Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 14/11/2019
10. Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta)(tiếp theo)
170. Quán tâm trên tâm (bhikkhu citte cittānupassī viharati) được hiểu thế nào?
Ở đây, Tỷ-kheo, với tâm có tham, biết rõ: "Tâm có tham"; hay với tâm không tham, biết rõ: "Tâm không tham". Hay với tâm có sân, biết rõ: "Tâm có sân"; hay với tâm không sân, biết rõ: "Tâm không sân". Hay với tâm có si, biết rõ: "Tâm có si"; hay với tâm không si, biết rõ: "Tâm không si". Hay với tâm thâu nhiếp, biết rõ: "Tâm được thâu nhiếp". Hay với tâm tán loạn, biết rõ: "Tâm bị tán loạn". Hay với tâm quảng đại, biết rõ: "Tâm được quảng đại"; hay với tâm không quảng đại, biết rõ: "Tâm không được quảng đại". Hay với tâm hữu hạn, biết rõ: "Tâm hữu hạn". Hay với tâm vô thượng, biết rõ: "Tâm vô thượng". Hay với tâm có định, biết rõ: "Tâm có định"; hay với tâm không định, biết rõ: "Tâm không định". Hay với tâm giải thoát, biết rõ: "Tâm có giải thoát"; hay với tâm không giải thoát, biết rõ: "Tâm không giải thoát".
Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm. "Có tâm đây", vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm.
Biết rõ nội tâm bằng sự ghi nhận khách quan không liên hệ đến ngã chấp. Thí dụ tâm có định, biết rõ tâm có định. Chứ không nghĩ: TÔI có định hay TÔI không có định.
Ghi nhận cả hai mặt của tâm: có tham hay không có tham….chỉ đơn giản là sự tương phản không có gì phải hãnh diện hay bực bội.
Cho dù tâm ở trạng thái nào chỉ ghi nhận để nuôi dưỡng chánh niệm chứ không cố ý tạo nên trạng thái nầy, trạng thái kia. Ghi nhận biết rõ một cách đơn thuần.
Mỗi lần chỉ một thứ tâm hiện hữu. Tâm ham muốn và tâm chánh niệm thấy được tâm ham muốn có thể làm hành giả bối rối. Kỳ thật thì khi quán sát tâm thì trạng thái “bị quán sát” thường biến mất trong khoảnh khắc trước (trở thành cảnh vừa qua). Với hành giả tu tứ niệm xứ thì cái gì vừa biến mất (giống như trong ngữ pháp là “quá khứ hoàn thành hay quá khứ tiếp diễn) cũng nằm trong khung thời gian hiện tại.
171. Tâm quán niệm xứ được áp dụng thế nào?
Ba trường hợp thường được các vị thiền sư hướng dẫn về tâm quán niệm xứ:
Quán tâm khi một tạp niệm xuất hiện. Đang niệm hơi thở bất chợt một suy nghĩ về việc gì đó hiện khởi. Hành giả ghi nhận “phóng tâm” và nhanh chóng trở về với hơi thở hay đề mục đang niệm.
Quán tâm với sự ghi nhận rõ ý định (danh) và hành động (sắc). Thí dụ đang ngồi thiền muốn đứng dậy đi nhà vệ sinh thì hành giả cần ghi nhận ý định trước khi chuyển đổi tư thế từ ngồi sang đứng dậy.
Quán tâm là ý thức được khuynh hướng của tâm trong một ngày hay một giai đoạn nào đó như ý thức “lúc nầy tâm thường nghĩ nhiều về công việc hoặc tâm thường nghĩ về hận thù oan trái…”
172. Tâm quán niệm xứ có thể thực hành riêng lẻ?
Giống như thọ quán niệm xứ, tâm quán niệm xứ thường được áp dụng chung với những pháp niệm khác (như niệm hơi thở). Ở giai đoạn sơ cơ hành giả thường được dạy về thân quán niệm xứ như đối tượng quán sát căn bản cho đến khi những tạp niệm xuất hiện thì quán sát tâm nhưng cần nhanh chóng trở về với hơi thở. Phải rất cẩn trọng để sự quán sát tâm không dẫn hành giả đi quá xa đề mục niệm chính.
173. Phân biệt danh sắc có lợi ích gì?
Danh là tâm. Sắc là thân. Phân biệt danh sắc để thấy rõ tương quan giữa ý định và hành động. Với chánh niệm sắc xảo hành giả cũng nhận ra nhu cầu của tâm là phiền não chứ không nhất thiết là nhu cầu của thân. Thí dụ: đang thiền toạ khởi niệm muốn uống ly nước chanh. Đó là ý muốn từ tâm chứ không hẳn là nhu cầu cấp thiết của thân. Quán tâm sắc bén giúp hành giả thấy được sợi giây ràng buộc giữa danh sắc là một hỗn hợp nhiều nhân nhiều duyên chứ không là một bản ngã hằng hữu.
174. Quán chiếu về chân tâm (bodhicitta) có nằm trong tâm quán niệm xứ?
Từ vựng bodhicitta phổ biến trong Phật giáo Đại thừa và Phương Tây ngày nay thường được dịch là chơn tâm hay Phật tánh nếu nói theo tứ niệm xứ thì là khái niệm triết học hay tư tưởng hơn là một thực tại để quán sát.
Hành giả quán tâm chỉ ghi nhận những trạng thái tâm sanh khởi: tham, sân, định …. chứ không lập tâm đi tìm một thực hữu hay lượng định “tôi là”, “tôi có” hoặc “đây mới thật là tôi”.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Một người có tâm ganh tị và thường nhận biết trạng thái tâm ganh tị thì cuộc sống có gì thay đổi? - TT Pháp Tân
Thảo luận 3. Phải chăng đối với người tu tứ niệm xứ khi tâm an lạc, nhẹ nhàng chỉ là trạng thái được ghi nhận chứ không phải để bám víu? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 4. Sự phân tích về tâm theo A Tỳ Đàm có giúp hành giả thực hành tứ niệm xứ? - TT Pháp Tân
Thảo luận 5. Ở phương diện nào tâm của chúng sanh giống nhau và phương diện nào tâm của chúng sanh khác nhau? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 6. Phải chăng quán tâm khó hơn quán thân?
Thảo luận 7. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment