Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 1/7/2019
34. Kinh Thập thượng (Dasuttara sutta) 1.3
XÚC – GIAO ĐIỂM CỦA TÂM VÀ CẢNH- , MỘT PHÁP CẦN ĐƯỢC BIẾN TRI
Eko, āvuso, dhammo bahukāro, eko dhammo bhāvetabbo, eko dhammo pariññeyyo, eko dhammo pahātabbo, eko dhammo hānabhāgiyo, eko dhammo visesabhāgiyo, eko dhammo duppaṭivijjho, eko dhammo uppādetabbo, eko dhammo abhiññeyyo, eko dhammo sacchikātabbo.
Này các Hiền giả, một pháp có nhiều tác dụng, một pháp cần phải tu tập, một pháp cần phải biến tri, một pháp cần phải đoạn trừ, một pháp chịu phần tai hại, một pháp đưa đến thù thắng, một pháp rất khó thể nhập, một pháp cần được sanh khởi, một pháp cần được thắng tri, một pháp cần được tác chứng.
Katamo eko dhammo pariññeyyo?
Phasso sāsavo upādāniyo.
Iii) Thế nào là một pháp cần phải biến tri? Xúc hữu lậu hữu thủ. Ðó là một pháp cần phải biến tri.
(Sớ giải: sāsavo upādāniyoti āsavānañceva upādānānañca paccayabhūto. iti tebhūmakadhammameva niyameti.)
Bài kinh sau đâu trích từ Trung Bộ giải về xúc và lậu hoặc:
148. Kinh Sáu sáu
(Chachakka sutta)
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm) tại tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).
Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo".
-- "Thưa vâng, Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các Ông, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta sẽ nói lên Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh, tức là sáu sáu. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
(Tóm lược)
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
-- Sáu nội xứ cần phải được biết. Sáu ngoại xứ cần phải được biết. Sáu thức thân cần phải được biết. Sáu xúc thân cần phải được biết. Sáu thọ thân cần phải được biết. Sáu ái thân cần phải được biết.
(Liệt kê)
Khi được nói đến: "Sáu nội xứ cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Khi được nói đến: "Sáu nội xứ cần phải được biết ", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ nhất.
Khi được nói đến: "Sáu ngoại xứ cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, pháp xứ. Khi được nói đến: "Sáu ngoại xứ cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ hai.
Khi được nói đến: "Sáu thức thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức. Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức. Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức. Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Khi được nói đến: "Sáu thức thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ ba.
Khi được nói đến: "Sáu xúc thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Khi được nói đến: "Sáu xúc thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ tư.
Khi được nói đến: "Sáu thọ thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức... Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức... Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức... Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức... Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Khi được nói đến: "Sáu thọ thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ năm.
Khi được nói đến: "Sáu ái thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức... Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức... Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức... Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức... Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Khi được nói đến: "Sáu ái thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ sáu.
(Giảng về vô ngã)
Nếu ai nói rằng: "Mắt là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của mắt đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt củ mắt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Mắt là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã.
Nếu ai nói rằng: "Các sắc là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của các sắc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của các sắc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Các sắc là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã.
Nếu ai nói rằng: "Nhãn thức là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của nhãn thức đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của nhãn thức đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Nhãn thức là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: "Nhãn xúc là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của nhãn xúc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của nhãn xúc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Nhãn xúc là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: "Thọ là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Thọ là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã, thọ là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: "Ái là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Ái là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã, thọ là vô ngã, ái là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: "Tai là tự ngã"...; nếu có ai nói rằng: ""Mũi là tự ngã"...; nếu có ai nói rằng: "Lưỡi là tự ngã"...; nếu có ai nói rằng: "Thân là tự ngã"...; nếu có ai nói rằng: "Ý là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ý đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Ý là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: "Các pháp là tự ngã", như vậy, là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của các pháp đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của các pháp đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Các pháp là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã. Nếu có ai nói rằng: "Ý thức là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý thức đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ý thức đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu ai nói rằng: "Ý thức là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: "Ý xúc là tự ngã ", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý xúc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ý xúc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu có ai nói rằng: "Ý xúc là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: "Thọ là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của thọ đã dược thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy, nên đưa phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu có ai nói rằng: "Thọ là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã, thọ là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: "Ái là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: "Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi". Do vậy, nếu có ai nói rằng: "Ái là tự ngã", như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã, thọ là vô ngã, ái là vô ngã.
(Nguồn gốc và đoạn diệt thân kiến)
Này các Tỷ-kheo, nhưng đây là con đường đưa đến sự tập khởi của thân kiến. Ai quán mắt là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi". Ai quán các sắc... Ai quán nhãn thức... Ai quán nhãn xúc... Ai quán thọ... Ai quán ái... Ai quán tai... Ai quán mũi... Ai quán lưỡi... Ai quán thân... Ai quán ý... Ai quán các pháp... Ai quán ý thức... Ai quán ý xúc... Ai quán ái: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi".
Nhưng này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến sự đoạn diệt của thân kiến. Ai quán mắt: ""Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi". Ai quán sắc... Ai quán nhãn thức... Ai quán nhãn xúc... Ai quán thọ... Ai quán ái... Ai quán tai... Ai quán mũi... Ai quán lưỡi... Ai quán thân... Ai quán ý... Ai quán các pháp... Ai quán ý thức... Ai quán ý xúc... Ai quán thọ... Ai quán ái: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
(Ba độc tùy miên)
Này các Tỷ-kheo, do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ, mà sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra.
Này các Tỷ-kheo, do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ mà sầu muốn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra.
(Ðoạn tận ba độc)
Này các Tỷ-kheo, do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy cảm xúc lạc thọ, mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ, mà không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra.
Này các Tỷ-kheo, do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức... Này các Tỷ-kheo, do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên cảm xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy cảm xúc lạc thọ mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ mà không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra.
(Giải thoát)
Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly mắt, yếm ly các sắc, yếm ly nhãn thức; yếm ly nhãn xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái. Vị ấy yếm ly tai, yếm ly các tiếng...; yếm ly mũi, yếm ly các hương...; yếm ly lưỡi, yếm ly các vị...; yếm ly thân, yếm ly các xúc...; yếm ly ý, yếm ly các pháp; yếm ly ý thức, yếm ly ý xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái.
Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết: "Ta đã được giải thoát". Và vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của sáu mươi Tỷ-kheo ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Những nhân tố : Căn , cảnh , thức trong hiện tượng xúc có yếu tố nào mang quyết định tuyệt đối ? - TT Pháp Đăng
III Trắc Nghiệm
Trắc nghiệm 1. Thuật ngử xúc _ phassa- Trong Phật học được hiểu liên hệ với Pháp nào sau đây :
A. Vô ngã , vì không có một nhân tố có quyền quyết định tuyệt đối) /
B. Duyên khởi ( do cái này có nên có cái kia ) /
C. Nhân quả ( Vòng luẩn quẩn của nghiệp , quả và phiền nảo) /
D. cả ba câu trên đều đúng
TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 1 : D.
Trắc nghiệm 2. Người hiểu được hiện tượng “ Xúc “ theo Phật học thì tin điều nào sau đây là đúng?
A. chọn lựa đi đâu làm gì trong ngày không hẳn là do nghiệp quá khứ chi phối .
B. Cảnh đẹp hay xấu không đơn giản chỉ do yếu tố chủ quan hay khách quan .
C. Nếu tất cả do quá khứ quyết định ( tiền định) thì sự tu tập vô nghĩa/
D. cả ba câu trên đều đúng .
TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 2 :D .
Trắc nghiệm 2. Người hiểu được hiện tượng “ Xúc “ theo Phật học thì tin điều nào sau đây là đúng?
A. chọn lựa đi đâu làm gì trong ngày không hẳn là do nghiệp quá khứ chi phối .
B. Cảnh đẹp hay xấu không đơn giản chỉ do yếu tố chủ quan hay khách quan .
C. Nếu tất cả do quá khứ quyết định ( tiền định) thì sự tu tập vô nghĩa/
D. cả ba câu trên đều đúng .
TT Tuệ Quyền cho đáp án trắc nghiệm 2 :D .