Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRƯỜNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 16/6/2019
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP TÁM CHI 8.7
Atthi kho, āvuso, tena bhagavatā jānatā passatā arahatā sammāsambuddhena aṭṭha dhammā sammadakkhātā;
Này các Hiền giả, có tám pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác.
tattha sabbeheva saṅgāyitabbaṁ, na vivaditabbaṁ, yathayidaṁ brahmacariyaṁ addhaniyaṁ assa ciraṭṭhitikaṁ , tadassa bahujanahitāya bahujanasukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṁ
Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Katame aṭṭha?
Thế nào là tám?
Aṭṭha lokadhammā — lābho ca, alābho ca, yaso ca, ayaso ca, nindā ca, pasaṁsā ca, sukhañca, dukkhañca.
ix) Tám thế gian pháp: Ðắc, bất đắc, danh văn, ác văn, phỉ báng, tán thán, lạc, khổ
(VI) (6) Tùy Chuyển Thế Giới (2)
1.- Tám thế gian pháp này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám?
2. Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và chỉ trích, an lạc và đau khổ.
Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này.
3. Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỷ-kheo, sanh ra lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ. Với vị Thánh đệ tử nghe pháp, cũng sanh ra lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, không danh vọng, tán thán, chỉ trích, an lạc, đau khổ.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có đặc thù gì, thù thắng gì, có sai khác gì giữa vị Thánh có nghe pháp và kẻ phàm phu không có nghe pháp?
- Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn giảng cho ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy lắng nghe và suy niệm kỹ, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
4. - Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỷ-kheo, khởi lên lợi dưỡng. Vị ấy không có suy tư: "Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, khổ, biến hoại". Vị ấy không như thật rõ biết ... khởi lên không lợi dưỡng ... khởi lên danh vọng ... khởi lên không danh vọng ... khởi lên tán thán ... khởi lên chỉ trích ... khởi lên an lạc ... khởi lên khổ đau. Vị ấy không có suy tư: "Khổ này khởi lên nơi ta, khổ ấy là vô thường khổ, biến hoại". Vị ấy không như thật rõ biết, rằng lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, tán thán xâm nhập tâm của người ấy và an trú, chỉ trích xâm nhập tâm của người ấy và an trú, an lạc xâm nhập tâm của người ấy và an trú, đau khổ xâm nhập tâm của người ấy và an trú". Người ấy thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên và nghịch ứng với không lợi dưỡng; thuận ứng với danh vọng được khởi lên và nghịch ứng với không danh vọng; thuận ứng với tán thán được khởi lên và nghịch ứng với chỉ trích; thuận ứng với an lạc được khởi lên và nghịch ứng với đau khổ; Người ấy đầy đủ thuận ứng, nghịch ứng như vậy, không có giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, người ấy không thoát khỏi khổ.
5. Với vị Thánh đệ tử có nghe pháp, này các Tỷ-kheo, khởi lên lợi dưỡng. Vị ấy có suy tư: "Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, đau khổ, biến hoại". Vị ấy như thật rõ biết ... khởi lên không lợi dưỡng ... khởi lên danh vọng ... khởi lên không danh vọng ... khởi lên tán thán ... khởi lên chỉ trích ... khởi lên an lạc ... khởi lên khổ đau. Vị ấy có suy tư: "Ðau khổ này khởi lên nơi ta, đau khổ ấy là vô thường, khổ đau, biến hoại". Vị ấy như thật rõ biết, rằng lợi dưỡng này không xâm nhập tâm của vị ấy và an trú, không lợi dưỡng ...., danh vọng....., không danh vọng .... tán thán... chỉ trích... an lạc... đau khổ không xâm nhập tâm của vị ấy và an trú. Vị ấy không thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên, không nghịch ứng với không lợi dưỡng; không thuận ứng với danh vọng được khởi lên, không nghịch ứng với không danh vọng; không thuận ứng với tán thán được khởi lên, không nghịch ứng với chỉ trích; không thuận ứng với an lạc được khởi lên, không nghịch ứng với đau khổ; Vị ấy do đoạn tận thuận ứng, nghịch ứng như vậy, nên giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, vị ấy thoát khỏi khổ.
Ðây là đặc thù, này các Tỷ-kheo, đây là thù thắng, đây là sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp.
Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,
Danh vọng, không danh vọng
Tán thán và chỉ trích
An lạc và đau khổ
Những pháp này vô thường
Không thường hằng biến diệt
Biết chúng giữ chánh niệm
Bậc trí quán biến diệt
Pháp khả ái, không động
Không khả ái, không sân
Các pháp thuận hay nghịch
Ðược tiêu tan không còn
Sau khi biết con đường
Không trần cấu, không sầu
Chơn chánh biết sanh hữu
Ði đến bờ bên kia.
ÌI Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Phải chăng càng tha thiết mong cầu thuận cảnh thì chúng ta càng đau khổ khi đối diện với nghịch cảnh? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 3. Ngài Punna, một đệ tử Phật, đã nói rằng: Nếu bị người ta chưởi bới thì nghĩ rằng kể ra họ cũng còn tốt vì mới chưởi bới chứ chưa đánh đập. Quan niệm đó có thực tế chăng? (giống như người ta nói là “lạc quan tếu”) - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 4. Trong Luận Bảo Vương Tam Muội của Phật giáo Bắc Truyền có những câu mang tánh cánh “thuốc đắng đả tật” như: Nghĩ đến thân thể đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì tham dục dễ sanh./ Ở đời đừng cầu không khó khăn hoạn nạn, vì không khó khăn hoạn nạn thì kiêu xa nổi dậy./ Tự xét tâm tính đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo./ Xây dựng đạo hạnh đừng mong không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường…. Cách suy nghĩ đó thuộc nghịch ứng hay thuận ứng? Có là đối sách tốt? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 5. Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi. Hứa Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai. Khi đó, Sào Phủ mới dắt trâu tới suối uống nước, thấy Hứa Do rửa tai, bèn hỏi tại sao. Hứa Do trả lời: "Ông Nghiêu đòi tôi, biểu tôi thì làm vua." Sào Phủ bèn dắt trâu bỏ lên trên dòng nước cho uống.Hứa Do hỏi tại sao, Sào Phủ đáp: "Anh rửa tai anh xuống đó tôi sợ trâu tôi uống nhằm." Sào Phủ lại nói:"Anh đi đâu cho người ta biết vua mà muốn nhường ngôi vua cho anh, ấy là tại bụng anh vẫn còn danh lợi." Tám pháp thế gian là đặng, thất, vinh, nhục, khen, chê, vui, khổ làm tâm điên đảo. Người tu tập có nên sợ hãi đối với những điều đó chăng? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 6. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment