Wednesday, November 13, 2019

Bài học. Thứ Tư ngày 13 tháng 11, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng SưTT Pháp Đăng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 13/11/2019 
10. Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta)(tiếp theo)

166. Câu “vị tỷ kheo sống quán thọ trên thọ (bhikkhu vedanāsu vedanānupassī viharati) được hiểu thế nào?

Thọ ở đây là cảm giác khi tâm tiếp xúc với cảnh. Nên phân biệt rõ đây thuần là cảm giác (như trong Anh ngữ là feeling) chứ không là cảm xúc (emotion) vui, buồn từ thái độ xử lý cảnh (hay phản ứng của tâm). Cảm giác thuộc thọ uẩn trong khi phản ứng đối với cảnh thuộc hành uẩn.

167. Quán sát thọ trên các thọ được dạy thế nào?

Tỷ-kheo khi cảm giác lạc thọ, biết rõ: " cảm giác lạc thọ"; 
khi cảm giác khổ thọ, biết rõ: " cảm giác khổ thọ"; 
khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, biết rõ: "cảm giác bất khổ bất lạc thọ". 
Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất, biết rõ: "cảm giác lạc thọ thuộc vật chất"; 
hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, biết rõ: "cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất". 
Hay khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, biết rõ: "cảm giác khổ thọ thuộc vật chất";
hay khi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất, biết rõ: "cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất". 
Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, biết rõ: "cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất"; 
hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất, biết rõ: " cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất".

Cảm giác lạc thọ chỉ cho cảm giác dễ chịu, vừa ý.
Cảm giác khổ thọ chỉ cho cảm giác khó chịu, không thoải mái.
Cảm giác bất khổ bất lạc chỉ cho cảm giác trung tính không khả ý cũng không khó chịu.

168. Cảm thọ thuộc vật chất hay không thuộc vật chất nghĩa là gì?

Theo sớ giải và theo bài kinh số 137 của Trung Bộ, Kinh Phân Biệt Sáu Xứ, thì cảm thọ thuộc vật chất (sàmisà) chỉ cho cảm giác thế tục (gehasita) thuộc cái tầm thường, trong lúc cảm giác không thuộc vật chất (nirāmisā) chỉ cho cảm giác từ sự tu tập hay nếp sống nghiêng về tinh thần (nekkhammasita). (sāmisaṁ vā sukhantiādīsu sāmisā sukhā nāma pañcakāmaguṇāmisanissitā cha gehasitasomanassavedanā. nirāmisā sukhā nāma cha nekkhammasitasomanassavedanā. sāmisā dukkhā nāma cha gehasitadomanassavedanā. nirāmisā dukkhā nāma cha nekkhammasitadomanassavedanā. sāmisā adukkhamasukhā nāma cha gehasitaupekkhā vedanā. nirāmisā adukkhamasukhā nāma cha nekkhammasitaupekkhā vedanā. tāsaṁ vibhāgo uparipaṇṇāsake pāḷiyaṁ āgatoyeva). Nói cách khác trong lúc tu tập có những cảm giác sanh khởi từ sự tự nhiên, như cảm giác khi ngồi trên một toạ cụ êm ái, mà cũng có những cảm giác đến từ nỗ lực tu tập như sự đau nhức do cố gắng thiền toạ. 
Những khổ lạc do thói quen như tự nhiên cảm giác khi nghe một âm thanh ngọt ngào là cảm giác thuộc bản năng, thuộc thói quen, thuộc thế tục thường tình (gehasita) . Trái lại những cảm giác khó chịu, dễ chịu hoặc trung tính vốn là “phó sản” của sự tu tập cần được ghi nhận là thuộc đời sống tinh thần hay do tu tập (nekkhammasita). 
Cũng nên lưu ý cảm giác không khổ không lạc thường khó nhận diện nếu chánh niệm không sắc bén vì không nỗi bậc; cảm giác nầy đôi khi cũng bị hiểu lầm là không có gì quan trọng thật ra khi quen thuộc thuần thục với đề mục tu tập thì hành giả cũng an lập trong cảm giác bình thản.

169. Quán sát thọ trên thọ được áp dụng thế nào?

Cảm giác vốn vô chừng. Có khi rõ rệt có lúc mờ nhạt. Có khi kéo dài có khi nhanh chóng tan biến. Có khi bất chợt có khi do nguyên nhân rõ rệt. Hành giả cần biết cách quán sát cảm thọ thế nào mà chánh niệm không bị “điệu hổ ly sơn”, nói cách khác là đi quá xa hoặc quá lâu. Ghi nhận cảm thọ sanh khởi ngay sau đó trở về với đề mục thường quán như bước chân hay hơi thở. 
Không trang bị khả năng quán sát cảm thọ sẽ khiến hành giả lúng túng khi những cảm thọ chi phối bất ngờ.
Khả năng phân biệt cảm thọ thường tình (bản dịch: thuộc vật chất) hay cảm thọ do tu tập (bản dịch: không thuộc vật chất) giúp hành giả tăng trưởng chánh tinh tấn. Dù thế nào thì đối với tất cả cảm thọ chỉ ghi nhận chứ không chống đối hay bám víu.


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận 1. Cảm giác bất khổ bất lạc có đồng nghĩa với không cảm giác? - TT Tuệ Siêu 


Thảo luận 2. Tại sao khổ thọ và lạc thọ không nhất thiết liên hệ tới phiền não. Nói cách khác là tại sao các bậc thánh đoạn tận phiền não vẫn có khổ thọ và lạc thọ? - TT Tuệ Siêu

Thảo luận 3. Kinh điển Phật giáo Bắc Truyền có nói đến hình ảnh tôn giả Mục Kiền Liên đau khổ khi thấy mẹ chịu khổ trong địa ngục. Theo Tam Tạng Pali thì một vị A la hán thinh văn thương xót chúng sanh (bằng tâm bi mẫn) hay thương kính Đức Phật có bằng cảm thọ ưu bi chăng? TT Tuệ Siêu 

Thảo luận 4. Một người đang trãi qua một cảm giác khổ hay lạc nếu quán sát với chánh niệm thì cảm thọ đó có tan biến? - TT Pháp Đăng 

Thảo luận 5. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận

Thảo luận 5. Tại sao các vị thiền sư thường dạy nếu một hành giả không thiện xảo trong chánh niệm đối với cảm thọ thì hậu quả là ‘bị chìm trong các cảm thọ và tâm trí trở nên muội lược”?

Thảo luận 6. Có thể nào một hành giả tu tứ niệm xứ chỉ tập trung vào thọ quán niệm xứ mà không chánh niệm hơi thở hay những đề mục khác?

Thảo luận 7. Làm thế nào để ghi nhận cảm giác bất khổ bất lạc?


Thảo luận 8. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment