Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: TT Giác Đẳng & TT Tuệ Siêu
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 29/11/2019
13. Ðại kinh Khổ uẩn (Mahàdukkhakkhandha sutta)
252. Chữ “sắc – rùpa” trong ba phạm trù của khổ (các dục, các sắc, các cảm thọ) trong bài kinh nầy chỉ cho điều gì?
Chữ rùpa trong Phật học mang nhiều ý nghĩa. Rùpa có nghĩa là tất cả những gì thuộc vật chất. Nói chính xác là những gì do tứ đại tạo thành như được dùng trong từ kép “danh sắc”. Rùpa cũng có nghĩa là những gì được mắt thấy hay cảnh sắc nghĩa là đối tượng của thị giác như trong từ “cảnh sắc”. Cảnh sắc thuộc sắc pháp nhưng sắc pháp không hẳn chỉ có cảnh sắc.
Trong ngữ cảnh của bài kinh nầy thì khi nói về “vị ngọt, nguy hại và sự xuất ly của sắc thì sắc nầy chỉ cho đối tượng của mắt (cảnh sắc), nhấn mạnh hơn nữa là sắc dục hay nữ sắc.
Thật ra điều nầy đã nằm trong trong phạm trù thứ nhất là các dục nhưng ở đây được Đức Thế Tôn giảng dạy y cứ lời tuyên bố của ngoại đạo mà chư tỳ kheo kể lại.
Bản sớ giải cũng ghi là khổ do các dục là hệ luỵ trong kiếp hiện tại (sandiṭṭhiko dukkhakkhandho), còn cái khổ do sắc là cái khổ của kiếp lai sinh (samparā yiko dukkhakkhandho).
253. Vị ngọt của sắc được đề cập thế nào?
Là nét khả ái cuốn hút của nữ nhân ở thời chín mọng:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt các sắc pháp? Này các Tỷ-kheo, như các thiếu nữ Sát-đế-lị, thiếu nữ Bà-la-môn hay thiếu nữ Gia chủ, tuổi khoảng độ mười lăm hay mười sáu tuổi, không quá lớn, không quá thấp, không quá ốm, không quá mập, không quá đen, không quá trắng, này các Tỷ-kheo, có phải trong thời ấy, họ đạt đến mỹ diệu tối thượng, sắc đẹp tối thượng?
254. Sự nguy hại của sắc được Đức Phật dạy ra sao?
Đó là sự chi phối không tránh khỏi của thời gian, của vô thường biến hoại. Từ cái đẹp làm say đắm lòng người đến biến đổi khiến sanh lòng ngao ngán mà cả người đẹp lẫn người say mê sắc đẹp đều phải chạnh lòng:
[Già nua phủ cái hình hài]
Này các Tỷ-kheo, ở đây người ta có thể thấy bà chị ấy trong một thời khác, khoảng tám mươi tuổi, chín mươi tuổi hay một trăm tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, phải dựa gậy để chống đỡ, vừa đi vừa run rẩy, đau ốm, tuổi trẻ đã tận, râu rụng, tóc bạc, hư rụng, sói đầu, da nhăn, tay chân bị khô đét tái xám. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của người đó nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?
[Bệnh hoạn khiến thân tiều tụy, bất tịnh]
Lại nữa này các Tỷ-kheo, người ta có thể thấy bà chị ấy bị bệnh hoạn đau khổ, trầm bệnh, nằm đắm mình trong phân tiểu của mình, phải có người nâng dậy, phải có người đỡ nằm. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của người đó nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?
[Khi thân thể mỹ miều biến thành xác chết]
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, một ngày hay hai ngày hay ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu sắc đẹp xưa kia của cô gái đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?
[Khi hình hài đẹp đẽ trước khi trở thành thức ăn cho thượng cầm, hạ thú hay côn trùng]
Này các Tỷ-kheo, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của cô gái nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?
[Khi hình hành xinh đẹp tan rã]
Này các Tỷ-kheo, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại... với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột bộ xương, không còn thịt, không có máu, còn được gân cột lại, chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia, ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của cô gái nay đã biến mất, và sự nguy hiểm đã hiện ra?
[Khi thân thể mỹ miều trở thành đống xương vô dụng]
Này các Tỷ-kheo, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, chỉ có toàn xương trắng màu vỏ ốc... chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm... chỉ còn các xương thối trở thành bột. Này các Tỷ-kheo, các Người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của cô gái nay đã biến mất, và sự nguy hiểm hiện ra?
255. Đức Phật dạy gì sự xuất ly các sắc?
Một lần nữa sự xuất ly chính là khả năng điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham với chánh trí hiểu biết:
Này các Tỷ-kheo và thế nào là sự xuất ly các sắc pháp? Này các Tỷ-kheo, đây là sự điều phục dục tham đối với các sắc pháp, sự đoạn trừ dục tham, như vậy là sự xuất ly các sắc pháp.
Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri vị ngọt các sắc pháp là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các sắc pháp của họ, họ cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các sắc pháp, sự kiện như vậy không xảy ra. Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn, Bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt các sắc pháp là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định như thật tuệ tri các sắc pháp của họ, họ cũng có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các sắc pháp, sự kiện như vậy có xảy ra.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. Với người tu Phật khi bản thân bị đau bệnh nên làm gì ? - TT Tuệ Quyền
Thảo luận 3. Ít ai thoãi mái khi nghĩ về già, bệnh , chết sẽ xãy ra ở chính mình . Nhận thức thế nào gọi là nhìn với chánh trí ? - ĐĐ Nguyên Thông
Thảo luận 4. TT Giác Đẳng đúc kết phần thảo luận
Thảo luận 5. TT Pháp Tân chia sẻ thêm về bài học
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment