Saturday, November 16, 2019

Bài học. Thứ Bảy ngày 16 tháng 11, 2019

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH  HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 16/11/2019 
10. Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta)(tiếp theo)

180. Quán sát năm pháp cái được dạy thế nào?

Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nội tâm có ái dục, biết rõ: "Nội tâm có ái dục"; hay nội tâm không có ái dục, biết rõ: "Nội tâm không có ái dục". Và với ái dục chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với ái dục đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ như vậy; và với ái dục đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy.

Hay nội tâm có sân hận, biết rõ: "Nội tâm có sân hận"; hay nội tâm không có sân hận, biết rõ: "Nội tâm không có sân hận". Và với sân hận chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với sân hận đã sanh, nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ như vậy; và với sân hận đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy. Hay nội tâm có hôn trầm thụy miên, biết rõ: "Nội tâm có hôn trầm thụy miên"; hay nội tâm không có hôn trầm thụy miên, biết rõ: "Nội tâm không có hôn trầm thụy miên". Và với hôn trầm thụy miên chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ như vậy; và với hôn trầm thụy miên đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy. Hay nội tâm có trạo hối, biết rõ: "Nội tâm có trạo hối"; hay nội tâm không có trạo hối, biết rõ: "Nội tâm không có trạo hối". Và với trạo hối chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với trạo hối đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ như vậy; và với trạo hối đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy. Hay nội tâm có nghi, biết rõ: "Nội tâm có nghi"; hay nội tâm không có nghi, biết rõ: "Nội tâm không có nghi". Và với nghi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với nghi đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ như vậy; và với nghi đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy.

181. Pháp cái nghĩa là gì?
Pháp cái - nīvaraṇa có nghĩa là những pháp trói buộc, ngăn ngại sự tiến bộ. Thường được dịch là triền cái cũng có nghĩa là sự cột trói khiến dậm chân một chỗ không tiến tới được. Năm phiền não nầy đặc biệt đối lập với năm thiền chi là trở ngại cho bất cứ hành giả tu tập nào. 

Tham dục – kāmacchanda – là sự ham muốn mạnh mẽ đối với các cảnh dục. Sự nghiện ngập cũng nằm trong pháp cái nầy. Tâm bị tham dục chiếm ngự được ví như nước pha màu không còn trong trẻo nữa.
Sân độc – byāpāda – là thái độ căm ghét đối với cái gì đó. Tâm bị sân độc chiếm ngự được ví như nước bị sôi. Sự sôi dục khiến không thấy được xuyên thấu.
Hôn thuỵ -  thīnamiddha – nói đủ là hôn trầm và thuỵ miên nghĩa là trạng thái dã dượi buồn ngũ. Sự lười biếng và mê ngũ cũng có một phần chi phối bởi pháp cái nầy. Tâm nặng hôn trầm thuỵ miên được ví dụ như nước có nhiều rong rêu.
Trạo hối – uddhaccakukkucca – là trạng thái giao động và hối tiếc. Sự lo lắng bồn chồn cũng thuộc pháp cái nầy. Tâm bị trạo hối được ví như nước bị gió lay động mạnh tạo thành nhiều gợn sóng.
Nghi họăc – vicikiccha – là trạng thái lưỡng lự, phân vân, thiếu quyết đoán đối với Tam bảo, đối với bản thân, đối với nhân quả và đối với sự tu tập. Thắc mắc không phải là nghi hoặc. Nếu không hiểu mà tìm hiểu thì đó là thái độ học hỏi. Nghi hoặc là sự ngờ vực mà không chịu tìm hiểu. Tâm bị nghi hoặc chi phối được ví dụ như nước có pha bùn.

182. Quán sát năm pháp cái được áp dụng thế nào?

Hành giả sau khi học hiểu rõ về năm pháp cái thì xem đó là những đối tượng để quán sát chứ không phải để sợ hãi. Năm pháp cái nầy được nhận diện qua những sinh hoạt hằng ngày như ăn, ngũ, tụng kinh … và cần thấy rõ SỰ NGĂN NGẠI của những pháp cái nầy.
Tham dục ngăn ngại định tâm (vì vọng móng)
Sân hận ngăn ngại hỷ (sự hân hoan, thoải mái) trong sự tu tập
Hôn thuỵ ngăn ngại tầm (sự hướng tâm vào đề mục tu tập) khiến đề mục không rõ ràng, chánh niệm mờ nhạt.
Trạo hối ngăn ngại lạc (lạc trú trong đề mục định tâm) do tâm ý giao động.
Hoài nghi ngăn ngại tứ (sự gắn bó với đề mục định)

183. Nếu pháp cái chi phối mạnh mẽ thì hành giả nên làm gì?

Nếu hành giả gì những pháp cái chi phối mạnh nên tìm sự hỗ trợ thêm từ bên ngoài và nội tại.
Trợ duyên từ bên ngoài là thầy dạy có kinh nghiệm hay thiện hữu.
Trợ duyên từ bên trong là “tu bổ túc” như dành thì giờ tu tâm từ để giảm sân tâm, quán bất tịnh để giảm dục tham.
Hôn trầm và thuỵ miên thường đòi hỏi sự phấn đấu nhiều của đa số hành giả. Kinh nghiệm bản thân rất cần thiết để đối đầu với hôn thụy.
184. Tâm ở trạng thái nào gọi là tâm không bị uế nhiễm?
Tâm thanh tịnh, trong sáng là tâm đủ bén nhạy để làm năm điều:
Hướng tâm đến cảnh (đề mục định) dễ dàng theo ý muốn (thuật ngữ Phật học gọi là tầm )
Gắn bó với đề mục định một cách tự nhiên (thuật ngữ Phật học gọi là tứ )
Hân hoan với đề mục định (thuật ngữ Phật học gọi là hỷ )
Thoải mái với đề mục định (thuật ngữ Phật học gọi là lạc )
Trụ tâm bền bĩ với đề mục định (thuật ngữ Phật học gọi là định)


II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành

Thảo luận1. Tại sao có những phiền não dường như "vô tội " mà lại gọi là pháp triền cái như hôn trầm, thụy mien hay hoài nghi chẳng hạn ? - TT Pháp Đăng

Thảo luận 2. Có người quan niệm rằng khi tu một pháp môn nào đó như niệm Phật chỉ cần tập trung vào đề mục niệm hơn là bận tâm với những pháp khác như năm triền cái. Quan niệm đó có vấn đề chỗ nào? ĐĐ Nguyên Thông



 III Trắc Nghiệm

No comments:

Post a Comment