Monday, June 24, 2019

Bài học. Thứ Hai ngày 24 tháng 6, 2019

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 24/6/2019 
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)

 
PHÁP MƯỜI CHI 10.2

MƯỜI BIẾN XỨ CỦA THIỀN ĐỊNH

Atthi kho, āvuso, tena bhagavatā jānatā passatā arahatā sammāsambuddhena dasa  dhammā sammadakkhātā;
Này các Hiền giả, có mười pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. 
tattha sabbeheva saṅgāyitabbaṁ, na vivaditabbaṁ, yathayidaṁ brahmacariyaṁ addhaniyaṁ assa ciraṭṭhitikaṁ , tadassa bahujanahitāya bahujanasukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṁ. Katame dasa?
Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là chín?
dasa kasiṇāyatanāni. pathavīkasiṇameko sañjānāti, uddhaṁ adho tiriyaṁ advayaṁ appamāṇaṁ. āpokasiṇameko sañjānāti ... pe ... tejokasiṇameko sañjānāti... vāyokasiṇameko sañjānāti... nīlakasiṇameko sañjānāti... pītakasiṇameko sañjānāti... lohitakasiṇameko sañjānāti... odātakasiṇameko sañjānāti... ākāsakasiṇameko sañjānāti... viññāṇakasiṇameko sañjānāti, uddhaṁ adho tiriyaṁ advayaṁ appamāṇaṁ.
ii) Mười biến xứ: Một vị nào biết được địa biến xứ: trên, dưới, ngang, bất nhị, vô lượng. Một vị biết được thủy biến... Một vị biết được hỏa biến... Một vị biết được phong biến... Một vị biết được thanh biến... Một vị biết được hoàng biến... Một vị biết được xích biến... Một vị biết được bạch biến... Một vị biết được hư không biến... Một vị biết được thức biến, trên dưới, ngang, bất nhị, vô lượng.

Giải thích sau đây trích từ bộ Thanh Tịnh Đạo của Ngài Buddhaghosa, bản lược dịch của Hoà thượng Thích Phước Sơn
1. Biến xứ đất
Khi một Tỳ kheo đã tìm được một nơi tương đối thuận lợi, thì cần phải chọn một đề mục thích hợp để thiền quán. Ðề mục hay biến xứ phổ thông nhất mà các Tỳ kheo thường dùng là đề mục đất.
Cách làm biến xứ đất này có thể gắn cố định tại một chỗ hoặc dùng để mang theo bên mình đều được. Biến xứ cố định thì nên nắn một cục đất có hình dáng một đóa hoa sen, đường kính khoảng một gang tay, đặt tại một chỗ thuận tiện khi ngồi thiền, tránh các màu xanh, vàng, đỏ hoặc trắng. Trước lúc ngồi, phải loại trừ các chướng ngại từ nơi thân mình như tóc và móng tay dài, thân thể phải tắm rửa sạch sẽ, vá lại áo rách, nhuộm lại y cũ v.v.. Thế rồi, đặt hết tâm tư vào đối tượng ấy, nghĩ rằng: "Chắc chắn bằng cách nầy ta sẽ thoát khỏi già chết". Và suy nghĩ: "Dục đem lại vui ít mà khổ nhiều, não nhiều", khởi lên sự khao khát thoát ly dục vọng, khao khát từ bỏ mọi sự ô nhiễm của tâm hồn. Khởi lên niềm hân hoan tưởng nhớ những đức tính đặc biệt của Phật, Pháp, Tăng, khởi lên niềm kính phục với ý nghĩ rằng: "Ðây là con đường từ bỏ mà tất cả chư Phật, Ðộc giác và Thánh chúng đã dấn thân", Khởi lên niềm hăng hái với ý nghĩ: "Bằng cách nầy, chắc chắn ta sẽ biết được vị ngọt của hạnh độc cư". Sau đó, vị nầy nên mở 2 con mắt một cách vừa phải, quán tưởng và tiếp tục khai triển, nhưng mắt không rời đối tượng, như thể đang nhìn gương mặt mình trên một tấm gương soi.

Hành giả tiếp tục tu tập quán biến xứ ấy cho đến khi thâm nhập vào nơi tâm, bấy giờ dù mở mắt hay nhắm mắt, hành giả vẫn thấy tướng ấy rõ ràng. Ðó tức là Sơ tướng đã phát sinh. Thế rồi, tiếp tục quán chiếu dần dần, những triền cái được dập tắt, cấu uế lắng xuống, tâm trở nên tập trung với định cận hành và Tợ tướng xuất hiện. Sự khác nhau giữa Sơ tướng và Tợ tướng, như sau: Trong Sơ tướng, bất cứ lỗi nào của biến xứ đều hiện rõ, nhưng Tợ tướng xuất hiện như thể tách rời khỏi sơ tướng và trong sạch hơn gấp trăm ngàn lần.

Tâm hành giả bấy giờ trở nên an tĩnh, mà thông thường luận chủ gọi là phát sinh 2 thứ định. Ðó là Ðịnh cận hành (upacàra) và Ðịnh an chỉ (appanà). Ðịnh cận hành là do từ bỏ những triền cái, và Ðịnh an chỉ là do sự xuất hiện những thiền chi. Hai loại định nầy khác nhau chủ yếu là khi Ðịnh cận hành thì các thiền chi (tầm, tứ, hỉ, lạc, nhất tâm) còn yếu kém, nhưng đến khi Ðịnh an chỉ thì các thiền chi trở nên mạnh mẽ, và do thế, khi định nầy phát sinh là lúc hữu phần dừng lại, tâm tiếp tục với một dòng tốc hành tâm suốt cả đêm ngày.
2. Biến xứ nước
Người tu tập biến xứ này - cũng như trong trường hợp biến xứ đất - cần có thế ngồi thoải mái và nắm lấy tướng nước. Nếu người đã tu tập ở đời trước, thì khi cần tác ý đến nước, biến xứ nước sẽ hiện ra. Nếu đời trước chưa tu tập biến xứ này thì cần lấy một cái bát đổ đầy nước làm căn cứ để tác ý đến nước, và miệng thầm nhủ "nước, nước", cho đến khi nào Sơ tướng và Tợ tướng khởi lên rõ rệt. Khi tướng ấy xuất hiện thì hành giả đạt đến định cận hành và định an chỉ thuộc Tứ thiền hay Ngũ thiền như trên đã nói.
3. Biến xứ lửa
Người muốn tu tập biến xứ lửa cần nắm lấy tướng lửa. Nếu hành giả đời trước đã tu tập, thì có thể tác ý đến bất cứ loại lửa nào khi cần. Nếu đời trước chưa tu tập thì phải dùng một que củi đốt lên, rồi chú tâm đến ngọn lửa, miệng thầm nhủ " lửa, lửa", cho đến khi nào 2 loại định xuất hiện như trường hợp biến xứ nước.
4. Biến xứ gió
Người muốn tu tập biến xứ này cần phải nắm lấy tướng hư không, rồi an trú niệm vào gió thầm nhũ "gió, gió", cho đến khi nào Sơ tướng rồi tợ tướng xuất hiện.
5. Biến xứ xanh
Người tu tập biến xứ này cần phải nắm lấy tướng màu xanh. Nếu người đã từng tu tập từ đời trước thì có thể tác ý về màu xanh ở bất cứ vật gì. Nếu người chưa từng tu tập, thì phải dùng hoa sen xanh đặt trên một vật cố định, rồi chú tâm trên tướng ấy, thầm nhủ: "xanh, xanh", còn các việc khác như đã nói trong phần biến xứ đất.
6. Biến xứ vàng ….
7. . Biến xứ màu đỏ….
8. Biến xứ màu trắng….
9. Biến xứ ánh sáng….
10. Biến xứ hư không….
Người muốn tu tập các biến xứ này cũng theo cách tương tự như đã trình bày ở các biến xứ trên.

Ðức Ðạo sư đã dạy về 10 biến xứ, mỗi thứ đều có thể làm nhân cho 4 thiền hay 5 thiền. Ðó là chìa khóa chủ yếu của cõi sắc giới. Trong những biến xứ này, biến xứ đất là căn bản cho những thần thông, như: "một thân biến ra nhiều thân". Biến xứ nước là căn bản cho những thần thông như độn thổ, chui ra khỏi đất. Biến xứ lửa là căn bản cho những năng lực làm ra khói, ra lửa, nhưng chỉ đốt cháy những gì mình muốn đốt. Biến xứ gió là căn bản cho những thần thông như tạo ra những trận cuồng phong. Biến xứ xanh là căn bản cho những thần thông như tạo ra những hình tướng màu đen, bóng tối. Biến xứ vàng là căn bản cho những thần thông như tạo ra những hình tướng màu vàng. Biến xứ đỏ là căn bản cho những thần thông như tạo ra những hình tướng màu đỏ. Ngoài ra, các biến xứ còn lại cũng có những tác dụng tương tự như các loại vừa kể.
Tuy vậy, không phải ai cũng có thể tu tập được các loại biến xứ này. Bởi vì, nếu một hữu tình thuộc loại sau đây thì không thể tu tập bất cứ biến xứ nào: "Bị nghiệp làm chướng ngại, bị phiền não làm chướng ngại, bị nghiệp dị thục (quả báo của nghiệp) làm chướng ngại, thiếu đức tin, thiếu dục, thiếu tuệ. Những kẻ này không thể nhập được quyết định tánh trong các thiện pháp." (Vbh. 341)
Nghiệp chướng là chỉ những người có ác nghiệp kéo theo quả báo tức thì vào lúc tái sinh. Phiền não chướng chỉ cho hạng người có tà kiến bác bỏ nhân quả. Nghiệp dị thục hay báo chướng chỉ cho hạng người có một kiết sinh không có thiện căn. Thiếu đức tin là không tin tam bảo. Thiếu dục là thiếu lòng ham muốn đối với đạo lộ vô ngại. Thiếu tuệ là thiếu chánh kiến thế gian và xuất thế gian. Tánh quyết định chỉ cho thánh đạo.



ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Bài kinh sau đây trích từ Tăng Chi Bộ: (XI) (41) Ðống Gỗ  Như vầy tôi nghe: Một thời, Tôn giả Sāriputta trú ở Rājagaha, tại núi Gijjhakuta. Rồi Tôn giả Sāriputta, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát cùng với số đông Tỷ-kheo, từ núi Gijjhakuta đi xuống. Tôn giả thấy tại một chỗ nọ, một đống gỗ to lớn, thấy vậy liền nói với các Tỷ-kheo: - Này các Hiền giả, các Hiền giả có thấy đống gỗ to lớn ấy không? - Thưa Hiền giả, có thấy. . - Nếu muốn, này các Hiền giả, một Tỷ-kheo có thần thông, đạt tâm tự tại, có thể quán đống gỗ ấy là đất. Vì cớ sao? Vì rằng có địa đại trong đống gỗ lớn ấy, y tựa theo đó, Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại có thể quán đống gỗ ấy là đất. Nếu muốn, này các Hiền giả, Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại, có thể quán đống gỗ ấy là nước... là lửa... là gió... là tịnh... là bất tịnh.


Câu hỏi: Phải chăng để có thể biến đống gỗ thành đất, nước, lửa, gió.. thì những thứ đó phải có ở đống gỗ? - TT Tuệ Siêu


 III Trắc Nghiệm

Trắc nghiệm 1. Mười thiền xứ để tu tập tam muội định được gọi là biến xứ - kasiṇa mang đặc tính nào sau đây? 
A. Là những nguyên lý căn bản của vật chất và cảnh sắc / 
B. Là ấn tượng tồn tại xuyên suốt qua tất cả tầng thiền sắc giới /
 C. Cần thiết để tu luyện các thần lực siêu nhiên /
 D. Cả ba câu trên đều đúng

TT Pháp Đăng cho đáp án trc nghim 1 : D.

Trắc nghiệm 2. Câu nào sau đây được xem là đúng theo Phật học khi nói về các án  xứ của thiền chỉ?
 A. Không phải án xứ nào trong bốn mươi án xứ cũng giúp đạt được định an chỉ (appanà) /
 B. Không phải án xứ nào trong bốn mươi án xứ cũng giúp tôi luyện thần lực /
 C. Không phải án xứ nào trong bốn mươi án xứ tiếp tục tu tập xuyên suốt qua tất cả các tầng thiền /
 D. Cả ba câu trên đều đúng


TT Pháp Tân cho đáp án trắc nghiệm 2 : D


Trắc nghiệm  3. Theo Phật học thì câu nào sau đây được xem là chính xác?
A. Trước khi Đức Phật ra đời đã có những đạo sĩ tu và chứng đắc các tầng thiền /
 B. Khi Đức Phật ra đời thì Ngài cũng giảng dạy sự tu tập các thiền chứng sắc và vô sắc /
C. Chỉ có bậc toàn giác mới có thể dạy rõ về án xứ nào là biến xứ /
 D. Ba câu trên đều chính xác

ĐĐ Nguyên Thông cho đáp án trắc nghiệm 3 : D


No comments:

Post a Comment