Thursday, November 28, 2019

Trang web Pháp Luân, tạm thời nghỉ,

Trang web Pháp Luân, tạm thời nghỉ từ thứ Bảy ngày 30 tháng 11, 2019 cho đến thứ Bảy ngày 7 tháng 12, 2019. 

Vì Webmaster đi vacation. 

Sẽ hoạt động trở lại ngày thứ Bảy 7, tháng 12, 2019

Bài học. Thứ Bảy ngày 30 tháng 11, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
GiảngSư:TT Pháp Tân
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 30/11/2019 
13. Ðại kinh Khổ uẩn (Mahàdukkhakkhandha sutta)

256. Cảm thọ trong bài kinh nầy được hiểu thế nào?

Cảm thọ - vedanà – là một thuật ngữ Phật học rất dễ bị hiểu là thái độ vui buồn hay bình thản đối với các cảnh hay những phản ứng tâm lý. Cảm thọ đơn thuần là cảm giác đối với cảnh như các hệ thống cảm biến (sensor) hoặc radar chứ không đóng vai trò xử lý như cảm xúc.
Thọ có mặt trong tất cả tâm (thọ là một trong bốn danh uẩn luôn đi chung: thọ tưởng hành thức)
Thọ có thể là thứ cảm biến sơ khởi khi căn, cảnh, thức gặp nhau trước khi có thái độ thương, ghét, lãnh đạm đây là trường hợp “xúc sở sanh thọ”
Thọ có thể là quả của nghiệp quá khứ trong trường hợp cảm thọ của ngũ song thức: quả thiện hay quả bất thiện được xác định ngay trong sự nhận biết của ngũ song thức đối với cảnh.
Thọ chi phối thái độ sống của chúng sanh, và từ đó tác động phiền não, nghiệp, quả như trong ý nghĩa “thọ duyên ái”.
Tất cả người học Phật nghiêm túc đều cần học hiểu một cách tinh xác về ý nghĩa của thọ - vedanà trong kinh điển.

257. Vị ngọt của cảm thọ trong bài kinh nầy được Đức Phật đề cập thế nào?

Đó là thứ cảm thọ do tinh luyện, xuất nhập như ý, bền chặt vững chãi không giống như cảm thọ bị động, vô chừng và đoản như trong cuộc sống hằng ngày. Đức Phật nói về cảm thọ trong tam muội định:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt các cảm thọ? Ở đây các Tỷ-kheo ly các dục, ly các bất thiện pháp, tự chứng và an trú vào Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Trong khi ấy, nếu vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, trong khi ấy vị ấy cảm giác một cảm thọ vô hại. Này các Tỷ-kheo, tối thượng vô hại ấy, Ta nói là vị ngọt các cảm thọ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú vào Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm... Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba... Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Trong khi ấy nếu vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, trong khi ấy vị ấy cảm giác một cảm thọ vô hại. Này các Tỷ-kheo, tối thượng vô hại ấy, Ta nói là vị ngọt các cảm thọ.

258. Câu Phật ngôn: “Trong khi ấy nếu vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, trong khi ấy vị ấy cảm giác một cảm thọ vô hại” được hiểu thế nào?

Chỉ cho trạng thái “mãn ý”. Cảm thọ trong tam muội định khiến thiền giả không truy cầu và tạo nên hệ luỵ cho tự thân hay tha nhân. Điều nầy có nghĩa là đối lập với cảm thọ của chúng sanh không có thiền định.

259. Sự nguy hiểm của cảm thọ, dù là cảm thọ trong thiền chứng, được dạy thế nào?
Tất cả đều bị vô thường chi phối. Không bền vững an ổn. Đó là nỗi lo, nỗi buồn cho ngay cả chúng sanh đang cảm thọ lạc dù thô hay tế.

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hiểm các cảm thọ? Này các Tỷ-kheo, các cảm thọ là vô thường, khổ, biến hoại, như vậy là sự nguy hiểm các cảm thọ”.
Về điểm nầy không nằm trong tầm hiểu biết của ngoại giáo.

260. Thế nào là xuất ly của cảm thọ?

Một lần nữa sự xuất ly chính là khả năng điều phục ái chấp, đoạn trừ dính mắc với chánh trí hiểu biết:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự xuất ly các cảm thọ? Này các Tỷ-kheo, sự điều phục dục tham đối với các cảm thọ, sự đoạn trừ dục tham, như vậy gọi là sự xuất ly các cảm thọ.

Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri vị ngọt các cảm thọ là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các cảm thọ của họ, họ cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các cảm thọ, sự kiện như vậy không xảy ra. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt các cảm thọ là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định như thật tuệ tri các cảm thọ của họ, họ có thể đặt các người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các cảm thọ, sự kiện như vậy có xảy ra.


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Tại sao theo kinh điển Pali thì thọ xã vẫn là cãm thọ không được xem là sự xuất ly của thọ ? - TT Tuệ Siêu 


Thảo luận 2. Sống an lạc có nên được xem là thành quả cụ thể của đời sống tu tập ? - TT Tuệ Siêu

 Thảo luận 3. Phải chăng nếu không có định lực của thiền thì rất khó để xuất nhập hay duy trì các cãm thọ như ý ? - TT Pháp Tân

 Thảo luận  4. Tại sao vô thường là sự nguy hại của cãm thọ ? - TT Pháp Tân 



 III Trắc Nghiệm

Bài học. Thứ Sáu ngày 29 tháng 11, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng & TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 29/11/2019 
13. Ðại kinh Khổ uẩn (Mahàdukkhakkhandha sutta)

252. Chữ “sắc – rùpa” trong ba phạm trù của khổ (các dục, các sắc, các cảm thọ) trong bài kinh nầy chỉ cho điều gì?

Chữ rùpa trong Phật học mang nhiều ý nghĩa. Rùpa có nghĩa là tất cả những gì thuộc vật chất. Nói chính xác là những gì do tứ đại tạo thành như được dùng trong từ kép “danh sắc”. Rùpa cũng có nghĩa là những gì được mắt thấy hay cảnh sắc nghĩa là đối tượng của thị giác như trong từ “cảnh sắc”. Cảnh sắc thuộc sắc pháp nhưng sắc pháp không hẳn chỉ có cảnh sắc.
Trong ngữ cảnh của bài kinh nầy thì khi nói về “vị ngọt, nguy hại và sự xuất ly của sắc thì sắc nầy chỉ cho đối tượng của mắt (cảnh sắc), nhấn mạnh hơn nữa là sắc dục hay nữ sắc.  
Thật ra điều nầy đã nằm trong  trong phạm trù thứ nhất là các dục nhưng ở đây được Đức Thế Tôn giảng dạy y cứ lời tuyên bố của ngoại đạo mà chư tỳ kheo kể lại.
Bản sớ giải cũng ghi là khổ do các dục là hệ luỵ trong kiếp hiện tại (sandiṭṭhiko dukkhakkhandho), còn cái khổ do sắc là cái khổ của kiếp lai sinh (samparā yiko dukkhakkhandho).

253. Vị ngọt của sắc được đề cập thế nào?

Là nét khả ái cuốn hút của nữ nhân ở thời chín mọng:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt các sắc pháp? Này các Tỷ-kheo, như các thiếu nữ Sát-đế-lị, thiếu nữ Bà-la-môn hay thiếu nữ Gia chủ, tuổi khoảng độ mười lăm hay mười sáu tuổi, không quá lớn, không quá thấp, không quá ốm, không quá mập, không quá đen, không quá trắng, này các Tỷ-kheo, có phải trong thời ấy, họ đạt đến mỹ diệu tối thượng, sắc đẹp tối thượng?

254. Sự nguy hại của sắc được Đức Phật dạy ra sao?
Đó là sự chi phối không tránh khỏi của thời gian, của vô thường biến hoại. Từ cái đẹp làm say đắm lòng người đến biến đổi khiến sanh lòng ngao ngán mà cả người đẹp lẫn người say mê sắc đẹp đều phải chạnh lòng:
[Già nua phủ cái hình hài]
Này các Tỷ-kheo, ở đây người ta có thể thấy bà chị ấy trong một thời khác, khoảng tám mươi tuổi, chín mươi tuổi hay một trăm tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, phải dựa gậy để chống đỡ, vừa đi vừa run rẩy, đau ốm, tuổi trẻ đã tận, râu rụng, tóc bạc, hư rụng, sói đầu, da nhăn, tay chân bị khô đét tái xám. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của người đó nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?

[Bệnh hoạn khiến thân tiều tụy, bất tịnh]
Lại nữa này các Tỷ-kheo, người ta có thể thấy bà chị ấy bị bệnh hoạn đau khổ, trầm bệnh, nằm đắm mình trong phân tiểu của mình, phải có người nâng dậy, phải có người đỡ nằm. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của người đó nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?

[Khi thân thể mỹ miều biến thành xác chết]
 Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, một ngày hay hai ngày hay ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu sắc đẹp xưa kia của cô gái đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?

[Khi hình hài đẹp đẽ trước khi trở thành thức ăn cho thượng cầm, hạ thú hay côn trùng]
Này các Tỷ-kheo, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của cô gái nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?

[Khi hình hành xinh đẹp tan rã]
Này các Tỷ-kheo, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại... với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột bộ xương, không còn thịt, không có máu, còn được gân cột lại, chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia, ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của cô gái nay đã biến mất, và sự nguy hiểm đã hiện ra?

[Khi thân thể mỹ miều trở thành đống xương vô dụng]

Này các Tỷ-kheo, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, chỉ có toàn xương trắng màu vỏ ốc... chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm... chỉ còn các xương thối trở thành bột. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của cô gái nay đã biến mất, và sự nguy hiểm hiện ra?

255. Đức Phật dạy gì sự xuất ly các sắc?
Một lần nữa sự xuất ly chính là khả năng điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham với chánh trí hiểu biết:
Này các Tỷ-kheo và thế nào là sự xuất ly các sắc pháp? Này các Tỷ-kheo, đây là sự điều phục dục tham đối với các sắc pháp, sự đoạn trừ dục tham, như vậy là sự xuất ly các sắc pháp.

Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri vị ngọt các sắc pháp là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các sắc pháp của họ, họ cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các sắc pháp, sự kiện như vậy không xảy ra. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt các sắc pháp là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định như thật tuệ tri các sắc pháp của họ, họ cũng có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các sắc pháp, sự kiện như vậy có xảy ra.


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Quán tưởng xác thân bị già, bệnh , chết hủy hoại có lợi ích gì cho đời sống tu tập ? - TT Pháp Tân

Thảo luận 2. Với người tu Phật khi bản thân bị đau bệnh nên làm gì ? - TT Tuệ Quyền

Thảo luận 3. ­Ít ai thoãi mái khi nghĩ về già, bệnh , chết sẽ xãy ra ở chính mình . Nhận thức thế nào gọi là nhìn với chánh trí ? - ĐĐ Nguyên Thông

Thảo luận 4. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận

Thảo luận 5. TT Pháp Tân chia sẻ thêm về bài học   


 III Trắc Nghiệm

Bài học. Thứ Năm ngày 28 tháng 11, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 28/11/2019 
13. Ðại kinh Khổ uẩn (Mahàdukkhakkhandha sutta)

246. Tại sao gọi là  Ðại kinh Khổ uẩn  (Mahàdukkhakkhandha sutta)?
Khổ uẩn nghĩa là sự khổ đau qua cái nhìn đa dạng, đa chiều, tổng hợp của nhiều thành tố.
Gọi là Ðại kinh Khổ uẩn  vì có hai bài kinh cùng tên một dài (đại kinh) và một ngắn (tiểu kinh) 

247. Đại ý Ðại kinh Khổ uẩn  (Mahàdukkhakkhandha sutta) là gì?
Thời ấy Phật Pháp được hoằng hoá rộng lớn khắp miền Trung Ấn. Lúc bấy giờ ngoại đạo thường đưa ra những quan điểm tương đồng với ngụ ý rằng họ cũng có những tinh hoa không khác với lời Phật dạy. Một số tỳ kheo tại Savatthi đi khất thực nghe gặp các tu sĩ ngoại đạo nói rằng: “Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục. Chư Hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp. Chư Hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ. Chư Hiền, ở đây có sự đặc thù nào, sự dị biệt nào, sự sai khác nào giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi về vấn đề thuyết pháp hay vấn đề giáo huấn?”. Các tỳ kheo trở về bạch lên Đức Thế Tôn. Đức Phật nhân đó dạy về khổ qua ba khía cạnh: vị ngọt, nguy hiểm và sự xuất ly. 

248. Cá dục ở đây chỉ cho những gì?
Chỉ cho năm ngoại cảnh khiên dục tham sanh khởi là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon và xúc lạc.

249. Thế nào vị ngọt của các dục?
Là những khoái lạc do năm trần cảnh mang lại:  “Các sắc pháp do nhãn căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn, các tiếng do nhĩ căn nhận thức... các hương do tỷ căn nhận thức... các vị do thiệt căn nhận thức... các xúc do thân căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, có năm pháp tăng trưởng dục như vậy. Này các Tỷ-kheo, y cứ vào năm pháp tăng trưởng dục này, có lạc hỷ khởi lên, như vậy là vị ngọt các dục”.

249. Thế nào là sự nguy hiểm của các dục?

Là những hệ luỵ do ham muốn dục lạc tạo nên:
[phải làm lụng cực khổ vì mưu cầu dục lạc]
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử nuôi sống với nghề nghiệp, như đếm ngón tay, như tính toán, như ước toán, như làm ruộng, như buôn bán, như chăn bò, như bắn cung, như làm công cho vua, như làm một nghề nào khác. Người ấy phải chống đỡ lạnh, phải chống đỡ nóng, phải chịu đựng sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng, mặt trời, các loài bò sát, bị chết đói chết khát. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thực hiện tại, thuộc khổ uẩn, lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên, là nguồn gốc của dục, là nguyên nhân của dục.

[Mưu cầu như không như ý sanh đau khổ]
Này các Tỷ-kheo, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, nhưng các tài sản ấy không được đến tay mình, vị ấy than vãn, buồn phiền khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: "Ôi! Sự nỗ lực của ta thật sự là vô ích, sự tinh cần của ta thật sự không kết quả". Này các Tỷ-kheo, như vậy, là sự nguy hiểm các dục... (như trên)... là nguyên nhân của dục.

[Có được mà giữ được lại là một gánh nặng khác]
Này các Tỷ-kheo, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, và các tài sản ấy được đến tay mình, vì phải hộ trì các tài sản ấy, vị ấy cảm thọ sự đau khổ, ưu tư: "Làm sao các vua chúa khỏi cướp đoạt chúng, làm sao trộm cướp khỏi cướp đoạt chúng, làm sao lửa khỏi đốt cháy, nước khỏi cuốn trôi, hay các kẻ thừa tự không xứng đáng khỏi cướp đoạt chúng?" Dầu vị ấy hộ trì như vậy, giữ gìn như vậy, vua chúa vẫn cướp đoạt các tài sản ấy, trộm cướp vẫn cướp đoạt, lửa vẫn đốt cháy, nước vẫn cuốn trôi hay các kẻ thừa tự không xứng đáng vẫn cướp đoạt chúng. Vị ấy than vãn, buồn phiền, khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: "Cái đã thuộc của ta, nay ta không có nữa". Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục... (như trên)... là nguyên nhân của dục.

[Danh lợi là nguyên nhân của tranh chấp nên cũng là một nguy hiểm của dục lạc]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lị tranh đoạt với Sát-đế-lị, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt; họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá; họ công phá nhau bằng gậy; họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục... (như trên)... là nguyên nhân của dục.

[Dục tham dẫn đến chiến tranh]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân... do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ dàn trận hai mặt, và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục... (như trên)... là nguyên nhân của dục.

[Dục tham dẫn đến tội ác và trả giá bằng sự trừng phạt của luật pháp]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân... do chính dục làm nhân, họ đột nhập nhà cửa, họ cướp giật đồ đạc, họ hành động như kẻ cướp, họ phục kích các đường lớn, họ đi đến vợ người. Các vua chúa khi bắt được một người như vậy liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình... Hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa)... chúc thủ hình (đốt tay)... khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt)... bì y hình (lấy vỏ cây làm áo)... linh dương hình (hình phạt con dê núi)... câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt)... tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền)... khối trấp hình... chuyển hình... cao đạp đài... họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm của dục... (như trên)... là nguyên nhân của dục.

[Dục tham khiến chúng sanh tạo ác nghiệp để rồi từ đó dẫn đến tái sanh vào khổ cảnh]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân... do chính dục làm nhân, họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý. Do họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung, họ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục, đưa đến đau khổ tương lai, là khổ uẩn, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, do chính dục làm nhân.

249. Thế nào sự xuất ly của các dục?

Con đường giải thoát hệ luỵ của dục là điều phục dục vọng bằng chánh trí. Chánh trí đó là sự hiểu biết toàn bộ cả ba phương diện: vị ngọt, nguy hiểm và sự xuất ly:

Này các Tỷ-kheo, thế nào là sự xuất ly các dục? Này các Tỷ-kheo, đây là sự điều phục dục tham đối với các dục, sự đoạn trừ dục tham, như vậy là sự xuất ly các dục.

Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri vị ngọt các dục là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các dục của họ, họ cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các dục, sự kiện như vậy không thể xảy ra. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt các dục là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ như thật tuệ tri các dục của họ, họ cũng có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các dục, sự kiện như vậy có xảy ra. 


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Tại sao người đời bị khổ nhưng không thể gọi là hiểu sự khổ ? - TT Pháp Tân 

Thảo luận 2. Phải chăng bước đầu vượt thoát khổ đau chính là sự hiểu biết rõ về khổ ? - TT Tuệ Quyền 


Thảo luận 3 Rõ ràng trong thế giới hôm nay con người hưởng thụ được nhiều vị ngọt của dục lạc , nhưng sự nguy hại của dục lạc và khổ đau có nhiều hơn chăng ? - ĐĐ Nguyên Thông 




 III Trắc Nghiệm

Wednesday, November 27, 2019

Bài học. Thứ Tư ngày 27 thaág 11, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Quyền
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 27/11/2019 
12. Đại kinh Sư tử hống (Mahàsìhanàda sutta)(tiếp theo)


240. Đức Thế Tôn đã nói về sự từng trãi của Ngài gồm những gì và mang ý nghĩa gì?

Năm giáo thuyết thịnh hành về tôn giáo và tu tập trong văn hoá Ấn được Đức Phật nêu lên và dạy rằng Ngài từng thực hành những điều đó ở mức độ khó người sánh được nhưng cuối cùng nhận ra tất cả đều vô ích. Năm giáo thuyết đó là:
Thanh tịnh nhờ khổ hạnh
Thanh tịnh nhờ luân hồi 
 Thanh tịnh nhờ tái sanh vào cõi tịnh
Thanh tịnh nhờ tế tự
Thanh tịnh nhờ thờ lửa

241. Đối với chủ thuyết thanh tịnh do khổ hạnh Đức Phật đã dạy gì?

Đức Phật thuật lại giai đoạn Ngài thực hành khổ hạnh trước khi thành đạo với những qua các cách tu khổ hạnh tột cùng: đệ nhất hành xác; đệ nhất bần uế; đệ nhất yểm ly; đệ nhất độc cư.
Cuối cùng với kinh nghiệm tự thân Ngài nhận ra sự khổ hạnh như vậy chỉ là dẫn đến huỷ hoại thân xác và Ngài đã chọn con đường trung đạo.
Những lời thuật lại của Đức Phật về thời gian tu khổ hạnh có giá trị đặc biệt về lich sử và văn hoá Ấn Độ.

242. Đối với chủ thuyết thanh tịnh nhờ luân hồi  Đức Phật đã dạy gì?

Thuyết luân hồi tịnh hoá, rất phổ thông trong tôn giáo Ấn Độ, với quan điểm chúng sanh luân hồi với số kiếp nào đó thì sẽ phản bổn hoàn nguyên. 
Đức Phật dạy nếu nói về luân hồi thì bản thân Ngài, và tất cả chúng sanh, đã trầm luân từ vô lượng kiếp nhưng không vì thế mà giải thoát.

243. Đối với chủ thuyết thanh tịnh nhờ sanh vào cõi tịnh  Đức Phật đã dạy gì?

Trong nền tín ngưỡng Ấn Độ, và nhiều tín ngưỡng thế giới, người ta tin vào thuyết vãng sanh. Điều nầy có nghĩa là có những cõi vi diệu, cực lạc nếu được sanh vào thì phàm hoá thánh, ô nhiễm thành thanh tịnh. Đức Phật dạy rằng trong tất cả các cõi ngoại trừ năm cõi tịnh cư thiên của các bậc thánh A Na Hàm thì Đức Phật khi còn ở kiếp tiền thân đều từng sanh vào nhưng không vì vậy mà trở thành thanh tịnh giải thoát.

244. Đối với chủ thuyết thanh tịnh nhờ tế tự  Đức Phật đã dạy gì?

Cúng bái tế tự là sự thực hành tín ngưỡng vô cùng phổ thông. Người ta tin tưởng mãnh liệt với nghi thức cúng kiếng có thể dẫn đến thanh tịnh.  Đức Phật dạy rằng:  Này Sāriputta, thật không dễ gì tìm được sự tế tự mà xưa kia Ta không làm trong một thời gian khá dài, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị có làm lễ quán đảnh, hay làm vị Bà-la-môn giàu có.

242. Đối với chủ thuyết thanh tịnh nhờ thờ lửa  Đức Phật đã dạy gì?

Tín lý bái hoả giáo hay thờ lửa bắt nguồn từ quan niệm Thượng đế là đấng Đại Quang Minh, đấng Vô Lượng Quang. Người ta tin sự thờ lửa là một cách tôn vinh Thượng đế. Đức Phật cho biết trong nhiều kiếp tiền thân Ngài từng thờ lửa như vậy nhưng không vì thế mà có thành tựu.

Này Sāriputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: “Sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ tế tự”. Này Sāriputta, thật không dễ gì tìm được sự tế tự mà xưa kia Ta không làm trong một thời gian khá dài, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị có làm lễ quán đảnh, hay làm vị Bà-la-môn giàu có.


243. Tuổi già chồng chất có làm Đức Thế Tôn cạn kiện năng lực?

Đức Thế Tôn và một số thánh đệ tử trên trăm tuổi không bao giờ lão hoá bốn phương diện: thành tựu chánh niệm đệ nhất, thành tựu định tâm đệ nhất, thành tựu tinh cần đệ nhất và đầy đủ trí tuệ biện tài tối thượng. Ngay khi Đức Thế Tôn dạy kinh nầy Ngài tám mươi tuổi nếu được hỏi về chi tiết của pháp học và pháp hành như bốn niệm xứ thì Ngài giảng giải không mảy may lẫn lộn hay thiếu xót.


244. Nói một cách chơn chánh về Đức Phật thì nói thế  nào?

Này Sāriputta, những ai nói một cách chân chánh sẽ nói như sau: “Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”. Vị ấy sẽ nói về Ta một cách chân chánh như sau: “Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”.

245. Một đệ tử Phật, Tôn giả Nagasamala, đã có cảm thán thế nào khi nghe Đức Phật giảng kinh nầy?

Lúc bấy giờ Tôn giả Nagasamala đứng sau lưng Thế Tôn và quạt cho Ngài! Tôn giả Nagasamala bạch Thế Tôn
—Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Sau khi nghe pháp môn này, lông tóc con dựng ngược. Bạch Thế Tôn, pháp môn này tên gọi là gì?
—Này Nagasamala, do vậy pháp môn này gọi là “Pháp môn Lông tóc dựng ngược”. Ông hãy như vậy thọ trì.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Nagasamala hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 2/Những lời dạy về thế giới như người ,cõi , nghiệp có lợi ích gì cho hành trình giác ngộ giải thoát ? - TT Pháp Tân

Thảo luận 3 Đức Thế Tôn là Đấng Đại Giác nên Ngài tuyên truyền Giáo Pháp với thái độ vô úy. Người con Phật có thể giãng Pháp với tinh thần vô úy không? - ĐĐ Nguyên Thông 



 III Trắc Nghiệm