Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Quyền & TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 19/11/2019
10. Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta)(tiếp theo)
195. Quán sát thất giác chi được dạy thế nào?
Ở đây Tỷ-kheo nội tâm có niệm giác chi, biết rõ: "Nội tâm có niệm giác chi"; hay nội tâm không có niệm giác chi, biết rõ: "Nội tâm không có ý niệm giác chi". Và với niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy biết rõ như vậy, và với niệm giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị ấy biết rõ như vậy.
Hay Tỷ-kheo nội tâm có trạch pháp giác chi... (như trên)... hay nội tâm có tinh tấn giác chi... (như trên)... hay nội tâm có hỷ giác chi... (như trên)... hay nội tâm có khinh an giác chi... (như trên)... hay nội tâm có định giác chi... (như trên)... hay nội tâm có xả giác chi, biết rõ: "Nội tâm có xả giác chi"; hay nội tâm không có xả giác chi, biết rõ: "Nội tâm không có xả giác chi". Và với xả giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy biết rõ như vậy, và với xả giác chi đã sanh nay được tu tập viên thành, vị ấy biết rõ như vậy.
Niệm giác chi là sự tỉnh táo bén nhạy ghi nhận các hiện tượng sanh diệt.
Trạch pháp giác chi là sự tinh tế phân biệt sanh diệt, danh sắc, thiện hay bất thiện
Cần giác chi là nghị lực hay sức mạnh điều hướng nội lực.
Hỷ giác chi là sự hân hoan, thoải mái trong sự tu tập.
Khinh an giác chi là sự nhẹ nhàng, tự tại, thuần thục.
Định giác chi là khả năng an trụ bền bĩ trong sự tập trung.
Xả giác chi là khả năng quân bình không bị thiên lệch tạo thành cực đoan.
196. Những giác chi như niệm, trạch pháp ... ở đây có giống với chánh niệm, trạch pháp... thông thường?
Các thiện pháp gọi là giác chi phải ở mức độ đủ lớn mạnh để liên kết và hỗ trợ cho những giác chi khác chứ không còn trong giai đoạn tu tập riêng lẻ. Sớ giải có thí dụ như những thành viên trong một nhóm người được phân công: mỗi thành viên phải đủ khả năng làm tốt phần hành của mình và hỗ trợ cho những thành viên khác trong nhóm. Khi bảy giác chi được đầy đủ thì con mắt tuệ hiện khởi.
197. Quán sát thất giác chi áp dụng thế nào?
Như một vị tướng ra quân phải nắm vững quân cơ, hành giả biết rõ từng giác chi có hay không có, chưa sanh hay đã sanh, còn phôi thai hay đã tinh luyện. Tôn giả Sàriputta dạy rằng người thanh tịnh biết bản thân thanh tịnh là bậc tôn quý vì chính cái biết đó giúp duy trì, pháp triển và làm viên mãn những yếu tố sanh khởi tuệ giác.
198. Pháp quán niệm xứ qua thất giác chi có phải là tu tập thất giác chi?
Ở giai đoạn bảy giác chi được quán sát như pháp quán niệm xứ thì bảy giác chi tương đối đã thuần thục với mức độ rất gần để gọi là tinh luyện. Những giác chi nầy không còn trong giai đoạn tu tập sơ khởi riêng lẻ mà đã đủ lớn mạnh để liên kết hỗ tương nhau.
199. Chánh niệm đối với niệm giác chi được hiểu thế nào?
Khi chánh niệm vừa là năng tri cũng vừa là sở tri là chánh niệm biết rõ sự bén nhạy, liên tục và tinh tế của niệm. Thí dụ tự biết những cảm thọ khổ, lạc, bất khổ bất lạc hiện khởi với cả hai điểm sanh và diệt đó là bén nhạy; dù bất cứ hiện tượng nào được ghi nhận cũng vẫn không rời chánh niệm đó là liên tục, biết rõ danh và sắc, nội xứ và ngoại xứ, ý định và hành động ... là sự tinh tế. Tự biết khả năng quán sát bén nhạy là chánh niệm đối với niệm giác chi.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Phải chăng chử “chi phan- anga” nói lên ý nghĩa liên hệ mật thiết với các pháp đồng sanh ? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 3. Nhiều người quan niệm rằng tu thì phải khổ thì mới có thành tựu chứng đắc , vậy tại sao những pháp như hỷ , lạc , khinh an thường được nhắc tới ? - TT Pháp Tân
Thảo luận 4. Tự biết những sở đắc của bạn thân có gọi là kiêu mạn? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 5. Sư đắc chứng giải thoát nào trong Phật Pháp không qua cảnh của giác ngộ ? - TT Pháp Đăng
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment