dựng đứng, nước chứa trong ấy được giữ lại, không có chảy đi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ở đây, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) ... trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có trí tuệ rộng lớn.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Hạng trí tuệ lộn ngược
Không thông minh, không mắt
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Họ không học được gì,
Họ không có trí tuệ
Hạng trí tuệ bắp vế
Ðược gọi là tốt hơn
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Ngồi trên chỗ mình ngồi
Nắm giữ được lời văn
Ðứng dậy không hiểu rõ
Quên mất điều đã nắm
Bậc trí tuệ rộng lớn
Ðược gọi tốt hơn cả
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Ngồi trên chỗ mình ngồi
Nắm giữ được lời văn
Thọ trì điều được nghe
Suy tư điều tối thắng
Với ý không dao động
Là hạng người như vậy
Thực hành pháp, tùy pháp
Có thể đoạn khổ đau.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
2 Có người thì nói rằng vị giảng sư giảng có thơ có hài hước nghe thích thú như vậy thì dễ nghe pháp và dễ nhớ hơn. Nhưng có người cho rằng những điều đó làm người ta không nhớ pháp. Vậy chúng ta có nên giảng nhiều màu sắc hay ch3 trình bày chi pháp là ưu tiên? - TT Tuệ Quyền
3. Khi chúng ta nghe pháp hay đọc sách thì có nên gắng liền với một vị giảng sư hay một tác giả nào đó không, hay chúng ta nên nghe nhiều vị giảng sư và dọc sách thì nhiều tác giả? - TT Pháp Đăng
4. TT Giác Đẳng giảng về cách đặt câu hỏi cho biết mình thật sự muốn khám phá điều gì và Giảng Sư sẽ theo đó giảng để mình hiểu?
III. Đố Vui
No comments:
Post a Comment