Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Quyền
Chương Ba Pháp
IV. Phẩm Sứ Giả Của Trời
34.- Về Alavì
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Alavì, tại Gomagga, trong rừng Simsapà, trên chỗ có trải lá.
Rồi Hatthaka, người Alavì, đang đi bộ hàng du ngoạn, thấy Thế Tôn đang ngồi trên chỗ có trải lá trong rừng Simsapà ở Gomagga, thấy vậy, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Hatthaka người Alavì bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống có an lạc không?
- Phải, này Hoàng Tử, ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy.
- Bạch Thế Tôn, lạnh là đêm mùa đông, thời gian giữa những ngày tám (trước và sau ngày rằm) là thời gian tuyết rơi, cứng rắn là đất do trâu bò dẫm đạp, mỏng manh là nệm làm bằng lá, lưa thưa là những lá của cây, lạnh là tấm vải cà sa, và lạnh là làn gió thổi.
Rồi Thế Tôn nói như sau:
- Dẫu vậy, này Hoàng Tử, Ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy. Vậy nay, này Hoàng Tử, ở đây ta sẽ hỏi Hoàng Tử, nếu có thể kham nhẫn, Hoàng Tử hãy trả lời. Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng Tử? Ở đây, người gia chủ hay con người gia chủ có nhà có nóc nhọn, với các tường trét trong trét ngoài, che chở khỏi gió, chốt cửa được khóa chặt, các cửa sổ được đóng kín. Trong ấy, có một chỗ nằm có trải tấm thảm len với lông dài, với tấm vải giường bằng len trắng, chăn len thêu bông, nệm bằng da quý con sơn dương kadali, tấm thảm có tàn che phía trên và gối nệm đỏ cả hai đầu, có đèn thắp đỏ và bốn bà vợ đẹp hầu hạ. Này Hoàng Tử, Hoàng Tử nghĩ thế nào, người ấy nằm ngủ có an lạc không? Hay Hoàng Tử nghĩ thế nào?
- Bạch Thế Tôn, người ấy nằm ngủ an lạc. Nếu có những người cảm thấy an lạc ở đời, người ấy là một trong những người ấy.
- Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng tử, với người gia chủ hay người con của người gia chủ ấy, khởi lên những nhiệt não về thân hay về tâm, do tham ái sanh. Bị nung đốt bởi những nhiệt não do tham ái sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, này Hoàng Tử, bị nung đốt bởi những nhiệt não do tham ái sanh, cảm thấy đau khổ. Tham ái ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy ta cảm thấy an lạc.
Hoàng Tử nghĩ thế nào, này Hoàng Tử, với người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, khởi lên những nhiệt não về thân hay tâm do sân sanh ... do si sanh. Bị nung đốt bởi những nhiệt não do si sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, này Hoàng Tử, bị nung đốt bởi những nhiệt não do si sanh, cảm thấy đau khổ. Si ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy ta cảm thấy an lạc.
Luôn luôn được an lạc,
Vi phạm chí tịch tịnh
Không bị dục uế nhiễm
Trong mát, không sanh y,
Mọi tham trước dứt đoạn,
Nhiếp phục tâm sầu khổ,
An tịnh, cảm thọ lạc
Với tâm đạt an tịnh.
II. Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hợp.
III. Đố Vui
Câu hỏi 1. Cái nhìn về hạnh phúc của các bậc thánh khác biệt thế nào so với phần đông?
A. Hạnh phúc của vật chất không bằng hạnh phúc của nội tâm
B. Hạnh phúc của nội tâm là sự giảm thiểu phiền não
C. Sự an lạc thật sự ảnh hưởng nhiều bời sự nhận thức
D. Cả ba câu trên đều đúng.
TT Pháp Tân cho đáp án câu Số 1 là D.
Câu hỏi 2. Thí dụ nào sau đây cho thấy sự an lạc do từ bỏ chấp ngã?
A. Làm việc thiện chỉ vì hoan hỷ với việc thiện là nghĩ mình là ai
B. Thi ân bất cầu báo
C. Cống hiến mà không màng khen chê
D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Pháp Đăng cho đáp án câu Số 1 là D.
Câu hỏi 3. Thí dụ nào sau đây cho thấy sự an lạc do từ bỏ chấp ngã sở (của ta)?
A. Thấy được cái đẹp từ những người KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI THÂN CỦA MÌNH
B. Hoà quyện tâm tư với cái vui của số đông
C. Có thể hưởng được cái đẹp của thiên nhiên mặc dù đó "không phải là hoa trong vườn của mình
D. Cả ba câu trên đều đúng
ĐĐ Pháp Tín cho đáp án câu Số 3 là D.
Câu hỏi 4. Thí dụ nào sau đây cho thấy sự an lạc của từ bỏ mạn tuỳ miên (so sánh nhân ngã bĩ thử)?
A. Không đau khổ vì mình kém người
B. Không cao ngạo nghi là mình hơn người
C. Không thấy vô vị khi minh không hơn hay kém người
D. Cả ba câu trên đêu đúng
TT Tuệ Quyền cho đáp án câu Số 4 là D.
Câu hỏi 5. Tập sống an lạc nội tâm cho chúng ta lợi ích nào sau đây:
A. Không tự làm khó mình với những điều kiện vật chất
B. Có thể an lạc trong nhiều hoàn cảnh
C. Giờ phút lâm chung có thể vững tâm
D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Pháp Tân cho đáp án câu Số 5 là D.
No comments:
Post a Comment