Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Giảng Sư: ĐĐ Pháp Tín
Chương Ba Pháp
Phẩm Người
28.- Nói Như Hoa
- Có ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người nói như phân, hạng người nói như hoa, hạng người nói như mật.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như phân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người khi đi vào hội trường, hay đi vào hội chúng, hay khi đi đến giữa các người bà con, hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến giữa cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: "Ngươi biết gì, hãy nói lên". Người ấy không biết, nói rằng: "Tôi có biết"; có biết, nói rằng: "Tôi không biết"; không thấy, nói rằng: "Tôi có thấy"; có thấy, nói rằng: "Tôi không thấy". Do vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ, mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như phân.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như hoa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người khi đi vào hội trường, hay khi đi vào hội chúng, hay khi đi đến giữa các người bà con, hay khi đi đến giữa các người đồng một tổ hợp, hay đi đến cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: "Ngươi biết gì, hãy nói lên". Người ấy không biết, nói rằng: "Tôi không biết"; có biết, nói rằng: "Tôi có biết"; không thấy, nói rằng: "Tôi không thấy"; có thấy, nói rằng: "Tôi có thấy". Không vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói như hoa.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nói như mật? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đoạn tận ác ngữ, từ bỏ lời nói ác ngữ. Lời nói của người ấy không hại, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người thích ý, người ấy nói những lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người nói như mật.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
II. Thảo Luận: Chư Tăng điều hợp.
III. Đố Vui
Câu hỏi 1. Điều nào sau đây là nguyên nhân lớn nhất khiến người ta nói dối?
A. Vì vui đùa
B. Vì thói quen hay do sự giáo dục từ nhỏ
C. Vi ác ý
D. Vì áp lực
TT Tuệ Quyền cho đáp án câu Số 1 là B.
Câu hỏi 2. Điều nào sau đây có thế giúp chúng ta "tập nói đúng sự thật"?
A. Ý thức rằng mình thường nói dối thì sớm muộn người khác cũng biết sự thật
B. "Tìm hạnh phúc" trong lời chân thật
C. Phát nguyện thọ trì giới luật
D. Cả ba câu trên
TT Tuệ Siêu cho đáp án câu Số 2 là D
Câu hỏi 3. Trong sự trình bày Phật Pháp điều nào sau đây có thể được xem là đúng theo ý nghĩa của bài kinh hôm nay?
A. Người cố ý giải sai Phật Pháp để biện hộ cho điều không tốt của mình thì lời nói người ấy như phân.
B. Luôn nói với sự cố gắng tối đa làm thế nào để không sai với kinh điển đó là lời nói như hoa
C. Nói đúng với kinh điển, chẳng những vậy còn nói hay khiến người nghe hoan hỷ thì đó là lời nói như mật
D. Cả ba câu trên đều đúng
TT Tuệ Quyền cho đáp án câu Số 3 là D.
Câu hỏi 4. Câu nào sau đây đúng theo tam tạng kinh đỉển?
A. Giữ giới là cách tu của người căn cơ thấp
B. Tất cả những bậc hành trình trên đạo lộ giải thoất đều tu hạnh chân thật
C. Khẩu nghiệp có quả khinh thiểu
D. Nói dối vì vui đùa thì vô hại
TT Tuệ Siêu cho đáp án câu Số 4 là B
Câu số 5. Đức Phật đã dạy câu "Vị sa môn còn nói dối thì rỗng không như thau nước lật úp" cho vị nào sau đây? A. Tôn giả Sukha / B. Tôn giả Nanda / C. Tôn giả Rahual / D. Tôn giả Channa
TT Tuệ Quyền cho đáp án câu Số 5 là C.
No comments:
Post a Comment