Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya
Giảng Sư: ĐĐ Huy Niệm
GIÁO TRÌNH TRUNG BỘ KINH HƯỚNG DẪN BÀI HỌC NGÀY 15/11/2019
10. Kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta)(tiếp theo)
175. Quán pháp trên pháp (bhikkhu dhamme dhammānupassī viharati) được dạy thế nào?
Là chánh niệm quán sát đối với những đề pháp như sau:
Quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái.
Quán pháp trên các pháp đối với năm thủ uẩn.
Quán pháp trên các pháp đối với sáu nội ngoại xứ.
Quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác chi.
Quán pháp trên các pháp đối với Bốn Thánh đế.
176. Chữ “pháp – dhamma” ở đây nghĩa là gì?
Thuật ngữ dhamma – pháp mang rất nhiều ý nghĩa trong Phật học. Một số dịch giả giải thích chữ pháp ở đây là những khái niệm trừu tượng của tâm ý (cảnh pháp). Bản sớ giải ghi rõ chữ pháp ở đây chỉ cho những chủ đề của pháp (lời Phật dạy) mang ba yếu tố:
a. Là những sự thật tự nhiên.
b. Là sự thật tự nhiên liên hệ tới hành trình giác ngộ giải thoát.
c. Là những sự thật có liên hệ tới sự tu tập được Đức Phật giảng dạy.
177. Quán pháp trên các pháp có phải là sự suy tư về pháp?
Quán pháp trên các pháp ở đây không phải là học hỏi từ nghe, đọc mà cũng không phải là suy luận. Một khi hành giả đã có được sự hiểu biết căn bản về các đề tài như năm triền cái, thất giác chi… từ sự học hỏi sau đó khi hành tứ niệm xứ sẽ trãi nghiệm những pháp nầy trên thực tế thân tâm. Nói cách khác tứ diệu đế có thể lãnh hội quan sự học hỏi hay suy luận nhưng cũng có thể trãi nghiệm trên thực tế bản thân.
178. Làm thế nào để giữ chánh niệm liên tục với những đề tài pháp vốn tác động sự suy nghĩ?
Hành giả tu pháp quán niệm xứ cần duy trì chánh niệm với khung thời gian rộng: toàn bộ sinh hoạt hằng ngày. Chánh niệm với sở hành qua thân, khẩu, ý; nhận thức được những đầu mối và hệ quả. Thí dụ tâm tham biết là tâm có tham đó thuộc về tâm quán niệm xứ. Nhưng nếu thấy được tâm tham ngăn ngại cho sự tập trung (vì vọng móng) thì đúng là tham triền cái (một trong ngũ cái). Thấy được ham muốn là pháp ngăn ngại và thấy khi trạng thái đó đang thực sự diễn ra đó là pháp quán niệm xứ. Đối với hành giả thì những đề tài và chi pháp không còn nằm trong sự suy tư hiểu biết mà là những thực tại ghi nhận được ngay ở trong cuộc sống.
179. Quán pháp trên pháp được áp dụng cụ thể thế nào?
Hành giả cần học hiểu rõ những đề tài pháp y cứ trên kinh điển và được sự giảng dạy tường tận của một vị thầy. Đôi khi những pháp thoại trong các trường thiền đáp ứng nhu cầu nầy. Sau khi hiểu rõ hành giả quán sát những pháp ấy qua những diễn biến của thân tâm. Thời gian đầu tu tập pháp quán niệm xứ cần môi trường thích hợp như một tu viện hay trung
tâm thiền định. Hành giả cần phân biệt rõ ba thứ trí: hiểu biết do học hỏi, hiểu biết do suy tư, hiểu biết do tu tập. Pháp quán niệm xứ là sự hiểu biết do tu tập: đọc những ý nghĩa của pháp qua cuộc sống thực tế chứ không đặt nặng suy luận.
II Thảo Luận: TT Giác Đẳng điều hành
Thảo luận 2. _ Có lời Phật dạy nào liên hệ tới giải thoát mà không y cứ trên sự thật ( chỉ vì phương tiện mà nói ). - ĐĐ Huy Niệm
Thảo luận 3. Trí tuệ do tu tập có giá trị lớn trong Phật Pháp , còn trí tuệ do học hỏi hay suy luận có được xem là đáng quý ? - TT Tuệ Siêu
Thảo luận 4. Có câu " thiên nhiên là một quyển sách mở rộng mà ở đó con người học được nhiều điều " thế nhưng tại sao quán pháp trên pháp lại hường sự quan sát vào những đề tài có khuôn khổ ? - TT Pháp Đăng
III Trắc Nghiệm
No comments:
Post a Comment