Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 17/11/2019
10. Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta)(tiếp theo)
185. Quán sát năm thủ uẩn được dạy thế nào?
Tỷ-kheo quán sát: "Ðây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng tập; đây là tưởng diệt. Ðây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt. Ðây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt".
186. Thuật ngữ ngũ thủ uẩn (pañc’upādānakkhandha) có giống với thuật ngữ ngũ uẩn (pañcakhandha)?
Ngũ uẩn là năm nhóm cấu thành sự hiện hữu của chúng sanh: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Năm thủ uẩn cũng là năm uẩn với hai ý nghĩa xa hơn:
Là pháp tạo thành do chấp thủ (upādāna)
Là đối tượng của chấp thủ
Các căn mắt, tai, mũi, lưỡi… được tạo thành do chấp thủ sắc, thinh, hương, vị… là thí dụ của pháp tạo thành do thủ.
Năm uẩn là đối tượng của chấp thủ: đây là của ta, đây là ta, đây là tự ngã của ta” là thí dụ cho ý nghĩa “đối tượng của chấp thủ”
187. Năm thủ uẩn gồm những gì?
Năm thủ uẩn tức ngũ uẩn đi với ý nghĩa “tạo thành do chấp thủ và đối tượng của chấp thủ”:
Sắc uẩn là thành phần vật chất của chúng sanh tạo nên bởi tứ đại.
Thọ uẩn là cảm giác khổ, lạc, bất khổ bất lạc. Thọ uẩn thường tạo nên “phản ứng bản năng” về hạnh phúc hay đau khổ, may mắn hay xui xẻo…
Tưởng uẩn là thành phần kinh nghiệm bao gồm hai khía cạnh nhận thức và hồi ức. Sự hấp thụ về văn hoá, giáo dục, vốn liếng sống của mỗi cá nhân đều nằm trong tưởng uẩn.
Hành uẩn là thành phần bao gồm cả ba phương diện: phản ứng, xử lý và tạo tác của tâm.
Thức uẩn là thành phần nhận thức của giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác ….
Sắc uẩn thuộc về thân.
Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn thuộc về tâm nên còn được gọi là bốn danh uẩn.
Sự hiện hữu của chúng sanh là sự tồn tại của các uẩn thường đi với chấp thủ “đây là của ta, là ta, là tự ngã của ta”
188. Quán sát năm uẩn được áp dụng thế nào?
Hành giả cần được giải thích rõ thế nào là năm uẩn và quán sát theo cách nhìn “đại loại” hơn là “vĩ mô” (trên phưong diện vĩ mô thì thọ, tưởng, hành, thức luôn đi chung một cách bất khả ly)
Nhìn hiện tướng theo tính cách tách biệt: đang hành thiền nhớ nghĩ đển ai đó lả tưởng uẩn, nhận thức một mùi hương thoang thoảng thuộc thức uẩn, thái độ bực bội khi nghe âm thanh nào đó thuộc hành uẩn…
Ghi nhận sự sanh diệt của từng sự việc: khi nảy chưa có bây giờ có là sanh. Đang có rồi biến mất là diệt. Sanh diệt là tướng được nắm bắt bởi chánh niệm. Khi chánh niệm thuần thục thì thấy tất cả là dòng sanh diệt liên tục.
Từ sự chánh niệm riêng lẻ từng hiện tượng dần dà hành giả sẽ giảm thiểu được ba căn bệnh trầm kha: “quơ đủa cả nắm”: cảm giác bất lạc sanh khởi thì cả cuộc sống buồn, cả thế giới buồn; “dán nhãn cá nhân” đụng chạm tới cảm giác của tôi là xúc phạm con người tôi; “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”: khi cuộc sống là dòng sanh diệt liên tục thì sự bám víu vào cái đã qua thật sự vô nghĩa.
189. Quán sát năm uẩn có khiến cho hành giả rối trí và xao lãng chánh niệm?
Cũng như nhiều pháp quán khác trong tứ niệm xứ hành giả cần vốn liếng hiểu biết rõ về năm uẩn. Thời gian sơ khởi thường có khuynh hướng tìm kiếm nhưng theo thời gian sẽ nhường lại cho sự nhận dạng vì năm uẩn luôn hiện hữu. Không nên tự tạo áp lực hay bối rối trước các hiện tướng. Kiên trì quán sát lâu ngày thì sự phân biệt năm uẩn sẽ rõ ràng; sự sanh diệt sẽ được ghi nhận bén nhạy và giảm thiểu tánh cách vui buồn mà nhường chỗ cho thái độ khách quan bình thản.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Tại sao đối với hiện tượng sanh diệt chúng ta thường “không cam lòng” để cho qua những gì đã đi qua? - TT Pháp Tân
Thảo luận 3. Khi nhìn tất cả hiện tượng chúng ta thường suy tư nhiều vậy làm sao để chỉ quán sát mà không suy luận? - TT Pháp Đăng
Thảo luận 4. “Sự chia chẻ” hiện hữu của chúng sanh là kết cấu của các uẩn có lợi ích gì cho người tu tập? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 5. Mỗi chúng sanh có bao nhiêu quyền lực với năm uẩn “của mình”? - TT Pháp Tân
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment